Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG: đề nghị Tổng Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh việc xử lý kết luận thanh tra (kỳ 28)
Nguyễn Văn Tung
30-5-2018
Đã hơn 2 tháng kể từ ngày Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra vụ AVG (thông báo kết luận số 356/TB-TCCP ngày 14/3/2018), nhưng việc xử lý kết luận thanh tra đang diễn ra rất chậm chạp, có dấu hiệu chống lệnh cấp trên và chìm xuồng.
1. Các biện pháp xử lý được đề cập tại kết luận thanh tra:
Trước hết, tất cả chúng ta nên nhớ là thông báo kết luận thanh tra AVG đã được Thủ tướng và Phó Thủ tướng Thường trực thông qua nên bản kết luận có hiệu lực thi hành đối với Mobifone và các bộ ngành liên quan.
Về xử lý hành chính: Bộ TTTT có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Chủ tịch HĐTV, các thành viên HĐTV, TGĐ, các PTGĐ, Kế toán trưởng, bộ phận đàm phán mua cổ phần và các bộ phận của liên quan của Mobifone về những vi phạm đã nêu lại kết luận thanh tra. Bộ TTTT phải hủy bỏ quyết định đầu tư dự án AVG (quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015). Bộ TTTT kiểm điểm, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm đã nêu tại kết luận thanh tra.
Về xử lý về mặt Đảng: Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm đã nêu tại kết luận thanh tra.
Về xử lý kinh tế: Bộ TTTT và Mobifone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền mà Mobifone đã thanh toán trong việc mua 95% cổ phần của AVG. Chủ tịch HĐTV, TGĐ, Phó TGĐ tài chính chịu trách nhiệm thu hồi số tiền 1.54 tỷ đồng chi phí tư vấn đã chi cho 2 công ty tư vấn.
Về điều tra, xử lý vi phạm: Đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.
2. Tiến độ xử lý hành chính:
Cho đến nay, đã hơn 2 tháng trôi qua, Bộ TTTT vẫn chưa tiến hành việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan tại Mobifone (Chủ tịch HĐTV, các thành viên HĐTV, TGĐ, các PTGĐ, Kế toán trưởng, các tổ đàm phán…). Điều đó cho thấy thái độ chống lệnh cấp trên của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (mà cũng phải thôi, ông Trương Minh Tuấn còn “nhúng chàm” thì làm sao ông ta chỉ đạo kiểm điểm thuộc cấp được).
Hiện nay, ở Bộ TTTT và Mobifone, các cá nhân sai phạm trong vụ AVG đang rất phấn khởi vì vụ AVG đang có dấu hiệu chìm xuồng, việc họ câu kết và thông đồng với Phạm Nhật Vũ trong âm mưu rút ruột hơn 7.000 tỷ của Nhà nước sẽ không bị xử lý.
Đặc biệt hơn, mặc dù Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của Bộ TTTT trong việc ký quyết định số 236 phê duyệt việc Mobifone mua AVG (ký quyết định số 236 để phê duyệt dự án đầu tư AVG khi chưa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư khi chưa được phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm…) và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TTTT phải hủy bỏ quyết định số 236 này, nhưng cho đến nay thì Bộ trưởng Trương Minh Tuấn có dấu hiệu chống lệnh Thủ tướng khi nhất quyết không chịu hủy quyết định này. Sau khi Phạm Nhật Vũ phải thanh toán lại toàn bộ số tiền 8.500 tỷ cho Mobifone trong tháng 4, Mobifone cũng chưa bàn giao lại cổ phần AVG cho Phạm Nhật Vũ vì Mobifone cho rằng Bộ TTTT chưa hủy bỏ quyết định 236 nên Mobifone không đủ sở cứ pháp lý bàn giao lại cổ phần AVG cho Phạm Nhật Vũ.
3. Tiến độ xử lý về mặt Đảng:
Trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thẩm vấn Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải… và nhiều cá nhân liên quan tại Bộ TTTT và Mobifone về các sai phạm và trách nhiệm trong vụ AVG. Căn cứ vào quy định 102 về xử lý đảng viên vi phạm thì những cá nhân này phải bị cảnh cáo về mặt Đảng và bị cách chức.
Tuy vậy, trong 2 tuần qua, Ủy ban Kiểm tra trung ương lại đang im ắng một cách khó hiểu về vụ AVG. Có lẽ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà đã “chạy án” thành công để Ủy ban Kiểm tra trung ương không ra quyết định xử lý nữa.
Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương (nơi chuyên hô hào “cờ, đèn, kèn, trống” vô thưởng, vô phạt và vốn nổi tiếng là nơi có nhiều tội phạm kinh tế từng tham gia Ban Chấp hành như: Phạm Thanh Bình-Vinashin, Dương Chí Dũng – Vinalines, Lê Nam Trà – Mobifone…) cũng chưa hoạt động kiểm tra gì cụ thể đối với vụ AVG tại Mobifone.
4. Tiến độ xử lý về mặt kinh tế:
Sau khi Ban Bí thư ra văn bản tối hậu thư vào ngày 8/3/2018; Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đã khẩn trương đạo diễn vụ “hủy hợp đồng” tai tiếng giữa Mobifone và AVG vào ngày 12/3; lo sợ trước viễn cảnh lao lý, Phạm Nhật Vũ đã hoàn lại số tiền 8.500 tỷ cho Mobifone ngay trong tháng 4.
Đây là một thành tích lớn trong công tác phòng chống tham nhũng! Từ xưa đến nay, chưa có vụ tham nhũng nào mà Nhà nước lấy lại được toàn bộ số tiền thiệt hại (mà lại ở quy mô lớn như vụ AVG), chiến công lớn này phải được ghi cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các thành viên Ban Bí thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đặc biệt là Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình!
5. Tiến độ xử lý hình sự:
Mặc dù Thanh tra Chính phủ ra kết luận toàn văn vụ AVG vào ngày 20/3 nhưng Bộ Công an đã chùng chình trong việc nhận bàn giao hồ sơ AVG từ Thanh tra Chính phủ từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 (mục đích là để Phạm Nhật Vũ kịp gấp gáp gom đủ số tiền 8.500 tỷ đồng để trả lại cho Mobifone).
Tại kỳ 28, chúng tôi đã nêu rõ các sai phạm và nhận tiền lại quả của Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ… phải bị xử lý hình sự theo các điều 198, điều 219, điều 353, điều 354, điều 364 của Bộ luật Hình sự.
Ngoài số tiền mua bán AVG làm Nhà nước bị thiệt hại hơn 7.000 tỷ (hành vi “hủy hợp đồng” chỉ là hành vi “khắc phục sai phạm”) thì các cán bộ liên quan của Mobifone còn cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng trong nhiều sai phạm khác: bù chéo hàng trăm tỷ lợi nhuận/năm từ Mobifone sang AVG trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, lợi nhuận của Mobifone bị sụt đi 2.000 tỷ trong năm 2016 (so với lợi nhuận năm 2015) làm Nhà nước mất đi khoản thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 400 tỷ/năm trong những năm tới, Mobifone cũng mất hàng trăm tỷ lãi tiết kiệm trong năm 2016 và năm 2017 do huy động 8.500 tỷ để chuyển cho Phạm Nhật Vũ, chưa kể đến việc Mobifone đang tồn hơn 100.000 bộ đầu thu AVG tại các công ty kinh doanh khu vực, thiệt hại của Nhà nước do Mobifone tiếp tục chậm cổ phần hóa trong năm 2016 và năm 2017 (Mobifone dùng 60% vốn điều lệ để mua AVG trong khi đang tiến hành cổ phần hóa)… Những sai phạm này hoàn toàn có thể định lượng được và bị khởi tố theo điều 219 của Bộ luật Hình sự.
Sau hơn 1 tháng tiếp nhận hồ sơ AVG từ Thanh tra Chính phủ, C46 vẫn tiếp tục “ngâm cứu” hồ sơ (mặc dù theo quy định, trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ điều tra, C46 phải ra quyết định khởi tố vụ án). Việc C46 trì hoãn khởi tố vụ án AVG cũng cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không thực sự chi phối được Bộ Công an mặc dù hai lãnh đạo này nằm trong Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Liệu vụ đại án tham nhũng AVG sẽ chìm xuồng (như nhóm lợi ích mong đợi) và bọn tham nhũng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Phạm Đình Trọng, Phạm Nhật Vũ, Cao Duy Hải, Phạm Phương Anh….tiếp tục nhảy múa trên thanh gương công lý?
Nhân dân chúng tôi trông đợi vào chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí để xử lý dứt điểm vụ AVG trong tháng 6 này, thưa Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực!
____
Mời đọc lại: kỳ 21 và các kỳ trước: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG — Kỳ 22: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG — Kỳ 23: Các lý do đằng sau việc Thanh tra Chính phủ tìm cách chậm trễ công bố kết luận thanh tra — Kỳ 24: Đề nghị Tổng bí thư, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phải công bố kết luận trước Hội nghị Trung ương 6 — Kỳ 25: Trả lời ba câu hỏi của đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân — Kỳ 26: Đề nghị Tổng Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo tân Tổng Thanh tra Chính phủ công bố ngay kết luận thanh tra — Kỳ 27: Phải xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm (TD).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.