Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Khi tỉnh dậy, không nhìn thấy biển


Khi tỉnh dậy, không nhìn thấy biển

29-5-2018

Ảnh: FB Mai Quốc Ấn

Tôi đã đến nhiệt điện Vĩnh Tân, khu vực biển sát cụm nhà máy này vẫn xanh khi nhìn từ trên cao. Nhưng san hô và cá nơi đó đã không còn. Tôi đã đến Duyên Hải, bãi nghêu đã thành bãi chết và đánh bắt cá gần bờ giảm sút nghiêm trọng. Đã có nhiều bài phân tích về việc nước làm mát nhiệt điện có nhiệt độ cao hơn nước biển khiến hệ sinh thái biến đổi.
Nhưng có một điều khác hiếm người chú ý: Các ngư phủ vùng quy hoạch nhiệt điện đi đâu? Tôi hỏi ngư dân, họ đáp: Lên núi “sống mòn”, làm thuê, vào Nam bán vé số hoặc “may mắn” hơn là kiếm được vé xuất khẩu lao động.v.v…
Lấy ví dụ về việc 500 hộ dân vùng quy hoạch nhiệt điện Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) được di dời đến khu tái định cư cách làng cũ hơn 20km. Muốn chứng thực giấy tờ, họ phải đi hơn 40km để làm thủ tục. Hôm nào cán bộ xã bận, đi rồi lại lủi thủi về…
Bản thân khu tái định cư ấy cũng chỉ có hơn 100 hộ dân chịu ở. Trường mẫu giáo không có, trường tiểu học cách đó vài km và phải đón đưa con cái theo quốc lộ chứ không phải để trẻ tự đi bộ đến trường làng như xưa. Con đường nhựa trong khu dân cư xuống cấp trầm trọng vì xe tải đi tắt mà kêu thì không biết kêu ai.v.v…
Tương tự là khu tái định cư của nhiệt điện Vũng Áng, Hà Tĩnh. Những lão ngư giờ đi mót củi ở trên rú “rừng- từ địa phương). Họ, đã để lại xóm làng và mồ mả ông bà ở khu triển khai nhiệt điện. Họ, nhớ biển và kể tôi nghe nỗi nhớ được đẩy thuyền ra biển, đón gió và kéo lưới, về niềm vui của các khoang thuyền đầy cá,.v.v… Họ, giọng đặc lại vì xúc động, nghẹn ngào khi nhìn bãi thuyền cả trăm chiếc thuyền nằm bờ, có chiếc phủ bạt trắng như vải liệm…
Tại Quảng Bình, khu vực nhiệt điện dự kiến triển khai không chỉ còn 3 hộ như số liệu địa phương cung cấp. Người dân đã quay trở lại làng cũ, tan nát như sau một trận bom, để lay lắt sống qua ngày. Dân cư nói đây cho biến họ sống nửa ruộng, nửa biển nên thu hồi đất xong thì coi như… chết hẳn. Lý do là nghề biển đã quá khốn khó từ sau sự cố Formosa. Muốn đánh bắt xa bờ cũng không có gì thế chấp để vay tiền đóng tàu to. Mà có đóng được tàu to đi chăng nữa cũng không đủ sức đánh bắt vì tập quán khai thác gần bờ xưa nay ra khơi xa nhất cũng chỉ 10km.
Tại Nghệ An, khu vực sắp triển khai nhiệt điện, người dân 3 thôn Đồng Minh, Tân Minh và Đồng Thanh thuộc xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai không biết nhiều về dự án. Nhưng họ biết một điều: nếu dự án triển khai, họ sẽ giữ đất, giữ nhà của mình. Cách đó chừng 5km là “khu tái định cư” chỉ có 1 con đường xuyên qua khu rừng thông còn mới. Không có một dấu hiệu xây dựng nào khác để phục vụ tái định cư cho mấy ngàn con người… Tôi hỏi rất nhiều người rằng họ có muốn đến khu tái định cư sống không. Câu trả lời giống nhau: “Không!”
Những câu chuyện ngư dân nơi đã làm nhiệt điện và sắp làm nhiệt điện gợi cho tôi nhiều suy nghĩ khác: Rồi ai sẽ bám biển? Thay đổi một tập quán sống tình bằng nhiều trăm năm, thậm chí ngàn năm sẽ dẫn tới điều gì? Đã có nghiên cứu sâu nào về các bất ổn xã hội khi thay đổi tập quán sống chưa? Các làng chài lâu đời ven biển biến mất thì điều gì sẽ xảy ra?.v.v…
Xin viết thêm về một câu chuyện nhỏ: 2 đồng nghiệp của tôi đang hỏi dân về các vấn đề môi trường thì bị một trưởng công an xã đì cùng mấy công an địa phương “mời” về đồn vì “có vẻ nhạy cảm”. Đồng nghiệp tôi nhã nhặn cho biết đoàn đã gửi công văn cho tỉnh, đã làm việc với địa phương và có ý mời các anh công an đứng chứng kiến các câu hỏi tác nghiệp xem có “nhạy cảm” không. 2 công an viên không dám đi kèm vì người dân phản đối rất mạnh. Người dân cũng nói với tôi đã nhiều báo đài xuống gặp họ nhưng không hiểu sao chỉ nói tốt cho nhiệt điện…
Nó tương tự việc một cựu quân nhân từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc với 46 năm tuổi Đảng, đã tổng kết đơn giản: “Gia đình chúng tôi ở đây, mồ mả ông bà chúng tôi ở đây, nghề nghiệp nuôi sống chúng tôi cũng gắn với mảnh đất này. Nếu đem máy múc tới cưỡng chế, xúc nhà chúng tôi thì xúc luôn mấy cái mạng của gia đình tôi một thể.”
Tôi chia tay một người đàn ông 55 tuổi nhưng có 40 năm làm nghề đi biển và ám ảnh với câu nói của ông ấy: “Buổi sáng, khi tỉnh dậy, không nhìn thấy biển thấy bức bối vô cùng…” Tôi hiểu cảm giác này, như cảm giác bức bối của tôi khi bị từ chối đăng bài bởi chỉ đạo “ở trển”. Nhưng tôi còn có nơi khác để viết còn người ngư phủ đáng thương ấy sẽ làm sao để về lại với biển?
“Khi tỉnh dậy, không nhìn thấy biển” sẽ là một tương lai như thế nào với một quốc gia còn hơn 3.000km bờ biển và trên 3.000 hòn đảo?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.