Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Tam quyền phân lập, thật và giả

Tam quyền phân lập, thật và giả

27-5-2018
Ảnh: internet
Ở bài trước tôi viết về dân chủ và sức mạnh nghị viện. Bài viết mặc định ai cũng tường tận thế nào là tam quyền phân lập. Nhưng có ý kiến đề nghị tôi viết về tam quyền phân lập để cho những ai còn mơ hồ biểu rõ hơn về nó. Mong muốn với cách viết của mình, cố gắng nói cho đơn giản để dễ hiểu hơn những gì trong sách viết. Nên lần này tôi sẽ viết status để bàn về thế nào là một nhà nước tam quyền phân lập? Thế nào là tam quyền phân lập trá hình? Và thế nào là tập quyền?
Như ta biết, trong xã hội, nếu không có luật pháp điều hành thì sẽ loạn, tội ác lên ngôi. Nên tất phải có luật pháp để điều hành. Người chưa hiểu luật pháp thì giáo dục, nếu người có ý định phạm tội thì cảnh báo hoặc răn đe, nếu đã phạm tội thì phải bị trừng trị. 2 biện pháp giáo dục và răn đe có tác dụng giảm tội phạm, trừng phạt là cách cuối cùng.
Để trừng phạt người gây tội ác thì phải có 3 thứ. Thứ nhất, lập pháp để viết ra luật làm cơ sở trừng phạt. Thứ nhì, tư pháp là dựa vào luật để định tội. Và thứ 3, là hành pháp dựa vào bản án trừng phạt người phạm tội. Gộp 3 quyền này lại một người thì đó là độc tài cá nhân. Nếu 3 quyền nào vào tay một đảng nắm thì đó là độc tài toàn trị. Khi đó sẽ không còn ai có đủ quyền lực để kham nổi việc chế tài đối tượng giữ quyền lực tối cao cả. Để dễ hình dung, bạn cứ tưởng tượng, cầu thủ và trọng tài không thể nào gộp lại là một được mà phải tách quyền ra mỗi người một quyền riêng và mỗi người trong họ tự thực hiện chức năng mình theo luật chơi chung.
Khi còn nhỏ, ở quê tôi có một đàn voi được đưa từ Tây Nguyên xuống dừng chân Bình Định. Mỗi con voi có một người điều khiển được gọi là thằng nài. Trong đàn có một con voi chứng, nên cần có một con voi thủ lĩnh để khống chế voi chứng này. Sau này nghe nói, đàn voi ra Quảng Ngãi, nài bị con voi chứng giết chết vì con voi thủ lĩnh được điều đi hướng khác.
Vâng, một khi quyền lực quá lớn thì phải có những quyền lực lớn khác giám sát và chế tài. Cho nên, để điều khiển được quyền lực nhà nước thì chỉ có tách nó làm 3 nhánh độc lập để giám sát và chế tài nhau. Để khống chế con voi chứng thì chỉ có thể là con voi khác. Và tương tự, để khống chế quyền lực nhà nước thì chỉ có nhánh khác của quyền lực nhà nước có quyền lớn tương xứng. Tổng thống có thể phủ quyết một đạo luật do lập pháp biểu quyết, nhưng lập pháp thì có thể phủ quyết một quyết định của tổng thống nếu số nghị sỹ tán đồng hơn 2/3. Tư pháp có tòa bảo hiến có thể bác bỏ một sắc lệnh hành pháp tổng thống và có thể hủy một đạo luật của lập pháp nếu nó vi hiến. Lập pháp có quyền luận tội tổng thống, tư pháp có thể xử tội tổng thống bla bla bla.. Đó là nguyên tắc thứ nhất, nguyên tắc sức mạnh tương đương dùng để chế tài.
Một nguyên tắc thứ 2 của phân quyền mà tôi muốn nói đó là nguyên tắc khuyếm khuyết. Nguyên tắc khyếm khuyết để hạn chế sự lộng quyền. Nếu đem ô tô tháo rời 4 bánh giao cho một chủ, thân xe giao cho chủ khác, và tay lái giao cho người chủ thứ 3 cất giữ, thì chẳng ai có thể tự ý dùng được chiếc ô tô này được. Chỉ khi 3 người chủ hợp lại ráp thành chiếc ô tô hoàn chỉnh và sử dụng vì mục đích chung thì chiếc ô tô mới vận hành được. Một vụ án phải dùng luật do lập pháp viết ra, tư pháp xử cho ra bản án, hành pháp thi hành bản án do toà tuyên đó là sự phối hợp Lập – Tư – Hành pháp để cho ra một bản án tôn trọng công lí. Tất cả đều phải độc lập tránh sự thông đồng.
Vậy tam quyền phân lập là gì? Đơn giản nó là tách quyền lực nhà nước ra làm 3 nhánh độc lập Lập – Tư – Hành pháp. Còn gộp 3 quyền đó lại cho một đối tượng thì đó là tập quyền. Vua chuyên chế, các lãnh đạo độc tài và đảng độc tài là những ví dụ về tập quyền. 3 quyền đó giao cho ai nắm thì chúng ta cần phải bàn.
Quân chủ lập hiến là có vua nhưng vua chỉ là biểu tượng, khác có vua trong quân chủ chuyên chế. 3 quyền được chia như sau, lập pháp thuộc quốc hội, tư pháp thuộc hệ thống tòa án, và hành pháp thuộc đảng cầm quyền (đảng chiếm đa số trong bầu cử nghị viện) thành lập nội các. Nười đứng đầu đảng cầm quyền sẽ là thủ tướng. Mô hình này là Hà Lan, Anh Quốc, Canada, Úc, New Zealand, Đan Mạnh, Na Uy, Nhật Bản.
Cộng hoà nghị viện, có tổng thống nhưng tổng thống chỉ là biểu tượng. 3 quyền được chia như loại quân chủ lập hiến. Quốc hội giữ quyền lập pháp, hệ thống tòa án giữ quyền tư pháp, và đảng cầm quyền giữ quyền lập nội các nắm quyền hành pháp. Ý, Đức, Israel theo loại mô hình này.
Cộng hoà tổng thống, về đối nội, tổng thống là người đứng đầu hành pháp, về đối ngoại tổng thống là đại diện cho đất nước tức là tổng thống giữ vai trò nguyên thủ quốc gia. 3 quyền được chia như sau, Quốc hội giữ quyền lập pháp, hệ thống tòa án giữ quyền tư pháp và tổng thống giữ quyền hành pháp. Chú ý, tổng thống có thể không phải là người của đảng chiếm đa số ở nghị viện, vì bầu cử tổng thống độc lập với bầu cử nghị viện. Hoa Kỳ, Hàn Quốc là hình mẫu cho mô hình này.
Để cho 3 quyền này độc lập thì phải có các yếu tố sau. Thứ nhất, phải đa nguyên đa đảng để không một đảng phái nào thâu tóm 3 quyền về mình. Thứ nhì, bản hiến pháp phải chia quyền lực 3 nhánh tương đối đồng đều, mà đặc biệt phải cắt bớt quyền của hành pháp nếu có thể nhằm đảm bảo sự giám sát và chế tài lẫn nhau. Thứ 3, phải có tòa bảo hiến để loại bỏ các đạo luật hoặc sắc lệnh hành pháp vi hiến bảo vệ nhà nước pháp quyền. Nếu không thoả mãn 3 yếu tố trên thì dân chủ tam quyền phân lập chỉ còn là cái vỏ, thực chất nó quay lại độc tài cá nhân. Nói đúng ra nó là một dạng tam quyền phân lập trá hình, nó thực sự là dạng tập trung quyền lực tựa vua chuyên chế mà thôi. Ví dụ như điều 80 Hiến pháp Nga quy định tổng thống giải tán Duma (tức Hạ Viện Nga) thì xem như không có tam quyền phân lập đúng nghĩa, nó là độc tài. Putin nắm quyền tương tự như Sa Hoàng.
Khi gộp 3 quyền về một mối thì ngay chính kẻ nắm quyền sẽ dễ thành kẻ phạm tội vì không còn đối tượng nào ngang sức để giám sát và chế tài. Trong một nhà nước độc tài, tội phạm ngoài xã hội chỉ là tội phạm vặt, tội phạm nhà nước mới kinh khủng. Nó kinh khủng về mức độ tội ác và kinh khủng về sức phá hoại của nó với đất nước. Vì đơn giản, tội phạm ngoài xã hội còn lén lút sợ pháp luật, còn tội phạm nhà nước thì pháp luật phải sợ nó nên cực kỳ nguy hiểm. Và đó là hình ảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Đất nước bất an, dân dân bất an có nguyên nhân chính là ĐCS mà ra cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.