Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Còn đó những bi thương


Còn đó những bi thương

30-4-2018

Ảnh: internet

Điều đáng buồn nhất là chúng ta cứ mãi loanh quanh với những khúc cua của lịch sử, những góc khuất không được soi rọi thẳng vào để làm sáng tỏ với các thế hệ và sự thật như nó vốn thuộc về, người ta cứ làm cho mọi thứ ngày càng tệ hơn vì sự ích kỷ đến tàn nhẫn của mình. Ai cũng nói về nỗi đau chiến tranh, về mất mát đau thương lớn lao, về những đổ nát hoang tàn, về những sinh hy máu xương, về ly tán chia biệt, về hậu quả tàn khốc sau đó, nhưng không mấy ai chịu bình tâm nhìn lại thực sự một cách đầy đủ về tất cả những gì nó đã diễn ra và những gì mà chính những người trong cuộc còn chưa đồng cảm được với nhau.
Lịch sử vẫn còn quá nhiều những day dứt và diễn cảnh đứt đoạn, với những tiếng oán ai suốt bao năm vẫn còn chưa được giải hoà hay làm lành lặn lại.
Thử hỏi rằng, vào ngày mai, những người Sài Gòn xưa kia và những người đang tha hương nhiều nơi viễn xứ, khi nghe về những bản nhạc ca ngợi chiến thắng vào tháng 4 năm 1975, bước trên phố hay ngồi nghe những âm vọng truyền thanh trên chiếc ô tô, với những giọng hát, lời ca rền vang đầy hân hoan và hùng tráng, chắc hẳn là sẽ có nhiều triệu người hoặc là sẽ chết lặng, hoặc vẫn còn bật khóc như mấy chục năm về trước trong những đớn đau. Bao nhiêu những thảm cảnh và những nỗi kinh sợ, hãi hùng lại vẫn hiện về trong tâm trí họ như cũ. Không chắc là họ đã muốn nghe đến những hồi ức về cuộc chiến và cả những thời khắc hậu chiến liền sau đó nữa.
Trong những vụ án chính trị với tội danh Tuyên truyền chống nhà nước, thường thì những người bị cáo buộc bị truy tố là do họ đã có những bài viết bình luận hoặc đưa ra quan điểm theo góc nhìn cá nhân về chiến thắng mùa xuân năm 1975 với những cảm nghĩ tự thân, bằng những tâm tình rất mực chân thành và xót xa, họ đều đã bị xét xử vì đã coi “chiến thắng lịch sử vĩ đại” ấy là “cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn” hay gọi tháng 4 đó là “tháng tư đen”. Những tâm can và niềm thương cảm dành cho lịch sử lại bị luận tội và bị đưa ra xét xử với các cáo buộc rất đanh thép: “phủ nhận giá trị công cuộc cách mạng giải phóng của dân tộc ta” hoặc là “đã xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử hào hùng của đất nước”. Và trong những phiên toà đó, tôi thường trích lại lời của ông Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng chính phủ Việt Nam, để làm dẫn cứ bảo vệ cho những người bị buộc tội hết sức vô lý và lạ lùng này.
Lịch sử chỉ đơn giản là những sự kiện đã xảy ra vào một khoảng không thời gian nào đó trong quá khứ, nó có thể tươi đẹp nhưng cũng có thể tàn khốc, nó có thể hàm chứa những giá trị nhưng cũng có thể chất đầy những bi ai, nó có thể được nhìn nhận từ nhiều góc cạnh của không chỉ những người trong cuộc chiến hay là từ những cứ liệu liên quan được tìm thấy và trưng ra, nhưng như ai đó đã nói: trong chiến tranh, không có gì là sự thật duy nhất. Bởi vậy, hãy trung thực nhìn vào tất cả những gì mà bản thân nó cần được nhìn nhận như thế và phải là như vậy ngay từ lúc đầu tiên mà nó xảy đến.
Đó là cách duy nhất để chúng ta có thể hàn gắn, trưởng thành và nhờ đó mới có thể làm cho dân tộc trở nên văn minh và cường thịnh hơn được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.