Ai được hưởng lợi nhiều nhất khi luật chuyển từ “phí” sang “giá”?
27-5-2018
Đọc những câu trả lời báo chí vào chiều ngày 23/5 vừa qua của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội (QH), thấy thật ngao ngán vì trình độ của người trả lời! Ngoài việc lý giải vòng vo và ngụy biện rất thiếu logic, không hiểu ông Kiên căn cứ vào đâu mà dám khẳng định chắc nịch rằng: “Luật đã quy định là thu giá thì chúng ta phải gọi là thu giá!”?
Trong khi đó, cũng trên SGGP Online sáng 24/5, ông Đinh Văn Nhã – Phó Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của QH lại nói rằng muốn gọi “phí” thành “giá” thì phải được QH cho phép. Theo đại biểu này: “Nếu chuyển sang giá thì cần thiết phải có sự điều chỉnh của các cơ quan có thẩm quyền, ít nhất là phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục, khi đó mới có căn cứ pháp lý để chuyển từ phí sang giá”.
Những phát biểu mâu thuẫn này của các vị “đại biểu nhân dân” chỉ khiến cho dân đen thêm ngơ ngác, không hiểu có đúng là QH đã thông qua việc cho phép đổi “phí” thành “giá” hay chưa? Và nếu có thì cụ thể nó là cái luật gì?
Thật ra, nếu diễn giải theo Luật Phí và Lệ phí ban hành ngày 25/11/2015, lập luận của ông Thể (Bộ trưởng Bộ GTVT) và ông Kiên không phải là không có căn cứ. Điều 3 của Luật này giải thích “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này”.
Như vậy, việc thu phí qua các trạm BOT được hiểu là vì không nằm trong danh mục các dịch vụ công được ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí nên sẽ phải gọi bằng một cái tên khác để tránh gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, tìm lại các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật như Nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ, Thông tư 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính… tất cả đều không thấy có nội dung nào quy định việc đổi “phí” thành “giá”! Vậy “thu giá” rõ ràng là một cụm từ mới được ai đó “sáng tác” ra, chứ đâu phải luật quy định như ông Kiên đã tuyên bố và lại còn ví von một cách hồ đồ!
Trong Từ điển tiếng Việt, “phí” (hoặc chi phí, phí tổn) được định nghĩa là: Các khoản chi tiêu cụ thể, cần cho công việc gì. Còn “giá”, theo nghĩa của một danh từ có tính định lượng, là biểu hiện giá trị bằng tiền, hoặc là tổng thể nói chung những gì phải bỏ ra tiêu phí, mất đi cho một việc nào đó.
Như vậy, nếu xét về mặt ngôn ngữ, việc sử dụng “thu giá” sở dĩ bị bà con cho là “tối nghĩa” hay “chối tai” là bởi vì người ta đã thay thế một từ định tính (phí) bằng một từ định lượng (giá), bất chấp chuẩn mực và tính logic của cấu trúc ngữ pháp. Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng “không thể quay lại bẻ nhau bằng từ điển tiếng Việt” là một cách nói kiểu “cả vú lấp miệng em”, bởi khi đã làm luật, yêu cầu đầu tiên là phải diễn đạt chính xác, rõ ràng về mặt ngữ nghĩa để tất cả mọi người cùng hiểu đúng mà thực thi. Luật diễn đạt mơ hồ, không chuẩn xác, thậm chí làm cho đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh có thể hiểu sai lệch cả nội dung thì không chỉ thể hiện trình độ kém cỏi của người làm luật mà còn vô cùng nguy hiểm khi đem áp dụng.
Nhưng, điều quan trọng nhất ở đây đúng là không phải chỉ có câu chuyện về ngôn từ! Thông qua phát biểu của hai ông phó chủ nhiệm trong các bài báo nói trên, một điều có thể thấy rõ rằng không chỉ riêng với trạm BOT, sắp tới đây, nhiều loại phí khác (mà theo ông Nhã có khoảng 20 loại) đều sẽ điều chỉnh sang tên gọi mới là “giá dịch vụ” (hiểu theo ý này, có lẽ “thu giá” là viết tắt của “thu giá dịch vụ”!). Câu hỏi đặt ra ở đây là: Những loại phí nay bị chuyển thành “giá” là những loại nào? Và bản chất của việc định danh lại các khoản phí phải chăng là để thả nổi nhiều loại dịch vụ có tính công ích trôi theo dòng chảy “giá thị trường”? Ông Đinh Văn Nhã nói: “Về nguyên tắc, giá sẽ cao hơn phí vì nó phải đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người dân nhưng không thể thả nổi mà phải có sự điều tiết của nhà nước”. Tuy nhiên, sự can thiệp của nhà nước cụ thể sẽ là thế nào và ở mức độ ra sao khi “giá” – như trong “ngữ cảnh” BOT đường bộ – được Bộ trưởng Bộ GTVT xác định: Vì là sản phẩm của doanh nghiệp nên họ được tự định giá và mức giá sẽ căn cứ theo quy luật thị trường!
Nói tóm lại, từ vụ “thu giá” của các trạm BOT, có thể thấy vấn đề sẽ không đơn giản chỉ diễn ra trong lĩnh vực giao thông vận tải. Một mối băn khoăn lớn mà cử tri có quyền được chất vấn QH là: Ai – Nhà nước, nhân dân hay các nhóm lợi ích – sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi luật sắp xếp lại khái niệm “phí” và cho phép chuyển từ “phí” sang “giá”? Câu chuyện nhập nhèm giữa việc sử dụng quốc lộ và sử dụng đường của nhà đầu tư trong vụ trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn còn treo đó, như một ví dụ với những câu hỏi không biết khi nào mới được trả lời…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.