Tiếng Việt càng ngày càng… khó!
Trân Văn
25-5-2018
Có lẽ tất cả người Việt, từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ, bất kể học vấn, nghề nghiệp, nên cùng nhau… sám hối vì học chưa tới nơi, hiểu chưa tới chốn những nguyên lý có tính thời thế đang chi phối tiếng mẹ đẻ!
Tiếng Việt – ngôn ngữ mà họ nghe “từ lúc nằm nôi”, đã, đang cũng như sẽ dùng cho tới hết phần đời còn lại của mình, giờ rõ ràng là rất khó và rõ ràng số người… chuyên tâm học – hành Việt ngữ quá… ít!
***
Đầu tuần này, khi các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT đồng loạt thay bảng, đổi tên thành trạm thu… giá, dư luận rồi công luận ở Việt Nam sôi sùng sục.
Không chỉ những người bình dân hoang mang về ngữ nghĩa, giới được xem là có học, là tinh hoa của xã hội Việt Nam, đọc nhiều – hiểu rộng cũng công khai thừa nhận họ không đủ khả năng lĩnh hội, lý giải rạch ròi về “thu giá”.
Bối rối vì sự ra đời và đột nhiên trở thành phổ dụng của “thu giá”, nhiều triệu người xúm vào chỉ trích, trong số này có facebooker Trần Đăng Tuấn. Ông Tuấn nhận định, việc đổi “thu phí” thành “thu giá” là “sự ngu độn của ngôn ngữ”, đồng thời nhấn mạnh, đó không phải là ngu độn tự nhiên mà là loại ngu độn thoát thai từ “trí trá”, một “ý đồ xảo quyệt” nhằm lách qua các qui định hiện hành về phí để hợp pháp hóa chuyện bắt chẹt dân chúng. Chuyển từ “thu phí” qua “thu giá” là nhằm tước vũ khí pháp lý trong tay dân chúng khi họ muốn sử dụng vũ khí pháp lý ấy để chống lại sự phi lý, áp đặt. Ông Tuấn lên án sự chuyển đổi “thu phí” thành “thu giá” thể hiện thái độ lì lợm một cách trắng trợn…
Tính đến cuối tuần này, có ít nhất 15.000 người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ bày tỏ sự đồng tình với ông Tuấn, chưa kể phân tích – nhận định của ông Tuấn đã được khoảng 5.000 người chia sẻ.
Chẳng riêng mạng xã hội, dẫu được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, sáng suốt của Đảng, làm gì cũng phải nhìn trước, ngó sau xem có khác với chủ trương, có ngược hướng với đường lối hay không nhưng báo giới cũng nhập cuộc. VOV – Đài Phát thanh Quốc gia của Việt Nam phỏng vấn nhiều người từ thường dân tới các chuyên gia là tuyệt chiêu mà Bộ Giao thông – Vân tải tạo ra để bảo vệ tận thu. Theo đường hướng đó, Thanh Niên giới thiệu phân tích, cảnh báo của một số chuyên gia khác rằng, “thu giá” chính là mở đường để giao công sản cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT khai thác sai nguyên tắc. Người Lao Động thu thập ý kiến hàng loạt độc giả, bày tỏ sự bất bình vì “thu giá” che đậy, hợp thức hóa tham vọng “thu phí bằng mọi giá”. Một số cơ quan truyền thông khác như VnExpress, VietNamNet, Tuổi Trẻ… tìm tới các chuyên gia về Việt ngữ, những nguyên lý cơ bản của Việt ngữ để chứng minh “thu giá” là quái thai ngôn ngữ, một biểu hiện quái gở, nguy hiểm trong tư duy…
***
Đứng trước sự cuồng nộ của dư luận và công luận, thậm chí bị không ít người gán cho, gọi bằng biệt danh “Thả cá trê” – một lối miệt thị ông Thể, ví ông như… cá tra, ông Nguyễn Văn Thể có thêm dịp để chứng tỏ bản lĩnh của một thành viên chính phủ đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Giao thông – Vận tải.
Ở hành lanh trụ sở Quốc hội, thông qua báo giới, ông Thể nhẩn nha giải… ngố cho cả trăm triệu người đang chờ nghe ông rằng, đại loại, theo luật thì phải đệ trình, gỉai trình, chờ ý kiến cuối cùng của các cơ quan dân cử nên không thể linh hoạt được. Thu giá thì ngược lại, chỉ phụ thuộc vào kết quả thương thảo giữa đại diện hệ thống công quyền với chủ đầu tư.
Có một điều đáng ngậm ngùi là dân chúng Việt Nam, từ giới bình dân đến các chuyên gia đủ mọi lĩnh vực quá… ngố! Bất bình với ông Thể, cậy vào Quốc hội. Không ít người, kể cả báo giới méc với Quốc hội – cơ quan đại diện cho mình là ông Thể lạm quyền, qua mặt Quốc hội. Cực chẳng đã, các viên chức cao cấp của Quốc hội đành phải lên tiếng.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, cảnh cáo toàn dân đừng có chẻ chữ, tìm nghĩa, “thu phí” hay “thu giá” chỉ là sự khác biệt về cách gọi, phải nhìn vào bản chất của vấn đề, phải tôn trọng thực tiễn, tôn trọng cam kết của chính phủ với nhà đầu tư, phải theo luật cho đến khi Quốc hội chấp nhận xem xét, cải sửa luật.
Nhã nhặn hơn, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Việt Nam, thừa nhận hai chữ “thu giá” lạ lẫm, người Việt chưa từng dùng, dễ gây hiểu lầm, để tránh ngộ nhận thì cần rạch ròi hơn, ví dụ tại các trạm thu phí BOT nên có bảng ghi rõ “Trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp a, b, c cung cấp”. Dù gì cũng là “Trưởng Ban Dân nguyện”, không tiện khẳng định thẳng thừng, “thu giá” là đúng, dân chúng phản đối là sai, bà Hải chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng rằng: “Khi sử dụng dịch vụ thì phải trả giá liên quan tới mức độ sử dụng dịch vụ đó, phải tuân theo nguyên tắc thị trường”!
Dường như dân chúng Việt Nam không chỉ ngố… quá mà còn ngố… lâu! Đến giờ này, họ vẫn chưa hiểu: Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam là… một. Sông có thể… cạn, núi có thể… mòn. Song chân lý ấy không bao giờ… thay đổi! Đâu phải tự nhiên mà mới đây, Đảng CSVN công khai cấm bàn về tam quyền phân lập! Quốc hội và những đại biểu đại diện cho nguyện vọng, ý chí của toàn dân còn chưa… hoài thai thì làm sao có thể có mặt trên đời!
***
“Thu giá” ra đời và lập tức trở thành phổ dụng làm cho hàng trăm triệu người Việt thêm một lần tán thán về tiếng mẹ đẻ của mình.
Giống như nhiều facebooker, Võ Đắc Danh than về chuyện không có sự việc nào được gọi đúng tên, chẳng hạn “kẹt xe” giờ được thay bằng “ùn chứ không tắc”, “cướp đất” thì được biểu đạt bằng cụm từ “giải phóng mặt bằng”, “câu kết thành băng đảng để tham nhũng” thi vị hóa thành “lợi ích nhóm”… Bạn bè của Danh như Trương Quang cũng bối rối khi “cướp chính quyền” chuyển thành “giành chính quyền”. Bùi Minh Kết phát giác “đi hoài không tới, tìm hoài không thấy” nay gọi là “thời kỳ quá độ”. Trung Quan Do tin rằng “đường vào ngõ cụt” giờ đồng nghĩa với “chủ nghĩa xã hội”. Nguyễn Thông bảo “tay sai” đã thế chỗ cho từ hai từ “Quốc hội”. Theo Chu Le, về ngữ nghĩa, “ngu chết mẹ” chính là “đỉnh cao trí tuệ…
Thử tra cứu lai lịch của Danh và bạn bè qua facebook thì dường như họ thuộc nhóm… nhiều chữ. Dư chữ mà vẫn mơ hồ về tiếng mẹ đẻ như thế thì rõ ràng tiếng Việt càng ngày càng… khó. Thiệt là… tội nghiệp!
“Thu giá” cung cấp thêm bằng chứng cho thấy, giữ sự trong sáng về tư duy, chân phương trong diễn đạt bằng tiếng Việt giờ đã… lạc hậu. Sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN không chỉ trong phạm vi chủ trương, đường lối mà còn bao gồm cả vận dụng ngôn ngữ thành ra toàn dân “học nữa, học mãi”, học… hoài từ đời ông bà, cha mẹ đến thế hệ con cháu mà vẫn không… thông! Ai dám chê, dám cho như thế là không… tài tình?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.