Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Phản hồi luật sư Hà Huy Sơn và tiến sỹ Huỳnh Thế Du


Phản hồi luật sư Hà Huy Sơn và tiến sỹ Huỳnh Thế Du

Trung Nguyễn
31-5-2018
Luật sư Hà Huy Sơn, một luật sư đã nhiều lần nhận bào chữa cho những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, đã có một câu hỏi gây tranh cãi trên trang Facebook của ông, đó là Chủ nghĩa xã hội (CNXH) Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ và đang bành trướng thế lực trên toàn thế giới, vậy tại sao Việt Nam không thể xây dựng CNXH giống Trung Quốc và trở nên hùng mạnh như Trung Quốc?
Cùng với đó, luật sư Hà Huy Sơn cũng yêu cầu: “Những người đấu tranh dân chủ Việt Nam cần phải trả lời nghiêm túc câu hỏi này.”
Thật sự câu hỏi của luật sư Hà Huy Sơn không mới. Nó đã được giới tuyên giáo của đảng Cộng sản đưa ra làm luận cứ tuyên truyền về sức sống của CNXH hàng chục năm nay. Rõ ràng sau khi Liên Xô sụp đổ thì chỉ còn Trung Quốc làm “đại ca CNXH” để tiếp tục đưa ra làm hình mẫu cho các nước còn lại đi theo.
Phân biệt hai mục tiêu khác nhau là “giàu mạnh” và “công lý”
Điều đầu tiên tôi muốn nói là, xuất phát điểm câu hỏi gây tranh cãi của luật sư Hà Huy Sơn hoàn toàn khác với xuất phát điểm của việc tham gia vào phong trào dân chủ, phong trào xã hội dân sự, bảo vệ môi trường hay việc đấu tranh bảo vệ những nạn nhân bị oan sai, bị cướp đất. Cách đặt vấn đề đầu tiên là xây dựng một quốc gia giàu mạnh. Còn cách đặt vấn đề thứ hai là xây dựng một quốc gia có công bằng xã hội, có công lý bình đẳng cho mọi người dân.
Thật vậy, nhiều triều đại phong kiến, nghĩa là rất độc tài, đã đưa được quốc gia tới mức “quốc phú binh cường”. Chế độ phát-xít ở Đức, Ý, Nhật cũng đưa các quốc gia đó tới trình độ phát triển cao, xây dựng nền công nghiệp và quân đội hùng mạnh. Chế độ cộng sản như Trung Quốc hiện tại cũng đã đưa họ tới vị trí thứ hai thế giới về quy mô nền kinh tế, thách thức Hoa Kỳ. Vậy thì nếu đặt vấn đề là đi xây dựng một quốc gia chỉ cần giàu mạnh là được thì chúng ta hoàn toàn có thể ngồi bàn luận và tranh cãi cả ngày về việc nên xây dựng chế độ phong kiến, phát xít, cộng sản hay dân chủ. Cuộc tranh cãi này sẽ không bao giờ kết thúc.
Tiến sỹ Huỳnh Thế Du cũng mới đưa ra một loạt bài trên Facebook bàn về “Sự thông thái tập thể hay độc tài sáng suốt”, cũng nằm trong cách đặt vấn đề như luật sư Hà Huy Sơn là đưa mục tiêu “giàu mạnh” lên cao nhất.
Ngược lại, cách đặt vấn đề như giới [tạm gọi là] bất đồng chính kiến thì khác. Họ tranh đấu cho công bằng xã hội, cho nền công lý. Họ không muốn thấy có người dân nào bị tịch thu đất một cách bất công. Họ không muốn thấy có ai phải “tự tử” trong đồn công an hay bị xử tử hình oan ức. Họ không muốn thấy lãnh thổ, lãnh hải quốc gia bị người bạn “bốn tốt” của đảng Cộng sản Việt Nam gặm nhấm dần. Họ không muốn thấy môi trường sống của người dân Việt Nam bị hủy hoại, để lại đại họa bệnh tật cho cả các thế hệ mai sau… Tóm lại là họ muốn công lý phải được bảo đảm ở đất nước Việt Nam này.
Chỉ có chế độ dân chủ thật sự mới có thể bảo đảm công lý 
Trong tất cả các chế độ chính trị đã từng xuất hiện trên quả đất này, chỉ có thể chế dân chủ với tòa án độc lập, báo chí tự do, bầu cử công bằng, mới là chế độ khả dĩ nhất để có thể bảo vệ công lý một cách bền vững và lâu dài.
Những người đấu tranh dân chủ hoàn toàn ý thức được rằng, việc xây dựng một thể chế như vậy đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực, thậm chí trả giá bằng tù tội, bằng máu. Và việc một xã hội dân chủ trượt ngược lại thể chế độc tài là hoàn toàn có thể như đang xảy ra ở Nga hay Venezuela.
Những người đấu tranh dân chủ cũng ý thức được rằng, các quốc gia dân chủ phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu,… vẫn có tội phạm, vẫn có phân biệt chủng tộc, vẫn có tham nhũng chứ không có nền dân chủ nào là hoàn hảo. Do đó, ngay cả khi Việt Nam có thể chế dân chủ, những người đấu tranh vẫn sẽ tiếp tục việc phản biện, góp ý của mình để chỉ ra những sai lầm, yếu kém của thể chế dân chủ. Thể chế dân chủ chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Công lý mới là cứu cánh.
Đó là lý do tại sao những bậc tiền bối như cụ Phan Châu Trinh và những trí thức yêu nước hiện tại nhấn mạnh vào “khai dân trí”, hay tạo dựng các phong trào xã hội dân sự để dân biết rõ quyền của mình và sử dụng quyền của mình, tạo sức mạnh qua các hiệp hội dân sự. Những người đấu tranh hiện tại hoàn toàn không ngây thơ hay không biết đến sự thành công của Cộng sản Trung Quốc. Nói theo kiểu tiến sỹ Huỳnh Thế Du là những người đấu tranh đang xây dựng “sự thông thái tập thể” để đưa dân tộc đi tới thể chế dân chủ, bảo vệ công lý.
Chế độ cộng sản Trung Quốc có thể thành công nhất thời nhưng cũng có thể bị sụp đổ ngay ngày mai 
Chế độ cộng sản Trung Quốc có thể đã rất thành công trong việc phát triển kinh tế, nhưng việc họ phải thiết lập một hệ thống camera có trang bị trí thông minh nhân tạo gồm hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu trên toàn quốc để kiểm soát người dân, cho thấy Cộng sản Trung Quốc thừa biết, người dân có thể lật đổ chế độ độc tài bất cứ lúc nào, và họ phải tìm ra những biện pháp hết sức tinh vi để khống chế người dân.
Cộng sản Liên Xô từng đưa người vào không gian, có bom nguyên tử, có tên lửa hành trình nhưng cuối cùng do không có công lý, không có công bằng xã hội, không được dân ủng hộ, nên đã đổ kềnh. Cộng sản Trung Quốc nói riêng hay các chế độ chính trị không đảm bảo được công lý nói chung, rồi sẽ đi theo con đường sụp đổ đó.
Phê phán có đồng nghĩa với đạp đổ?
Ở đoạn kết, bài viết của tiến sỹ Huỳnh Thế Du có một đoạn cũng gây tranh luận: “Nhìn ở góc độ này, mỗi một cá nhân đều có vai trò đối với đường hướng phát triển của quốc gia. Cơm áo gạo tiền thì ai cùng phải lo, nhưng nếu mỗi người luôn ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tạo dựng tâm thế tiến lên của đất nước thì mọi chuyện sẽ tốt lên. Khi đó, nhìn vào các vấn đề của cuộc sống sẽ là con mắt phê phán trên tinh thần xây dựng, muốn mọi thứ tốt lên.
Trái lại, mỗi người (nhất là những ai có điều kiện) chỉ chăm chăm lo cho cá nhân và gia đình mình và trút sự bực dọc hay lấy những trục trặc trong xã hội để đổ vấy/che dấu sự kém cỏi của mình với tâm trạng muốn đạp đổ thì quốc gia khó mà phát triển, xã hội khó mà tốt đẹp lên được”.
Có lẽ tiến sỹ Huỳnh Thế Du phản đối những lời lẽ hằn học chửi bới đảng Cộng sản trên Facebook. Tôi không đồng ý với những lời lẽ chửi bới thô tục, nhưng tôi hoàn toàn thông cảm. Nếu tiến sỹ Du đặt mình vào vị trí một người nông dân bị mất đất và bị tù tội như gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn ở Long An, đặt mình vào vị trí của thầy Thích Không Tánh bị mất chùa Liên Trì, bị bòn rút từng đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nước mắt của doanh nghiệp và tài xế qua thuế xăng và các trạm BOT… thì tiến sỹ Du mới hiểu được những lời lẽ phê phán đôi khi nặng nề trên Facebook.
Một chính quyền lương thiện sẽ lắng nghe tiếng dân trên các mạng xã hội, qua các cuộc bầu cử, qua báo chí tự do để điều chỉnh, dù những lời phê phán có khó nghe. Còn một chính quyền bất lương sẽ tìm cách siết chặt tự do ngôn luận, bỏ tù những người dám phê phán mình như dự luật An ninh mạng sắp được thông qua.
Việc tiến sỹ Huỳnh Thế Du đánh đồng những người lên tiếng khác với kiểu của tiến sỹ là “che giấu sự kém cỏi của mình với tâm trạng muốn đạp đổ” có lẽ là quá võ đoán, y như những thẩm phán cộng sản xử những người bất đồng chính kiến luôn theo hướng quy chụp, suy diễn có tội. Việc tốt nghiệp tiến sỹ ở đại học Harvard không đồng nghĩa với việc có thể tự cho mình đứng cao hơn người khác và phán xét người khác. Chỉ một đoạn văn ngắn của tiến sỹ Du đã khiến vị trí của tiến sỹ thấp hơn rất nhiều so với các trí thức khác đang ngày đêm lên tiếng vì sự tiến bộ của đất nước như Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Võ Trí Hảo, Nguyễn Quang A, Hoàng Dũng…
Thể chế dân chủ vẫn là tốt nhất 
Tóm lại, qua bài viết này, tôi mong muốn trả lời cho câu hỏi của luật sư Hà Huy Sơn là, có nên đi theo mô hình CNXH Trung Quốc hay không và cũng chỉ ra mục tiêu, xuất phát điểm lý luận của luật sư Hà Huy Sơn hay tiến sỹ Huỳnh Thế Du rất khác với những người tạm gọi là bất đồng chính kiến hay đấu tranh dân chủ.
Khoa học xã hội nói chung và khoa học chính trị hay khoa học kinh tế, không hề giống như khoa học tự nhiên. Ví dụ như Cuba, Lào, Việt Nam, Bắc Hàn cũng theo chế độ Cộng sản nhưng không thành công được như Trung Quốc. Chế độ nào đưa đất nước đến giàu mạnh thật khó nói. Tuy nhiên, công lý, bình đẳng xã hội thì ít có tranh luận hơn nhiều. Đó là lý do tại sao những người đấu tranh vẫn sẽ tiếp tục con đường tranh đấu cho một thể chế dân chủ đúng nghĩa.
© Copyright Tiếng Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.