Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Trách nhiệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở đâu?

Trách nhiệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở đâu?

Trúc Giang
Trong Hội nghị TƯ 7 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn nhá rất mạnh vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho giai đoạn tới, ông vẫn xác định tiêu chuẩn là “vừa hồng vừa chuyên”. Trong đó “hồng” tức phải là đảng viên của đảng ông, còn “chuyên” nghĩa là đủ học vị học hàm, mà học hàm phó giáo sư, giáo sư thì tuyệt đại đa số là do hệ thống “quốc doanh” của Đảng phong tặng... Ông Trọng luôn tin rằng, cái đội ngũ do ông và các cấp ủy đảng của ông lựa chọn sẽ có thể đảm đương được các công việc cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0, có thể chơi ngang ngửa với các đối tác trong các hiệp định EVFTA, CP TPP hay TPP... Đấy là ông Trọng nghĩ, chứ những người có chút quan tâm, am hiểu tình hình thì chẳng ai nghĩ thế. Người ta đã thấy đảng của ông đã loại bỏ, hoặc vô hiệu hóa nhiều người có đức có tài thật sự (chứ không phải loại “hồng-chuyên” như tiêu chuẩn rởm của đảng). Điển hình như chuyện Giáo sư  Phan Đình Diệu bị loại chỉ vì không chịu vào đảng và cũng vì những vị Bộ trưởng đảng “biết đón thời cơ” như Nguyễn Văn Hiệu thấy tài năng và tầm nhìn của ông tuy rất quý cho đất nước nhưng lại không đem lại món lợi cụ thể gì cho cá nhân mình; hay nhà toán học danh tiếng Ngô Bảo Châu bị người của đảng kỳ thị, đả kích chỉ vì phát biểu mấy câu chệch ra khỏi “lề” của đảng; thậm chí doanh nhân thành đạt thực sự, có thể cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp ở các nước phát triển còn bị bỏ tù dài hạn chỉ vì muốn điều chỉnh lại một số quy chế, khuôn khổ không phù hợp cho sự phát triển (xin xem bài được đăng dưới đây: “Ông Trần Huỳnh Duy Thức được trả lại tự do thì đem lại lợi ích gì cho đất nước?”). Đặc biệt vô lý nữa,  gần đây có câu chuyên về Giáo sư Trương Nguyện Thành từ Mỹ về. Ông là một Giáo sư giỏi và có tâm nguyện muốn được đóng góp cho sự nghiệp đào tạo bậc Đại học trong nước. Nhưng ông đã bị người của đảng thẳng tay loại bỏ khỏi vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học tư thục Hoa Sen với một lý do lãng xẹt (mặc dù chính Hội đồng Quản trị Đại học Hoa sen đã tín nhiệm, đánh giá cao về năng lực chuyên môn cũng như khả năng quản lý của ông trong vai trò Hiệu phó mà ông đảm nhiệm từ năm 2016).
Kiểu cách lựa chọn cán bộ của đảng ông Trọng phải chăng có thể ngẫm rằng:
          “ Gánh vàng đi đổ sông Ngô
Đêm nằm tơ tưởng đi mò... bốn chấm không”...???
Bauxite Việt Nam

Với cơ chế “Đảng cử dân bầu”, nhưng lại thiếu chế tài khi Đảng cử sai người, đưa đến việc người dân nhầm lẫn khi so bó đũa chọn cột cờ. Như vậy, trách nhiệm lớn nhất ở đây là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi Đảng cấp trên ‘tự phê’

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 19-5-2018 [tải về tại http://bit.ly/2IEJuAE], có đánh giá như sau (trích):
“Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Đảng cử dân bầu! Ảnh: Internet
Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi” (hết trích).
Như vậy dễ nhận ra là để giải quyết vấn đề “năng lực đội ngũ cán bộ”, cần thay đổi phương thức tuyển chọn nhân sự cho bộ máy quản trị quốc gia. Nói một cách khác đã đến lúc cần cáo chung phương thức “Đảng cử, dân bầu”.

Lỗi ở… Đảng cấp dưới (!?)

Theo nội dung chi tiết nêu tại văn bản có tên “Hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị (Khóa IX) và Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI)” số 15-HD/BTCTW do Trưởng Ban tổ chức Ban Chấp hành Trung ương Đảng – ông Tô Huy Rứa ký ban hành ngày 05 tháng 11 năm 2012, thì Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Chính trị cùng có trách nhiệm thực hiện những nội dung chi tiết của Hướng dẫn 15-HD/BTCTW.
“Được sự ủy quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, phê duyệt quy hoạch và bổ sung nhân sự từ nơi khác vào quy hoạch các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thông báo lại cho địa phương, cơ quan, đơn vị; phê duyệt kế hoạch luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sắp xếp các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Phần IV “Tổ chức thực hiện” của Hướng dẫn 15-HD/BTCTW, ghi như vậy.
Và chiếu quy định ‘giấy trắng mực đen’ nói trên, cho thấy người đứng đầu Ban Bí thư là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải chịu mọi trách nhiệm về công tác quy hoạch nhân sự các chức danh.
Tuy nhiên thật đáng tiếc, trong toàn bộ nội dung của Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, lại hoàn toàn không có dòng nào nói về trách nhiệm của Tổng Bí thư.
Trong phần đánh số thứ tự '2' của Nghị quyết (nói trên), Tổng Bí thư cho rằng lỗi ở đây hoàn toàn từ các cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới: “Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, về cán bộ và công tác cán bộ chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa được coi trọng đúng mức” (hết trích).

Chỉ được chọn trong giới hạn của 4,5 triệu đảng viên

Cá nhân người viết tin rằng cần hết sức chia sẻ về lỗi ở đây (nếu có) của Tổng Bí thư trong tìm kiếm cán bộ liêm chính đủ tài và đức. Bởi ông Nguyễn Phú Trọng chịu sự giới hạn tìm kiếm nhân sự trong số chỉ có 4,5 triệu đảng viên trên tổng số dân Việt Nam là 96.387.394 người vào ngày 22/05/2018, theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc (Nguồn: https://danso.org/viet-nam/).
Con số từ Tổng cục Thống kê công bố về kết quả khảo sát tình hình kinh tế xã hội cả nước 9 tháng đầu năm 2017, cho biết về lĩnh vực lao động, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm khảo sát ước tính 48,21 triệu người, tăng 391,8 ngàn người so với cùng thời điểm năm trước.
Như vậy, nếu làm phép toán trừ lớp bốn, số người lao động này với các đảng viên (bao gồm cả đảng viên quá tuổi lao động), thì có đến 43,5 triệu lao động không đảng viên. Chỉ cần 2/10 trong số này là thành phần thuộc nhân sự quản trị giỏi, thì vẫn vượt quá xa trong con số vỏn vẹn 4,5 triệu đảng viên để ông Tổng Bí thư chọn lựa.
Xin được gửi đến ông Tổng Bí thư về nội dung của Điều 14.1, Hiến pháp 2013 liên quan đến chuyện ‘quy hoạch cán bộ nguồn’: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
T.G.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.