Dùng tiền lẻ trả phí BOT: Không phạm luật nhưng vẫn có thể bị khởi tố
bauxitevnTue 7:17 AM
Lưu Thủy
Về bài viết này, FB Hoàng Huy Vũ nhận xét: "Óc chó ngồi xổm lên pháp luật. Người ta không phạm luật thì mày lấy cái mả cha mày ra làm căn cứ khởi tố à?". Quá chính xác, hê hê!
Bauxite Việt Nam
Không phạm luật...
Liên quan việc Công an tỉnh Hưng Yên vừa có giấy triệu tập các tài xế dùng tiền lẻ để trả phí khi đi qua trạm BOT trên quốc lộ 5 để tiến hành điều tra khiến dư luận đang có những ý kiến trái chiều, luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có những phân tích cụ thể dưới góc độ luật pháp về vấn đề này.
Trả lời VTC News, luật sư Long khẳng định: Không có bất cứ một điều luật nào cấm dùng tiền lẻ khi mua bán, trao đổi hàng hóa, trả chi phí cho dịch vụ. Tiền Việt Nam gồm tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành (quy định tại Điều 2 - Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg). Tiền giấy Việt Nam đang được lưu hành với các mệnh giá 100 đ, 200 đ, 500 đ, 1000 đ, 2000 đ, 5000 đ, 10.000 đ, 20.000 đ, 50.000 đ, 100.000 đ, 200.000 đ và 500.000 đ do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành là đồng tiền pháp định, được dùng làm phương tiện thanh toán không hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng tiền các loại mệnh giá khác nhau trong trao đổi, mua bán, trả phí dịch vụ... không có gì là sai phạm.
Luật sư Long cho biết: "Việc dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm thu phí BOT là không vi phạm pháp luật. Vì tiền dùng ở mệnh giá nào đều do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành, được lưu hành hợp pháp. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành là hành vi bị nghiêm cấm. Điều này đã được quy định rõ tại Khoản 3 - Điều 23 - Luật Ngân hàng nhà nước và Khoản 4 - Điều 3 - Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg".
... nhưng vẫn có thể bị khởi tố
Về việc Công an tỉnh Hưng Yên có ý kiến rằng sẽ khởi tố các tài xế dùng tiền lẻ qua các trạm BOT với tội danh "gây rối trật tự công cộng", luật sư Nguyễn Minh Long cho rằng ở đây cần phải tách bạch 2 vấn đề khác nhau. Luật sư Long nhận xét: "Không có quy định nào cấm dùng tiền lẻ trong giao dịch dân sự. Việc ùn tắc giao thông do tốn nhiều thời gian kiểm đếm tiền là do nhân viên trạm thu phí không kiểm đếm nhanh chóng, chứ không thể đổ lỗi cho lái xe".
"Tuy nhiên, nếu như lái xe kêu gọi, kích động, xúi giục nhau mua vé bằng tiền lẻ với mục đích cố ý "gây rối trật tự công cộng" và gây ra hậu quả như cản trở, ách tắc giao thông, cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân… thì cơ quan điều tra có thể xem xét, xử lí với tội danh "gây rối trật tự công cộng" và vẫn có thể bị khởi tố" - luật sư Long phân tích.
Theo luật sư Long, ranh giới giữa không vi phạm và vi phạm pháp luật trong hành vi dùng tiền lẻ để trả phí khi qua trạm BOT của các tài xế là rất mong manh. "Việc công an tiến hành điều tra sẽ phụ thuộc tình tiết cụ thể, trước khi có kết luận điều tra thì chúng ta không thể khẳng định việc điều tra là đúng hay sai. Tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi mà công an có thể ra quyết định xử phạt hành chính hoặc khởi tố theo quy định tại Khoản 1 - Điều 245 - Bộ luật Hình sự nếu đã đủ cấu thành tội phạm" - luật sư Long phân tích.
Luật sư Long cho rằng sự khác nhau trong ý kiến chỉ đạo giữa Công an tỉnh Tiền Giang khi không coi hành vi dùng tiền lẻ trả phí BOT của tài xế là vi phạm và Công an tỉnh Hưng Yên khi tiến hành triệu tập tài xế để điều tra là do diễn biến và tính chất vụ việc của mỗi địa phương khác nhau. "Tôi cho rằng sở dĩ có sự chỉ đạo khác nhau về cùng một sự việc của hai đơn vị thực thi pháp luật là do diễn biến trong thực tế ở từng nơi của sự việc đó. Sử dụng tiền lẻ để thanh toán qua trạm thu phí một cách ôn hòa là không vi phạm pháp luật. Nhưng nếu ai có hành vi lôi kéo, rủ rê, kích động người khác để gây rối trật tự công cộng thì sẽ bị xử lí" - luật sư Long nói.
Pháp luật Việt Nam ưu tiên "tính trật tự công"
Thạc sĩ Lã Khánh Tùng, giảng viên bộ môn Luật Hiến pháp, Khoa Luật, (Đại học Quốc gia Hà Nội): Hành vi của tài xế dùng tiền lẻ để trả phí khi qua trạm BOT là không vi phạm pháp luật song vẫn có thể bị điều tra, khởi tố là do "đặc thù" của pháp luật Việt Nam.
Thứ nhất, nhìn chung nhiều tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam có nội hàm và thường được hiểu rất rộng và nó thường thiên về ưu tiên trật tự công hơn là tự do cá nhân. Ưu tiên trật tự công hơn là tự do cá nhân được xem là một đặc tính của pháp luật Việt Nam. Nên việc Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên ra quyết định triệu tập tài xế để điều tra là sự phản ánh của kiểu tư duy này.
Thứ hai, vấn đề sử dụng loại tiền nào đó là quyền tự do cá nhân của mỗi công dân. Thậm chí Ngân hàng nhà nước còn có quy định là không được từ chối sử dụng tiền do Ngân hàng nhà nước phát hành. Từ đó có thể thấy, việc làm của người dân là hoàn toàn chính đáng, không thể xem đây là hành vi vi phạm và khởi tố được.
Thứ ba, vấn đề này cần phải giải quyết từ gốc rễ là xem người ta bất bình từ chuyện nào, nguyên nhân sâu xa ở đâu. Đối với những vấn đề mang tính xã hội cao như vụ việc trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nhà nước nên có cái nhìn toàn diện, thấu tình đạt lí, đặc biệt không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự để tránh gây ra phản ứng tiêu cực trong xã hội. Các nhà thầu BOT có thể đưa ra giải pháp thu phí nhanh gọn hơn, ví dụ thu phí tự động, tránh mất thời gian cho cả nhà thầu và người lưu thông qua trạm. Đối với người dân, nếu thấy việc thu phí của các trạm BOT chưa phù hợp, có sai phạm thì hoàn toàn có quyền khiếu nại, kiến nghị đến các cơ quan chức năng để giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật.
L.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.