Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

SINH NHỰT SỚM NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC

SINH NHỰT SỚM NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC

bauxitevn8:11 AM

Ngô Thị Kim Cúc clip_image002
Sinh nhựt nhà văn Nguyên Ngọc chính xác là vào thượng tuần tháng Chín, nhưng nhân dịp anh có mặt ở Sài Gòn vào hạ tuần tháng Tám, Văn Việt và thân hữu đã tổ chức mừng tuổi 85 của anh sớm hơn mươi ngày.

Người đàn ông tuổi tám lăm này, thật kỳ lạ khi trí óc không hề lú lẫn như đa số kẻ nhiều quyền nhiều tiền khác, và dù không thoát khỏi một số căn bệnh do tuổi tác nhưng vẫn đủ sức làm việc và di chuyển không ngừng. Có lẽ lòng yêu dân yêu nước đã là là nguồn năng lượng dồi dào tiếp sức cho anh, giúp anh vẫn là người đồng nghiệp, đồng hành đáng kính trọng của rất nhiều thế hệ cầm bút và độc giả trẻ hơn.
Tôi còn nhớ sau tết Ất Mão 1975, khi tôi đang có mặt ở Đà Nẵng để chuẩn bị cho việc ra trường thì Đà Nẵng "giải phóng" (sớm hơn Sài Gòn một tháng), vào 29 tháng ba. 
Chỉ một vài ngày sau, đã có người tới tận nhà mời tôi ra công tác, một anh là dân làm thơ ở nội thành tù Côn Đảo mới được trao trả sau Hiệp định Paris, và một anh là cán bộ Hội Văn nghệ Giải phóng khu Trung Trung Bộ. Lần đầu đến trụ sở Hội Văn nghệ Giải phóng khu Trung Trung bộ (đóng ở tòa nhà Hội Việt Mỹ cũ, trên đường Gia Long), tôi rất ngơ ngác trước khá đông cán bộ sáng tác, tất cả đều mặc quân phục.
Sau đó tôi biết một nửa trong số họ là dân sự và một nửa là quân sự, và nếu không phải nhà văn thì họ đều là họa sĩ. Họ đã sống nhiều năm trong rừng khu Năm và dù là dân văn nghệ nhưng họ đã theo chân các đoàn quân để vào thành phố khá sớm. Những bữa cơm đầu tiên tôi ăn ở đó đều rất thanh đạm, và tôi ngạc nhiên thấy nhà thơ Thu Bồn ra hái lá xoài non trên cây xoài già rất lớn trong sân làm rau để ăn kèm với các thứ rau mắm khác. 
Anh Nguyên Ngọc là một trong những lãnh đạo văn nghệ khu 5, và tháng Tư khi các anh theo chiến dịch đi vào Sài Gòn, tôi được phân công cùng những người ở lại làm công việc tái bản sách. Quyển sách gây ấn tượng cho tôi lúc đó là tập tùy bút Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành, bút danh trong chiến tranh của anh Nguyên Ngọc. Nổi bật nhất là cách hành văn ngập tràn hình ảnh và nhiệt huyết mà theo cách nói của anh Nguyễn Khắc Phục trong các buổi giới thiệu sách ở các trường trung học, là “một giọng văn tráng lệ”.
Ra Hà Nội học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi được biết anh Nguyên Ngọc (đang là Tổng thư ký kiêm bí thư đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam) cùng với Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, là những người sống chết cũng nhất định mở cho được một học viện văn học, nhằm bổ sung kiến thức cho những người cầm bút (hầu hết xuất thân từ miền bắc). Đó là một chương trình tổng hợp mà chắc chắn những người được học từ chương trình bị hạn chế của các trường ở miền Bắc không thể có cơ hội nắm bắt. Những thứ như phân tâm học, tâm lý học, triết học phương tây, tôn giáo… là những món cấm kỵ, lần đầu tiên họ được thâm nhập và tiếp thu một cách đầy ham thích.
Thời gian ba năm ở Hà Nội và sau đó việc trở thành hội viên - năm 1983, cho tôi nhiều hiểu biết chính xác về nội tình Hội Nhà văn Việt Nam cùng những thứ liên quan. Điều đó khiến niềm vui cầm bút trong tôi bị vùi dập một cách khá sớm và tàn nhẫn. Tôi ra khỏi những ảo tưởng chữ nghĩa và nhìn văn giới với một cái nhìn giàu chất trào lộng, khi thấy văn và người nhiều lúc hết sức đối lập nhau…
Bốn mươi hai năm đã qua sau khi chấm dứt cuộc chiến tranh quá dài, quá nhiều sự thật đã được hiển lộ, và tôi tin rằng những kẻ dù cố bưng tai bịt mắt ở mức lỳ lợm nhất, cũng tới lúc phải nhận ra chân tướng cuộc sống chung quanh.
Cuộc sống này có quá ít niềm vui, khi chúng ta nhận ra quanh mình vô số những phi lý cùng cực mà hàng triệu người thấp cổ bé miệng phải chịu đựng. Và với người cầm bút, nếu cái “biết” không thể trở thành việc gì đó có ích cho cộng đồng, thì trí tưởng tượng và ngay cả ngôn ngữ cũng trở thành thứ trò chơi lố bịch, vô nghĩa.
Sinh nhựt lần thứ 85 của nhà văn Nguyên Ngọc, có lẽ chúng tôi lại tiếp tục đùa trêu anh: “Tám lăm mà cứ tưởng năm tám”, như đã từng trêu “Tám mốt mà cứ tưởng mười tám/ Tám hai mà cứ tưởng hai tám…”…
Xin chúc nhà văn tuổi tám lăm vẫn cứ tinh anh, vẫn cứ dồi dào năng lượng sống, để tiếp tục là nhà văn yêu dân yêu nước, và theo cách nói của nhà thơ Dương Tường, vẫn tiếp tục “đứng về phe nước mắt”…
clip_image004
clip_image006
clip_image008
clip_image010
clip_image012
clip_image014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.