Sự rủi ro và nguy hiểm của Metro, ga ngầm C9 và việc bảo tồn cây sưa đỏ quý hiếm
28-5-2018
Kính gửi: Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Ông Nguyễn Cao Minh, giám đốc BQL dự án đường sắt HN
Cùng với thư đồng gửi tới các ông và ông Eric Sidgwick – Giám đốc ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam và Giám đốc các tổ chức cho vay vốn khác cho dự án Metro Hà Nội, chúng tôi gửi kèm file thư bằng tiếng Việt để các ông tiện theo dõi những vấn đề nghiêm trọng đã được đề cập về dự án Metro, ga ngầm nguy cơ gây Thảm Hoạ mất an toàn và đe doạ phá hủy các di tích Lịch Sử & Văn Hoá vô giá của thủ đô và cả nước.
Bên cạnh việc chúng tôi kiến nghị, cần phải bảo tồn tuyệt đối, không được di chuyển những cây sưa đỏ quý hiếm trong danh sách Đỏ có nguy cơ bị tuyệt chủng và cần kiểm tra rà soát và báo cáo lại xem 41 cây bị cho là “cong vẹo” được nói là phải chặt kia, thực tế ra sao vì đó không thể là lý do để chặt bỏ cây xanh trong khi dân chúng đang bức xúc phản đối Hà Nội đã chặt phá quá nhiều cây xanh và luôn lăm le chặt phá tiếp trong khi môi trường đang ngày càng ô nhiễm do thiếu cây xanh và quá nhiều bụi bặm xây dựng bừa bãi…
Cần rà soát lại xem dự án có thực sự yêu cầu phải di chuyển và chặt 160 cây xanh đó không, người dân chúng tôi hoàn toàn tin là KHÔNG! Ngậm ngùi ngắm hàng sưa đỏ quý hiếm trước khi di dời để thi công nhà ga tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội.
Chúng tôi cũng xin nhấn mạnh vấn đề nghiêm trọng mà hai bài báo chính thống đã đăng về vấn đề thiết kế hệ thống metro và ga ngầm C9 rất thiển cận, thiếu trách nhiệm và vô cùng sai lầm khi cho chạy qua di tích lịch sử Hồ Gươm và làn metro chạy sát qua Văn Miếu Quốc Tử giám đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng những công trình và di tích văn hóa lịch sử vô giá của đất nước và di tích UNESCO này, chúng tôi đưa ra đây những Sai lầm và sai phạm không thể sửa chữa trong việc xây dựng hệ thống metro và nhà ga C9 đã được báo chí lên tiếng phản bác trong link hai bài báo đề cập trong email: Tuyến metro xuyên qua khu vực phố cổ: Có nước nào đưa sự xô bồ vào chốn tôn nghiêm như thế?
Những sai phạm và sai lầm của hệ thống Metro (đề cập trong 2 bài báo mà chúng tôi copy ra dưới đây) có thể gây những tai họa và tai nạn, hậu quả thảm họa nhãn tiền cho Hà Nội, xin mời các ông đọc và cùng với các bên cho vay vốn bàn bạc tìm giải pháp thay đổi để tránh cho Hà Nội thảm họa bi kịch đau đớn khôn lường đã được chuyên gia cảnh báo, trước khi quá muộn:
– Sai lầm thứ nhất: Biến khu vực Hồ Gươm thành một nút giao thông khổng lồ. Phương án sẽ biến khu vực Hồ Gươm (với tư cách là điểm đến) thành một nút giao thông khổng lồ (trung chuyển cho cả khu vực), hiệu năng vận tải ngày bình thường sẽ rất thấp, trong khi ngày và giờ cao điểm sẽ quá tải, tạo nên ùn tắc không lối thoát do thiếu quảng trường tập kết, bãi đậu xe và hướng giải tỏa đa phương tiện.
– Sai lầm thứ hai: Nguy cơ tác động tiêu cực về địa chất thủy văn với Hồ Hoàn Kiếm. Với khoảng cách ngắn nhất từ tuyến metro tới mép Hồ Hoàn Kiếm chỉ vỏn vẹn trên dưới 10 m, tác động tiêu cực về mặt địa chất và thủy văn từ tuyến tàu điện ngầm tới hồ và ngược lại là khó tránh khỏi. Các vấn đề về rò rỉ nước không thể đảm bảo Ngay chính tại New York, trung tâm tài chính của cường quốc số 1 thế giới, ga tàu điện ngầm mới đầu tiên sau một phần tư thế kỷ với kinh phí 2,4 tỷ đô la cũng bị phê phán nặng nề do rò rỉ trước cả khi khai trương, và do đó dẫn tới thay đổi kế hoạch và các phát sinh về chi phí.
– Sai lầm thứ ba: Hiệu quả kinh tế rất thấp do dồn nén vào khu vực phải hạn chế phát triển.
– Sai lầm thứ tư: Đặt tuyến tàu điện ngầm xuyên qua khu vực di sản, tác động trực tiếp vào di sản là sai lầm chưa có tiền lệ. Qua nghiên cứu khảo sát các quốc gia phát triển, dễ dàng nhận thấy không có quốc gia nào đặt tuyến tàu điện ngầm đi xuyên qua khu vực di sản cảnh quan văn hóa. Tuyến metro luôn được lựa chọn xây dựng đi bao quanh hoặc cạnh biên, với khoảng cách tối thiểu từ các nhà ga đến khu vực di sản cảnh quan từ 250 – 600 mét…
– Sai lầm thứ năm: Tác động vật lý tiêu cực, nguy cơ sụt lún không chỉ trước mắt (khi xây dựng) mà còn lâu dài (khi vận hành) Tuyến metro đi dưới nền Đền Bà Kiệu, cách tháp Bút 8,2 m (tính đến tâm tháp, với khoảng cách tới chân móng tháp chỉ có 1m) với chiều sâu 12,315 m. Một khoảng cách rất gần trong thực tế. Nguy cơ sụt lún khi xây dựng và vận hành (rung lắc thường xuyên) là rất cao; Nguy cơ xảy ra các sự cố khi xây dựng các công trình tuyến tầu điện ngầm tới các công trình phía trên và lòng Hồ Gươm là rất cao; Không cơ sở khoa học hay thực tiễn nào có thể biện hộ cho điều này; Không có cá nhân, tổ chức nào có thể đứng ra bảo đảm cho sự an toàn tuyệt đối khi xây dựng và vận hành. Tác hại môi trường về mặt địa chất, thủy văn gây ra bởi việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm tới các khu vực xung quanh nhiều khi chưa được đánh giá đúng mức, và do đó gây ra những hậu quả không thể vãn hồi.
Thảm kịch năm 2009 của Thư viện lịch sử Cologne, một trong những thư viện lịch sử lớn nhất Châu Âu, được xây dựng từ thế kỷ 14, là một trường hợp như vậy.
– Sai lầm thứ sáu: Vi phạm Luật di sản (Việt Nam) và các công ước quốc tế về bảo tồn tính toàn vẹn của các yếu tố gốc. Như đã đề cập ở trên (Tác động vật lý), xây dựng ga tàu điện ngầm sẽ đe dọa tới lòng hồ Gươm và Đền Bà Kiệu, Tháp Bút vốn nằm trong “Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng” – theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009).
– Sai lầm thứ bảy: Việc lựa chọn hướng tuyến tàu điện ngầm và vị trí nhà ga C9 rất thiếu thận trọng, thiếu nghiêm túc và nghiêm cẩn
Đề xuất và lựa chọn phương án hướng tuyến tàu điện ngầm (xuyên qua khu vực Phố cổ và hồ Gươm) và vị trí nhà ga C9 tại khu vực trước đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu là thiếu đánh giá tác động về văn hóa, xã hội, kinh tế, kỹ thuật và môi trường; thiếu điều tra xã hội học.
Đồng thời, việc lấy ý kiến nhân dân có biểu hiện chỉ lấy cho phải phép, không thực chất. Trên phiếu không hỏi xem vị trí tuyến metro và nhà ga C9 có hợp lý không, các câu hỏi theo cách ván đã đóng thuyền. Trên thế giới cũng đã có nhiều bài học cay đắng đối với các trường hợp tương tự…
– Sai lầm thứ tám: Tác động tiêu cực toàn diện về vấn đề tâm linh. Khu vực Hồ Gươm là nơi thiêng liêng, là trái tim của Hà Nội và Việt Nam; Vì vậy, tác động tâm linh là vô cùng to lớn đến tinh thần của nhân dân, sự ổn định của dân tộc… (Xin xem thêm chi tiết về những vấn đề nghiêm trọng trên đây cũng như những kiến nghị được nêu trong 2 link bài báo trên).
Sự SỤT LÚN đối với metro ngầm là vô cùng NGUY HIỂM, bên cạnh đó các chuyên gia xây dựng và kiến trúc cũng đã cảnh báo về nguy cơ tai họa ngập lụt đường ngầm metro, bởi Hà Nội ngập lụt rất thường xuyên mỗi khi mưa mà không thấy chính quyền có giải pháp nào làm thuyên giảm tình hình.
Chúng tôi đề nghị có buổi gặp và làm việc với ADB và chủ tịch UBND TP Hà Nội (CQ phê duyệt dự án) về những vấn đề quan trọng nêu trên (với cả các chuyên gia xây dựng, kiến trúc và quy hoạch đô thị…) trên tinh thần hợp tác và xây dựng, vì sự an toàn cho cộng đồng và giảm thiểu rủi ro thảm họa cho Hà Nội. Xin lưu ý, chúng tôi là những công dân HN và làm những việc này với tinh thần trách nhiệm cao vì an toàn giao thông cho công dân Hà Nội và mong muốn tránh cho thủ đô tai họa nhãn tiền gây ra bởi dự án Metro như đã được chuyên gia cảnh báo, chứ không phải là việc làm vô ích. Chúng tôi cũng đã gửi thư tới UBND và cả gọi điện nhưng không có phản hồi.
Nếu chính quyền TP có trách nhiệm với công dân và vì tương lai của thành phố thì cần phải lắng nghe những ý kiến xây dựng của những công dân có tinh thần trách nhiệm đóng góp ý kiến xây dựng với UBND để đảm bảo an toàn cho người dân Hà Nội và tránh thảm họa cho thủ đô.
Trân trọng và mong nhận sự hợp tác,
Các công dân Hà Nội được ghi tên trong thư tiếng Anh gửi kèm cùng nhiều công dân khác, thay mặt cho hơn 17.000 người đã ký thư thỉnh nguyện trong link: Thư ngỏ yêu cầu ngừng chặt hạ đánh chuyển cổ thụ di sản vô giá Lá Phổi Xanh của HN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.