Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Tại sao Việt Nam thất bại trong việc xử lý rác

Tại sao Việt Nam thất bại trong việc xử lý rác

Rác bên ngoài nhà máy rác Phương Thảo, Vĩnh Long.
Rác bên ngoài nhà máy rác Phương Thảo, Vĩnh Long.
 RFA
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài sông nước và đồng lúa xanh tươi, việc đô thị hóa ngày càng nhanh tạo nên một hình ảnh khác, đó là những bãi rác ngày càng lớn ở ngoại ô các thành phố, thị xã, thị trấn của miền đất trù phú này.
Tháng 3 năm 2017, báo Tuổi trẻ tại Sài Gòn thực hiện một phóng sự về rác tại Đồng bằng sông Cửu long, cho thấy chưa có tỉnh nào tại đây giải quyết được rác thải ra của địa phương mình.
Chi phí và sự tham gia của tư nhân
Trong bài phóng sự của báo Tuổi Trẻ, có nói đến một nhà máy xử lý rác hiện đại đầu tiên của vùng Đông bằng Cửu long do một doanh nhân đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long, là nhà máy rác Phương Thảo.
Theo báo chí Việt Nam thì nhà máy này đã được đầu tư hàng triệu đô la Mỹ, bắt đầu được xây dựng từ năm 2009, nhưng sau một thời gian vận hành thử nghiệm, thì phải đóng cửa vào năm 2013, vì số tiền mà tỉnh Vĩnh Long trả cho nhà máy không đủ để bù chi phí. Ngược lại tỉnh Vĩnh Long lại cho là nhà máy này không xử lý rác một cách triệt để.
Sau một thời gian thương lượng, nhà máy Phương Thảo đã hoạt động trở lại vào năm 2015, theo báo Tuổi Trẻ cho biết.
Trao đổi với chúng tôi về mâu thuẫn giữa giá và công nghệ, cũng như việc mời gọi thành phần tư nhân vào tham gia xử lý rác, ông David Dương, chủ một công ty thu gom và xử lý rác tại thành phố Oakland, California, Hoa Kỳ, phân tích cách tổ chức hiện nay tại Việt Nam:
Từ đó tới giờ xử lý rác là của một công ty trực thuộc ban ngành nào đó của nhà nước, chẳng hạn như là công ty môi trường đô thị trực thuộc sở tài nguyên môi trường. Bây giờ tư nhân đầu tư vào rất là khó, nó đòi hỏi một sự quyết tâm của lãnh đạo cấp cao. Cái thứ hai là lãnh đạo phải ý thức được là xử lý rác là vấn đề môi trường chứ không phải là lợi nhuận.”
Ông David Dương có hợp đồng với thành phố Hồ Chí Minh để chôn lấp rác tại bãi rác Đa Phước.
Theo ông David Dương, không thể trả một số tiền nhỏ mà đòi hỏi công nghệ cao được, ngoài ra khi có một dự án đầu tư được cho là sử dụng công nghệ cao, nhà nước phải có khả năng kiểm soát công nghệ đó.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học Cần Thơ nói với chúng tôi về nguồn ngân sách mà các tỉnh Đồng bằng Cửu Long dùng cho việc xử lý rác:
Người dân không có thói quen phân loại rác như các nước khác.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.
“Hiện nay ở các tỉnh, nguồn kinh phí đầu tư cho xử lý rác là không đầy đủ. Vấn đề này trở thành chuyện đau đầu, rác ngày càng nhiều, mà có một khó khăn là người dân không có thói quen phân loại rác như ở các nước khác.”
Phân loại rác
Việc phân loại rác của dân chúng mà Tiến sĩ Tuấn đề cập là để tạo thuận tiện cho việc xử lý rác, biến rác thành các vật liệu tái chế, hoặc là phân bón hữu cơ. Trong bài phóng sự của báo Tuổi trẻ vào tháng Ba năm nay, 2017, Tiến sĩ Tuấn có nói rằng hầu như tất cả rác của Đồng bằng Cửu Long chỉ được đem đi chôn lấp mà thôi. Mà việc chôn lấp này sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt cho môi trường như tốn đất đai, phải xử lý nước rỉ từ rác, khí bốc lên từ rác.
Theo kinh nghiệm của ông David Dương, thì nhà đầu tư sẽ sử dụng những nguyên liệu tái chế, hay phân bón hữu cơ để thu lời, bù lại phần vốn họ đã bỏ ra để xử lý rác cho các thành phố.
Tại Việt Nam nhà nước đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền cho dân chúng về việc phân loại rác từ nhà với nhiều thùng rác khác nhau, nhưng tất cả đều thất bại. Ông kể rằng đã chứng kiến một đợt tuyên truyền như vậy tại Sài Gòn, người dân đã làm theo việc chia rác ra làm các loại rác khác nhau, nhưng xe thu gom rác của nhà nước chỉ có một, và tất các loại rác lại bị trộn lẫn vào nhau.
Theo ông David Dương, đại đa số các thành phố tại Mỹ đều giao cho các công ty tư nhân xử lý rác từ khâu thu gom cho đến chôn lấp, và chính quyền khi giao thầu như vậy sẽ đề ra những tiêu chuẩn bao nhiêu phần trăm rác sẽ được tái chế, giá tiền là bao nhiêu,…
Ông nói tiếp:
Việc đó đưa mình vào cái thế là phải tuyên truyền cho người dân nhiều hơn, giáo dục người dân nhiều hơn để họ có thể phân loại rác, từ đó mình mới có thể sản xuất từ đó, đại đa số rác đi vào sản phẩm, chỉ còn một số rất ít mang đi chôn lấp. Hiện nay chuyện thu gom ở Việt Nam vẫn là của thành phố, hoặc thành phố đưa về các quận huyện, vẫn nằm trong khuôn khổ cơ quan của nhà nước. Nhiệm vụ của họ chỉ là đi thu gom rồi đổ, chứ không có cái quan niệm là rác dùng cho sản xuất như thế nào sau khi gom.”
Tức là việc tổ chức tuyên truyền phân loại rác cũng do chính nhà đầu tư tư nhân thực hiện vì lợi ích của chính họ.
Theo ông David Dương, rác ở Việt Nam với thành phần hữu cơ rất cao là thuận lợi để sản xuất phân bón hữu cơ, nhưng do việc không phân loại được rác, nên phân hữu cơ sản xuất ra sẽ có lẫn rất nhiều tạp chất, không bán được. Theo báo chí Việt Nam, một công ty tư nhân tại tỉnh Cà Mau đã sản xuất phân hữu cơ từ rác nhưng không bán được.
Nhiệm vụ của họ (cơ quan nhà nước) chỉ là đi thu gom rồi đổ, chứ không có cái quan niệm là rác dùng cho sản xuất như thế nào sau khi gom.
-Ông David Dương.
Việc thu hồi các vật liệu có thể tái chế từ rác ở Việt Nam như thủy tinh, nhựa, kim loại,… hiện do các người thu gom phế liệu thực hiện, nhưng theo ông David Dương, việc này không được nhà nước kiểm soát đầy đủ, có thể dẫn tới tình trạng ô nhiễm ở những nơi chứa các vật phế liệu này.
Trở lại nhà máy xử lý rác đầu tiên của vùng Đồng bằng Cửu Long là nhà máy Phương Thảo, vào tháng Tám năm nay, 2017, khi tìm đến, phóng viên của chúng tôi không được vào nhà máy cũng như không tiếp xúc được với những người quản lý nhà máy. Tiếp xúc với người dân xung quanh nhà máy thì được họ cho biết là họ đang phải chịu sự ô nhiễm không khí và nước:
Khi có gió thì nó hôi lắm, nhưng mà thôi để cho người ta làm đi, mình chỉ làm sao để cho nó đừng hôi, chứ ngưng hoạt động thì người ta đổ đâu? Ý tôi là vậy không thắc mắc gì hết.”
Lâu lâu họ khai nước ra ngoài lúa, bị người ta đền nhiều lắm. Tới tháng mưa nước tràn ra nhiều lắm, làm thất lắm, một công có mấy giạ thôi. Có người bỏ đất để bán nền nhà mà chưa có ai mua, chứ làm ruộng không được, có khi ban đêm họ móc rác hay sao đó mà hôi chịu không nổi, gió trong đó thổi ra thúi muốn ngộp.”
Chúng tôi không liên lạc được với bà Phương Thảo chủ doanh nghiệp để hỏi về vấn đề này. Chúng tôi cũng có đặt câu hỏi gửi đến chính quyền tỉnh Vĩnh Long qua email nhưng không có hồi âm.
Một cựu viên chức của Đồng bằng sông Cửu Long là ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang nói với chúng tôi rằng ông rất lo ngại rằng trong tương lai không xa, theo lời ông, thì rác tại vùng này sẽ trở thành một trận giặc lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.