152 người Việt mất tích: Đài Loan cân nhắc tăng hình phạt nhập cư trái phép
Theo FocusTaiwan, chính phủ Đài Loan đang lên kế hoạch áp dụng hình phạt khắt khe hơn đối với hành vi liên quan đến nhập cư trái phép sau vụ việc 152 du khách Việt biến mất vào cuối tháng 12.
Tính đến chiều thứ Bảy (29/12), thêm 20 du khách Việt mất tích đã được tìm thấy, còn 128 người khác vẫn đang "mất tích".
Trước đó, Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan (NIA) đã xác định được một du khách Việt "thực sự đi du lịch và không hề tách nhóm" và ba du khách Việt khác đã tự rời Đài Loan từ hôm 25/12.
Đề nghị nâng mức hình phạt được đưa ra bởi Trương Cảnh Sâm, người phụ trách dự án Tân Hướng Nam, nói hôm 29/12 rằng đang rà soát lại cơ chế quản lý chương trình thị thực Quan Hồng.
Ông Trương nói rằng Bộ Nội vụ đang lên kế hoạch tăng nặng mức tiền phạt và hình phạt đối với lao động nhập cư trái phép, chủ doanh nghiệp thuê lao động, các công ty môi giới liên quan đến buôn người.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ cụ thể thông tin về mức tiền phạt và hình phạt mới.
Trong cuộc họp hôm thứ Bảy, ông Trương cũng yêu cầu các cơ quan thắt chặt biện pháp giám sát người Việt đến Đài Loan qua chương trình Quan Hồng.
Ông Trương đề nghị Bộ Giao thông và Thông tin nên tăng cường rà soát đơn đăng ký tour nhóm và Bộ Nội vụ phải giám sát các khách du lịch theo chương trình Quan Hồng ở biên giới.
Trong khi đó, cảnh sát Đài Loan cũng vừa bắt giữ một người đàn ông Đài Loan, họ Trịnh ở Tân Đài Bắc, bị cáo buộc chứa chấp một số du khách Việt mất tích.
Ông Trịnh phủ nhận cáo buộc ông là thành viên của một đường dây buôn người nhưng thừa nhận giúp đỡ những du khách mất tích tìm nơi ở và nhận tiền của họ, cảnh sát cho biết.
Theo báo Zing, hôm 28/12, thanh tra Sở Du lịch TP.HCM cũng lập biên bản với Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế (International Holidays Trading Travel Company Limited) - công ty làm visa cho 152 du khách "biến mất" ở Đài Loan.
Ngày 29/12, chánh thanh tra Sở Du lịch Hà Nội quyết định xử phạt hành chính Công ty Golden Travel với số tiền 48,5 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong 9 tháng kể từ 28/12.
Theo Tuổi Trẻ, công ty này đã có nhiều vi phạm, đáng chú ý là "không có hợp đồng lữ hành bằng văn bản với khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch" và "sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên để hướng dẫn cho du khách".
Hai mươi du khách bị bắt giữ đang bị điều tra quanh các cáo buộc vi phạm luật Di trú, luật Việc làm và Luật Chống buôn người của Đài Loan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.