Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

TS Vũ Minh Khương: Đẩy tăng trưởng bằng tăng cung tiền, giảm lãi suất giống như thúc người huyết áp cao ăn nhiều thịt bò

TS Vũ Minh Khương: Đẩy tăng trưởng bằng tăng cung tiền, giảm lãi suất giống như thúc người huyết áp cao ăn nhiều thịt bò

bauxitevnTue 7:25 AM

Đức Minh - Hoàng Ly
"Đẩy tăng trưởng bằng tăng cung tiền, giảm lãi suất giống như thúc người huyết áp cao ăn nhiều thịt bò" - Nói như ông Vũ Minh Khương, chẳng hóa ra con nghiện ma túy đang tăng liều dùng, cũng có nghĩa là rút ngắn thời gian hấp hối? Nhưng mà thôi, được phút nào hay phút đó, còn nước còn… hút.

Bauxite Việt Nam
Ông Vũ Minh Khương đã có một chặng đường dài trước khi trở thành một học giả quốc tế đồng thời là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Anh thanh niên Vũ Minh Khương, người Hải Phòng, đã nhập ngũ những năm đầu thập niên 1980. Ba năm sau, ông xuất ngũ. Chàng trai 24 tuổi tốt nghiệp xuất sắc ngành toán - Trường ĐH Quốc gia Hà Nội một mình vào TP HCM tìm gặp trực tiếp giám đốc các trung tâm máy tính để tìm việc. Trung tâm Điện toán - Công ty Điện lực 2 đã nhận ông vào làm với đãi ngộ tốt. Năm 1985, Vũ Minh Khương viết thư gửi Bí thư Thành uỷ Hải Phòng "xin" được làm Giám đốc Xí nghiệp Hoá chất Sông Cấm, doanh nghiệp quốc doanh trên bờ phá sản. Năm 1986, ông đảm nhiệm chức vụ kế toán trưởng xí nghiệp. Đến năm 1988, ở tuổi 29, ông trở thành giám đốc và xoay chuyển hoàn toàn cục diện…
Về nước năm 1995, ông được bổ nhiệm Trưởng ban cố vấn kinh tế cho Chủ tịch UBND TP Hải Phòng và làm Phó ban quản lí Khu kinh tế Đình Vũ. Năm 1999, ông trở lại Harvard và hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ về chính sách và kinh tế vào năm 2005. GS Dale Jorgenson - nhà kinh tế học nổi tiếng - nhận xét Vũ Minh Khương là một trong những học trò xuất sắc nhất của ông. Tên của TS Vũ Minh Khương được khắc trang trọng trên bảng vàng của Trường Hành chính Kennedy thuộc Trường ĐH Harvard. Từ đó, TS Vũ Minh Khương được mời thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở Mỹ và Nhật Bản. Từ năm 2006 đến nay, ông làm việc tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Trường ĐH Quốc gia Singapore với vai trò phó giáo sư. Nghiên cứu của ông tập trung vào tăng trưởng kinh tế, năng suất, tính cạnh tranh và các vấn đề liên quan tới tác động của công nghệ thông tin, chính phủ điện tử và hội nhập kinh tế.
Phương thức tăng trưởng để Việt Nam bắt kịp với thế giới
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế đang làm việc ở nước ngoài, ông đánh giá về cơ hội bắt kịp sự phát triển kinh tế của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới như thế nào? 
30 năm cải cách vừa qua (1986 - 2016), Việt Nam đã tăng GDP gần 7 lần với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,7%. Đó là một thành quả ấn tượng vì tốc độ tăng trưởng này thuộc loại nhanh hàng đầu thế giới, chỉ sau Trung Quốc, đồng thời nó giúp Việt Nam thoát ra khỏi nhóm các nước nghèo và gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình. 
Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng trong 30 năm qua chủ yếu dựa vào thúc đẩy đầu tư mở rộng và thu hút đầu tư nước ngoài dựa trên lợi thế lao động rẻ, sẽ không đủ giúp nền kinh tế Việt Nam cất cánh để bắt kịp các nước tiên tiến trong chặng đường phía trước.
Theo ông, để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, Việt Nam cần làm gì? 
Có hai phương cách chủ yếu cho thúc đẩy tăng trưởng. 
Phương cách thứ nhất là kích thích đầu tư, tích tụ tư bản. Phương cách này dựa vào 3 công cụ chủ yếu: chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách mở cửa - hội nhập. Tuy nhiên, Việt Nam đã dùng thái quá cả 3 công cụ này trong thời gian qua và dư địa không còn nữa. 
Về công cụ tiền tệ, mức tăng lượng cung tiền tệ M2 hàng năm và tỉ lệ lượng cung tiền này của Việt Nam đã khá cao và vượt xa hầu hết các nước trong khu vực. Vì vậy, thúc đẩy tăng trưởng bằng tăng cung tiền tệ và giảm lãi suất cũng giống như thúc người áp huyết cao ăn nhiều thịt bò để có sức khỏe. 
Về chính sách tài khóa, các tỉ lệ (% của GDP) của nợ công, thu ngân sách, chi ngân sách, và thâm hụt ngân sách của Việt Nam đều vượt xa nhiều nước trong khu vực. Chẳng hạn theo con số năm 2015 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam cao hơn rất nhiều so với Indonesia trên cả 4 chỉ số. Về nợ công, con số của Việt Nam (năm 2015) là 58,3% (đã tăng sát mức tới hạn 65% vào năm 2017 trong khi của Indonesia chỉ là 26,9%); thu ngân sách (VN 22,1%, Indo 13,0%), chi ngân sách (VN 27,7%, Indo 15,6%), bội chi ngân sách (VN -5,6%, Indo -2,6%). Quan sát này cho thấy Việt Nam không còn dư địa và sẽ ở thế rất bất lợi nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thông qua công cụ chính sách tài khóa, đặc biệt là tăng đầu tư công. Về chi tiết, xin xem bảng dưới đây.
Về mở cửa - hội nhập, Việt Nam đã đi những bước rất quyết liệt để thu hút những dự án đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, lượng lao động trẻ và rẻ đang cạn dần trong khi chi phí lao động mỗi ngày một tăng cao đang làm giảm dần tính hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài theo mô hình cũ. 
Phương cách thúc đẩy tăng trưởng thứ hai là tạo điều kiện thuận lợi, khích lệ và thôi thúc nguồn lực (vốn, đất đai, lao động, kĩ năng và tài năng) không ngừng dịch chuyển từ khu vực có giá trị và năng suất thấp lên khu vực có giá trị và năng suất cao hơn. Các công cụ chính sách thuộc phương cách này liên quan thúc đẩy doanh nghiệp và địa phương đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị chiến lược và kiến tạo sức mạnh cộng hưởng.
Cách kiến tạo sức mạnh cộng hưởng cho tăng trưởng
Ông có thể nói rõ thêm phương cách thúc đẩy tăng trưởng bằng kiến tạo sức mạnh cộng hưởng? 
Sức mạnh cộng hưởng được tạo ra khi người ta gắn kết, tương tác và phối thuộc hành động trong nỗ lực kiến tạo giá trị. Chính sách thúc đẩy tăng trưởng qua kênh này khích lệ hợp tác công tư, liên kết - chia sẻ và phối thuộc hành động. 
Điểm then chốt của nỗ lực này là lập ra các khung nền (platforms) tập hợp gắn kết các doanh nghiệp, địa phương, các nhân và tổ chức để cùng hoạch định một chiến lược sáng rõ và một tầm nhìn thôi thúc về tương lai, đồng thời đưa ra kế hoạch hành động có tính khả thi và hiệu quả cao, với sự tham gia nhiệt tâm và sâu rộng của người dân và doanh nghiệp.
Ông cho một ví dụ cụ thể về phương cách thúc đẩy tăng trưởng thông qua kiến tạo sức mạnh cộng hưởng?
Tôi được biết lãnh đạo 9 tỉnh miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) đang định hình chiến lược gắn kết và chung sức phát triển. Với vị thế chiến lược tạo nên trục xương sống quốc gia và tỉ trọng trên 11% về dân số và GDP, sức cộng hưởng phát triển của 9 tỉnh sẽ tạo nên một hiệu ứng rất lớn, cả về kinh tế và tư duy chỉ đạo chiến lược. 
Phương cách tạo nên sức mạnh cộng hưởng này chắc chắn sẽ rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, sự thành công của nó đòi hỏi tôn trọng ba nguyên tắc sống còn. 
Thứ nhất, phải dựa vào và phát huy tối đa nguồn lực xã hội. Theo nguyên tắc này, Chính phủ không nên lập ra một ban chỉ đạo nặng về hình thức và chức vị mà nên tạo nên một khung nền (platform) để có thể tập hợp rộng rãi, linh hoạt nguồn lực và nhân tài ở khắp nơi giúp các tỉnh phố hợp giải quyết các bài toán phát triển. 
Thứ hai, phải có một tổ chức gồm những người có độ cam kết sâu sắc với tương lai phát triển của miền Trung, với tầm nhìn chiến lược, khả năng phối thuộc và ý thức lắng nghe - học hỏi cao, được cán bộ và người dân 9 tỉnh tin cậy. Những người này có thể là đại diện từ các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương, các doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn, các học giả có kiến thức sâu rộng về chiến lược phát triển. Nhóm này được đề xuất bởi nhiều nguồn trong xã hội và được lựa chọn theo các tiêu chí chặt chẽ. Theo kinh nghiệm quốc tế, số lượng nhóm này có thể lên tới 35-45 người. Nhóm này sẽ được giúp việc bởi các cán bộ trẻ đặc biệt tài năng và tâm huyết. Nhóm giúp việc này có cả bộ phận chuyên trách (đặt tại miền Trung) và không chuyên trách (ở khắp nơi trên thế giới). Tổ chức phối thuộc này có thể tạm gọi là Hội đồng Phát triển miền Trung (HĐPTMT).
Thứ ba, nguồn lực giúp cho hoạt động phối thuộc kiến tạo sức cộng hưởng đến từ nhiều nguồn - nhà nước, doanh nghiệp, và người dân. Cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực cần được thiết kế để bảo đảm tạo khả năng phát triển nội sinh, bền vững. Chẳng hạn, nếu nhóm thu hút được nguồn lực tư nhân 1 đồng, nhà nước sẽ cho thêm X đồng, trong đó X thay đổi theo loại dự án cần ưu tiên (X có thể là 10 đồng nếu dự án đặc biệt quan trọng cấp bách cho cả vùng, X là 0,5 đồng nếu dự án là tốt nhưng không cấp bách). Thêm nữa, trong nỗ lực chung sức phát triển, một số tỉnh sẽ đi nhanh hơn một số tỉnh khác nhờ lợi thế đặc thù. Khi đó, lượng ngân sách tăng thêm của tỉnh trội vượt sẽ được dành một phần (có thể đến 50%) để phân bổ cho các tỉnh còn lại.
Về bước đi cụ thể, các tỉnh miền Trung, thông qua HĐPTMT, có thể áp dụng mô hình SMART (Strategy = Chiến lược, Monitoring = Giám sát, Acquistion of knowledge = Học hỏi, Rethinking = Đổi thay cách nghĩ, Techonlogy = Ứng dụng công nghệ thông tin). 
Về S (Chiến lược), HĐPTMT sẽ phân tích thấu đáo lợi thế và hạn chế của 9 tỉnh miền Trung cũng như xu thế và cơ hội mà các tỉnh có thể khai thác. Điểm then chốt của nỗ lực này là tìm ra và hiểu thấu đáo tiềm năng của các tổ, cụm chuyên ngành mà các tỉnh cần chung sức phát triển vượt bậc, trong đó du lịch, hóa dầu, ô-tô - cơ khí, nghề cá là những ưu tiên hàng đầu. Cũng cần chỉ rõ phương cách nâng cấp các trụ cột nền tảng cho phát triển của tất cả các ngành và địa phương, bao gồm: nguồn nhân lực; năng lực quản trị của các doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu thiết yếu cho quyết định của nhà đầu tư; quảng bá và gắn kết các tỉnh miền Trung với quốc tế và các doanh nghiệp lớn trong nước.
Về M (Giám sát), HĐPTMT sẽ tạo ra bộ chỉ số về tốc độ tăng trưởng, mức độ gắn kết, hiệu quả phối thuộc của các ngành và địa phương để định kì đánh giá và không ngừng học hỏi để hoàn thiện. 
Về A (Học hỏi), HĐPTMT tổ chức các hội thảo và xây dựng kho tri thức để không ngừng nâng cấp năng lực quản lí và chất lượng ra quyết định của các địa phương và doanh nghiệp. 
Về R (Đổi thay cách nghĩ), HĐPTMT sẽ thảo luận với lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp và học giả để phân tích xem những quy chế, chính sách nào đã trở nên lạc hậu hoặc tính hữu dụng rất thấp, quy chế, chính sách mới nào cần đưa ra để thúc đẩy doanh nghiệp/địa phương nỗ lực cao nhất không chỉ cho cá nhân mà cả cho kiến tạo sức mạnh cộng hưởng. 
Vể T (Ứng dụng công nghệ thông tin), HĐPTMT cần đặc biệt coi trọng ứng dụng CNTT, đặc biệt là các công nghệ thông minh của cuộc Cách mạng 4.0, trong mọi hoạt động của mình, và thúc đẩy việc ứng dụng này trong mọi doanh nghiệp và 9 tỉnh miền Trung. 
Với mô hình SMART nói trên, 9 tỉnh miền Trung không chỉ tạo nên sự đột phá trong nỗ lực chung sức phát triển mà còn trở thành ngọn cờ thôi thúc cả nước mạnh dạn cải cách, đổi thay, thúc đẩy tăng trưởng từ sức mạnh cộng hưởng của cả nước.
3 điểm cần lưu ý khi kiến tạo sức mạnh cộng hưởng
Để nỗ lực kiến tạo sức mạnh cộng hưởng như ông mô tả ở trên trở thành hiện thực, chính quyền và doanh nghiệp cần chú ý những điểm gì? 
Tôi cho điểm đầu tiên là nhận thức. Mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mỗi người dân phải cảm nhận thấy sự bức thiết phải chung sức kiến tạo sức mạnh cộng hưởng. Nó không chỉ là nguồn lực rất tiềm tàng mà chúng ta chưa khai thác mà còn là điểm tựa duy nhất còn lại mà Việt Nam có thể dựa vào để thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc trong chặng đường phía trước. 
Thứ hai là vấn đề chiến lược phát triển địa phương và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi thấy các tỉnh vẫn lặn lội đi ra ngoài một mình quảng bá đầu tư mà không đi theo tổ, cụm vùng, chẳng hạn miền Trung hoặc Tây Nguyên. Vì vậy, hiệu quả thường thấp hơn do thiếu vắng hiệu ứng cộng hưởng.
Về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, tôi thấy ngay cả những tập đoàn hàng đầu, rất xuất sắc về năng lực quản lí vẫn chưa chú trọng kiến tạo và khai thác sức mạnh cộng hưởng. Chẳng hạn Viettel vẫn dành quá nhiều nguồn lực cho đầu tư sang các nước nhiều rủi ro ở châu Phi trong khi chưa khai thác mạnh mẽ cơ hội giúp các doanh nghiệp và địa phương trong nước nắm bắt công nghệ 4.0 và cộng hưởng phát triển trong nỗ lực cải biến số. Vincom lựa chọn sản xuất ô-tô trong khi có thể làm xuất sắc hơn trong giúp các thành phố Việt Nam phát triển thành phố thông minh, xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, giúp TP HCM và Hà Nội xây dựng hệ thống tàu điện ngầm với nhịp độ nhanh nhất có thể. BKAV chọn sản xuất điện thoại thông minh cao cấp trong khi chưa phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình trong việc giúp các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam có khả năng phòng vệ cao trong lĩnh vực an ninh mạng.
Thứ ba, trong tổ chức thực hiện, các địa phương và doanh nghiệp thường vẫn bị thiên lệch về mục tiêu nhỏ trong khi kiến tạo sức mạnh cộng hưởng đòi hỏi đặt ra mục tiêu lớn và thôi thúc. Sự thiên lệch này làm nhiều nỗ lực, dù có cường độ quyết tâm rất cao, như dọn vỉa hè ở quận 1 (TP HCM), dẹp nạn chặt chém (ở các địa điểm du lịch) và xây dựng/khai thác các dự án giao thông BOT đang và sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. 
Mỗi chúng ta cần thấm thía rằng thiếu sức mạnh cộng hưởng, sự dồi dào về trí lực, nguồn lực và nỗ lực không hẳn sẽ đem lại thực lực phát triển.
Đ.M - H.L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.