Việt Nam tưởng niệm nạn nhân bị Khmer Đỏ thảm sát tại An Giang
RFA
2018-05-01
2018-05-01
Việt Nam hôm 1/5 đã tổ chức buổi tưởng niệm hơn 3,000 nạn nhân bị quân đội Khmer Đỏ sát hại cách đây 43 năm tại xã Ba Chúc, Huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang.
Thông tin này được báo chí Việt Nam loan tải vào cùng ngày, nhân lễ giỗ tập thể lần thứ 40 được tổ chức tại di tích có tên gọi là Nhà mồ Ba Chúc, Thị xã Tri Tôn, Tỉnh An Giang.
Ngày lễ tưởng niệm, hay còn gọi là lễ giỗ này được tính theo ngày âm lịch theo truyền thống địa phương.
Vào ngày 18/4/1978, quân đội Khmer Đỏ đã tràn vào xã Ba Chúc, và chiếm đóng khu vực này trong vòng 12 ngày. Nhiều người dân đã chạy lánh nạn vào hai ngôi chùa là Tam Bửu và Phi Lai, nhưng cũng bị quân Khmer Đỏ lùng sục và giết chết.
Dự buổi lễ tưởng niệm có các quan chức đứng đầu Tỉnh Ang Giang, các viên chức địa phương cùng đại diện của Đại đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một tổ chức Phật giáo địa phương tại vùng này.
Sau khi chiến tranh Việt Nam và Đông Dương lần thứ hai kết thúc vào năm 1975, hai nước Campuchia và Việt Nam bắt đầu ngay những xung đột biên giới.
Campuchia lúc đó do chế độ Khmer Đỏ, đứng đầu là hai ông Ponpot và Ieng Sary, cai trị. Chế độ này thực hiện một chính sách diệt chủng bên trong Campuchia, còn bên ngoài là một đồng minh của Trung Quốc chống lại Việt Nam.
Vụ thảm sát Ba Chúc đã xảy ra sau một cuộc tấn công biên giới Việt Nam của quân đội Khmer Đỏ.
Tháng Giêng năm 1979 quân đội Việt Nam tấn công Campuchia và lật đổ chế độ Khmer Đỏ, lập nên một chính phủ mới do ông Hunsen đứng đầu, cầm quyền cho đến hôm nay.
Sau khi hòa bình lập lại tại Campuchia, quân đội Việt Nam rút khỏi nước này vào năm 1989. Sau đó một tòa án quốc tế được thành lập để xử những người cầm quyền chế độ Khmer Đỏ. Người đứng đầu chế độ này là ông Ponpot chết trong rừng vào năm 1998.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.