Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Cỗ máy in tiền từ đặc quyền “bán hàng đa cấp” đất công

Cỗ máy in tiền từ đặc quyền “bán hàng đa cấp” đất công
Thứ Hai,  28/5/2018, 07:11 

Trần Ngọc Thơ
(TBKTSG) - Chính quyền có đất đai hoặc tài sản công thay vì tổ chức bán đấu giá họ lại chỉ định thầu. Liên tục các khu đất vàng ở các thành phố lớn được sang tay hàng loạt thời gian gần đây khiến khái niệm bán hàng đa cấp cứ ngỡ chỉ có trong kinh doanh hàng hóa thông thường xem ra có khuynh hướng lan tỏa sang cả lĩnh vực mua bán đất công.
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM. Ảnh: TTXVN

Một số cơ quan công quyền thường viện đủ mọi lý lẽ cho việc bán đất công dưới hình thức chỉ định cho một nhà đầu tư nào đó, cứ thế sau đó mảnh đất qua tay nhiều cấp độ nhà đầu tư khác với giá bán tăng lên gấp vài chục lần so với ban đầu.
Trong lịch sử phát triển kinh tế, một số định chế trung gian xuất hiện, như ngân hàng đóng vai trò kết nối giữa người mua (người cần vay tiền) và người bán (người gửi tiền tiết kiệm). Sở dĩ có các định chế trung gian là vì những người mua và người bán khó có thể tiếp cận nhau nên họ cần đến ngân hàng làm trung gian.
Nhưng thật khó có lý lẽ nào biện minh cho sự tồn tại của các định chế trung gian đa cấp đối với các lô đất vàng tọa lạc ở các thành phố lớn. Chẳng hạn đối với dự án đầu tư bốn tuyến đường ở Thủ Thiêm (TPHCM). Năm 2009, chính quyền giao quyền đầu tư dự án BT này cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI). Sau nhiều lần hợp tác kinh doanh và thôn tính lẫn nhau, năm 2013 đến lượt Công ty Đại Quang Minh sở hữu quyền đầu tư 79 héc ta đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chiêu thức “bán hàng đa cấp” đất công quốc gia theo cách thức giống như trên và những biến tướng của nó do những bất cập trong thể chế xem ra không còn là hiện tượng cá biệt.
Các điều khoản đặc quyền tạo ra cỗ máy in tiền ngay cả khi chúng được thiết kế sai luật nhưng nếu như chính quyền công tâm để tính đúng và đủ giá trị của chúng thì cỗ máy in tiền đó suy cho cùng vẫn chảy vào túi tiền ngân sách quốc gia.
Tạm thời chưa xét đến những sai phạm pháp lý liên quan đến các quy định đấu giá và đấu thầu, điểm thoát tội mà những quan chức sai phạm thường viện dẫn là giá bán đất công đã được chỉ đạo tính theo giá thị trường. Nhưng cũng cần phải hiểu cho đúng khái niệm giá thị trường trong trường hợp đầu tư đổi đất lấy dự án dưới hình thức BT (xây dựng và chuyển giao) như ở Thủ Thiêm hay các vụ bán đất công với giá mà dư luận cho rằng bán rẻ như cho.
Trước hết cần phải khẳng định không có khái niệm giá thị trường trong bất cứ trường hợp bán chỉ định nào khi phiên chợ đất công chỉ có một người mua duy nhất. Dù vậy việc định ra mức giá tối thiểu cho mảnh đất trong trường hợp chính quyền chỉ định bán trực tiếp cho nhà đầu tư như vụ Công ty Tân Thuận bán 33 héc ta đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng có cách xác định. Chẳng hạn, chỉ bằng cách so sánh chúng với các mảnh đất tương tự vào cùng thời điểm, các cơ quan chức năng dễ dàng thấy ngay 33 héc ta này đã được bán với giá rẻ hơn cả mức giá thấp nhất trong trường hợp chỉ có duy nhất một người mua.
Vấn đề càng bội phần phức tạp trong trường hợp đổi đất lấy dự án dưới hình thức BT. Tất cả các lời biện hộ cho rằng các giao dịch này đã tính theo giá thị trường hay giá phù hợp vào thời điểm ký kết vẫn chưa thuyết phục được dư luận. Giá thị trường của các mảnh đất này không chỉ được xác định bởi tính chất “vàng” hay “kim cương” của chúng mà phải nói chính xác đó đích thị là một cỗ máy in tiền.
Vì sao gọi là cỗ máy in tiền? Trong trường hợp chính quyền trao cho các nhà đầu tư quá nhiều quyền và đặc quyền cùng với việc giao cho họ quyền sở hữu hoặc đầu tư vào một mảnh đất (và tài sản) nào đó thì phải bắt đầu từ đâu? Lý thuyết định giá tài sản nói rằng cùng với việc định giá giá trị của mảnh đất đó, còn phải định giá luôn cả quyền chọn (Option) và đặc quyền (Warrant) mà nhà đầu tư nhận được. Các quyền này chính là cỗ máy in tiền. Trừ phi có những cuộc điều tra công phu của cơ quan thanh tra công bố cho công chúng nắm bắt, nếu không, người ngoài cuộc chắc chắn không thể nhận biết những kỹ thuật tinh vi ẩn khuất trong các quyền này. Thậm chí một rừng văn bản pháp lý còn xuất hiện tương ứng để hỗ trợ hoàn hảo cho các đặc quyền mua bán và trao đổi đất công.
Trong phạm vi hạn chế chỉ những gì báo chí công bố, chỉ cần liệt kê sơ bộ vài quyền trong đó cũng đủ thấy nhà đầu tư có khả năng nhận được siêu lợi nhuận nhưng với mức rủi ro thậm chí bằng zero từ các cỗ máy in tiền hảo hạng. Chẳng hạn nhà đầu tư được điều chỉnh quy hoạch so với ban đầu hay được phép chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác không có năng lực thực hiện dự án. Hoặc thay vì trả cả ngàn tỉ đồng tiền sử dụng đất cho chính quyền, ngoài lô đất được giao ban đầu, nhà đầu tư lại tiếp tục nhận được thêm đất để đầu tư các công trình trên đó dưới hình thức BT để khấu trừ nợ. Vòng xoáy cứ như thế lại tiếp tục khiến cho mảnh đất được giao ban đầu sau này tiếp tục sinh sôi nảy nở thậm chí sang cả khu vực đất không có trong quy hoạch trước đó. Các quyền này vì vậy giống như một dạng phản ứng hạt nhân tạo ra một năng lượng đầu ra gấp cả ngàn lần, giống như giá của một mét vuông đất ban đầu định giá tương đương một tô phở, nhờ các quyền đặc biệt sau này chúng có thể lên đến vài trăm triệu đồng.
Thậm chí, cho dù sau này cơ quan thanh tra có phát hiện ra những vi phạm pháp luật trong các đặc quyền này, họ cũng khó quy trách nhiệm cụ thể vì chúng được thực hiện theo đúng quy trình với sự tham gia của hàng loạt các bộ, ngành có liên quan. “Đúng quy trình” để thoát tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu bị phát hiện cũng là một dạng đặc quyền có giá trị rất cao đáng lý phải được định vào giá bán đất công. Ngoài ra, hiện tượng “mật hóa” trong các thương vụ mua bán đất công hiện nay cũng là một loại đặc quyền mà nếu được định giá theo thị trường, cũng sẽ là vô giá.
Làm sao định giá được các quyền và đặc quyền trong các thương vụ mua bán và trao đổi đất công? Chỉ có cách duy nhất là tổ chức đấu giá thật công khai và minh bạch. Các quyền được lồng ghép trong các hợp đồng liên quan đến tài sản công phải được công khai cho thị trường và công chúng nắm bắt. Thị trường sẽ định giá các quyền này. Mọi lý lẽ chỉ định thầu chỉ càng khuyến khích tư bản thân hữu chuyển hướng thành phong trào bán hàng đa cấp đất công quốc gia.
Các điều khoản đặc quyền tạo ra cỗ máy in tiền ngay cả khi chúng được thiết kế sai luật nhưng nếu như chính quyền công tâm để tính đúng và đủ giá trị của chúng thì cỗ máy in tiền đó suy cho cùng vẫn chảy vào túi tiền ngân sách quốc gia. Các đặc quyền nếu được định giá đầy đủ và đúng có khi chúng còn đắt hơn cả những con đường dát vàng đắt nhất hành tinh mà dư luận đề cập thời gian qua. Một số phong trào bán hàng đa cấp hiện nay cho dù có phần biến tướng lừa đảo nhưng chí ít hàng hóa cũng đến được tay công chúng. Còn “bán hàng đa cấp” đất công quốc gia cho dù chính danh nhưng có bao nhiêu trong số đó biến thành phúc lợi nhân dân và chảy vào túi tiền ngân sách quốc gia?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.