Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Nếu tòa tuyên BS Lương có tội, bi kịch mới thật sự bắt đầu …


Nếu tòa tuyên BS Lương có tội, bi kịch mới thật sự bắt đầu …

26-5-2018
Ngược dòng thời gian, Bệnh viện Hòa Bình vì lý do xyz nào đó đã để một công ty có chức năng làm vệ sinh nhà cửa & xử lý nước thải vào sửa thiết bị lọc nước RO dùng cho chạy thận. Vâng, mọi người không đọc nhầm, là làm vệ sinh nhà cửa và xử lý nước thải đó. Bạn sửa máy dùng chất cấm là HF, 9 mạng người chết oan, và BS Lương bị truy tố vì tội không chịu kiểm tra hệ thống lọc nước trước khi ra y lệnh.
Mình là người đã trải qua gần 12 năm học về ngành Hóa, tính từ bậc đại học, cộng với 12 năm vừa làm vừa học thêm ngành Hóa tại Bách Khoa, có một ít kiến thức về Hóa phân tích, nhưng nếu ai đó đưa cho mình một bình nước RO và hỏi nước này có thể dùng để chạy thận được hay không, thì mình cũng xin đầu hàng vô điều kiện. Thậm chí ngay cả trong trường hợp mình có phòng thí nghiệm hiện đại, cũng chỉ có thể làm những test theo Dược điển, và phải tốn khá nhiều thời gian. Còn nếu muốn biết chính xác trong mẫu nước RO đó có nhiễm những Hóa chất nào, thì cần cung cấp cho mình thông tin chi tiết về chất lượng nguồn nước đầu vào, về những nguồn Hóa chất có thể nhiễm vào nước, về quá trình bảo quản nước, về những lần bảo trì sửa chữa, nói chung là càng nhiều thông tin càng tốt, để có thể khoanh vùng, rồi cũng phải lên bờ xuống ruộng, mới mong có kết quả. BS Lương chỉ có 3 không, là không chuyên môn, không thiết bị phân tích, không quy chế, thì BS kiểm tra được cái gì đây?
Hôm xảy ra thảm hoạ, cả bạn sửa máy và bạn điều dưỡng đều có kiểm tra đồng hồ, thấy số liệu vẫn trong giới hạn bình thường, sau đó BS Lương ra y lệnh, nhưng vì sao thảm hoạ lại xảy ra khi số liệu trên đồng hồ vẫn bình thường trong giới hạn cho phép? Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra bảo là đồng hồ bị hư, nhưng mình nghĩ không phải do đồng hồ hư, đồng hồ dao động từ 8.6-9 mà sao hư.
Nếu ở Bệnh viện Hòa Bình có một KS Hóa tốt nghiệp từ Bách Khoa hay CN Hóa tốt nghiệp từ KHTN, thì tình hình sẽ khác. Bạn KS/CN Hóa này sẽ theo dõi sự biến động của đồng hồ từ đầu cho đến cuối quá trình sửa máy, bạn ấy sẽ thấy ban đầu số trên đồng hồ sẽ lớn, sau đó giảm dần, rồi một lúc sau sẽ vào giới hạn cho phép, và bạn KS/CN này sẽ yêu cầu bỏ ngay lập tức toàn bộ nước RO trong bình thành phẩm. Bi kịch ở đây, là do không có chuyên môn, nên bạn sửa máy không theo dõi suốt cả quá trình. Lưu ý số liệu trên đồng hồ chỉ nói lên độ dẫn của chính mẫu nước ngay tại thời điểm nước đi qua đồng hồ, chứ hoàn toàn không nói lên độ dẫn của nước RO trong bình chứa nước thành phẩm. Mấu chốt ở đây, là lúc tháo màng lọc RO ra rửa, bạn sửa máy đã làm cái bình chứa nước RO thành phẩm cùng với cái đoạn ống nằm phía sau đồng hồ nhiễm HF rồi. Lúc đó, nếu đem nước trong bình thành phẩm đo độ dẫn bằng 1 máy đo khác, sẽ thấy khác hoàn toàn với con số hiện ra trên đồng hồ kia.
Theo luật, Bệnh viện phải có trách nhiệm bảo đảm nước RO sạch trước khi cung cấp cho BS. Để bảo đảm có nước RO sạch cung cấp cho BS, Bệnh viện Hòa Bình phải có ít nhất 3 yếu tố: (1) Nhân sự có chuyên môn, được đào tạo bài bản về ngành Hóa tại Trường KHTN hoặc Bách Khoa, (2) Phòng thí nghiệp và trang thiết bị cần thiết, (3) Các quy định quy chế thật nghiêm ngặt ở tất cả các khâu, kể cả khâu sửa chữa máy, và trong trường hợp phải đi thuê phòng thí nghiệm khác thì cũng phải có quy định quy chế rõ ràng. Chỉ cần một yếu tố có vấn đề, thảm họa sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.
Riêng đối với các sản phẩm nhập khẩu còn nguyên tem, chính nhà cung cấp uy tín đã bảo đảm chất lượng hàng hóa, nhưng nếu không có quy chế nghiêm ngặt về việc bảo quản sản phẩm, thì thảm họa vẫn có thể xảy ra. Trong ngành Hóa, bơm mẫu vào máy, thế nào máy cũng cho ra một con số, nhưng con số đó chính xác hay không, có sử dụng được hay không, thì lại là chuyện khác. Ví dụ trong trường hợp này, đồng hồ trên máy vẫn hiện lên con số nằm trong khoảng cho phép, mà vẫn gây ra chết người đó.
Để có thể bảo đảm 3 yếu tố này, trước hết là vai trò của Bộ Y tế. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng không thể nào ban hành các quy trình thật chi tiết cho cả ngàn Bệnh viện, mà chính từng bệnh viện phải cụ thể hóa các quy trình đó cho phù hợp với hoàn cảnh của từng bệnh viện. Nếu không làm được đồng thời 3 điều này mà để xảy ra thảm họa, người đáng bị truy tố phải là ông Giám đốc Bệnh viện chứ không phải là các bác sĩ.
Thật ra chưa cần bàn đến 3 yếu tố này, chỉ riêng mỗi việc Bệnh viện Hòa Bình đã để  một công ty có chức năng làm vệ sinh nhà cửa & xử lý nước thải vào sửa thiết bị lọc nước RO dùng cho chạy thận rồi gây ra thảm họa chết người, đã là quá đủ để truy tố ông Giám đốc Bệnh viện rồi, bị cáo đứng trước tòa phải là ông ấy chứ không phải là BS Lương. Vậy mà không, ông ấy được tự do vi vu tận Canada để thăm thân nhân.
Có quá nhiều điều bất ổn. Đầu tiên là Bệnh viện đã để 1 công ty có chức năng làm vệ sinh nhà cửa & xử lý nước thải vào sửa thiết bị y tế, kế tiếp là giá vật tư được nâng lên khủng khiếp, không đủ tiền thay 4 cái bộ lọc mà chỉ thay 2 cái, còn 2 cái thì phải rửa bằng HF rồi xài lại, nên thảm họa mới xảy ra. Kế tiếp là các giấy tờ được ngụy tạo để đổ tội cho BS Lương, người ngụy tạo đã khai nhận. Kế nữa là chuyện mớm cung, trên đời này làm gì có chuyện 2 người khác nhau mà khai những đoạn giống nhau như vậy. Hài hước là người ta khai đã giao nhiệm vụ cho BS Lương bằng miệng, mà giao trong buổi họp bình bầu thi đua cuối năm, trong khi mọi chuyện phải bằng văn bản, phải ghi rõ ông xếp ra quyết định giao nhiệm vụ cho ai, và người được giao có quyền lợi và trách nhiệm gì. Thật mỉa mai, những người liên quan thì rủ nhau ốm tập thể để vắng mặt, và luật sư chẳng biết phải hỏi ai. Thậm chí, VKS phát biểu rằng việc ngụy tạo giấy tờ không ảnh hưởng đến quyết định của họ, trong khi họ đã dựa vào giấy tờ ngụy tạo đó để kết tội BS Lương.
Mình tự hỏi, ông Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình là ai, có những đóng góp vĩ đại gì cho đất nước này, mà được nguyên cả một hệ thống, từ VKS, cơ quan điều tra, nhiều sếp lớn sếp nhỏ trong Bệnh viện cùng nhau ra sức bảo vệ, kể cả bằng những cách phạm pháp như ngụy tạo giấy tờ? Ngay cả nếu ông ấy là đại công thần của Hòa Bình, thì không cần phải sống và làm việc theo pháp luật ư?
Nếu tòa tuyên BS Lương có tội, bi kịch mới thật sự bắt đầu …
Bi kịch thứ nhất, các sếp trong Bệnh viện tha hồ nâng giá vật tư, tự do mời các đơn vị không đủ năng lực vào cung cấp hoặc sửa chữa vật tư thiết bị y tế. Công ty có chức năng làm vệ sinh nhà cửa & xử lý nước thải mà có thể vào Bệnh viện sửa thiết bị y tế, thì chuyện gì lại không thể. Họ rất yên tâm làm những điều đó, vì nếu có xảy ra chết người, đã có BS đi tù thay họ rồi, không cần phải lo lắng gì.
Bi kịch thứ hai, BS sẵn lòng cứu người, nhưng họ phải vì an toàn của bản thân họ trước, họ phải nghĩ đến gia đình họ nữa, và có thể trong vài phút đấu tranh suy nghĩ nên cứu người ngay hay phải chờ làm đủ thủ tục giấy tờ, bệnh nhân đang thập tử nhất sinh đã ra đi, số oan hồn sẽ tăng lên khủng khiếp. Ai sẽ đòi lại công bằng cho những oan hồn này đây, và có ai trong chúng ta chắc chắn rằng mình không phải là oan hồn kế tiếp.
Bi kịch thứ ba, ý kiến những chuyên gia, những nhà khoa học đầu ngành, hoàn toàn bị tòa án, cơ quan điều tra và VKS không thèm đếm xỉa đến. Trong chuyện này, đáng lẽ cơ quan điều tra và VKS phải bỏ công mời những nhà khoa học đến tư vấn trong suốt quá trình điều tra, nhưng hoàn toàn không. Một xã hội mà ý kiến các chuyên gia, ý kiến các nhà khoa học đầu ngành bị bỏ ngoài tai, sẽ là một xã hội đi ngược lại văn minh loài người.
Càng nghĩ càng thấy bất an …
Nhưng dù sao, cũng phải giữ lại chút niềm tin …
Đây thật sự không phải là chuyện riêng của một mình BS Lương! Và đây thật sự cũng không phải là chuyện riêng của Bệnh viện Hòa Bình!
Hỡi những người có trách nhiệm, xin hãy xây dựng một hành lang pháp lý thật vững chắc, để cho sức khỏe của bệnh nhân được đảm bảo, và để cho các BS yên tâm mà làm đẹp cho đời!
Hỡi những người cầm cân nảy mực, luật pháp phải nghiêm minh, nhưng xin nhớ rằng, hơn tất cả, luật pháp phải làm cho cuộc đời này đẹp hơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.