Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Tập Cận Bình là kẻ thù nguy hiểm nhất của xã hội tự do

Tập Cận Bình là kẻ thù nguy hiểm nhất của xã hội tự do

Người dịch: Nguyễn Quang A
27-1-2019
(Phát biểu của Gorge Soros tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới) 
Davos, Thuỵ Sĩ, 24-1-2019
Chào và cảm ơn tất cả các bạn đã đến.
Tôi muốn dùng thời gian của mình tối nay để cảnh báo thế giới về một mối nguy hiểm chưa từng có đang đe doạ chính sự sống sót của các xã hội mở.
Năm ngoái khi tôi đứng trước các bạn tôi đã dùng hầu hết thời gian của mình để phân tích vai trò bất chính của các hãng IT độc quyền. Tôi đã nói thế này: “Một liên minh đang nổi lên giữa các nhà nước độc đoán và các hãng IT lớn, độc quyền, giàu dữ liệu mà cùng nhau tạo ra các hệ thống mới sinh giám sát công ty với một hệ thống giám sát được nhà nước tài trợ đang phát triển rồi. Việc này rất có thể dẫn đến một mạng lưới kiểm soát toàn trị mà những thứ giống thế ngay cả George Orwell đã không thể tưởng tượng nổi.”
Tối nay tôi muốn lưu ý đến mối nguy hiểm chí tử đối mặt các xã hội mở từ các công cụ kiểm soát mà học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI, Artificial Intelligence) có thể đặt vào tay của các chế độ áp bức. Tôi sẽ tập trung vào Trung quốc, nơi Tập Cận Bình muốn nhà nước độc đảng thống trị.
Nhiều thứ đã xảy ra từ năm ngoái và tôi đã học được nhiều về hình thức kiểm soát toàn trị sẽ hình thành ở Trung quốc.
Tất cả thông tin tăng nhanh sẵn có về một người sẽ được hợp nhất trong một cơ sở dữ liệu tập trung để tạo ra một “hệ thống tín nhiệm xã hội.” Dựa vào dữ liệu đó, người dân sẽ bị các thuật toán đánh giá, xác định liệu họ có gây ra một mối đe doạ cho nhà nước độc đảng hay không. Rồi người dân sẽ được xử trí một cách phù hợp.
Hệ thống tín nhiệm xã hội vẫn chưa hoạt động đầy đủ, nhưng là rõ nó hướng tới đâu. Nó sẽ làm cho số phận của cá nhân lệ thuộc vào các lợi ích của nhà nước độc-đảng theo những cách chưa từng có trong lịch sử.
Tôi thấy hệ thống tín nhiệm xã hội là khủng khiếp và ghê tởm. Đáng tiếc, một số người Trung quốc thấy nó khá hấp dẫn bởi vì nó cung cấp thông tin và các dịch vụ không sẵn có hiện nay và cũng có thể bảo vệ các công dân tuân theo pháp luật chống lại các kẻ thù của nhà nước.
Trung quốc không phải là chế độ độc đoán duy nhất trên thế giới, nhưng không nghi ngờ gì nó là (chế độ độc đoán) giàu nhất, mạnh nhất và phát triển nhất về học máy và AI. Việc này làm cho Tập Cận Bình là kẻ thù nguy hiểm nhất của những người tin vào khái niệm xã hội mở. Nhưng Tập không đơn độc. Các chế độ độc đoán đang tăng nhanh trên khắp thế giới và nếu như chúng thành công, chúng sẽ trở thành toàn trị.
Với tư cách nhà sáng lập của các Quỹ Xã hội Mở (OSF-Xã hội mở Foundations), tôi đã hiến dâng đời mình cho việc chiến đấu chống các ý thức hệ tổng thể hoá (totalizing), cực đoan, mà cho một cách sai lầm rằng mục đích biện minh cho phương tiện. Tôi tin rằng khát vọng của nhân dân cho tự do không thể bị đè nén mãi mãi. Nhưng tôi cũng thừa nhận rằng hiện tại các xã hội mở bị nguy hiểm sâu sắc.
Cái tôi thấy đặc biệt đáng lo là, những phương tiện kiểm soát được AI phát triển trao cho các chế độ độc đoán ưu thế cố hữu đối với các xã hội mở. Đối với chúng, các phương tiện kiểm soát cung cấp một công cụ hữu ích; đối với các xã hội mở, chúng gây ra một mối đe doạ chí tử.
Tôi dùng “xã hội mở” như sự tốc ký cho một xã hội trong đó luật trị (rule of law) thịnh hành ngược với sự cai trị của một cá nhân và nơi vai trò của nhà nước là để bảo vệ các quyền con người và quyền tự do cá nhân. Theo quan điểm riêng của tôi, một xã hội mở phải đặc biệt chú ý đến những người chịu sự phân biệt đối xử hay sự loại trừ xã hội và những người không thể tự bảo vệ mình.
Ngược lại, các chế độ độc đoán sử dụng bất cứ phương tiện kiểm soát nào chúng có để duy trì quyền lực với sự thiệt hại của những người mà chúng bóc lột và đàn áp.
Làm thế nào các xã hội mở có thể được bảo vệ nếu như các công nghệ mới này cho các chế độ độc đoán một lợi thế gắn liền? Đó là câu hỏi làm tôi bận tâm. Và nó phải làm cho tất cả những người thích sống trong một xã hội mở bận tâm.
Các xã hội mở cần điều tiết các công ty sản xuất ra các phương tiện kiểm soát, trong khi các chế độ độc đoán có thể tuyên bố chúng là “các quán quân quốc gia.” Đó là cái đã cho phép một số công ty Trung quốc để đuổi kịp và thậm chí vượt qua các hãng đa quốc gia khổng lồ.
Điều này, tất nhiên, không phải là vấn đề duy nhất làm làm cho chúng ta lo ngày nay. Thí dụ, sự thay đổi khí hậu do con người gây ra đe doạ chính sự sống sót của nền văn minh của chúng ta. Nhưng thế bất lợi cấu trúc đối mặt các xã hội mở là một vấn đề đã làm tôi bận tâm và tôi muốn chia sẻ với các bạn những ý tưởng của tôi về làm thế nào để giải quyết nó.
Mối lo sâu sắc của tôi cho vấn đề này nảy sinh từ lịch sử cá nhân của tôi. Tôi sinh ra ở Hungary trong năm 1930 và tôi là người Do Thái. Tôi 13 tuổi khi bọn Nazi chiếm đóng Hungary và đã bắt đầu trục xuất những người Do Thái tới các trại huỷ diệt.
Tôi đã rất may bởi vì cha tôi đã hiểu bản chất của chế độ Nazi và đã dàn xếp những giấy căn cước giả và những chỗ ẩn náu cho tất cả các thành viên gia đình của ông, và cho cả một số người Do Thái khác nữa. Hầu hết chúng tôi đã sống sót.
Năm 1944 đã là trải nghiệm hình thành của đời tôi. Tôi đã học vào tuổi còn non về loại nào của chế độ chính trị thịnh hành là quan trọng đến thế nào. Khi chế độ Nazi được thay bằng sự chiếm đóng Soviet tôi đã rời Hungary càng nhanh càng tốt và đã tìm thấy nơi ẩn náu ở Anh Quốc.
Tại Trường Kinh tế học London (School of Economics) tôi đã phát triển khung khổ quan niệm của mình dưới sự ảnh hưởng của người thầy của tôi, Karl Popper. Khung khổ đó đã tỏ ra hữu ích không ngờ khi tôi kiếm được một việc làm cho mình trong các thị trường tài chính. Khung khổ chẳng liên quan gì đến tài chính, mà nó dựa vào tư duy phê phán. Cái này đã cho phép tôi phân tích những khiếm khuyết của các lý thuyết thịnh hành hướng dẫn các nhà đầu tư định chế. Tôi đã trở thành một nhà quản lý quỹ tự bảo hiểm rủi ro (hedge fund) và tôi đã tự hào là nhà phê bình được trả (tiền) cao nhất trên thế giới.
Vận hành một hedge fund đã rất căng thẳng. Khi tôi đã kiếm được nhiêu tiền hơn tôi cần cho bản thân mình và gia đình tôi, tôi đã trải qua một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên. Vì sao tôi phải giết mình để kiếm nhiều tiền hơn? Tôi đã suy ngẫm lâu và kỹ về cái tôi thực sự quan tâm và vào năm 1979 tôi đã lập ra Quỹ Xã hội Mở. Tôi đã xác định các mục tiêu của nó là để giúp mở các xã hội đóng, làm giảm các khuyết tật của các xã hội mở và thúc đẩy tư duy phê phán.
Những cố gắng đầu tiên của tôi đã nhắm đến việc làm xói mòn hệ thống apartheid ở Nam Phi. Rồi tôi đã chuyển sự chú ý của mình đến việc mở hệ thống Soviet. Tôi đã lập một liên doanh với Viện Hàn lâm Khoa học Hungari, mà đã dưới sự kiểm soát Cộng sản, nhưng các đại diện của nó đã âm thầm có thiện cảm với những cố gắng của tôi. Sự dàn xếp này đã thành công vượt quá những ước mơ rồ dại nhất của tôi. Tôi đã bị móc câu vào cái tôi thích gọi là “từ thiện chính trị.” Đó đã là trong năm 1984.
Trong những năm tiếp sau, tôi đã thử nhân bản thành công của tôi tại Hungary và tại các nước Cộng sản khác. Tôi đã làm khá tốt trong đế chế Soviet, kể cả bản thân Liên Xô, nhưng tại Trung quốc nó đã là một câu chuyện khác.
Cố gắng đầu tiên của tôi ở Trung quốc đã có vẻ khá hy vọng. Nó đã gồm một sự trao đổi những cuộc thăm viếng giữa các nhà kinh tế học Hungari những người được ngưỡng mộ hết sức trong thế giới Cộng sản, và một nhóm từ một think tank (viện nghiên cứu chính sách) Trung quốc mới được thành lập mà đã háo hức để học từ những người Hungari.
Dựa vào thành công ban đầu đó, tôi đã đề xuất với Trần Nhất Tư (Chen Yizi), lãnh đạo của think tank đó, để nhân bản mô hình Hungari ở Trung quốc. Trần đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) và thư ký chính sách có đầu óc cải cách của ông là Bào Đồng (Bao Tong).
Một liên doanh được gọi là Quỹ Trung Hoa (China Fund) đã được khai trương trong tháng Mười 1986. Nó đã là một tổ chức không giống tổ chức khác nào ở Trung quốc. Trên giấy tờ, nó đã có sự tự trị hoàn toàn.
Bào Đồng đã là nhà quán quân của nó. Nhưng rất đông địch thủ của các cải cách cấp tiến đã tụ hợp với nhau để tấn công ông. Họ đã cho rằng tôi là một đặc vụ CIA và đã yêu cầu cơ quan an ninh đối nội điều tra. Để bảo vệ mình, Triệu Tử Dương đã thay thế Trần Nhất Tư bằng một quan chức cao cấp của cảnh sát an ninh đối ngoại. Hai cơ quan đã ngang hàng và chúng đã không thể can thiệp vào công việc của nhau.
Tôi đã đồng ý với sự thay đổi này bởi vì tôi đã khó chịu với Trần Nhất Tư về việc trao quá nhiều grant (trợ cấp) cho các thành viên của viện riêng của ông ta và tôi đã không biết về sự đấu đá chính trị đằng sau sân khấu. Nhưng những ứng viên cho Quỹ Trung Hoa mau chóng đã để ý rằng tổ chức đã bị kiểm soát của cảnh sát chính trị và đã bắt đầu tránh xa. Chẳng ai đã can đảm để giải thích cho tôi lý do của việc đó cả.
Cuối cùng, một người Trung quốc được grant (grantee) đã thăm tôi ở New York và đã bảo tôi, với rủi ro đáng kể cho bản thân anh ta. Không lâu sau đó, Triệu Tử Dương đã bị truất quyền và tôi đã sử dụng lý do đó để đóng quỹ lại. Việc này đã xảy ra ngay trước cuộc thảm sát Thiên An Môn trong năm 1989 và nó đã để lại một “vết đen” trên hồ sơ của những người đã gắn với quỹ. Họ đã hết sức cố gắng để làm trong sạch thanh danh của họ và cuối cùng họ đã thành công.
Nhìn lại, rõ ràng tôi đã phạm phải một sai lầm trong việc thử để lập một quỹ hoạt động theo những cách xa lạ với người dân ở Trung quốc. Vào lúc đó, việc trao một grant đã tạo ra một cảm giác về nghĩa vụ lẫn nhau giữa nhà tài trợ (donor) và người nhận và đã buộc cả hai để vẫn trung thành với nhau mãi mãi.
Ngần ấy về lịch sử. Bây giờ hãy để tôi quay lại những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua, vài trong số đó đã làm tôi ngạc nhiên.
Khi tôi bắt đầu lần đầu tiên đi Trung quốc, tôi đã gặp nhiều người trong những vị trí quyền lực đã là những người tin nhiệt thành vào các nguyên tắc của xã hội mở. Trong thời thanh niên của họ, họ đã bị lưu đày về nông thôn để được cải tạo lại, thường đã chịu khổ sở nhiều hơn tôi đã bị ở Hungary rất nhiều. Nhưng họ đã sống sót và chúng tôi đã có nhiều điểm chung. Chúng tôi tất cả đã ở bên nhận của một chế độ độc tài.
Họ đã háo hức để học về các tư tưởng của Karl Popper về xã hội mở. Trong khi họ đã thấy khái niệm rất hấp dẫn, sự diễn giải của họ đã vẫn hơi khác với của tôi. Họ đã quen với truyền thống Khổng giáo, nhưng đã không có truyền thống bầu cử nào ở Trung quốc. Tư duy của họ đã vẫn mang tính thứ bậc và đã mang theo một sự tôn trọng gắn liền cho chức vụ cao. Mặt khác, tôi đã là người bình quân chủ nghĩa hơn và đã muốn mỗi người có một phiếu bầu.
Như thế, tôi đã không ngạc nhiên khi Tập Cận Bình vấp phải sự đối lập nghiêm trọng ở trong nước; nhưng tôi đã bị ngạc nhiên bởi hình thức nó đã lấy. Tại cuộc hội nghị ban lãnh đạo hè vừa qua ở khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, Tập Cận Bình đã có vẻ bị co vòi lại. Mặc dù không có thông báo chính thức nào, đã có lời đồn đoán rằng hội nghị đã không tán thành việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ và sự sùng bái cá nhân mà Tập đã xây dựng quanh mình.
Là quan trọng để nhận ra rằng những sự chỉ trích như vậy đã chỉ là một cảnh báo đối với Tập về những sự thái quá của ông, nhưng đã không đảo ngược việc bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ. Hơn nữa, “Tư tưởng Tập Cận Bình,” mà ông đã đề xướng như sự chưng cất của ông về lý luận Cộng sản đã được đề cao lên cùng mức như “Tư tưởng Mao Trạch Đông.” Như thế Tập đã vẫn là lãnh tụ tối cao, có lẽ suốt đời. Kết cục cuối cùng của sự đấu đá chính trị hiện thời đã vẫn không được giải quyết.
Tôi đã tập trung vào Trung quốc, nhưng các xã hội mở có nhiều kẻ thù hơn, Nga của Putin đứng đầu trong số chúng. Và kịch bản nguy hiểm nhất là khi các kẻ thù này hiệp lực lại với nhau, và học lẫn nhau về làm thế nào để áp bức nhân dân họ khéo hơn.
Câu hỏi tự đặt ra là, chúng ta có thể là gì để chặn chúng lại?
Bước thứ nhất là để nhận ra mối nguy hiểm. Đó là vì sao tôi đang nói ra tối nay. Nhưng bây giờ đến phần khó hơn. Những người trong số chúng ta mà muốn bảo vệ xã hội mở phải làm việc cùng nhau và lập một liên minh hữu hiệu. Chúng ta có một nhiệm vụ mà không thể phó mặc cho các chính phủ.
Lịch sử đã chứng tỏ rằng ngay cả những chính phủ, mà muốn bảo vệ quyền tự do cá nhân, có nhiều lợi ích khác và chúng cũng trao ưu tiên cho quyền tự do của các công dân của riêng chúng hơn là quyền tự do cá nhân như một nguyên tắc chung.
Các Quỹ Xã hội Mở của tôi tận tuỵ để bảo vệ các quyền con người, nhất là cho những người không có một chính phủ bảo vệ chúng. Khi chúng tôi bắt đầu bốn thập kỷ trước đã có nhiều chính phủ ủng hộ những cố gắng của chúng tôi nhưng những đội ngũ của họ đã thưa đi. Hoa Kỳ và châu Âu đã là những đồng minh mạnh nhất của chúng tôi, nhưng bây giờ họ bận với những vấn đề của riêng họ.
Vì thế, tôi muốn tập trung vào cái tôi xem là câu hỏi quan trọng nhất cho các xã hội mở: cái gì sẽ xảy ra ở Trung quốc?
Câu hỏi chỉ có thể được nhân dân Trung quốc trả lời. Tất cả những gì chúng ta có thể là là đưa ra một sự phân biệt rõ rệt giữa họ và Tập Cận Bình. Vì Tập đã tuyên bố sự thù địch của ông với xã hội mở, nhân dân Trung quốc vẫn là nguồn hy vọng chính của chúng ta.
Và, thực ra, có cơ sở cho sự hy vọng. Như một số chuyên gia Trung quốc đã giải thích cho tôi, có một truyền thống Khổng giáo, mà theo đó các cố vấn của hoàng đế được kỳ vọng để nói thẳng khi họ không đồng ý mạnh mẽ với một trong những hành động hay các chỉ dụ của ngài, cho dù việc đó có thể dẫn đến sự lưu đày hay xử trảm.
Điều này đã đến như một sự làm khuây khoả lớn đối với tôi khi tôi đã trên bờ vực tuyệt vọng. Những người bảo vệ tận tuỵ của xã hội mở ở Trung quốc, những người khoảng tuổi tôi, hầu hết đã về hưu và chỗ của họ đã được những người trẻ hơn lấp đầy mà họ lại phụ thuộc vào Tập Cận Bình cho việc cất nhắc. Nhưng một elite chính trị mới đã nổi lên mà sẵn sàng giữ vững truyền thống Khổng giáo. Điều này có nghĩa rằng Tập sẽ tiếp tục có một đối lập chính trị ở trong nước.
Tập giới thiệu Trung quốc như một hình mẫu lý tưởng cho các nước khác để bắt chước, nhưng ông ta đói mặt với những sự chỉ trích không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài nữa. Sáng kiến Vành Đai và Con Đường của ông đã hoạt động đủ dài để tiết lộ những thiếu sót của nó.
Nó đã được nghĩ ra để thúc đẩy các lợi ích của Trung quốc, không phải lợi ích của các nước nhận; các dự án cơ sở hạ tầng của nó đã chủ yếu được cấp tài chính bằng các khoản vay, không phải bằng các khoản trợ cấp (grant), và các quan chức nước ngoài đã thường được đút lót để chấp nhận chúng. Nhiều trong số các dự án này đã tỏ ra là phi kinh tế.
Trường hợp mang tính biểu tượng là ở Sri Lanka. Trung quốc đã xây dựng một cảng phục vụ các lợi ích chiến lược của mình. Nó đã không thu hút được đủ lưu lượng vận tải thương mại để trả được nợ và đã cho phép Trung quốc chiếm đoạt cảng. Có nhiều trường hợp tương tự ở những nơi khác và chúng đang gây ra sự phẫn uất lan rộng.
Malaysia đang dẫn đầu sự đẩy lùi. Chính phủ trước do Najib Razak đứng đầu đã bán hết cho Trung quốc nhưng trong tháng Năm 2018 Razak đã bị một liên minh do Mahathir Mohamed dẫn đầu đẩy ra khỏi chức vụ. Mahathir ngay lập tức đã ngừng vài dự án cơ sở hạ tầng lớn và hiện nay đang thương lượng với Trung quốc về Malaysia sẽ phải trả bao nhiêu tiền đền bù.
Tình hình là không rõ ràng ở Pakistan, mà đã là nước nhận lớn nhất của các khoản đầu tư Trung quốc. Quân đội Pakistani hoàn toàn chịu ơn Trung quốc nhưng lập trường của Imran Khan người đã trở thành thủ tướng tháng Tám vừa qua có tính nước đôi hơn. Vào đầu năm 2018, Trung quốc và Pakistan đã công bố những kế hoạch đồ sộ về hợp tác quân sự. Vào cuối năm, Pakistan đã ở trong một khủng hoảng tài chính sâu sắc. Nhưng một thứ đã trở nên hiển nhiên: Trung quốc có khuynh hướng sử dụng Vành Đai và Con Đường cho cả các mục đích quân sự nữa.
Tất cả những sự đình đốn này đã buộc Tập Cận Bình để sửa đổi thái độ của ông đối với Vành Đai và Con Đường. Trong tháng Chín, ông đã tuyên bố rằng “các dự án phù phiếm” sẽ bị tránh xa để ủng hộ các sáng kiến được hình thành một cách cẩn trọng và trong tháng Mười, Nhân dân Nhật Báo đã cảnh báo rằng các dự án phải phục vụ cho các lợi ích của các nước nhận.
Các khách hàng bây giờ đã được cảnh báo trước và vài trong số họ, trải từ Sierra Leone đến Ecuador, đang nghi ngờ hay đàm phán lại các dự án.
Quan trọng nhất, chính phủ Hoa Kỳ bây giờ đã nhận diện Trung quốc như một “địch thủ chiến lược.” Tổng thống Trump là không thể tiên đoán được một cách khét tiếng, nhưng quyết định này đã là kết quả của một kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng. Kể từ đó, ứng xử mang phong cách riêng của Trump phần lớn đã bị bỏ qua bởi một chính sách Trung quốc được chấp nhận bởi các cơ quan chính quyền và được giám sát bởi cố vấn về các vấn đề Á châu của Hội đồng An ninh Quốc gia Matt Pottinger và những người khác. Chính sách đã được phác hoạ trong một bài phát biểu có ảnh hưởng sâu rộng của Phó Tổng thống Mike Pence và ngày 4 tháng Mười.
Tuy nhiên, việc tuyên bố Trung quốc là địch thủ chiến lược là đơn giản quá mức. Trung quốc là một diễn viên toàn cầu quan trọng. Một chính sách hữu hiệu đối với Trung quốc không thể được quy giản về một khẩu hiệu.
Nó cần phải tinh vi, chi tiết và thực tiễn hơn rất nhiều; và nó phải gồm một sự đáp lại kinh tế của Mỹ đối với Vành Đai và Con Đường. Kế hoạch Pottinger không trả lời câu hỏi liệu mục tiêu cuối cùng là để làm phẳng sân chơi hay để tách xa (disengage) khỏi Trung quốc hoàn toàn.
Tập Cận Bình đã hiểu đầy đủ mối đe doạ mà chính sách mới của Hoa Kỳ đã đặt ra cho sự lãnh đạo của ông. Ông đã đánh bạc về một cuộc gặp gỡ cá nhân với Tổng thống Trump tại cuộc họp G20 tại Buenos Aires. Giữa chừng, sự nguy hiểm của chiến tranh thương mại đã leo thang và thị trường chứng khoán đã lao vào một đợt bán tháo nghiêm trọng trong tháng Mười Hai. Việc này đã gây ra những vấn đề cho Trump người đã tập trung mọi cố gắng của mình vào các cuộc bầu cử giữa kỳ 2018. Khi Trump và Tập gặp nhau, cả hai đã háo hức cho một thoả thuận. Không ngạc nhiên rằng họ đã đạt một thoả thuận, nhưng rất không quyết định: một cuộc đình chiến chín mươi ngày.
Giữa chừng, có những chỉ báo rõ ràng rằng một sự sa sút kinh tế có cơ sở rộng đang hình thành ở Trung quốc, mà tác động đến phần còn lại của thế giới. Sự giảm sút (tăng trưởng) toàn cầu là thứ cuối cùng thị trường muốn thấy.
Khế ước xã hội bất thành văn ở Trung quốc dựa vào các tiêu chuẩn sống tăng lên đều đặn. Nếu như sự sa sút trong nền kinh tế Trung quốc và thị trường chứng khoán là đủ nghiêm trọng, khế ước xã hội này có thể bị làm xói mòn và thậm chí cộng đồng kinh doanh có thể quay ra chống Tập Cận Bình. Một sự suy giảm hoạt động kinh tế như vậy cũng có thể kéo hồi chuông báo tử cho Vành Đai và Con Đường, bởi vì Tập có thể hết nguồn lực để tiếp tục tài trợ nhiều khoản đầu tư lỗ lã như vậy.
Về câu hỏi của sự quản trị internet, có một cuộc chiến tranh không tuyên bố giữa phương Tây và Trung quốc. Trung quốc muốn đề ra các quy tắc và các thủ tục cai quản nền kinh tế số bằng cách chi phối thế giới đang phát triển bằng các nền tảng (platform) và công nghệ mới của nó. Đấy là một mối đe doạ đối với quyền tự do Internet và trực tiếp đối với bản thân xã hội mở.
Năm ngoái tôi đã vẫn tin rằng Trung quốc nên được nhúng sâu hơn vào các định chế quản trị toàn cầu, nhưng từ khi đó ứng xử của Tập Cận Bình đã làm thay đổi ý kiến của tôi. Quan điểm hiện nay của tôi là, thay vì tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại với toàn bộ thế giới, Hoa Kỳ phải tập trung vào Trung quốc. Thay cho việc tha ZTE và Huawei một cách nhẹ nhàng, cần trừng trị chúng thẳng tay. Nếu như các công ty này thống trị thị trường 5G, chúng sẽ là một rủi ro an ninh không thể chấp nhận được đối với phần còn lại của thế giới.
Đáng tiếc, Tổng thống Trump có vẻ đi theo một hướng khác: đưa ra những nhượng bộ cho Trung quốc và tuyên bố chiến thắng trong khi khôi phục lại những cuộc tấn công của ông ta chống lại các đồng minh của Hoa Kỳ. Việc này chắc làm xói mòn mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ về việc kiềm chế những sự lạm dụng và sự vượt quá giới hạn của Trung quốc.
Để kết luận, hãy để tôi tóm tắt thông điệp tôi đang đưa ra tối nay. Điểm mấu chốt của tôi là, sự kết hợp của các chế độ áp bức với các độc quyền IT trao cho các chế độ đó một lợi thế gắn liền đối với các xã hội mở. Các phương tiện kiểm soát là các công cụ hữu ích trong tay của các chế độ độc đoán, nhưng chúng gây ra một mối đe doạ chí tử cho các xã hội mở.
Trung quốc không phải là chế độ độc đoán duy nhất trên thế giới nhưng nó là giàu nhất, mạnh nhất và tiên tiến nhất về mặt công nghệ. Điều này khiến cho Tập Cận Bình là địch thủ nguy hiểm nhất của các xã hội mở. Đó là vì sao lại quan trọng đến vậy để phân biệt các chính sách của Tập Cận Bình với những khát vọng của nhân dân Trung quốc. Hệ thống tín nhiệm xã hội, nếu như nó hoạt động, sẽ cho Tập sự kiểm soát hoàn toàn đối với nhân dân. Vì Tập là kẻ thù nguy hiểm nhất của xã hội mở, chúng ta phải gim chặt hy vọng của chúng ta vào nhân dân Trung quốc, và nhất là vào cộng đồng doanh nghiệp và một elite chính trị sẵn sàng giữ vững truyền thống Khổng giáo.
Điều này không có nghĩa rằng những người trong chúng ta mà tin vào xã hội mở nên vẫn thụ động. Thực tế là chúng ta ở trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mà đe doạ trở thành một cuộc chiến tranh nóng. Mặt khác, nếu như Tập và Trump không còn nắm quyền nữa, một cơ hội sẽ xuất hiện để phát triển sự hợp tác lớn hơn giữa hai siêu cường-cyber.
Có thể để mơ ước về cái gì đó giống Hiệp ước Liên hiệp Quốc mà đã nảy sinh ra từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Đấy sẽ là sự kết thúc thích hợp cho chu kỳ xung đột hiện thời giữa Hoa Kỳ và Trung quốc. Nó sẽ thiết lập lại sự hợp tác quốc tế và cho phép các xã hội mở hưng thịnh. Điều đó tóm tắt thông điệp của tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.