Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

LUẬN CỨ BÀO CHỮA CHO NGUYỄN VĂN OAI TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ SƠ THẨM, TAND THỊ XÃ HOÀNG MAI, NGÀY 18/09/2017.

LUẬN CỨ BÀO CHỮA CHO NGUYỄN VĂN OAI TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ SƠ THẨM, TAND THỊ XÃ HOÀNG MAI, NGÀY 18/09/2017.

bauxitevnWed 2:01 PM

Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn; địa chỉ số 156 Trần Vĩ, Cầu Giấy, Hà Nội xin được trình bày luận cứ bào chữa cho anh Nguyễn Văn Oai như sau:
I. Tóm tắt vụ án:
Ngày 09/01/2013, TAND tỉnh Nghệ An ra bản án hình sự sơ thẩm số 01/2013/HSST tuyên phạt anh Nguyễn Văn Oai “Tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” 04 năm tù và 04 năm quản chế. Ngày 02/08/2015, anh Oai chấp hành xong 04 năm tù và bắt đầu chấp hành 04 năm quản chế.
Ngày 18/01/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố vụ án số 03/PC44 (Đ2) vụ án “Không chấp hành án” Điều 304 và “Chống người thi hành công vụ” Điều 257, Bộ luật hình sự 1999.

Ngày 18/01/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố bị can số 02/PC44 (Đ2) đối với anh Nguyễn Văn Oai.
Ngày 19/01/2017, bị bắt tạm giam cho đến nay.
Ngày 14/04/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra Bản kết luận điều tra số 01/KLĐT-PC44 đề nghị truy tố anh Oai “Tội không chấp hành án” Điều 304 và “Tội chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 257, Bộ luật hình sự 1999. Sau đó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Ngày 07/06/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra Bản kết luận điều tra bổ sung số 04/KLĐT-PC44 đề nghị truy tố anh Oai “Tội không chấp hành án” Điều 304 và “Tội chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 257, Bộ luật hình sự 1999. Nội dung không có gì thay đổi. Sau đó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã chuyển hồ sơ vụ án về Viện KSND thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Ngày 30/06/2017, Viện KSND thị xã Hoàng Mai ra Cáo trạng số 35/VKS-HS truy tố anh Nguyễn Văn Oai ra Tòa án nhân dân thị xã Hoàng Mai về “Tội không chấp hành án” Điều 304 và “Tội chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 257, Bộ luật hình sự 1999.
Ngày 07/08/2017, TAND thị xã Hoàng Mai ra Quyết định số 49/2017/HSST-QĐ đưa vụ án ra xét xử ngày 21/08/2017.
“Điều 304. Tội không chấp hành án 
Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
“Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ 
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
I. Về mặt khách quan của tội phạm “tội không chấp hành án”:
1. Về hành vi cư trú:
Anh Oai từ khi ra tù cho đến khi bị bắt 19/01/2017, chỉ cư trú tại một địa điểm thuộc xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An là gia đình anh, nơi anh đăng ký hộ khẩu thường trú và lập gia đình. Ngoài ra, Cơ quan điều tra không có bằng chứng là anh cư trú ở bất cứ một địa phương nào khác theo như quy định Điều 1 Luật cư trú 2006, sửa đổi, bổ sung 2013, quy định:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú.”
Như vậy, anh Oai không vi phạm quy định “người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định” tại Điều 38 Quản chế, Bộ luật hình sự 1999.
2. Về hành vi tự ý ra khỏi nơi cư trú:
Theo hồ sơ vụ án và Cáo trạng (trang 03): Ngày 20/09/2016 UBND xã Quỳnh Vinh lập biên bản về việc anh Oai đi khỏi nơi cư trú và ngày 26/09/2016, UBND xã Quỳnh Vinh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 02, phạt 2.500.000đ. Đây là lần cuối cùng anh Oai đi khỏi nơi cư trú trước bị bắt ngày 19/01/2017 theo quyết định khởi tố bị can số 02/PC44 (Đ2), ngày 18/01/2017 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An.
- Điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định:
“Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
- Điều 38 Bộ luật hình sự 1999, quy định:
“Điều 38. Quản chế 
Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 39 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.”
- Điều 91 Luật thi hành án hình sự 2010, quy định:
Điều 91. Nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế
1. Người chấp hành án phạt quản chế có nghĩa vụ sau đây:
a) Chịu sự kiểm soát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã và nhân dân địa phương; không được tự ý rời khỏi nơi quản chế;
b) Mỗi tháng một lần vào tuần đầu của tháng, trình diện và báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế việc chấp hành quy định về quản chế;
c) Có mặt tại địa điểm quy định khi Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập, nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng;
d) Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật và quy định của chính quyền địa phương; tích cực lao động, học tập, cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội;
đ) Trường hợp được phép đi khỏi nơi quản chế, người chấp hành án phạt quản chế phải khai báo tạm vắng; trình diện, xuất trình giấy phép, làm thủ tục đăng ký tạm trú, lưu trú với Công an cấp xã nơi đến theo quy định; trở về nơi quản chế đúng thời hạn và trình diện với Ủy ban nhân dân cấp xã. Người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế mà không có giấy phép hoặc vi phạm các quy định ghi trong giấy phép nếu không có lý do chính đáng thì thời gian này không được tính vào thời hạn chấp hành án phạt quản chế.
2. Người chấp hành án phạt quản chế cố ý không chấp hành nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, anh Oai có 1 hành vi đi khỏi nơi cư trú nhưng bị xử phạt 02 lần, vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và khoản 2 Điều 91 Luật thi hành án hình sự 2010.
3. Không có hành vi “đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết”:
Những lần đi khỏi địa phương, anh Oai đều tự đi về mà chưa bị UBND xã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế bắt đưa về nơi cư trú lần nào. Bằng chứng là ngày 20/09/2016, lần cuối trước khi bị khởi tố bị can, anh Oai trên đường về đến xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu thì bị Công an xã Quỳnh Hậu phát hiện và báo cho Công an thị xã Hoàng Mai, Công an xã Quỳnh Vinh đến nhận người (Cáo trạng – trang 03). Do vậy, việc ra quyết định khởi tố bị can đối với anh Oai là chưa đủ điều kiện hành vi về mặt khách quan của tội không chấp hành án.
“Điều 304. Tội không chấp hành án 
Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
II. Về mặt khách quan của tội phạm “Tội chống người thi hành công vụ”:
1. Ngày 01/09/2016, ông Hồ Văn Thái và những người đi cùng đã tự ý vào nhà anh Oai không được anh Oai đồng ý; tự ý dung camera và điện thoại ghi âm ghi hình. Anh Oai đã đuổi những người này ra khỏi nhà (Cáo trạng – trang 04). Hành vi của những người này vi phạm Điều 22 Hiến pháp 2013, quy định:
Điều 22.
1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”
Trong thời gian chấp hành án phạt quản chế anh Oai bị tước một số quyền công dân theo Điều 39 BLHS 1999, nhưng không bị tước quyền bất khả xâm phạm chỗ ở, Điều 22 Hiến pháp 2013.
“Điều 39. Tước một số quyền công dân 
1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
a) Quyền ứng cử, quyền bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước;
b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.”
Mặt khác, Điều 91 Luật thi hành án hình sự 2010, quy định không bắt người chấp hành án phạt quản chế phải có nghĩa vụ cho người của UBND xã tự ý vào chỗ ở của mình. Việc kiểm danh, kiểm diện và gửi thông báo không phải là căn cứ để có quyền xâm phạm chỗ ở của người chấp hành án phạt quản chế.
2. Ông Hồ Văn Thái, người mà cho rằng bị anh Oai cầm cọc cho rau leo đánh vào tay trái (nếu có), khi đó không mặc trang phục của ngành, không đeo số hiệu CAND, không xuất trình thẻ ngành hay giấy giới thiệu. Anh Oai không có trách nhiệm phải biết ông Thái là người thi hành công vụ.
Hơn nữa, ông Hồ Anh Thái và ông Trần Anh Tài, sau này được biết 02 ông là Công an tỉnh Nghệ An. Điều 91 Luật thi hành án hình sự 2010, quy định UBND xã và Công an xã là cấp có thẩm quyền thi hành án phạt quản chế. Vậy 02 ông tham gia vào chức năng của cấp xã là trái pháp luật.
Hai ông Thái, Tài là Công an tỉnh các ông không có quyền tham gia việc kiểm danh, kiểm diện và giao thông báo đối với người bị quản chế. Đây là chức năng của cấp xã. Nếu các ông cấp tỉnh đi kiểm tra cấp xã thì ông kiểm tra nội bộ với nhau. Muốn kiểm tra dân thì phải theo quy định của pháp luật. Công chức, viên chức chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép.
3. Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2009, quy định thì ông Thái và những người đi cùng không phải là “thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án”. Nói cách khác ông Thái và những người đi cùng không phải là người thi hành công vụ nên anh Oai không có hành vi chống người thi hành công vụ.
“Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2009:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án.”
· Trước khi khởi tố vụ án ngày 18/01/2017, quyền công dân của anh Oai đã nhiều lần bị xâm phạm bởi Công an thị xã Hoàng Mai vì nhiều lần ra giấy triệu tập trái pháp luật vi phạm Bộ luật TTHS 2003 và Thông tư 01/2006/TT-BCA về việc ra giấy triệu tập và Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT – BCA-BQP-BTC- NN&PTNN-VKSTC.
III. Vi phạm tố tụng:
1. Bút lục 88: 
- Sự việc ngày 01/09/2016 không được lập biên bản, người chứng kiến về clip video do ông Thái, ông Tài ghi tại nhà anh Oai mà đến ngày 08/03/2017 mới được giao nộp cho Cơ quan điều tra nhưng không có biên bản thu thập vật chứng là camera và điện thoại của ông Thái, ông Tài theo Điều 75- Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Không có vật chứng thì không thể có chứng cứ.
- Có hành vi can thiệp vào tài liệu thu thập là đánh dòng chữ vào video clip “Nguyễn Văn Oai xé giấy thông báo yêu cầu chấp hành các quy định về quản chế”.
- Âm thanh, hình ảnh từ camera và điện thoại đã được sao chép ra DVD không phải là vật chứng gốc.
2. Bút lục 90:
- Yêu cầu trưng cầu giám định không yêu cầu xác định thời gian xảy ra sự việc trong DVD, nên không có căn cứ xác định sự việc đó xảy ra vào thời gian ngày 01/09/2016 để xác định tính xác thực của chứng cứ về thời gian, không gian, địa điểm như quy định của Điều 69 – Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
IVĐề nghị HĐXX:
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Với các lý lẽ trình bày ở trên;
Căn khoản 2 “Hành vi không cấu thành tội phạm” Điều 107 và khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự 2003,
Tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trả tự do cho anh Nguyễn Văn Oai.
Tôi xin chân thành cám ơn sự lắng nghe của các quý vị,
Thành phố Vinh, ngày 18/09/2017.
Người bào chữa
Luật sư Hà Huy Sơn
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.