Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Bệnh ghiền họp…


Bệnh ghiền họp…

Trương Minh Ẩn
29-5-2018
Lâu ngày mới gặp lại anh bạn, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm công việc làm ăn. Anh bạn trả lời, “cũng tàm tạm, sống được qua ngày như hầu hết bà con làm ăn chân chính, chứ khó có khấm khá, nói chi tới giàu sang”. Tôi đồng ý với anh bạn cả hai tay hai chân, bởi thực tế là vậy, thời buổi bây giờ hiếm có người làm ăn chân chính mà trở nên giàu có. Chợt nhớ, có một thời anh từng cộng tác với nhà nước, nghe nói làm công trình lớn cũng nhiều, chắc chắn sẽ khá chứ. Anh nói, đã nghỉ rồi, hứa tuyệt giao luôn với nhà nước, không mó vô một thứ gì nữa cả, và khá cũng không có dễ với nhà nước này đâu.
Rồi anh giải đáp cặn kẽ hơn. Thứ nhất, anh không muốn tiếp tay cho tham nhũng. Bởi làm công trình nào cũng phải kê giá, không nhiều thì ít, đều phải có, 99% là vậy rồi, không thể khác được. Có những công trình kê giá khủng khiếp, gấp năm gấp bảy, gấp mười lần… Đây là tiền của từ mồ hôi nước mắt, kể cả đổ máu của dân chúng, đóng thuế mà có.
Thứ hai, rất mệt mỏi bởi thời gian kéo dài. Khi có thông tin sẽ lập dự án, dĩ nhiên thông tin đến được mình không phải khơi khơi, chẳng phải tình nghĩa keo sơn gì cả, mà phải qua bàn nhậu, mình phải tiếp mướt mồ hôi, sau đó nếu được chỉ định thi công thì coi như mình có mặt trong ban bệ để… họp hành. Hầu hết là chỉ định thông qua sự chạy chọt, chung chi, chứ đấu thầu chỉ là thủ tục giấy tờ. Có dây mơ rễ má, quen biết hoặc người nhà, người thân thì dễ dàng hơn.
Mình được mời dự họp để biết tiến độ mà chuẩn bị nhân lực, tài chánh chứ chẳng được ý kiến ý cò gì đâu. Thủ kho còn to hơn thủ trưởng, thì tài chánh nắm quyền sinh sát là bà nội người ta, chầu chực tạm ứng, chầu chực để được giải ngân, đợi muốn mút mùa Lệ Thủy, ai có gian nan kinh qua mới hiểu, nên phải chủ động phần tài chánh của mình. Và tiếp tục là người… chủ động mời ra bàn nhậu để giải lao sau những cuộc họp “lao tâm khổ trí” , nói theo ngôn ngữ hay ho ngày nay là “ngoại giao”, cần có một khoản “ngoại giao phí” để bôi trơn.
Họp hành thì triền miên. Lập dự án – họp; duyệt dự án – họp. Thiết kế dự án – họp; duyệt thiết kế – họp. Lập kinh phí – họp; duyệt kinh phí – họp. Đấu thầu (giả) – họp. Chuẩn bị triển khai – họp. Sơ kết – họp. Nghiệm thu công trình – họp… Mỗi kỳ họp năm ba bận chứ dễ có một lần. Họp hành đầy đủ bộ sậu, các ban ngành, và họ ý kiến ý cò thì ôi thôi, như thể phải có ý kiến chứ vào họp làm gì, rồi gây sự chú ý với ý kiến của mình hòng ra oai, ý kiến xong thì nghiền ngẫm, ngâm cứu… cho lần sau họp tiếp tục, gọi là hoàn thiện.
Gặp cán bộ lúc nào cũng nghe họp, họp, họp… Y như họ ghiền họp, họp để thấy mình vô cùng quan trọng, nhiều ý kiến đánh giá, đóng góp rất oai vệ. Nhưng thực chất chẳng đâu vô đâu, có chuyên môn chút nào đâu mà đánh giá cho đúng, hầu hết ôm mớ lý luận suông, không một chút thực tiễn.
Họp, hành, nghiền ngẫm miết nên thời gian còn đâu nữa cho người thi công. Khi bắt đầu thì đã sát nút, tới đây thì bị bắt ép cho kịp tiến độ, nhất là lập thành tích để chào mừng này nọ, nọ kia… Vậy là phải làm ăn gian dối, khỏa lấp cho kịp. Làm ngày làm đêm thì không thể bảo đảm được chất lượng. Nhưng ngặt nỗi, có chuyện gì thì thi công lãnh đủ chứ cán bộ vẫn phây phây… “đúng quy trình”!
Họp hành triền miên, có khi họp tới gần nửa đêm, xong rồi còn nhậu nhẹt thì còn sức lực, đầu óc nào mà làm chuyện gì khác nữa.
Anh bạn nói sợ lắm rồi, thà không có thì thôi, chứ không bao giờ dính dáng tới nữa.
Tôi… nghiền ngẫm ngâm cứu, thấy thật là quá đúng. Khắp nơi ghiền họp hành, ghiền hội nghị… bàn tới bàn lui trên giấy tờ không thôi. Ghiền họp từ cấp nhỏ cho tới cấp cao. Như đã thấy, vừa Hội nghị Trung ương 7 xong là tới họp Quốc hội. Mỗi lần họp hành kéo dài không ít thời gian, và quanh đi quẩn lại có rất nhiều gương mặt, vừa thấy ở cuộc này xong, lại thấy tham gia ở cuộc khác.
Họp hành triền miên, chiếm hết thời gian thì còn đâu thời gian làm việc? Và xuất hiện những con người, những đại biểu phát biểu xàm xí, tào lao cũng là điều không thể tránh khỏi. Dân gian đặt cho những cái tên như ông nghị “rau muống”, ông nghị “vé số”, ông nghị “trà đá”… quả đúng với bản chất.
Ở quy mô nhỏ, nó có thể làm hỏng một công trình, nhưng ở cấp nhà nước nó sẽ kìm hãm sự phát triển của cả đất nước. Hiện trạng đất nước ta phản ánh đúng từ sự ghiền họp của quan chức, cán bộ của chế độ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.