Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Dự luật an ninh mạng: Ai cũng có thể trở thành… tội phạm


Dự luật an ninh mạng: Ai cũng có thể trở thành… tội phạm

30-5-2018

Ảnh: internet

Nhiều người vẫn thờ ơ và không rõ dự luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng thế nào với cuộc sống nếu được thông qua. Xin cho ngay ví dụ: Chỉ một tin nhắn của Ban TGTW, các báo gần như đồng loạt im lặng vụ Thủ Thiêm. Giờ tới dự luật An ninh mạng, các báo vẫn tiếp tục lặng im. Hiếm hoi có những tờ báo lên tiếng cảnh báo về việc các ảnh hưởng của dự luật này.
“Bởi đây là dự án Luật có phần hạn chế quyền được tiếp cận thông tin của người dân trên môi trường mạng, sự an toàn về thông tin cá nhân, quyền riêng tư cá nhân của người dùng internet có thể bị xâm phạm khi có những điều khoản trao quyền cho cơ quan chức năng tiếp cận tài khoản của người dùng mạng. Những điều khoản có tính chất can thiệp đến sự riêng tư, bí mật của con người nếu không được minh định rõ ràng, cụ thể mà chỉ nêu chung chung không chỉ gây bất an mà còn mang đến những rủi ro khó lường cho người sử dụng internet.” (Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Thị Minh Hiền trên Infonet)
Cụ thể quy định như “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản” (mục a, khoản 2, điều 26) hay những điều khoản quy định trao quyền can thiệp của cơ quan chức năng đối với những hoạt động kinh doanh trên mạng internet”.
Ai sẽ bảo đảm các bí mật trao đổi qua mạng để phục vụ kinh doanh hay… nhu cầu sinh lý sẽ không bị bán hoặc bị biến thành cơ sở để gây phiền toái, gây khó dễ, nhũng nhiễu hoặc thậm chí thao túng? Các biến dạng quyền lực như cách lãnh đạo C50 lại thành “trùm cuối” trong vụ án đánh bạc online nghìn tỉ hoàn toàn có thể xảy ra.
Cao hơn việc có thể gây ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp chính là quyền riêng tư cá nhân và quyền sở hữu tài sản dân sự (dữ liệu mạng). Cũng có thể ảnh hưởng các yếu tố Hiến định, Luật định thì còn là yếu tố quốc tế về nhân quyền (Humanrights) mà Việt Nam phải tuân thủ khi tham gia. Ngoài các Công ước quốc tế thì còn là các thỏa thuận cấp nhà nước với một số quốc gia (ví dụ Mỹ), vùng lãnh thổ (ví dụ EU) hay các tổ chức khác mà Việt Nam tham gia (ví dụ CPTTP).
Ngay cả việc một ĐBQH đang mang sắc phục ngành công an mà bấm nút đồng ý dự luật An ninh mạng cũng đã là việc rất đáng băn khoăn. Ngành của anh soạn dự thảo luật, nếu luật triển khai thì thuận lợi cho công việc của anh nhưng có các yếu tố rủi ro cho dân và doanh nghiệp thì hóa ra là dân và doanh nghiệp chịu thiệt? Họ chịu thiệt dù phải đóng thuế nuôi anh dù trên vai trò ĐBQH hay công an! Người dân vốn trình độ không đồng đều đã đành nhưng tôi cũng không tin Quốc hội có thể giám sát 100% ngành Công an khi dự luật do họ đề xuất và các thông tin đều do họ sử dụng.
Mà quyền lực thì có tính tha hóa…
Đã có ĐBQH nhập quốc tịch Malta, đã có ĐBQH xộ khám thì cũng sẽ không có ngoại lệ ĐBQH sẽ an toàn trước dự luật này- nếu nó được thông qua.
Còn nhà báo và các tờ báo? Họ sẽ nghĩ gì khi mọi đề tài bị “biết trước”? Nghĩ gì không rõ nhưng im lặng không có nghĩa là vô can.
Nên nhớ, kiểm tra hộ khẩu còn cần phải gõ cửa. Đằng này, lỡ như có muốn “riêng tư” với người yêu qua điện thoại thì các bản ghi âm của nhà mạng hay “micro ẩn” của các app Việt Nam cũng đủ “phơi bày” ít nhất cho một số người có đặc quyền. Bạn tôi- một chuyên gia IT- khẳng định đến giờ vẫn chưa có đạo luật nào cấm nghe lén. Và anh ta đưa ra một thông tin đáng suy nghĩ: Nếu camera trong nhà truyền mọi dữ liệu nó quay được qua wifi một cách bí mật hình ảnh bạn và bồ bạn đang xxx đến công an chỉ vì họ nghi ngờ bạn là tội phạm thì bạn nghĩ gì?
Tôi thì nghĩ ai là tội phạm thì cần chứng cứ xác định và phán quyết của tòa chứ chỉ vì nghi ngờ mà nghe lén, quay lén cá nhân, doanh nghiệp hay quản lý mọi thông tin của cá nhân, doanh nghiệp thì là siêu can thiệp bằng quyền lực rồi.
Từ im lặng Thủ Thiêm đến dự luật An ninh mạng là một đoạn ngắn về thời gian nhưng nó có thể mở ra một thời kỳ u ám kéo dài trong nước lẫn sự nhận định không có lợi cho Việt Nam trên trường quốc tế.
Lời cảnh báo của ĐBQH Minh Hiền đáng nghĩ đấy: “NGUY CƠ TRỞ THÀNH TỘI PHẠM sẽ đến với bất kỳ ai nếu họ không hiểu rõ về luật, mà những hiểu biết pháp luật về công nghệ cao thì đâu phải ai, người dân nào cũng được tiếp cận và có kiến thức cơ bản, hiểu biết nhất định!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.