Phiên tòa đặc biệt
28-5-2018
Phiên tòa xét xử BS Lương là một phiên tòa rất đặc biệt. Không biết cái thời Đức Quốc xã, hoặc cái thời Cách mạng văn hóa, có phiên tòa nào như vậy hay không. Nếu không thì có lẽ phiên tòa này trở thành phiên tòa đặc biệt nhất trên thế giới trong lịch sử.
Điều đặc biệt đầu tiên, là phiên tòa lẽ ra được lập nên để xét xử những người gây ra một thảm họa y khoa, lại trở thành phiên tòa được thực hiện để kết tội một bác sĩ vô tội. Bản thân thảm họa y khoa đã là một thảm họa có một không hai trên thế giới. Và, những kẻ đại diện cho bộ máy tư pháp Việt nam, với thói quen muốn nói gì thì nói, muốn xử sao thì xử, đã không đánh giá được tầm ảnh hưởng của phiên tòa, ngang nhiên biến phiên tòa thành một phiên tòa xử một bác sĩ vô tội.
Điều đặc biệt tiếp theo, là những kẻ đóng vai trò chủ chốt trong vụ án đã không bị truy tố. Thậm chí, chúng còn được phép không có mặt tại tòa. Kẻ có vai trò mấu chốt nhất thì xuất cảnh. Những kẻ đại diện cho bộ máy tư pháp Việt nam, với tư duy tự cho mình là công lí, đã không cần biết đến phản ứng của dư luận, coi thường tất cả những ý kiến của người dân, của các chuyên gia, thậm chí là các đại biểu Quốc hội.
Điều đặc biệt tiếp theo, là ở phiên tòa này, bằng chứng, lí lẽ, lời khai được đưa ra, tất cả đều cho thấy bị cáo chính vô tội, nhưng những kẻ đại diện cho bộ máy tư pháp Việt nam, đã không thèm mảy may quan tâm đến, mà chỉ dựa vào một cái hồ sơ đã được áp dụng đủ các biện pháp bẩn thỉu nhất để thay đổi sự thật, để đổ tội cho một bác sĩ vô tội. Chính vì những điều đặc biệt mà những kẻ đại diện cho bộ máy tư pháp Việt nam gây ra nói trên, đã làm cho phiên tòa này trở thành đặc biệt.
Thực ra thì những điều đặc biệt trên không có gì là đặc biệt ở cái đất nước Việt nam này. Những kẻ đại diện cho bộ máy tư pháp Việt nam đã chẳng ngại ngùng sử dụng bất cứ thủ đoạn nào, để biến bất cứ ai mà chúng muốn thành tội phạm. Thế nhưng điều đặc biệt tiếp theo là phiên tòa này lại thu hút sự quan tâm một cách đặc biệt của dư luận.
Sau một thời gian dài ngành y bị vùi dập bởi nạn bạo hành y tế, bởi những kẻ côn đồ, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là sản phẩm, hay nạn nhân của một bộ máy quản lí thối nát, thì bây giờ, chính những kẻ trong bộ máy quyền lực, trong các nhóm lợi ích mang danh lãnh đạo, chuyên chính… cấu kết với nhau để hãm hại một nhân viên y tế không thuộc nhóm lới ích của chúng. Và dư luận, vốn đã nín nhịn quá lâu trước các bất công, ngang trái, đã không còn có thể chịu đựng được.
Một điều đặc biệt mà có lẽ chẳng có mấy phiên tòa mà ở đó, tất cả các bị hại, gia đình của cả 9 nạn nhân bị thiệt mạng vì thảm họa, đều nhất quyết cho rằng BS Lương, người mà những kẻ đại diện cho bộ máy tư pháp Việt nam nhất quyết khép tội, là vô tội. Thậm chí, họ còn nhấn mạnh, rằng họ không xin giảm nhẹ hình phạt, vì họ cho rằng, BS Lương hoàn toàn không có tội.
Chưa hết, một điều còn hết sức đặc biệt của phiên tòa này, là Bệnh viện, nơi xảy ra thảm họa, lại khuyến cáo những kẻ đại diện cho bộ máy tư pháp Việt nam truy tố tay giám đốc của bệnh viện, kẻ mà nhóm đại diện cho bộ máy tư pháp Việt nam ở Hòa Bình đã cố tình bỏ qua mọi tội lỗi, còn để cho hắn xuất cảnh ra nước ngoài.
Những kẻ đại diện cho bộ máy tư pháp Việt nam đã dùng mọi thủ đoạn để che dấu tội của những kẻ vì lợi ích của mình mà để xảy ra thảm họa, giết chết 9 người, che dấu lỗi lầm của các cơ quan chức năng liên quan. Nhưng các luật sư, của tất cả các bên có quyền lợi đối lập nhau, lại cùng lên tiếng, cùng thống nhất vạch mặt nhóm quyền lực cần phải bị truy tố, và đều thống nhất, bị cáo chính của phiên tòa, BS Lương, vô tội.
Sự đặc biệt của phiên tòa còn nằm ở chỗ nó đã gây ra một cuộc tranh cãi nẩy lửa ở Quốc hội, nơi mà đa số các đại biểu thường chỉ giơ tay, hoặc có nói thì cũng chỉ chung chung, mơ mơ hồ hồ, đến mức đã từng thông qua một cái luật mà khi mang ra áp dụng phải ngưng lại và sửa hết 2/3 mới có thể xài được. Chưa hết, phiên tòa này còn đoàn kết một bộ phận lớn nhân viên y tế lại với nhau. Các Hội chuyên ngành y tế lần đầu tiên lên tiếng bảo vệ Hội viên của mình, chứ không phải chỉ là những tuyên bố ca ngợi sự sáng suốt, tài tình của đảng.
Chưa biết diễn tiến tiếp theo của phiên tòa sẽ ra sao. Nhưng chắc chắn một điều, phiên tòa này đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự phát triển của xã hội Việt nam. Thời đại “đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, đoàn thể vỗ tay, nhân dân bó tay” đang thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.