Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Tản mạn nhân rằm tháng Bảy: Rằm tháng Bảy, giải oan, mê tín

Tản mạn nhân rằm tháng Bảy: Rằm tháng Bảy, giải oan, mê tín

bauxitevn7:32 AM

Trịnh Khả Nguyên
“Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân”
Tháng Bảy âm lịch thường được quan niệm là “Tháng Cô hồn”, vì những ngày này cửa Địa Ngục được mở để cho ma quỹ được tự do trở lên Dương Thế. Đa số người Việt vẫn tin rằng, tùy theo việc khi còn sống làm mà người chết sẽ được đầu thai kiếp khác hay bị đày xuống địa ngục, thậm chí lang thang quấy rối người thường. Cũng như quan niệm xưa, con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn… 
Khi nói đến từ “xá tội”, ta liên tưởng tới “tòa án” rồi tới “xét xử, bị can, bản án, luật pháp...”.

Nói về “tòa” thì chắc một điều rằng “tòa cõi âm”, nếu có, sẽ xét xử tất cả mọi người, từ vua tới dân, từ người áp bức đến kẻ bị áp bức, từ những người có quyền lực, có súng ống, xe tăng, máy bay, kể cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, đến anh dân không có tấc sắt trong tay, từ những “nhà tư tưởng” đến các “tín đồ”, từ những vị cao kiến đến kẻ dốt nát, từ ông thẩm phán, luật sư đến bị cáo, từ những anh lộng ngôn hồ đồ đến kẻ “không dám mở miệng”, da trắng, da màu bị xử tất. Vì ai cũng chết. Khi đó người cai trị và người dân hạng bét đều là những bị can trần trụi, bình đẳng trước pháp luật. Tòa chỉ xét người qua đạo đức, nhân cách lối sống trên cõi trần.
Còn “tòa dương thế” thì xét đủ thứ: hình sự, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị... Xử các vụ ly dị, ly thân, giết người, hiếp dâm, buôn gian bán thuốc giả, gây rối nơi công cộng, chống người thi hành công vụ, tham nhũng, thụt két... có ý này, âm mưu nọ. Cõi “dương” có Tòa hòa giải, Tòa sơ thẩm, Tòa phúc thẩm, Tòa quốc gia, Tòa quốc tế. Các tòa này xử các vụ việc giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với nhà nước hoặc giữa các nước với nhau. Gần đây, có những phiên tòa rất “nhạy cảm”, thiên hạ rất quan tâm. Xử “kín”, xử “hở” là quyền của tòa, nhưng luật pháp, công lý phải tôn trọng, phải minh bạch, phải kết luận vụ việc “như nó là” chứ không phải “như nó phải là”. 
VTV 19h ngày 11.8. 2016, mục “giảm án oan sai” (http://vtv.vn/giam-an-oan-sai.html), nói về việc ông Trần Văn Thêm ở Yên Phụ, Bắc Ninh bị kết án tử hình oan do bị bức cung. Rất may, bản án chưa “được” thi hành, nhưng ông đã ở tù 41 năm, gần hết cuộc đời một con người. Ngoài ông Thêm còn có ông Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Vót và nhiều người khác, gọi chung là “dân oan” đã chịu oan sai lâu nay. Họ đau khổ đi tìm công lý. Chính VTV cũng nói “Để tỷ lệ án oan sai giảm, một yếu tố cần đặt lên hàng đầu là đảm bảo quyền con người, những giá trị của người dân được tôn trọng và nhìn nhận một cách đúng đắn”. Về vụ án ông Huỳnh Văn Nén theo đài thì thành tích vẫn nặng hơn lương tâm và trách nhiệm.
Ông Trần Văn Thêm may còn sống, nhưng những ông khác bị án oan đã chết rồi, thành âm hồn cô hồn thì làm sao giải oan? Đợi “rằm tháng Bảy”? Và rất nhiều nạn nhân oan đang sống thì đợi đến bao giờ mới được giải oan? Rằm tháng mấy?
Có người bị tù oan, bị chết oan, nhưng cũng có người được thưởng oan, sống oan. Lâu nay có người gây hại cho đất nước, mang tội lớn với dân, lẽ ra họ phải bị xét xử, bị tội chết cũng chưa xứng, nhưng họ lại đang sống rất ung dung, sống rất phú quí, sống rất “đàng hoàng tử tế”. Họ sống oan. 
*
Vua Lê thánh Tông, một vị vua đức độ, uyên bác, đánh giặc giỏi, làm thơ hay, cũng là chủ biên “Bộ Luật Hồng Đức” đã viết: 
... Chứng quả có đôi vầng Nhật, Nguyệt, 
Giải oan chi mượn đến đàng tràng... 
(Đề miếu nàng Trương)
Nhà vua, người “số một” đại diện cho phong kiến, một “ông trời con” mà không tin vào “đàng tràng” có thể giải oan. Vua không mê tín, Ngài cho rằng Nhật-Nguyệttức ánh sáng công lý mới minh oan (chứng quả) được “đúng–sai”. Quả là một vị vua anh minh! Hóa ra cách đây gần 700 năm có một ông “phong kiến” mà tiến bộ. Còn nay, thời hội nhập, “thế giới trong tầm tay” mà nhiều người đang sống như thời không có luật.
Hầu hết người Việt “thờ cúng”. Cúng là cách người ở “thế giới nầy” vọng về “thế giới bên kia” (người chết, thánh thần, âm hồn, cô hồn). Người ta rất kính trọng Thế giới Vô hình, cho rằng các Vị đang hiển hiện thác là thể phách, còn là tinh anh (Kiều). Vì vậy khi nói “âm hồn, cô hồn” là chỉ các vị khuất mặt, khuất mày. Nhưng thực tế đôi khi lại “cúng cô hồn sống”, việc này không liên quan gì tới đạo hạnh, tín ngưởng chỉ cần “lễ” cho dày là được. Thiên hạ rất sợ âm hồn, cô hồn (chết hay sống). Ta hay nghe thiên hạ nguyền rủa (bọn nào đó) đồ âm hồn, cô hồn, đồ quỹ sứ, đồ quỹ Satanđồ yêu ma... Dù sợ, nhưng nhiều người rất thích nghe “chuyện ma”, và chuyện có liên quan nhiều tới ma quái là Tây Du Ký.
Phần nhiều những “pha” hấp dẩn trong Tây du ký là những trận đấu phépgiữa một bên là Tôn Ngộ Không và hai vị đồng hành, với bên kia là yêu quái. Tôn Ngộ Không phò Đường Tăng, tượng trưng cho đạo lý, còn yêu quái là những kẻ gian ác có mưu ma chước quỹ. Yêu quái nguyên là các con vật đã tu tập hàng trăm năm nên cũng có “thần thông”. Chúng có thể hô gió gọi mưa, bay lên trời, lặn xuống biển, phun ra lửa khi đánh nhau với đối thủ. Chúng thiên biến vạn hóa, khi là một con người oai phong, áo mão cân đai, khi thì đầu trâu mặt ngựa trông dễ sợ. Khi “biến” thành thiếu nữ xinh đẹp để dụ kẻ hảo sắc, khi “biến” thành người hiền lành để lừa kẻ thật thà, khi “biến” thành vật này vật kia, tùy tình huống. Theo Ngô Thừa Ân, tác giả của Tây Du Ký, yêu quái cai trị những lãnh thổ có núi, có sông, có biển (đương nhiên có tài nguyên thiên nhiên). Chúng có triều đình, tức bộ máy cai trị hẳn hoi, có văn quan võ tướng, có âm binh bộ hạ, có tùy tùng, có cung điện nguy nga. Ma quái rất thích bắt cóc Tam Tạng, còn Tề Thiên thì bảo vệ Tôn sư, hai bên đấu phép, đấu trí. Có trận bất phân thắng bại, Đại Thánh “bó tay”, phải cầu cứu các Bồ Tát. Khi Ngài xuất hiện, niệm “thần chú” tức thì các yêu quái hiện nguyên hình là các con vật lem luốc (nhiều người xem tới chỗ nầy rất khoái. Có thế chứ!).
Ma quỹ (vô hình hay hữu hình) thật dễ sợ.
*
Có một thời, trừ giỗ kỵ, việc cúng thần thánh, cúng đất đai, dâng sao giải hạn, cúng âm hồn cô hồn, đốt vàng mã... bị xem là duy tâmmê tín dị đoan, lạc hậu. Thời đó, nhiều nơi phát động “phong trào bài trừ mê tín dị đoan”. Một số đình làng thờ Thần Làng bị dùng làm kho của hợp tác xã, hoặc bỏ hoang phế, rêu phong. Các miếu thờ tại gia đình hay nơi công cộng bị đập phá.
Bài trừ dị đoan mê tín là đúng, dù “duy” gì, duy tâm hay duy vật. Việc này có từ “khuya”, từ tiền kháng chiến. Ai đã học qua chương trình trung học (cấp 3 hiện nay), cũng biết từ thập niên 30, nhóm Tự lực Văn Đoàn đã viết nhiều sách, bài phê phán hủ tục, kêu gọi theo nếp sống mới, kêu gọi bình đẳng giới, hôn nhân tự nguyện... Chủ trương của họ là tự giác, ôn hòa, không cực đoan.
Nhưng thế nào là mê tín dị đoan lạc hậu? 
Hiểu đơn giản, “mê tín dị đoan lạc hậu” là tin những điều, những việc lạ một cách u mê, mù quáng, vô lý. Chẳng hạn, cúng lạy cục đá, gốc đa, đốt vàng mã cho ông bà dùng, uống nước lã, tàn nhang để chữa bệnh...
Nhưng cúng lạy tầm phào, đốt vàng mã, xem bói toán là mê tín đã đành, việc tin các lý thuyết sai lầm, lỗi thời cũng là mê tín lạc hậu. Chấp nhận các hành động khác lạ như khủng bố, nổ bom tự sát là mù quáng. Tin và tuyên truyền cho người khác tin rằng lãnh tụ nào đó sinh ra thì trời nỗi cầu vồng là mê tín. Mê tín kiểu thờ cúng thường là “bất bạo động”, mê tín kiểu sau thì “bạo động”. 
Kể từ sau đổi mới tư duy (hay trở lại tư duy cũ) việc cúng kiến phát triển tràn lan, nhà nhà cúng, người người cúng, người hiền cúng, người ác cúng. Cúng rằm, cúng mồng một âm lịch, cúng đất khi cất nhà mới, cúng dâng sao giải hạn, xem thời vận, gia sự, cúng mừng lên chức..., cúng tại nhà, cúng tại các đền chùa. Hàng “lô” sách xem ngày giờ, tử vi, phong thủy, Kinh Dịch, Văn sớ phục vụ cho việc cúng kính được xuất bản (có chủ biên, có nộp lưu chiểu), bày bán trong hiệu sách như các bộ sách nghiên cứu lịch sử, văn học nghệ thuật. Cúng kính bây giờ có tên mới là văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhiều vị trước đây bài bác chuyện cúng kính, bây giờ các vị cũng cúng. Các vị (âm thầm) tìm thầy giải hạn, dâng sao, tìm “nhà ngoại cảm”. Nếu quí ông đương chức “kẹt” không đi được thì sai “lính” lái xe biển số xanh chở quí bà đi xin ấn, xin xăm, xem quẻ. Có vị về quê “lo việc ông bà”, chỉnh trang mồ mã, nhà thờ Tộc uy nghi. Cơ quan (nhà nước) khi có thủ trưởng mới thường xoay hướng bàn làm việc theo hướng “hợp tuổi” xếp, để cơ quan làm ăn nên (nông) nỗi.
Cúng thì “tín chủ” phải có “lễ”, đương nhiên, mà phải “khấn”, có người nhờ thầy, có người tự khấn, theo các câu có sẵn bằng từ Hán-Việt, nghe rất “chữ nghĩa”, hoặc khấn theo kiểu “nghĩ sao nói vậy”. Nhưng chung qui là cầu được vạn điều như ý. Nếu người hiền lành cầu thế mà ứng nghiệm thì không sao, không ảnh hưởng tới “hòa bình thế giới”. Nhưng kẻ độc ác, mưu mẹo, tham lam mà được “như ý” thì nguy hiểm, dân tình “lãnh đủ”. Sự thể này đã nhãn tiền. Thành công của “ác” là thất bại của “thiện”. 
Dù quan điểm thế nào, đã cúng thì phải lòng thành, Thánh Thần “có mắt”, chứ không như “người trần mắt thịt”. Ai kiếm tiền một cách bất chính để lo “việc ông bà” thì ông bà chắc chắn không nhận. Ai gây tai ương cho người khác, ai tạo ra oan sai mà cầu khẩn chắc Thánh Thần không chứng. Đừng cúng cầu, vô ích.
Rằm tháng Bảy, năm nào cũng có, nhưng xét đoán thì không cứ phải ở “tòa” mà ở mọi nơi và còn lưu truyền mãi, như ta đã biết, kể cả người không muốn biết.
Nhân “tháng Bảy”, viết mấy dòng.
T.K.N.
Tác giả gửi BVN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.