Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Nhầm lẫn tai hại về tiền lương

Nhầm lẫn tai hại về tiền lương

bauxitevn8:22 AM

Tô Hà
"Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" nhưng cả sư lẫn sãi đều quên rằng doanh nghiệp tư nhân bị "giảm tốc độ tích lũy tư bản", "tăng trưởng chậm lại", người lao động thì "đang sống vô cùng khốn khổ, chật vật", "phải làm thêm như thể "bán mạng", không được vui chơi, học hành, giải trí" chủ yếu là vì phải cống nạp quá nhiều thuế, phí để nuôi mấy triệu kẻ ăn tàn phá hại, chỉ nhăm nhăm "bòn khố rách sắm dù, sơn kiệu - hút máu dân làm rượu, làm trà". Đấy mới là sự nhầm lẫn, bỏ quên tai hại. 

Bauxite Việt Nam

Lấy tiền lương tối thiểu ở khu vực công nghiệp so sánh với năng suất lao động xã hội là hoàn toàn khập khiễng. Cách tính mức tăng lương tối thiểu có vấn đề…
"Giai đoạn 2004-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương trung bình là 5,8% nhưng năng suất lao động chỉ tăng 4,4%. Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động và lương tối thiểu, lương trung bình nếu kéo dài sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế" - ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến cáo như vậy tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam, do VEPR và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) tổ chức ở Hà Nội ngày 13-9-2017.
"Tăng lương không có cơ sở"
Theo TS Futoshi Yamauchi, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới, xét về tổng thể nền kinh tế, tăng lương tối thiểu dẫn đến tăng lương trung bình, giảm việc làm và giảm lợi nhuận. Lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%. Chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhanh và liên tục có thể làm giảm tốc độ tích lũy tư bản của doanh nghiệp tư nhân, khiến khu vực này tăng trưởng chậm lại.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng chính sách tiền lương của Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập, cần có phương pháp đúng là cải thiện năng suất lao động của nền kinh tế để mỗi người lao động nhận tiền lương xứng đáng hơn thay vì cứ tăng lương không có cơ sở như hiện nay.
Nhóm nghiên cứu đưa ra 6 khuyến nghị. Trong đó, quan trọng nhất là điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp tăng trưởng năng suất lao động. Đây mới là cái gốc để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai. Lương tối thiểu hiện chưa được áp dụng đối với người lao động không có hợp đồng cũng như không thể hiện được vai trò bảo vệ nhóm người thiệt thòi và dễ tổn thương nên cần xem xét các chính sách xã hội bổ sung. Nên chuyển sang hệ thống lương tối thiểu theo giờ thay vì theo tháng. Mức lương tối thiểu phải được điều chỉnh theo cách tiếp cận dựa trên quy tắc với yêu cầu minh bạch và có thể dự đoán được.
VEPR cũng lưu ý cần bổ sung các học giả độc lập vào Hội đồng Tiền lương quốc gia như thông lệ của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, đánh giá tác động tăng lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên hơn với số liệu cập nhật.
Một báo cáo phiến diện
Góp ý cho báo cáo, ông Hồ Đình Bảo (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng nhóm nghiên cứu mới chỉ tiếp cận từ góc nhìn doanh nghiệp, chưa đề cập góc độ người lao động và cơ quan hoạch định chính sách. Nếu tiếp cận ở góc nhìn rộng hơn đến các đối tượng chịu tác động của chính sách, báo cáo sẽ thuyết phục hơn.
Trong khi đó, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - bày tỏ sự không đồng tình với báo cáo của nhóm nghiên cứu. Ông Chính phân tích: "Con số 4,4% như báo cáo đề cập là năng suất lao động xã hội. Lấy tiền lương tối thiểu ở khu vực công nghiệp so sánh với năng suất lao động xã hội là hoàn toàn khập khiễng. Phải so sánh với năng suất lao động của khu vực công nghiệp với năng suất lao động của ngành công nghiệp". Ông Chính khẳng định đang có sự nhầm lẫn giữa lương tối thiểu và tốc độ tăng lương tối thiểu. "Cách tính mức tăng lương tối thiểu có vấn đề. Lương tối thiểu hiện nay chưa đủ sống trong khi điều 91 - Bộ luật Lao động quy định lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Điều này lẽ ra phải thực hiện từ ngày 1-5-2013 song đến nay vẫn chưa thực hiện được nên phải tính các mức tăng thêm. Tăng lương vừa qua chính là đưa các yếu tố mức sống tối thiểu đang còn thiếu cộng thêm CPI, năng suất lao động, GDP. Hiện nay, mức tăng thêm chưa rõ ràng nên các bên vẫn đang phải thương lượng với nhau. Nếu tiền lương tối thiểu đủ sống thì hằng năm chỉ tăng đúng vào chỉ số trượt giá, tức là chỉ 3%-4% chứ không phải tăng 7%-8% như hiện nay" - ông Chính chỉ rõ.
Người đại diện tổ chức Công đoàn còn nhấn mạnh: "Tôi hoàn toàn thống nhất với các ý kiến cho rằng báo cáo mới đánh giá về phía doanh nghiệp mà chưa nói nhiều về người lao động. Mỗi lần tăng lương, doanh nghiệp kêu tăng cao quá nhưng khi xuống tận nơi thì thấy công nhân đang sống vô cùng khốn khổ, chật vật. Nếu công nhân lập gia đình, có con thì lương không đủ sống, phải làm thêm như thể "bán mạng", không được vui chơi, học hành, giải trí… Tôi đề nghị nhóm nghiên cứu tính toán đầy đủ các yếu tố này".
T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.