Tản mạn chuyện người già: Suy ngẫm về một lời khuyên
bauxitevn2:44 AM
Sắc Ly
Xưa ca ngợi "Bà má Hậu Giang", "Mẹ Tơm", "Mẹ Suốt"… Nay khuyên răn, đe nẹt người già rằng chớ tham gia các chuyện chính trị. Lưu manh đến thế là cùng!
Bauxite Việt Nam
Rất nhiều người cao tuổi ở khắp các địa phương cho biết các cụ thường nhận được nhiều "lời khuyên thân tình" đến từ các cư dân trong cộng đồng, nhiều nhất và chủ yếu là từ các quan chức địa phương. Nhiều lời khuyên nghe ra rất mùi mẫn, như là một sự cảm thông, sẻ chia bè bạn đối với những khó khăn trong đời sống của các cụ. Đáng chú ý là một lời khuyên sau đây (đại ý): "Các cụ hãy bỏ ngoài tai ba cái chuyện thời sự chính trị đi, mà dành thời gian ít ỏi còn lại để chăm lo cho sức khỏe của bản thân, sao cho được sống vui, sống khỏe và con cháu đỡ phải vất vả phục vụ". Những người tự coi là bạn đó đôi khi còn dài dòng phân tích vì sao các cụ nên như thế và cần phải như thế, và khẳng định rằng chuyện chính trị ở ta là công việc của Đảng và Nhà nước phải lo, của đảng viên và quan chức đang tại chức phải làm, của lớp trẻ phải gánh vác. Thậm chí các cụ ta còn bị "trách khéo" về cái "tội" sao lại hâm hoặc gàn dở thế, cứ muốn "dí mũi vào" những chuyện không phải là của mình...
Rất nhiều cụ đã từng bị "ném đá" như vậy nhiều lần, nhất là khi đàm đạo qua điện thoại, viết bài phản biện hoặc rủ nhau đến bàn thảo về những vấn đề "nóng" của địa phương, của đất nước (mà người khác biết được). Tuy rất buồn nhưng các cụ vẫn giữ vững bản lĩnh của mình là "ngườii có văn hóa", biết sống tử tế, hiểu được trách nhiệm công dân. Lời khuyên và những phân tích vừa nêu ở trên, khi mới nghe qua, các cụ thấy có vẻ không sai và chứa đầy thiện ý, nhưng chỉ cần ngẫm kĩ và sâu một chút thôi thì các cụ đều thấy ngay đó hoặc là một lời khuyên hơi vội vàng, thiếu chín chắn, hoặc đích thực là một kiểu nói ngụy biện, lươn lẹo, không thật lòng, ẩn chứa một cái gì đó không tốt đẹp. Có cụ đã chỉ rõ thực chất đây là một cách "đuổi khéo" các cụ khỏi "vùng cấm" là các chuyện chính trị.
Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải đối mặt với tuổi già, mà nếu cứ vẫn phải chịu đựng những bất ổn của xã hội nhưng lại bị coi là người ngoài cuộc, phải chịu áp lực của những lời thị phi thiếu văn hóa thì quả thật là bất hạnh! Chúng tôi muốn nêu ra điều trăn trở của các cụ trước câu chuyện khó nói ra này là để cộng đồng hiểu cho đúng bản chất của vấn đề mà lời khuyên đã đặt ra cho các cụ và cho cả cộng đồng.
Chúng ta hãy cùng nhau lí giải cho rõ ràng và sòng phẳng những nhận thức chưa chuẩn xác, phiến diện... chứa đựng trong lời khuyên nói trên. Trước hết, phải hiểu cho đúng chuyện chính trị là gì? Theo cách hiểu phổ thông nhất thì đó là những vấn đề liên quan bộ máy nhà nước (giành, giữ, điều khiển...), từ những vấn đề lớn như thể chế chính trị, đường lối phát triển đất nước đến những vấn đề cụ thể như thiết chế tổ chức, nhân sự, chủ trương, chính sách, phương thức quản lí xã hội... Những việc ấy đều liên quan mọi người, đều là việc của chung toàn dân chứ không phải của riêng ai.
Từ hiểu biết chung đó, mới hỏi lại các vị đưa ra lời khuyên trên: xung quanh cuộc sống của người già (và người dân nói chung), có cái gì là không liên quan chính trị? Chẳng lẽ chuyện ăn, ở, mặc, đi lại, chữa bệnh, tiếp cận thông tin ... của các cụ là không liên quan chính trị? Chẳng lẽ các cụ không còn cần đến và không đáng được hưởng các quyền tự do, dân chủ nữa? Chẳng lẽ các cụ không còn được hưởng các quyền công dân và không cần thực hiện trách nhiệm công dân nữa? Nếu chỉ cần ăn uống rồi đi ra đi vào, vận động tay chân... thì có khác gì cuộc sống của loài động vật không cao cấp?
Các vị đang cố tình sở hữu một cách hiểu rất phiến diện, thiển cận và rất sai mà lại muốn áp đặt cái hiểu biết lạc điệu ấy cho người khác, trước hết là cho lớp người già. Nếu các cụ buộc phải hiểu như lời khuyên của các vị thì cuộc sống của các cụ sẽ như thế nào nhỉ? Đó sẽ là một thảm cảnh với các cụ, vì lúc ấy các cụ sẽ chỉ được sống như những con người sinh học, không có cuộc sống tinh thần nữa, không phải là cuộc sống của những con người xã hội đúng nghĩa, đích thực mà ai cũng mong muốn và phấn đấu để hướng tới. Tại sao các cụ lại bị tước mất quyền công dân, quyền con người? Tại sao các cụ lại bị coi như người ngoài cuộc trong sự nghiệp chung của cộng đồng? Tại sao cộng đồng lại không coi trọng và không biết sử dụng những hiểu biết và kinh nghiệm sống mà các cụ đã tích lũy được qua những năm tháng cống hiến lúc còn trẻ? Tại sao cộng đồng lại có thể coi thường các cụ đến như vậy, lại có thể đối xử bất công với các cụ đến vậy? Nếu hiểu và làm theo lời khuyên của các vị thì chỉ có thể mang lại nhiều điều bất hạnh cho các cụ và gây thiệt hại lớn cho cộng đồng mà thôi.
Các vị khuyên các cụ phải chăm lo cho bản thân để có thể sống vui, sống khỏe à? Khỏe sao được khi mà bát cơm manh áo cũng đều phải nhìn vào cái chính trị đã nêu ở trên. Vui sao được khi đất nước còn ngổn ngang, bộn bề, yếu kém và bất cập mà muốn chấn hưng thì cũng phải trông mong vào cái chính trị ấy. Hơn thế, đối với các cụ, sống vui, sống khỏe phải luôn đi kèm với sống có ích thì mới bền vững và có ý nghĩa. Các cụ cần cái đó lắm, cần hơn cả "cơm áo gạo tiền" kia đấy.
Đến đây, phải nghĩ đến một khía cạnh khác, ẩn sau những lời khuyên đó: Động cơ gì mà các vị lại khuyên các cụ như vậy? Chắc chắn số đông các vị vô tư, xuất phát từ nhận thức chưa đúng, thiên về cảm tính, từ tình thương yêu con người... mà góp ý chân thành. Nhưng cộng đồng cũng rất cần phải cảnh giác với động cơ vụ lợi, không trong sáng của một bộ phận không nhỏ trong số các vị đã đưa ra lời khuyên mỵ dân và một chiều này. Đó là động cơ lừa gạt, muốn che giấu sự thật của những kẻ cơ hội đủ loại, trước hết là trong giới quan chức hư hỏng và giới doanh nhân, đại gia xảo quyệt. Bọn họ đóng kịch, giả vờ làm người tử tế để mê hoặc, đánh lạc hướng những người già lương thiện, tâm huyết. Bọn họ luôn nghĩ rằng việc nước là của riêng họ, việc làm ăn kinh tế là của riêng họ chứ không muốn và không cần dân biết. Bọn họ thừa hiểu lớp người già biết rất rõ những việc làm mờ ám của bọn họ trong các chuyện chính trị. Bọn họ cũng biết rất rõ là các cụ có thừa đủ trí tuệ và tâm huyết (các trí thức về hưu đều ở đây cả mà) để tham gia phản biện xã hội đối với các chuyện chính trị mà bọn họ đã và đang làm. Bọn họ rất sợ mờ ám của những việc bọn họ làm, nhất là những sai lầm và tổn thất do bọn họ gây ra, lâu nay vẫn được che giấu, sẽ bị các cụ chỉ ra cho bàn dân thiên hạ biết. Do đó, đương nhiên là bọn họ phải tìm cách vô hiệu hóa tiếng nói phản biện của các cụ, và lời khuyên đã nêu ở trên là một chiêu trò nhằm bịt miệng các cụ.
Thái độ của các cụ trước lời khuyên đó thì chúng ta đã rõ: cảm ơn với những người thiện chí, cảnh giác với những kẻ cơ hội và khước từ việc thực thi. Cộng đồng chúng ta cần ủng hộ các cụ, đồng hành với các cụ trong việc chung. Không thể bàng quan trước việc chung của đất nước, càng không thể im lặng trước những việc xấu và ác. Chuyện chính trị luôn liên quan mọi người và người già không thể đứng ngoài !
S.L
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.