Hoà giải để tiến lên
30-5-2018
Mấy ngày nay trong đầu tôi cứ quanh quẩn những suy nghĩ về cuộc đấu tranh ở Việt Nam nhằm đòi hỏi các giá trị về quyền con người, về môi trường, về kinh tế và về tự do chính trị. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã có những dịch chuyển lớn, có những phản kháng rộng khắp từ mọi giới để đòi hỏi những điều này trong xã hội, nhưng chưa thay đổi được tình trạng đất nước gì nhiều. Các hội nhóm đoàn thể trong nước hoạt động rất yếu ớt. Hơn 150 tù nhân lương tâm thuộc nhiều hội nhóm khác nhau cũng như một số người hoạt động độc lập đang bị bắt giam. Những người còn tồn tại ở bên ngoài thì sống vô cùng bất ổn trong sự đe doạ chờ chực hàng ngày. Các phong trào được thúc đẩy từ cộng đồng người Việt hải ngoại cũng không có nhiều gì mới, không tạo ra sự cuốn hút hay liên kết thực sự với trong nước. Về phía nhà nước, công cuộc đốt lò rầm rộ mang danh nghĩa bài trừ tham nhũng dần lộ ra là một cuộc thanh trừng phe phái nội bộ. Các quan chức thì vẫn hàng ngày thốt ra những câu ngu ngốc trên truyền thông. Và nhân dân thì vẫn è cổ gánh chịu đủ thứ tai ương từ việc cưỡng chế đất đai, từ môi trường ô nhiễm, từ thuế phí tràn lan và từ rất nhiều điều bất ổn khác của xã hội. Câu hỏi đặt ra là Tại sao? Bao giờ? Làm thế nào? Để những mong ước này của người dân thành hiện thực.
Những ai trong chúng ta có quan tâm đến vận mệnh đất nước đều biết một điều, muốn thay đổi đất nước phải có bãi công, biểu tình hay các hình thức phản kháng tập thể lớn khác. Từ thời xa xưa trong cổ đại cho đến ngày nay, các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến, rồi đến bãi khoá, bãi công, biểu tình… tất cả đều mang đến sự chuyển đổi vĩ đại cho cả một xã hội vì những hoạt động này có một sức mạnh to lớn, buộc những giá trị cũ phải nhường bước cho những điều mới mẻ.
Điều gì khiến chuyện này chưa xảy ra? Có mấy vấn đề ở đây:
Các cá nhân trong xã hội dù đều chung một mong ước là được sống trong hạnh phúc, nhưng trình độ hiểu biết, kỹ năng sống, phương pháp hành động là khác nhau… dẫn đến mọi người chưa thể tập hợp thành một khối thống nhất trong hành động. Thậm chí những người tham gia sự phản kháng xã hội còn bất đồng, nghi ngờ, mắng chửi nhau, bất hoà và ganh đua chèn ép ngấm ngầm với nhau. Kết cục là tất cả bị phân mảnh thành những nhóm nhỏ rất yếu ớt, không có khẳng năng gây ảnh hưởng gì trong xã hội.
Hai là, các chế độ cai trị luôn học tập từ những bài học lịch sử để có một biện pháp thích hợp hòng dập tắt mọi phản kháng ngay từ đầu. Chế độ công an trị kết hợp với hệ thống tuyên truyền khổng lồ nhằm kiểm soát mọi hành vi, tư tưởng xã hội, làm những người đối kháng không thể liên kết, không thể vận động, không thể hình thành nên các hội nhóm đủ lớn để gây ảnh hưởng trong xã hội, chưa nói đến việc đủ sức thay đổi xã hội.
Ba là, các dịch chuyển từ bên ngoài thế giới, các thay đổi trong cán cân chính trị toàn cầu chưa có sự liên thông vào trong nước, các hoạt động hội đoàn người Việt hải ngoại chưa đủ sức nặng để tác động vào bên trong một xã hội vốn bị phong toả vô cùng chặt chẽ.
Vậy làm thế nào để chuyện này xảy ra? Theo thiển ý của tôi thì những ai đang mong cho đất nước thay đổi phải làm cho được những điều sau đây.
Một là, phải hoà giải và chia sẻ. Không có sự hoà giải và chia sẻ giữa nội bộ những người đấu tranh, tất cả sẽ vẫn chìm trong mâu thuẫn. Những mối bất hoà đều từ bên trong nhận thức của mỗi người. Phải chấp nhận bỏ qua khác biệt ban đầu, thúc đẩy sự giao tiếp và học hỏi lẫn nhau. Hãy cùng nhau gặp gỡ trong các hoạt động chung nào đó, hãy cố gắng mỉm cười và thăm hỏi với những người bất đồng với mình nhất. Đừng chờ người khác xuống nước, hãy chủ động thân thiện và trao đổi với ai đó dù họ khác ý kiến với mình, và điều kỳ diệu sẽ xảy ra nếu bạn thực sự nỗ lực.
Hai là, mục tiêu của đấu tranh xã hội là để mang lại sự công bằng, tự do và hạnh phúc cho mỗi người trong xã hội, không phân biệt người đó đang thuộc là kẻ cai trị hay người bị trị. Những người trong bộ máy cai trị dù đang đàn áp người khác, nhưng họ cũng đang chịu những bất công do chính hệ thống mà họ đang phụng sự. Đừng coi họ là kẻ thù. Hãy coi họ là một người đang bị khống chế. Hãy bình tĩnh và tìm cơ hội trao đổi với họ về mục tiêu đấu tranh và ý nghĩa cao cả của việc mình đang làm. Khi họ, những người trong bộ máy cai trị dần thay đổi trong tư duy, chỉ cần họ chùng xuống không đàn áp mạnh tay thôi, mọi chuyện sẽ khác rất nhiều. Và một chế độ cai trị mất dần đi tay chân của nó, thì chắc chắn nó sẽ không còn sức mạnh để tồn tại.
Ba là, phải nâng cao trình độ hiểu biết thế giới, phải liên kết với tất cả nguồn lực bên ngoài, phải biết tận dụng từng cơ hội dịch chuyển từ chính trị, văn hoá, kinh tế, môi trường để tạo sự tác động vào bên trong, tạo sự khơi thông để trí tuệ, nguồn lực từ bên ngoài đổ về đất nước, xoá bỏ thế cô lập của công cuộc đấu tranh này.
Tôi vẫn nghĩ rằng, đây là một vấn đề nghiêm túc, cần trao đổi trong sự cởi mở, bởi nếu chúng ta lảng tránh sự thay đổi trong tư duy, thì hành động của chúng ta vẫn vậy, và kết quả trong tương lai vẫn như vậy mà thôi. Thế nên tôi rất mong quý vị gần xa gửi sự phản biện, hãy tranh luận cùng nhau, để những khác biệt trong tư tưởng mất đi, để rồi chúng ta là một trong hành động, nhằm nhanh chóng mang lại hạnh phúc và tự do cho mỗi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.