Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Ai chịu trách nhiệm?

Ai chịu trách nhiệm?

bauxitevnSun 7:38 AM

Nguyễn Đình Cống
Bão gây ra gãy, đổ cây cối, nhà cửa, tháp, cột điện và nhiều thứ khác. Ngoài Ông Trời gây ra bão thì có ai phải chịu trách nhiệm về sự gãy đổ này không nhỉ. Tạm thời để cây cối và nhà cửa ra một bên, chỉ xét về tháp và cột điện, phải tìm cho ra người chịu trách nhiệm để còn có biện pháp chấn chỉnh, ít nhất cũng để rút bài học. Cụ thể cơn bão số 10 làm gãy đổ tháp bằng thép ở Kỳ Anh, phải có người chịu trách nhiệm chứ. Trước đây gió hơi lớn đã làm đổ hàng loạt cột điện bằng thép ở Quảng Ninh, bão làm đổ tháp ở Nam Định, tưởng rồi thiết kế và thi công, quản lý rút được bài học để tránh, không ngờ hiện tượng vẫn cứ lặp đi lặp lại. Đó là Thiên Tai được Nhân Tai làm cho thiệt hại tăng lên.
clip_image002
Lõi của một cột điện còn khá mới tại xã Vĩnh Lâm gãy đổ sau bão số 10 và theo quan sát tại phần bị gãy của cột điện thì người dân chỉ phát hiện một chút sắt nhỏ ở phần chân cột, còn phần thân trên của cột điện không phát hiện ra sắt mà chỉ có bê tông đúc. Phản ánh ý kiến của dân về cột điện không có lõi sắt, một lãnh đạo xã Vĩnh Lâm nhấn mạnh “Không phải cột điện không có lõi sắt, cột điện có lõi sắt nhưng ít”(theo báo Đất Việt).

Theo tiêu chuẩn về xây dựng thì các tháp, cột điện và mọi kết cấu xây dựng có tính vĩnh cửu phải có đủ độ bền chắc, ổn định khi chịu gió bão và các tác động khác. Để làm cơ sở cho việc này đã có tiêu chuẩn về gió bão, có đầy đủ tiêu chuẩn vật liệu, tiêu chuẩn thiết kế và thi công. Hỏi rằng các cá nhân, các đơn vị thiết kế, thi công, quản lý đã thực thi nhiệm vụ như thế nào, phạm sai lầm ở khâu nào mà để cho kết cấu bị sự cố. Không thể đổ lỗi cho gió to, bão lớn. Không thể đổ lỗi cho kết cấu bị yếu, không đủ sức chống đỡ. Phải tìm cho được cái sai ở đâu.
clip_image004
Tháp truyền hình thị xã Kỳ Anh “đổ gục như bún” đè lên 2 nhà dân trong cơn bão số 10(theo Dân Trí)
Liệu thi công đã làm đúng thiết kế chưa trong việc chọn vật liệu, thực hiện đúng sơ đồ, làm tốt các liên kết. Có chuyện bớt xén vật liệu hoặc làm dối, làm ẩu không. Liệu thiết kế đã tính đúng, tính đủ các tác dụng, dùng sơ đồ hợp lý, chon lựa vật liệu và liên kết bảo đảm. Khi thi công và thiết kế đã tuân thủ nghiêm túc tiêu chuẩn thì phải tìm đến các sai sót có thể xẩy ra trong tiêu chuẩn. Liệu cấp gió bão thực tế có vượt quá dự kiến của tiêu chuẩn không để nếu cần phải chỉnh sửa tiêu chuẩn?
Những nhà khoa học, trước hết là những cán bộ quản lý có trách nhiệm không được phép cho qua những sự cố công trình do bão gây ra, đổ riệt cho Ông Trời mà không tìm trách nhiệm của con người. Trong Truyện Kiều Nguyễn Du viết: “Có Trời mà cũng có Ta”.
Tôi đề nghị các ông Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Ban Phòng chống thiên tai nên quan tâm suy nghĩ về chuyện này hơn là đi thị sát tình hình và thiệt hại hoặc soạn thảo các bức công điện dài dòng để nhắc mọi người cái điều đương nhiên, ai cũng biết.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.
(ảnh và chú giải được BBT BVN chọn từ một số nguồn báo mạng).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.