Dùng tiền để chống tham nhũng?
26-5-2018
Vậy số tài sản tham nhũng khổng lồ khiến cho kiệt quệ ngân sách nằm ở đâu mà lại để dân phải đóng thuế phòng chống tham nhũng?
Người dân đã cùng một lúc phải gánh chịu hai loại trách nhiệm và thiệt hại nặng nề khi xảy ra tình trạng tham nhũng trong một thể chế nhà nước: một là, số tài sản ngân khố bị thâm thụt vì bị cán bộ công quyền đục khoét và tham nhũng; hai là, vì sự thâm thụt ngân khố mà đã bị giảm chất lượng cuộc sống do không có tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, nay lại phải còng lưng đóng thuế để khắc phục lại hậu quả do chính cán bộ công quyền gây ra.
Vừa rồi có đại biểu còn cho rằng người bán trà đá có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới mà không nộp đồng thuế nào, nên cần phải tìm cách để đánh thuế những đối tượng này. Trong khi mức thu nhập và trị số lợi nhuận ròng mới là thứ quyết định đến giá trị sống của một người, mà điều này thì những người bán trà đá đầu tắt mặt tối lam lũ vất vả cũng chỉ có thể kiếm được những đồng tiền lẻ, nhiều lắm cũng chưa đến chục triệu đồng một tháng.
Trước đó thì rầm rộ về chính sách đánh thuế căn hộ lớn hơn 700 triệu đồng và xe ô tô từ 1.5 tỷ trở lên. Và như vậy gây ra tình trạng thuế chồng thuế vì đánh thuế vào cả tài sản đã được đóng thuế thu nhập cá nhân và trên cả khoản tiền vay đối với dòng tiền dùng để mua nhà hoặc mua xe. Hơn nữa, xe ô tô là loại hàng hoá đã gánh chịu đủ các loại thuế khiến cho tổng giá trị của nó khi bán ra thị trường thường gấp 2 đến 3 lần giá trị thực của xe, nên càng không thể đánh thuế chồng lên thuế.
Hơn nữa là, việc chống tham nhũng không thể phụ thuộc vào tài sản hay tiền bạc của dân, mà là phụ thuộc vào cơ chế tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước. Người dân chỉ có thể cung cấp thông tin hoặc hợp tác trong việc tố giác hoặc điều tra những vụ tham nhũng. Vì vậy nói rằng thuế tài sản là để dùng cho việc phòng chống tham nhũng là đang đánh tráo khái niệm. Vì tham nhũng là vấn đề của quyền lực chính trị và đối tượng bị chiếm đoạt là tài sản mà nó là tiền thuế của dân, nên không thể lại lấy tiếp tài sản của dân để dùng tài sản đó nhằm chống lại sự tha hoá của quyền lực.
Vì thế mới có chuyện, vị bí thư tỉnh Ninh Bình vừa phát ngôn thẳng thắn mà cho rằng việc tăng vốn dự án từ 72 tỷ lên 2.545 tỷ (gấp 35 lần) là do “lỗi cơ chế”. Vậy thì không có sự liên quan cơ yếu giữa việc đánh thuế tài sản và việc chống tham nhũng là một mệnh đề có tính ràng buộc hoặc là thể hiện sự liên kết nào đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.