Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Có phải những "người đầy tớ trung thành" đang khiến nhân dân sợ hãi?

Có phải những "người đầy tớ trung thành" đang khiến nhân dân sợ hãi?

bauxitevnWed 8:35 AM

Đinh Lực
Bài viết này xuất hiện trên trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân của Quốc hội Việt Nam từ ngày 13-9-2017, BVN đăng lại nguyên văn, chỉ sửa ít lỗi ngữ pháp và chính tả. Đúng là ở Việt Nam hiện có nhiều, thậm chí rất nhiều người dân còn sợ hãi nhưng cũng có nhiều, thậm chí rất nhiều người dân đã vượt qua nỗi sợ hãi đó để mà căm thù, để mà khinh bỉ. Số lượng người bị bắt bớ, truy tố, tù đày, trục xuất vì những tội như "tuyên truyền chống chế độ", "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" cho thấy rõ điều ấy.

Bauxite Việt Nam

Cám dỗ của quyền lực làm mất đi bản chất người cán bộ
Trước sự cám dỗ của quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị, trước một lối sống thực dụng, đồng tiền làm động lực cho bản thân… nên đến nay, không chỉ "một số cán bộ" nữa mà thật sự con số này đang nhiều hơn thế, đang ngày càng suy thoái về đạo đức, lối sống, không chỉ xa rời nhân dân mà thậm chí còn như con đỉa nhiều vòi, cố bám vào nhân dân để sống. Chưa bao giờ trong hoạt động của người dân với chính quyền như xin xác nhận, đăng kí giấy tờ, chứng nhận, chứng thực… phải cần phong bì dày đến như vậy. Cán bộ ngang nhiên tự mở ra "cơ chế một cửa" riêng để làm nhanh, giải quyết "thần tốc". Nếu không, người dân đành chấp nhận cái gọi là "đúng quy trình" như chuyện xin giấy khai tử ở phường Văn Miếu vừa qua.
Trong hoạt động doanh nghiệp, khi cần đăng kí hay cấp phép các thủ tục kinh doanh, doanh nghiệp muốn được "bảo vệ" bằng pháp luật thì nhất định từ khi thành lập phải có quà cáp, phong bì gọi là "lễ ra mắt", sau đó, muốn hoạt động yên ổn mà không bị các cấp chính quyền hỏi thăm thường xuyên thì cần có "phí bôi trơn".
Khi chẳng may mắc bệnh, cần tới bệnh viện thăm khám thì trước hết phải đem thuốc chữa "bệnh vô cảm" cho y, bác sĩ, nếu không họ rất khó thấy bệnh nhân của mình ở đâu. Lí do là bệnh viện quá tải. Có phong bì, những mũi tiêm cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.
Rồi chuyện gặp cán bộ ở các cấp cần có lịch hẹn trước, nhanh thì vào phòng riêng, còn lâu thì không biết đến bao giờ. Có lẽ đành ngồi chờ đợi và hi vọng. Biết bao sự vụ giữa quan và dân, chỉ cần nhắc là lại có một câu chuyện dài. Tất nhiên đó không phải là tất cả nhưng cũng vì số nhiều làm ảnh hưởng đến tất cả, theo kiểu "con sâu làm rầu nồi canh".
Vì sao chính quyền đáng sợ đến vậy? Chính quyền là ai? Thật sự nếu nói không sợ thì không đúng, nhưng cũng không thể nói là không sợ. Có khi đi ra đường gặp, anh cảnh sát giao thông tuýt còi một cái thì không khác gì cảnh "răng môi lẫn lộn", đứng trước người "đầy tớ" của mình mà không ít người rơi vào triệu chứng "tim đập nhanh, tay chân run, khó thở".
Chúng ta vẫn hay nói cán bộ là "đầy tớ", là "công bộc" của dân. Bản chất là thế nhưng thực tế lại không phải vậy bởi một số cán bộ hiện đang lợi dụng sức mạnh của quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị, biến đó thành quyền lực cá nhân. Giữa quyền lực nhà nước và quyền hạn được giao, không ít người cho rằng mình cần phải "tận thu" thay vì tận tâm, tận lực cống hiến cho địa phương, nhân dân và đất nước.
Vậy quyền lực đó có thể làm gì? Đơn giản thôi! Tiền! Quyền lực nhà nước có trong tay, rất nhiều người có thể lấy được một khối lượng tiền lớn, biệt thự, khu đất vàng, xe sang, chung cư cao cấp… Ranh giới đưa cán bộ chính quyền và nhân dân tới gần nhau nhất đôi khi chính là chiếc cầu "phong bì" bắc ngang.
Dân sợ quan hay quan sợ dân? Liệu từ trước đến nay, đã khi nào quan phải sợ dân? Nếu quan sợ dân thì đã không có vụ Café Xin Chào, đỗ xe tự do trước cửa nhà dân, tướng Liêm, cán bộ phường vào nhà bắt gà và một loạt sự việc mà trong đó nhân dân bị chính quyền lấy đi quyền công dân hợp pháp của mình. Thật đáng trách khi chính quyền đang ngày càng tách xa với dân, coi thường dân, thậm chí cho mình trở thành "giai cấp thống trị" mà quên rằng mình là do dân bầu, quyền lực mà cá nhân nắm là bởi cá nhân đại diện cho tập thể nhân dân.
Cho nên, đừng khi còn là quan nhỏ thì neo bám, dựa dẫm vào nhân dân, đến khi trở thành ông to, bà lớn lại coi dân là "đối tượng" để nắm giữ. Xưa nay chưa có ai đối lập với nhân dân mà không phải chịu đứng trên bờ suy vong. Trong dân gian lưu truyền câu thơ: "Thương dân, dân lập đền thờ - Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương".
Sự thăng tiến của quan chức chính quyền nhà nước, xin đừng nghĩ rằng đó là "thời đến thế vào". Một phần lớn phải dựa vào sức mạnh và niềm tin của nhân dân bởi trong từ "quyền lực", "quyền" chỉ là những quy định khuôn mẫu theo pháp luật mà pháp luật thì vô hình, không thể thực hiện nếu thiếu "lực". Vậy "lực" là gì? Đó chính là sức mạnh của lòng dân.
Học nhiều nhưng sợ cán bộ không hiểu nghĩa “người đầy tớ trung thành”
Mới đây thôi, bài báo "50% tiến sĩ làm công chức: Chuyện lạ thường… chỉ có ở Việt Nam" đăng báo Dân trí khiến độc giả nhìn vào cứ tưởng "đầy ấn tượng và tự hào" bởi cán bộ nước ta hiếu học, đúng là "hiền tài" tạo nên nguyên khí cho quốc gia. Nhưng thực chất có như vậy không? Thật ra là không bởi cái đoạn sapo đã "chơi" ngay câu: "là một hiện tượng bất thường, chỉ có ở Việt Nam". Thật buồn cười, ở nước ta, họ cố gắng học thật cao chỉ để vươn lên một cái ghế có chỗ dựa vững chắc, được nhiều người kính nể, thỏa mãn danh vọng. Vì vậy, không có gì lạ khi nhiều cán bộ, công chức xin đi học cao học và cao học hiện nhiều đến nỗi không khác gì "trang trại gà siêu trứng". Chỉ từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2017, dự tính cả nước có thêm tới 1.100 tiến sĩ.
Quay trở lại với vấn đề "người đầy tớ trung thành". Câu nói này có lẽ có bắt nguồn từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông từng nêu trong di chúc như sau: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân"Đoạn trích ấy dẫn chúng ta tới một câu hỏi: Làm "đầy tớ" có khó không? Sao ai cũng mong muốn có được một cái ghế công chức, một vị trí trong cơ quan nhà nước? Sao họ sẵn sàng bỏ 300 triệu chỉ để "mua" một công việc nhà nước với mức lương cơ bản bằng 1% số tiền trên?
Làm "đầy tớ" dễ hay khó, có thể xét qua lời Hồ Chí Minh: "Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi", "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh"… Quan niệm của người đã biết dựa vào sức dân để chống lại những tên đế quốc xâm lược, tạo nên "thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời" là vậy. Biết dựa sức dân, biết "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong" mà tạo vận, tạo thời cho đất nước.
Còn ngày nay, khi đất nước độc lập, yên bình trở lại, người dân được hưởng cuộc sống ấm no thì cũng là lúc một bộ phận cán bộ "rất lớn" chứ không phải "không nhỏ" nữa, bị cám dỗ bởi quyền lực, bởi tài sản của người dân… mà tiến hành vơ vét, tham nhũng, lãng phí tiền của, sức lực của nhân dân. Không có gì lạ lẫm khi mô hình dòng họ trị, gia đình trị lại tham gia bộ máy công quyền nhiều đến vậy. Không có lạ gì khi lợi ích nhóm liên kết thành "mạng nhện" dày đặc và lộ liễu đến vậy. Không có gì là quá xa lạ khi chính quyền địa phương "đòi tiền túi" của người dân một cách công khai. Không có gì ngạc nhiên khi giữa một "rừng luật", chúng ta lại phải chịu tuân theo "luật rừng" của cảnh sát giao thông… Một tỉ là số tiền quá lớn đối với người dân nhưng lại quá nhỏ đối với một cán bộ, một chính quyền, một cơ quan nhà nước. Họ không hề thấy lạ khi 3.200 tỉ bị quăng đi một cách vô tội vạ, hàng loạt hệ thống doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng… đua nhau sụp đổ. Họ hoang phí đến mức đề xuất xây tượng đài, bảo tàng, cổng chào, quảng trường… vô tội vạ. Xây mà cứ ngỡ rằng đất nước này thừa tiền. Nếu không có con số nợ công khủng thì xây chục cái, trăm cái, có khi dân cũng chịu.
Quyền lực chính trị biểu hiện rõ của việc tạo ra một "giai cấp thống trị" hoàn toàn mới trong xã hội. Về bản chất, nó sẽ không khác địa chủ phong kiến, những nhà tư bản với cái vòi bạch tuộc luồn sâu vào để vơ vét, bóc lột sức dân nhưng miệng luôn nói mình là những người "đầy tớ của nhân dân".
Cái lò đã cháy, "củi khô" cho vào sẽ càng cháy, "củi tươi" cho vào vì nhiệt lớn cũng phải cháy. Chỉ sợ thấy củi mà không dám cho vào lò thì rồi lò cũng mất nhiệt mà tắt. 
Đừng làm nhân dân mất niềm tin vào chính quyền, nếu không thì khó mà biết được điều gì sẽ xảy ra với những con sâu đang đục thân cây.
Đ.L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.