Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

HOÀI NIỆM TẾT - Tùy bút của Trần Ngọc Kha

HOÀI NIỆM TẾT - Tùy bút của Trần Ngọc Kha


Hoài niệm Tết

Trần Ngọc Kha
Lại một mùa xuân nữa đang đến rất gần cho mỗi người, mỗi nhà. Khoảnh khắc này tâm tưởng mỗi chúng ta đều hướng về nguồn cội, nơi có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, họ hàng, có kỷ niệm tuổi thơ và bao niềm tiếc nuối… 
Đã thấy bạn mình gọi điện thoại: “29 Tết này nhà mình mổ lợn, về uống rượu tiết canh, lòng lợn cho vui nhé!”. Bạn tôi đấy, từ thuở thiếu thời. 

Đã thấy bày bán khắp nơi những là quất, đào, mai và muôn vàn những trái cây cho mâm ngũ quả trên những nẻo chợ quê, đường quê. 
Lại thấp thoáng những là mẹ ta, chị ta, em ta hối hả gánh gồng, tíu tít mời chào, rộn ràng thăm hỏi. Tết đang về dẫu trong lòng ai còn bộn bề lo âu, phiền muộn, dẫu phía trước còn mịt mù, chông gai, dang dở… 
Sáng nay, 26 Tết, có dịp đảo qua quán trà cụ Lư, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. “Chỉ còn nay, mai nữa là quán nghỉ đấy, tranh thủ vào đây nào” - đang loay hoay tìm chỗ dựng xe, đã nghe có tiếng vọng ra từ quán. Đón chén trà nóng ấm trên tay từ cụ Lư, tôi lựa nhịp bắt đầu góp chuyện. Vẫn những người khách trung thành với quán. Vẫn những đề tài về nhân tình thế sự, về lối sống, gia đình, họ mạc…, có điều chuyện nào cũng Tết. Người bảo Tết nay chơi là chính. Nay kinh tế khá lên, cái ăn khong còn thành vấn đề bí bách nữa nên có thể nói, người Hà Nội ăn Tết quanh năm. Người ta sẵn sàng xỉa tiền ra hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng ra để rước một cây đào thế về chơi Tết. Mấy ai còn để ý đến cái việc mà trong những cái Tết xưa được coi là quan trọng nhất: Luộc bánh chưng. “Ôi dào! Tết chỉ cần một hai cái, cốt để thắp hương. Ra chợ đặt mua là xong” - anh bạn đồng nghiệp của tôi xướng lên ráo hoảnh. Lác đác có vài ý kiến yếu ớt cố hoài niệm vớt vát cho cái tục lệ cổ truyền này, rằng đâu chỉ riêng vì mấy cái bánh chưng thờ Tết mà ta phải bận bịu việc này mà đó còn là cả môt câu chuyện vô hồi kết về tình làng nghĩa xóm, về nghĩa mẹ, công cha, tình anh em, con, cháu… Mà thờ Tết như thế đâu có phải đạo thờ như thời Hùng Vương truyền lại, khi chiếc bánh chưng kia không phải do tự tay ta làm dâng cúng tổ tiên? Nhưng dường như những lời này không xuể khi lớp trẻ vẫn ào ào lên tiếng át đi. Đã nghe có tiếng thở dài. Tết nay người Hà Nội ăn mặc đẹp và sang trọng hơn xưa, đi lại bằng nhiều phương tiện cá nhân “xịn” hơn xưa nhưng hình như cũng ít thân thiện với nhau so với trước. Nghe mấy bác đầu hai thứ tóc hoài niệm về “chúng tôi ngày trước…” mà lòng tôi se sắt. Ngay trước, họ kể, chúng tôi đi vắng không về kịp lo bữa cho con, hàng xóm thấy vậy tự nguyện lo hộ rất nhiệt tình, vô tư. Những đứa trẻ các nhà trong khu tập thể sống với nhau vui lắm. Cứ thế, chúng lớn lên trong tình cảm sâu nặng láng giềng…Còn bây giờ, ngay người viết bài này cũng không khỏi băn khoăn khi nhiều năm rồi đi Tết hàng xóm mà không mấy khi được họ phúc đáp. Ngày thường phớt nhau đã đành, Tết cũng kiệm lời chào. 
Nhớ hồi còn nhỏ mỗi độ Xuân về, Tết đến, vui nhất là những khi nhà tôi luộc bánh chưng. Ấy là lúc không chỉ có họ hàng mà cả các bác, các cô bên hàng xóm cũng được dịp sang chơi. Những câu chuyện quanh nồi bánh chưng sao thân tình biết bao. Từ chuyện “thằng cả”, “thằng hai” nhà ông, nhà tôi đã về chưa, đến chuyện “con bé nhà bà” đã có ai chưa?... Tôi chỉ thích nghe các cụ nói chuyện ngày xưa, Tết xưa. Xưa nhà tôi, nghe bố tôi nói, giầu lắm. Nội tôi có gần trăm mẫu ruộng. Người làm hàng chục người, mỗi bữa phải nấu mấy cái nồi cơm 50 mới đủ ăn cho họ. Thừa tiền ông tôi mua chức lý trưởng chơi cho vui. Mỗi Tết ông tôi mổ vài con trâu mời mọc bao khách khứa. Vậy nhưng khi theo cách mạng từ năm 18 tuổi, bố tôi đoạn tuyệt hẳn với của cải gia đình, quyết đồng cam cộng khổ với anh em. Ông “bôn-se-vích” đến mức về già, mặc dù phải sống đói nghèo bằng đồng lương ít ỏi nhưng khi thấy mẹ tôi có năm gần Tết tha được ở đâu về mấy chục cái bloc lịch giấu ở gậm giường để dành bán lẻ, ông kêu giời, kêu đất: “Bà có đem cái của nợ này đi đâu thì đem. Người ta khám nhà bắt được thì chết”. Mẹ tôi, đến nước này, không cam chịu nữa, bùng lên tất cả. Rằng ông theo ai thì theo chứ tôi không theo nữa. Tôi cóc sợ ai nữa. Tết năm đó, nhà tôi bắt đầu ấm hơn bởi mẹ tôi bắt đầu trở thành “con buôn” sau hàng chục năm làm cán bộ. Rồi năm sau, năm sau nữa, bà tiếp tục buôn bán lịch, tranh ảnh, sách báo… 
Năm nay nhiều người dự báo Tết về sẽ ấm. Chẳng biết nên vui hay không, tôi cứ thẫn thờ vào ra nhớ mẹ. Trước cữ này, mẹ bắt đầu mua hành củ về bóc vỏ muối chua kịp Tết. Rét lạnh thấu xương mà bàn tay mẹ vẫn xoay xoay từng củ hành bóc vỏ. Hơi hành cay cay dâng lên lan tỏa cả nhà. Tưởng chừng Tết đã đến rất gần đâu đó… Lạnh thấu xương, vẫn thấy mẹ rẽ sương đèo hàng đi chợ. Nặng chĩu hai chiếc túi vắt ngang vắt dọc chiếc xe đạp phượng hoàng. Con dốc Chợ Cói, Vĩnh Yên cao thật là cao lại dài thật là dài. Mẹ gồng người đẩy xe hàng, mồ hôi cứ vã ra như tắm. Cữ này năm nao, tôi vẫn mải mê nơi giảng đường đại học với những ngày cuối năm vô lo… Để cữ này hôm nay, tôi cứ thẫn thờ vào ra lẩm nhẩm mấy từ Tết ấm… Tết ấm, mẹ tôi, con dốc dài thao thức. Tết ấm, những cành đào nở sớm, rộ lên một góc trời cứ đăm đăm, xa xót của những người vun trồng. Tết ấm, con gái tôi tha hồ tung tăng trong bộ váy xòe hoa vui. Tết ấm, cầm trên tay tờ báo Tết vừa in xong còn nguyên mùi mực, cứ chộn rộn trong lòng nỗi niềm ai nhớ thương ai… Càng gần đến Tết càng thấy bơ vơ. Dễ đến hơn hai chục năm có lẻ sống ở đất Hà Thành mà mình vẫn chưa thôi cảm giác sống nhờ, sống mượn. Ngày còn mẹ hầu như năm nào tôi cũng đưa cả gia đình về quê ăn Tết cùng mẹ. Nay mẹ đi rồi, con biết về đâu? Hà Nội của ai? Của những con đường vắng tanh ngày Tết, của những con người ăn vận chải chuốt, súng sính áo quần mà lạnh tanh giao tiếp. Mặc dù sống ở đây nhưng nhiều năm trôi qua, tôi vẫn duy trì tục gói bánh chưng. Cho các con tôi biết đến, cũng là để cho mình đỡ nhớ ngày xưa. 
Năm nay, tôi vẫn muốn tiếp tục việc này. Cơ mà, cứ sợ thêm mãi cô đơn... 

Thời khắc trở về 
Trần Ngọc Kha 

Góc thềm vương khói cũ. Đón bước chân ai về. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện, chiều 27 Tết

Thời khắc này có bao đứa con, bao người chồng, người vợ đã trở về nhà. Nghe bạn tôi trưng bức ảnh gặp lai ngôi nhà thân thuộc của mình, nơi bạn qua đi thời thơ ấu với bao người thân thuộc mà lòng tôi chộn rộn, bâng khuâng. “Tết này ông ăn ở đâu?” - câu hỏi đến với tôi từ mấy ngày nay sao khó trả lời đến vậy? Thì tôi ăn Tết ở nhà, ở Hà Nội, chứ còn ở đâu? Là bạn tôi cứ nghĩ mình là người nhà quê… Tôi người nhà quê, đúng vậy. Nhưng tôi đâu còn được may mắn, hạnh phúc như chủ nhân bức ảnh nói trên và bao người đã và đang lặn lội vượt qua bao cây số đường đất tỏa về bao miền quê yêu dấu đó, để ăn Tết. Bởi lẽ, cha, mẹ đi rồi. Ngôi nhà thân thuộc của mấy chị em tôi cũng đi rồi. Đến đây, cảm xúc nhớ thương, cô quạnh cứ dâng lên khiến nước mắt tôi cứ trào ra. 

Bạn lại vừa post lên mấy bức ảnh nữa kìa - ngôi nhà hương ấm bay, góc thềm vương khói cũ, đón bước chân ai về. Tôi người nhà quê! Vâng, tôi mãi người nhà quê khi đã từng cũng được về với mẹ. Ai đó đã thốt lên hộ tôi những câu thơ cháy lòng: “Về với mẹ con lại là trẻ nhỏ/Mái nhà xưa vẫn thấp tự bao giờ…”. Những dạo ấy, tôi thường chạy băng băng ra những cánh đồng, đến bên những luống mùi già mà hít hà hương nội, len lỏi giữa chợ quê, chẳng để mua gì. Tôi đã hàng giờ ngồi bên mẹ, bên bà, vuốt mãi những sợ tóc pha sương của mẹ mà kể vội kể vàng về những năm tháng ấy tôi xa. Mẹ cứ hỏi dồn, tôi cứ líu lo. Ngày ấy, mẹ bắt tôi đứng nghiêm rồi chỉ tay ra lệnh: “Anh đã sắp ba mươi rồi đấy, liệu mà tính chuyện gia đình đi thôi”. Tôi chỉ biết cười trừ. Rồi năm tháng qua đi, bao biến cố cuộc đời thăng trầm mà tôi vẫn vững đôi chân, bởi Tết đến, xuân về tôi vẫn còn có mẹ, có chỗ để trở về dẫu đói, no, sang, hèn, khổ, sướng. Vậy mà… …

Có tiếng bấm chuông gọi cửa. Em đã trở về sau ngày làm việc cuối cùng năm cũ. Trĩu nặng trên tay em bao đồ sắm Tết. Như cơn gió ngọt lành em đổ vào tôi. Rồi miên man, miên man em đưa tôi vào miền cổ tích, về một thời cô Tấm ngày xưa. Tôi biết, chúng ta đã trở về ngôi nhà hạnh phúc, ngôi nhà mẹ cha vun đắp, dựng xây. Nó không những không bao giờ mất đi mà còn luôn hiện ra nguyên hình trong tôi, dù bước chân mình lang thang đâu đó… 

Chiều 29 Tết 
Cảm giác sau khi lo xong nồi bánh chưng thật mãn nguyện. Còn nhớ, xưa, đối với bố mẹ, đây là chuyện không nhỏ. Phải lo từng tý một. Nào đi xếp hàng mua gạo nếp “cung cấp”, thịt “cung cấp”, củi nấu bánh cũng “cung cấp”… Cho đến khi nhóm được lửa nồi bánh là bố mẹ tôi đã đi được cả một chặng đường thật vất vả. Ngày ấy, hầu như mọi cái đều phải dè xẻn. Nhà nào có được tý “Bánh kẹo Hà Nội” của hang Hải Hà bày Tết là oách xà lách lắm. Còn đa phần chỉ lo bày những thứ tự làm lấy như chè lam, kẹo lạc, mứt gừng, mứt bí... Ai sống thời bao cấp hẳn còn nhớ những ngày này nhiều nhà thường phải xếp hàng 5-6 tiếng đồng hồ để đợi đến lượt thuê được người ta làm bánh quy. Thường mỗi nhà chỉ có thể lo được khoảng 2-3kg bột mì. Kèm theo đó là đường, trứng. Nhà nào ăn sang cho thêm chút sữa đặc có đường Mộc Châu. Tết ngày đó nghèo mà có khi lại hóa hay vì có cơ hội để nhà nhà bảo nhau, theo nhau làm và học làm những món Tết. Không như bây giờ, nếu ngại hoặc không biết làm, có tiền, có tất. Mẹ tôi khéo tay lắm. Những món “bình dân” như kẹo lạc, kẹo vừng, chè lam, mứt các loại với mẹ tôi là chuyện nhỏ. Có năm bà làm được cả bánh xu xê. Từ trong năm, bà đã đi tìm mua hạt dành dành để tạo màu vàng cho bánh. Sau này có nhiều dịp ăn bánh xu xê, nhất là khi có ai cưới hỏi nhưng trong đời tôi nhớ nhất cảm giác lần đầu tiên được ăn tấm bánh này của mẹ. Vừa ngậy, vừa bùi và rất đặc biệt… ngon (tức là tôi bí từ không thể tả nổi).

Những ngày như tối nay, 29 Tết hoặc ngày mai, 30 Tết, mẹ tôi thường mới luộc bánh chưng, có năm nấu thông luôn cả Giao thừa. Cạnh nồi bánh chưng thường là những món xào nấu, bánh trái. Bên ngọn lửa hồng rừng rực, gương mặt ai cũng ánh lên niềm vui, hạnh phúc. Và, khoản mà tôi thích nhất là… nếm. Mẹ tôi rất tâm lý, chẳng ngại kiêng kỵ gì, bà cho bọn tôi nếm đủ thứ trước khi cúng. Là mẹ thương các con quanh năm đói khát, thèm thuồng… 

Tết đang về. Những giờ phút cuốc cùng đang được mỗi gia đình tận dụng tối đa để lo sửa sang, sắp xếp, tranh hoàng nhà cửa, mua sắm hàng họ, thăm hỏi các bậc cao niên, thân thuộc… Từ nồi bánh trưng, làn hương tỏa ra thơm nức, tôi lại bâng khuâng nhớ mẹ, nhớ cha. Giờ này chắc mẹ tôi đang làm bánh xu xê nơi ấy. Nhưng tôi chẳng còn cách nào để đòi được nếm cái vị ngọt bùi của thứ đặc sản quê hương từ mẹ nữa…
 T.N.K
Cả họ đi tảo mộ, mời các cụ về ăn Tết
Quán Lồ Biêu
Ao này ngày xưa ta bắt cá rô cho vào ngăn cặp sách
Luống mùi già ruộng ai / Sắp dâng hương tắm gội
Đợi nhé, chiều ba mươi / Tắm táp chào năm mới




3 nhận xét :

  1. Tết bây giờ của nhà giàu khác xưa nhiều lắm . Nó thể hiện cái đẳng cấp của các danh gia thời nay. Càng quyền cao chức trọng ăn Tết lại càng khác. Khác là do các lâu la đệ tử bày vẽ . Nhà càng sang trong nhà càng lắm đồ cổ cho nên ăn Tết thế nào cho càng giống vua chúa xưa càng đẹp . Ngày xưa chỉ mình vua mới được mặc hoàng bào, ngày nay ai cũng có thể mặc !
    Còn Tết nhà nghèo ngày nay cũng chẳng khác xưa là bao. Mấy cháu nhỏ co ro trong manh áo mặc chưa đủ ấm, mong có bát cơm trắng ngày Tết với miếng thịt lợn . Ai cho mẹ đem về được cái bánh chưng thì đúng được ăn món ngon món lạ hơn cả Chúa Trịnh ăn món mầm đá của Trạng Quỳnh ! Cái Tết ngày càng khơi rộng hố giàu nghèo . Người giàu đổ đi của ăn không hết, kẻ nghèo kiếm chút của ngon cho con ngày Tết lạnh giá mà cũng phải đổ mồ hôi !
    Trả lời
    Trả lời
    1. Ngày tết bây giờ cũng chẳng khác xưa mấy đâu. Ngày xưa người giầu thì gia nhân chuẩn bị cho chủ theo đúng ý chủ nhân, ngày nay người giầu thì phải là người có quyền chức, việc tết nhất của những loại người này đôi khi cũng nhiêu khê, phiền toái vì cái đám đệ tử hoặc những kẻ cơ hội phải đoán ý chủ hoặc tuân lệnh theo xếp nhà của chủ để vừa lòng chủ thành ra ông chủ có hơi bực nhưng không dám mắng ra mồm, chỉ ấm ức để bụng nhưng năm tới thì biết tay.
    2. Nhớ lại cách nay hơn 60 năm, năm nào tôi cũng lóc cóc đi bộ hơn chục KM để dự phiên chợ Tết cuối năm nhằm để nghe (không có tiền mua) pháo Tết, xem họ nặn con Tò he, rồi quá trưa tha cái bụng đầy khí (nhịn đói) đi về. Tối về lấy mấy tờ giấy màu, vót nan tre làm mấy cành đào giả, đào thật lấy đâu tiền mua. Không có pháo thì lấy cái van xe đạp hỏng làm súng bắn bằng diêm nghe cúng oách phết, trăm phát trăm đoàng. …
      Thế mới biết trẻ con thích Tết đến mấy! Nay thấy nhiều người bàn bỏ Tết ta mà lòng cứ thấy lo lo. Nếu nay mai bỏ thật thì ông bà mình biết ngày nào về sum họp với con cháu. Lại cạn nghĩ, vậy những vong gửi đi rồi chắc họ nhớ con cháu và hàng xóm lắm nhỉ. Tôi chẳng thích gửi đâu, phải xa họ hàng, chỉ toàn gần người xa lạ thì chán chết. Thôi mình cứ giữ Tết cho có trước có sau vậy. Ai bỏ cứ bỏ, mình chịu cổ hủ và kém tiến bộ vậy, kém văn minh vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.