Đặc khu màu gì?
31-5-2018
Đặc khu là khu vực đặc biệt. Những ai từng quan tâm phim Hongkong thập niên 90 sẽ thấy cách hành xử giữa chính quyền với người dân và giữa người dân với nhau khá đặc biệt.
“Nói gì phải có chứng cứ đó nha. Nếu không là tôi kiện anh/chị/ông/ bà tội vu khống đó!” Câu thoại Việt ngữ giọng nhừa nhựa này xuất hiện trong rất nhiều bộ phim. Người dân có thể nói với nhau như vậy và nói với đại diện chính quyền như vậy.
Hongkong là đặc khu từ tô giới mà Từ Hy Thái Hậu nhà Thanh đã cắt đất cho nước Anh để đổi lấy hòa bình vào 1897 và “đế quốc” Anh trả lại vào 1997. Vấn đề là cách hành xử Ăng-lê ngấm sâu nên người Hongkong đòi hỏi quyền tự trị và các nhân quyền khác mà chính quyền Trung Quốc muốn áp đặt. Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và phong trào “dù vàng” là điển hình cho khao khát tự do của Hongkong.
Có một đặc khu khác, ngay trong lòng Trung Hoa đại lục: Thâm Quyến. Đặc khu này hình thành từ câu nói của Đặng Tiểu Bình “Đừng tranh luận nữa. Hãy làm đi!”. Và có người đem dẫn chứng về số tiền 400 tỉ đô GDP mà đặc khu này mang lại để dẫn chứng về việc nên làm đặc khu. (Đây chỉ là góc nhìn cơ học không thuyết phục. Tôi sẽ viết về sự khác biệt các đặc khu trong bài khác.)
Tại Việt Nam, đặc khu kinh tế Vũng Tàu – Côn Đảo ra đời năm 1979 và giải thể năm 1991 cho thấy Việt Nam chưa đủ cơ sở để vận hành đặc khu. Chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế vẫn được đưa vào Hiến pháp năm 1992 nhưng đến 26 năm sau mới được ồn ào trở lại với việc nên làm 3 đặc khu Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn bằng cách giao đất 99 năm hay không?
99 năm là gần 10% của thời gian “nghìn năm Bắc Thuộc”. 99 năm cũng là lời đề nghị sở hữu đất nếu đầu tư vào đặc khu của Trung Quốc. Nghĩa là dòng tiền chủ đạo sẽ là nhân dân tệ. Đã có cảnh báo về “đặc quyền, đặc lợi” ở các đặc khu. Đã có phân tích về việc ưu đãi làm casino ở đặc khu là không đáng. Cũng có luôn nỗi lo “nhượng địa” (bao gồm địa kinh tế lẫn địa chính trị) nếu làm đặc khu.v.v..
Tôi là một phó thường dân ham đi đây đó và thấy rằng với nội lực Việt Nam thì chỉ cần nhà nước giảm tối đa sự can thiệp vào doanh nghiệp Việt, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện cho nhân tài thực sự phát triển thì không cần phải có đặc khu nào cả.
Vì so với cái được về tiền sử dụng đất và thuế đặc khu thì cái mất nếu đặc khu trở thành một “tô giới mang màu sắc Trung Quốc” sẽ nguy hại hơn nhiều. Nếu nhìn từ Formosa, đến cả ông Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường muốn vào kiểm tra phải thông báo thì nguy cơ người Việt không được tự do ở đặc khu Việt nam.là có thật. Dòng người di cư (từ Trung Quốc) và hệ lụy “gieo giống” với hậu quả là các đứa trẻ hai quốc tịch Việt- Trung cũng là thứ cần cảnh báo.v.v..
Nhìn Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, biên giới 1979 và nhìn Biển Đông nhiều năm nay mà không thấy dã tâm của “bạn vàng” thì hết sức khó hiểu. Ngư dân bị đưa khỏi bờ biển bởi du lịch và công nghiệp nặng có “dòng tiền Trung Quốc” đầu tư chủ đạo để gom đất chưa đủ nỗi lo hay sao mà còn giao thêm trọng địa cho kẻ chỉ muốn thôn tính mình?
Đặc khu có màu gì khi giao 99 năm thì cứ nhìn 20 năm (1407-1427), từ lúc kết thúc nhà Hậu Trần (và nhà Hồ ngắn ngủi) đến khi khởi nghĩa Lam Sơn của nhà Hậu Lê. 20 năm ấy là đỉnh cao của tủi nhục và đớn đau của Việt Nam dưới ách thống trị nhà Minh. Mọi quyền cơ bản của người dân đều bị tước đoạt không thương tiếc. Muốn có 1 ví dụ gần hơn, hãy tìm hiểu cách Chính quyền Trung Quốc ứng xử với Tây Tạng.
Đặc khu thành công mang màu sắc Việt Nam đến giờ vẫn chưa phải là suy nghĩ của các lãnh đạo? Hay màu đỏ của nhân dân tệ mới ánh lên “tin ở hoa hồng”? Tôi không biết đặc khu có màu gì nhưng với kinh nghiệm của hơn nghìn năm Bắc thuộc và nghìn năm chống xâm lăng mới thấy chỉ có màu máu đỏ mới rửa được căm hờn mất nước.
Lịch sử. Luôn có những chương nói về lòng ái quốc. Nhưng có những trang sử cũng chỉ dành riêng để nhắc tên bọn bán nước, kể cả bán nước bằng nút bấm biểu quyết. Và lịch sử của mai sau luôn bắt đầu từ hôm nay…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.