Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Mỹ quan ngại về luật an ninh mạng sắp được Quốc hội Việt Nam thông qua

Mỹ quan ngại về luật an ninh mạng sắp được Quốc hội Việt Nam thông qua

clip_image002
Mỹ vừa liên tiếng bày tỏ mối lo ngại về dự Luật an ninh mạng của Việt Nam trong đó nhằm hạn chế các tiếng nói bất đồng chính kiến với Chính phủ và Đảng Cộng sản.
Chính phủ Mỹ vừa đưa ra những quan ngại với phía Việt Nam về dự thảo luật an ninh mạng trong bối cảnh các nhà hoạt động lo sợ rằng bộ luật mới sẽ làm tổn hại đến kinh tế cũng như trấn áp trực tuyến các tiếng nói bất đồng chính kiến ở quốc gia Cộng sản này.
Reuters trích dẫn nguồn tin của Sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết hôm 24/5 rằng phó Đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish bày tỏ quan ngại trong một cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Ông Gerrish nêu “mối lo ngại của Mỹ về dự luật an ninh mạng của Việt Nam bao gồm việc tác động tới nhu cầu nội địa hóa và hạn chế đối với các dịch vụ đa quốc gia cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam".
Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết cuộc gặp mặt giữa ông Gerrish và ông Huệ diễn ra hôm 21/5 tại Hà Nội nhưng không đề cập đến mối quan ngại của phía Mỹ về luật an ninh mạng sẽ được Quốc hội Việt Nam thảo luận tại kỳ họp thứ 5 khóa 14 trong tháng này.
Nếu được thông qua, Luật An ninh mạng sẽ yêu cầu các công ty truyền thông xã hội xóa “nội dung vi phạm” trong vòng một ngày kể từ khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, và Bộ Công an.
Theo nhận định của Reuters, Bộ Công an là cơ quan của Chính phủ “có nhiệm vụ” đàn áp giới bất đồng chính kiến.
Tại phiên thảo luận ở kỳ họp cuối năm ngoái, có nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung của dự thảo chưa tách bạch rõ ràng giữa an ninh mạng với an toàn thông tin mạng và một số nội dung liên quan đến việc hạn chế quyền con người và quyền công dân.
Đối với những nhà hoạt động thường đưa ra các ý kiến trái chiều với Đảng Cộng sản hay chỉ trích cách điều hành của Chính phủ thì bộ luật mới là một công cụ để nhà cầm quyền siết chặt việc quản lý họ, theo một nhà hoạt động dân chủ ở Hà Nội, ông Nguyễn Chí Tuyến.
“Luật này thông qua thì nó sẽ phần nào thắt chặt kiểm soát thông tin trên mạng", ông Tuyến nói với VOA. "Quốc gia nào cũng phải tăng cường bảo vệ an ninh mạng nhưng thực sự họ nhằm vào tiếng nói của người dân hơn, họ mượn chuyện an ninh quốc gia để họ tròng vào cổ người dân”.
Các nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam dựa vào các phương tiện truyền thông xã hội để vận động sự ủng hộ, và dự luật mới được đưa ra sát với thời điểm hơn 50 nhóm đấu tranh cho các quyền và các nhà hoạt động hồi tháng 4 gửi một bức thư đến Tổng Giám đốc Điều hành Facebook Mark Zuckerberg cáo buộc công ty ông làm việc quá chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để bóp nghẹt sự bất đồng.
“Rủi ro cho công dân”
Một trong những điều khoản của dự luật An ninh mạng quy định doanh nghiệp tạm ngừng cấp dịch vụ cho cá nhân, tổ chức theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền để “bảo vệ an ninh quốc gia”. Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) hôm 23/5 đã kiến nghị xóa bỏ quy định này, Thanh niên.
Hội này cho rằng ngừng cấp dịch vụ cho người tiêu dùng nếu đăng tải “tuyên truyền chống phá nhà nước, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh” là “chưa đủ rõ ràng” và “có thể gây rủi ro, xâm phạm các quyền chính trị, kinh tế cơ bản của công dân.”
Bản dự thảo mới nhất của Luật an ninh mạng được đưa ra hôm 24/5 trong đó có yêu cầu địa phương hóa dữ liệu, tức là đặt máy chủ và lưu dữ liệu tại Việt Nam.
Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thất bại kể cả mục tiêu tăng trưởng lẫn mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh nếu để Dự luật An Ninh Mạng thông qua - Trương Huy San, blogger và nhà báo tự do
Trong bản kiến nghị gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, VDCA cũng đã yêu cầu bãi bỏ và sửa đổi quy định địa phương hóa dữ liệu trong điều 26 của bộ luật này vì cho rằng nó sẽ “tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế”.
Theo trích dẫn của VDCA từ các phân tích kinh tế, Luật An ninh mạng nếu được thông qua sẽ làm giảm 1,7% tăng trưởng GDP của Việt Nam và làm giảm 3,1% đầu tư nước ngoài vào quốc gia đang có mức phát triển kinh tế nhanh hàng đầu châu Á này.
Các công ty công nghệ của Mỹ như Facebook, Google cùng các công ty toàn cầu khác đang tìm cách chống lại các điều khoản yêu cầu họ phải lưu dữ liệu về người dùng Việt Nam tại địa phương và mở văn phòng trong nước.
Theo blogger và nhà báo tự do Trương Huy San, Chính phủ Việt Nam “sẽ thất bại nếu để dự luật an ninh mạng thông qua”.
Nguồn:https://www.voatiengviet.com/a/my-quan-ngai-ve-luat-an-ninh-mang-sap-duoc-quoc-hoi-viet-nam-thong-qua/4409737.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.