“Đại biểu nhân dân” hay “đại biểu mafia”?
Trung Nguyễn
29-5-2018
Ở kỳ họp quốc hội lần này, trên mặt báo liên tiếp xuất hiện những lời phát ngôn của các đại biểu Quốc hội khiến người dân cả nước phải cười ra nước mắt. Người ta có thể dễ dàng kể ra như đề xuất của ông Lưu Bình Nhưỡng đoàn Bến Tre là “Cần tiếp tục truy thu thuế của người đã chết”, hay như ông Nguyễn Đức Kiên phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội kiên quyết bảo vệ “trạm thu giá”…
Tận thu tàn bạo hơn thực dân, phong kiến
Một người không có kiến thức nhiều về tài chính cũng thấy là ngân sách quốc gia đang trên bờ vực sụp đổ qua những lời phát biểu đòi tận thu cả người chết của các ông nghị. Ngay cả thời kỳ đen tối của đất nước như dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, chế độ thực dân “tàn bạo” cũng chưa nghĩ ra được kiểu tận thu như vậy. Thậm chí kể cả các chế độ phong kiến cũng không có.
Hồi xưa lúc còn đi học, tôi được dạy về thực dân Pháp tàn ác thế nào qua Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, đó cũng là lý do đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Ai ngờ đâu sự tàn bạo và dã man của thực dân Pháp bây giờ còn lặp lại với mức độ kinh khủng hơn gấp nhiều lần, và cay đắng hơn nữa đó là sự bóc lột, đàn áp giữa người Việt với nhau.
Để biện minh cho sự “hiểu lầm” của dư luận đối với mình, ông Lưu Bình Nhưỡng đã ngay lập tức lên báo bào chữa là ý ông chỉ nói về các hộ kinh doanh gia đình có trách nhiệm vô hạn chứ không phải các công ty trách nhiệm hữu hạn, nghĩa là ông cũng có chút hiểu biết về pháp luật chứ không đến nỗi dốt đặc và cạn nhân tình.
Dân chỉ có nghĩa vụ nộp thuế chứ không có quyền gì?
Tuy nhiên, ông Nhưỡng khẳng định, “nghĩa vụ thuế là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của một công dân, đặc biệt của người kinh doanh” để đòi hỏi dân phải tiếp tục nộp thuế phí cho nhà cầm quyền là chuyện rất bất công. Thế ông có bao giờ hiểu nghĩa vụ thiêng liêng nhất của đại biểu quốc hội là đại diện cho dân chứ không phải đại diện cho đảng cầm quyền hay không? Những lời phát biểu của ông cho thấy, dân chỉ có nghĩa vụ chứ không có quyền gì, còn đảng Cộng sản cầm quyền thì có đủ thứ quyền nhưng tuyệt đối không có nghĩa vụ gì, không phải chịu trách nhiệm gì với dân.
Dân có trách nhiệm đóng thuế, thế dân có quyền giám sát đồng tiền thuế của mình được sử dụng như thế nào không? Dân có quyền bầu lên những cá nhân, đảng phái tài đức để sử dụng hợp lý nhất đồng tiền thuế của dân không? Sao ông Lưu Bình Nhưỡng không nhắc đến quyền của người nộp thuế, quyền của công dân?
Đó là chưa kể đến những lời bào chữa đầy trí trá của ông nghị Nguyễn Đức Kiên về các “trạm thu giá” đang mọc khắp nơi trên các tuyến đường của đất nước. Ông cho rằng, luật đã quy định như thế thì dân cứ phải chấp hành vì ai cũng phải “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.
Ông Kiên đòi dân phải “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” nhưng Bộ Giao thông Vận tải “lách luật”, dùng từ “thu giá” thay vì “thu phí” để tự tung tự tác, qua mặt Bộ Tài chính, qua mặt Chính phủ, qua mặt dân thì ông không dám chỉ ra. Ông nên nhận đích danh ông là đại biểu của Bộ Giao thông Vận tải chứ không nên nhận ông là người được dân bầu, sẽ tủi hổ cho người dân ở khu vực bầu cử của ông.
Rất nhiều người dân dũng cảm đã thực hiện những quyền được ghi trong hiến pháp như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội và hội họp, quyền tự do biểu tình… nhưng bây giờ họ đang ở trong tù. Tại sao người dân làm theo đúng hiến pháp thì bị bắt bớ và đàn áp vậy ông Kiên? Ông có dám lên tiếng bảo vệ những người dân đã dám “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” hay không? Ông có dám phê bình giới lãnh đạo cộng sản đã đứng trên hiến pháp và pháp luật hay không?
Xương máu nhân dân bị phản bội
Chỉ qua hai trường hợp như ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Nguyễn Đức Kiên, người dân cũng có thể thấy nhiều chuyện.
Thứ nhất, cuộc Cách mạng tháng Tám đã bị phản bội. Thực dân Pháp ra đi để ngày hôm nay giới lãnh đạo cộng sản bóc lột dân còn tàn bạo hơn. Cuộc cách mạng “xã hôi chủ nghĩa” đánh đuổi “giai cấp tư sản bóc lột” đã dấn đến hệ quả ngày hôm nay là các tập đoàn tư nhân cấu kết với chính quyền để cướp đoạt tiền bạc, tài sản đất đai của dân như các trạm BOT, như dự án cướp đất Thủ Thiêm,… Đánh đuổi “đế quốc Mỹ xâm lược” nhưng bây giờ chuẩn bị thông qua luật đặc khu, sẵn sàng cho tư bản nước ngoài thuê với giá rẻ mạt trong một thế kỷ (99 năm). Bao nhiêu xương máu đã đổ xuống vì “tầm nhìn chiến lược” “sáng suốt, tài tình” của giới lãnh đạo cộng sản? Bao nhiêu thanh niên đã chết oan để ngày hôm nay dân Việt vẫn tiếp tục bị bóc lột, bị đàn áp?
Thứ hai, “đại biểu quốc hội” hay “đại biểu nhân dân” thực chất chỉ là đại biểu cho các “nhóm lợi ích” trong chính quyền. Xin chú thích thêm là “nhóm lợi ích” cũng là một từ nói giảm, nói tránh cho từ “mafia”, nghĩa là tội phạm có tổ chức và cấu kết với chính quyền, thể hiện rõ qua các dự án cướp đất hay BOT. Chính vì lý do đó nên ông nghị Lưu Bình Nhưỡng mới trâng tráo cho rằng nộp thuế là “nghĩa vụ thiêng liêng nhất của công dân” để nuôi các băng nhóm mafia và các ông nghị như ông Nhưỡng, ông Kiên ngày càng béo khỏe hơn nữa.
Chỉ có dân chủ hóa là giải pháp
Từ đó có thể thấy, chỉ có thể thực sự thực thi chế độ dân chủ ở Việt Nam, trao trả lại quyền làm chủ đất nước đích thực cho người dân thì mới có thể bắt đầu hóa giải tình trạng tệ hại của nền chính trị Việt Nam. Đã có rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các trí thức nhưng vẫn bị bỏ ngoài tai là vì quyền lợi của mafia lớn hơn lợi ích quốc gia.
Ngay như các giàn khoan dầu của Việt Nam, hoàn toàn trong vùng biển Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đe dọa phải rút, gây bức xúc cho rất nhiều công dân biết tin, cũng không hề được các ông nghị đem ra mổ xẻ, chất vấn tại quốc hội. An ninh quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng như vậy nhưng không thấy đại biểu nào bàn đến. Còn dự luật an ninh mạng đe dọa đến quyền tự do ngôn luận của dân thì lại được đưa vào nghị trình bỏ phiếu của Quốc hội.
Tất nhiên, để giới lãnh đạo cộng sản nhượng bộ và chấp nhận những yêu cầu dân chủ hóa của toàn dân là một chuyện không dễ dàng. Việc đó đòi hỏi lòng dũng cảm và sự đoàn kết bao dung từ phía người dân, nhất là những người hoạt động chính trị, những trí thức chân chính.
© Copyright Tiếng DânP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.