‘Hậu Harvey’ mới là chuyện khó xử
01/09/2017
Scarsdale, thành phố nhỏ phía Đông Nam Houston, nặng nề hứng chịu cơn cuồng nộ Harvey. Scarsdale còn là nhà của một cụm cư dân gốc Việt tại Texas. Scarsdale, một buổi chiều ngày đầu sau khi Harvey ngạo nghễ rút lui, mang đầy thương tích, trên từng hè phố, trong từng căn nhà.
Tương lai bấp bênh
“Tôi không biết phải đi đâu, phải làm gì. Thật khó cho những người như chúng tôi.” Medi Zamon, chủ nhân dealer bán xe cũ trên con đường có nhiều nhà hàng, tiệm của người Việt Nam, nói với VOA.
Dưới cái nắng chang chang, nhiệt độ lên đến gần 100 độ F, khó hình dung, nơi đây chỉ một tuần trước, vật vã dưới cơn lụt chưa từng có trong lịch sử thành phố.
“Thứ Sáu tuần trước, 4 giờ chiều mưa bắt đầu rơi. Mưa lớn, đến nỗi tôi không thể ở lại. Chúng tôi phải về nhà. Đến thứ Bảy thì không ai còn có thể quay trở lại. Cho đến Thứ Tư.”
Zamon kể lại tuần lễ kinh hoàng vừa qua. Đợi đến Thứ Tư, 30 tháng Tám, ông lái xe đến dealer của mình, đậu cách bãi xe chừng vài trăm yard, đi bộ trong nước lụt, đến nơi đậu xe, “để thấy cả bãi xe đã chìm trong nước.”
Đến buổi chiều cùng ngày thì nước bắt đầu rút. Sang hôm sau, nước rút toàn bộ. Không chờ đợi, Zamon bắt đầu cho mở tất cả cửa xe và cốp xe, dùng máy hút bụi và máy sấy, làm khô nội thất của xe.
“Hôm nay tẩy nước, ngày mai thợ sửa xe sẽ đến, xem lại máy móc, tìm giải pháp, xem chiếc nào có thể sửa được.” Zamon cho biết.
Ông thổ lộ, nếu sửa được, và nếu xe còn tốt, ông sẽ giữ lại để bán. Nếu không, sẽ cho bán đấu giá, mang xe khác về. “Tôi muốn cung cấp những chiếc xe tốt nhất cho khách hàng của tôi.”
Khách hàng ngày mai của Zamon, rất có thể là một người Việt Nam.
“Tôi biết rất nhiều người Việt Nam ở đây. Tôi có nhiều khách hàng Việt Nam. Tôi có hàng xóm Việt Nam. Nhiều chủ tiệm Việt Nam xung quanh đây, và người chủ đất tôi mướn đây cũng là người Việt Nam.” Zamon cho biết mối quan hệ gần gũi với cộng đồng gốc Việt, và cũng không giấu sự lúng túng trong việc giải quyết, hay tìm nơi trợ giúp, liên quan đến thiệt hại do bão Harvey gây ra. Zamon chưa liên lạc với bất cứ luật sư nào. Cũng chưa liên lạc cả với FEMA – Cơ Quan Cứu Trợ Khẩn Cấp Liên Bang.
“Tôi có 25 xe, mở doanh nghiệp tại đây gần hai năm rồi. Nay thiệt hại ước lượng từ 40 ngàn đến 50 ngàn đô la. Tôi sẽ cố gắng để tiếp tục công việc kinh doanh. Hy vọng như vậy.” Zamon quả quyết.
Nhưng cũng thú thật, “điều chắc chắn tôi biết là tổn thất này đặt chúng tôi vào chỗ khó khăn tài chánh, rất nặng.”
Rời dealer của Zamon, đi sâu vào bên trong thành phố, sẽ thấy một khu liên gia khang trang. Trên các lề đường, người ta thấy la liệt bàn ghế, thùng carton, thảm, ướt sũng nước. Bên trong, nhễ nhại mồ hôi dưới cái nắng hầm hập và độ ẩm thật cao, người ta bắt đầu dọn dẹp, sửa sang. Làm lại từ đầu!
Trong số này, có một người Việt Nam, Nguyễn Thanh Dũng.
Biết chuẩn bị, không lo lắng
Thật ra, anh Dũng cùng con trai đến đây để dọn dẹp nhà cửa cho thân phụ mẫu, những người “nhất định ở lại và bị kẹt trong nhà suốt 6 ngày.”
“Bão vào, gió vào, thì nước vào.” Anh Dũng nói với VOA. Anh cho biết đây là nhà bố mẹ anh, nay đã 94 và 85 tuổi.
“Bố mẹ già, không muốn chạy. Tôi gởi bạn vào đón cũng không chịu chạy. Nhà không có điện. Ông bà ăn cơm với ruốc, giò, bánh mì. Đến Thứ Tư mới đón được bố mẹ về.” Anh Dũng kể lại.
Trước câu hỏi tại sao ba mẹ không chịu “chạy,” anh Dũng cười thật lớn: “Chắc các anh phải hỏi bố mẹ tôi.”
Rồi anh thổ lộ, cần rút kinh nghiệm, “bố mẹ già, không bao giờ muốn chạy, nếu có lần sau, phải cố kéo bố mẹ ra.”
Gia đình thân phụ anh Dũng sang Mỹ năm 1975, định cư tại Texas từ 1978, và dọn vào căn nhà này từ năm 1984. Nguyễn Thanh Dũng từng có nhiều năm sống tại California, làm việc trong ngành tài chánh, có văn phòng tại Newport Beach. Sau đó, vì là con trai duy nhất trong nhà, anh quyết định trở lại Texas để có thời gian chăm sóc bố mẹ.
“Ở Houston lâu phải biết mua bảo hiểm lụt.” Nguyễn Thanh Dũng giải thích. Có hai loại bảo hiểm, nhà và lụt. Nếu không mua bảo hiểm lụt, nước vào nhà sẽ không được đền bù. “Mà bảo hiểm lụt chỉ $300 một năm. Đáng để mua.”
Mồ hôi nhễ nhại, Nguyễn Thanh Dũng có vẻ thoải mái khi lột các tấm thảm đầy nước trong nhà bố mẹ. Có thể vì biết chắc chi phí sửa nhà sẽ được đền bù, cũng có thể vì đã quá quen với 3 lần nước lụt vào nhà từ năm 1984.
Anh vẫn cứ cười thật lớn mỗi khi được hỏi về việc tại sao bố mẹ không chịu “chạy lụt.” “Tôi có nói, chạy đi bố mẹ. Ông bà vẫn không đi. Bố mẹ muốn giữ nhà. Giữ nhà là để trông nhà.”
Đã có vợ và có hai con; con trai 14 tuổi, con gái 12 tuổi, anh Dũng nói đã liên lạc với hãng bảo hiểm. “Thứ Bảy, bảo hiểm lụt sẽ đến, sau đó là bảo hiểm nhà.”
Người có kinh nghiệm và biết chuẩn bị, thường không bao giờ lo lắng, ngay cả trong cơn thiên tai hoành hành cả một thành phố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.