Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Có nên cho Formosa vận hành lò cao số 1?

Có nên cho Formosa vận hành lò cao số 1?

bauxitevn2:17 PM

Thanh Trúc, phóng viên RFA
Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh chụp ngày 3/12/2015. AFP photo

Người dân và chuyên gia về công nghệ và môi trường của Việt Nam lên tiếng nghi ngờ về những chất thải mà nhà máy thép Formosa sẽ thải ra ngoài môi trường sau khi Việt Nam cho phép công ty gang thép Formosa được vận hành thử nghiệm lò cao số 1 trong thời gian 6 tháng.
Hội đồng giám sát liên ngành của Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra quá trình khắc phục sự cố ô nhiễm biển miền Trung mà công ty gang thép Formosa gây ra tại Vũng Áng Hà Tĩnh từ tháng Tư năm 2016, vừa công bố quyết định ngày 10 tháng Năm 2017 cho phép nhà máy thép này được vận hành thử nghiệm lò cao số 1, xưởng luyện thép và các công trình phụ trợ trong thời hạn 6 tháng.
Hội đồng giám sát liên ngành gồm 11 bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và một số nhà khoa học trong nước. Quyết định được đưa ra sau khi cơ quan chức năng Việt Nam xem xét, đánh giá quá trình khắc phục sự cố môi trường của Formosa và cho rằng nhà máy gang thép này đã kiểm soát được tình hình.

Chuyên gia nghi ngờ

Một nhà khoa học đã theo dõi thảm họa môi trường do Formosa gây ra trong suốt hơn một năm qua bày tỏ nghi ngờ về quyết định này của Chính phủ. Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường nói với đài Á Châu Tự Do:
Nếu tôi được trực tiếp làm việc như là một thành viên của hội đồng đấy thì tôi sẽ hết sức nhiệt tình và rất khách quan nói đúng hay sai, nhưng người ta không mời thì với lòng tự trọng của nhà khoa học thì chúng tôi vẫn lên tiếng là cũng hơi lo ngại.
Hôm thứ Tư, vào khi công bố quyết định cho phép Formosa vận hành thử nghiệm lò cao, xưởng luyện thép và các công trình phụ trợ khác, ông Hoàng Văn Thức là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho hay việc vận hành thử nghiệm lò cao số 1 sẽ phát sinh thêm 300 đến 500 mét khối nước thải sinh hóa từ lò luyện cốc hoạt động ngày và đêm. Số lượng hiện tại đã là 1900 mét khối nước thải rồi.
Về khí thải, khi cho vận hành lò cao số 1 thì sẽ phát sinh một số loại khí như NOx, CO, SOx. Về chất thải rắn thì có loại thông thường, loại chất thải sinh hoạt và thứ ba là bùn thải nguy hại.
Vào ngày 4 tháng năm vừa qua, đòan công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đưa ra kết luận là nhà máy thép Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi, chỉ còn một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô thì dự kiến đến 2019 mới hoàn thiện.
Giáo sư Lê Huy Bá bày tỏ lo ngại về kết luận này của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Chỗ mà hội đồng họ quyết định thì không có chúng tôi, không được tiếp cận những số liệu, vì nói kiểm tra là tốt mà tốt như thế nào, 53 lỗi khắc phục được 52 lỗi mà trên thực tế bọn tôi không được nhìn thấy không được đo đếm không được kiểm chứng thì khó nói là nó tốt đến đâu. Cuối cùng là cái lỗi dập khô mà vẫn chưa được chỉnh sửa. Nếu vẫn như năm ngoái nghĩa là không có gì thay đổi thì tôi cũng lo ngại không những nước thải và khí thải cũng rất nhiều chất độc mà cả bùn thải nữa. Bùn thải là bùn toàn chất độc mà chuyện xử lý chưa được giải quyết.

Người dân lo lắng

Người dân với những con cá chết do Formosa xả thải ra biển. Ảnh chụp tháng 4/2016. AFP photo
Vụ công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hồi tháng 4 năm ngoái đã khiến hàng trăm tấn cá và hải sản chết. Báo cáo của Chính phủ Việt Nam hồi năm ngoái xác nhận thảm họa môi trường đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 200 ngàn người.
Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm về vụ xả thải và đồng ý chi trả 500 triệu đô la tiền bồi thường cho Việt Nam. Sau thảm họa, Formosa đã phải ngừng hoạt động để khắc phục những vấn đề của nhà máy. Chính phủ cũng đã bắt đầu chi trả tiền bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên trong suốt thời gian vừa qua, nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa và đòi tiền bồi thường thỏa đáng vẫn tiếp tục nổ ra ở khu vực miền Trung.
Nay, trước quyết định mới của Chính phủ cho phép Formosa được vận hành thử nghiệmlò cao số 1, xưởng luyện thép và các công trình phụ trợ, một người dân ở Kỳ Anh, không muốn nêu tên, nói rằng ông chưa thấy có phản ứng gì đáng chú ý, vả lại Nhà nước cho phép thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm:
Bình thường thôi, chưa có phản ứng gì cả. chẳng có điều gì phải lo cả . Mình là một thằng dân thôi, tất cả là do ở trên chứ bây giờ biết làm sao được. Làm được thì phải bảo đảm được cho dân chứ, tham gia thì phải có trách nhiệm chứ.
Người dân thứ hai ở Kỳ Anh, cũng muốn dấu tên, nói rằng tin tức liên quan đến Formosa chỉ gây thêm lo lắng chứ chẳng ai dám tin lời Nhà nước là tình hình đã được kiểm soát:
Formosa là thảm họa của người dân Việt Nam, tôi nghĩ cách duy nhất chỉ có đóng cửa Formosa thôi chứ không có được vận hành gì nữa. Chính quyền nói là an toàn rồi tắm biển ăn cá cũng không có vấn đề gì làm như người dân là những đứa con nít không biết gì cả. Đó là cách nói để xí xóa để không đóng cửa Formosa thôi, cho nên một người dân như tôi thì tôi không tin vào điều đó. Formosa không những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hiện tại của chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến đời sống sau này của con cháu chúng tôi. Tôi thật sư lo lắng về vấn đề đó.
Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, Viện Hải Dương Học Nha Trang cho rằng có nhiều lý do khiến Nhà nước không thể xem nhẹ mức độ an toàn khi cho Formosa vận hành thử nghiệm lò cao cũng như xưởng luyện thép dù chỉ trong 6 tháng:
Đối với nhà khoa học thì phản ứng có rất nhiều, hiệu ứng nó rất mạnh, còn Nhà nước thật sự mà nói có nghe hay không thật ra đó là vấn đề. Nói chung qua đợt vừa rồi thì bây giờ Việt Nam phải cảnh giác tối đa. Bây giờ tất cả đều hòa tan trong biển, nó đi nó phát ra khắp nơi, nó chả còn gì đọng lại quanh đó cả nhưng mà cũng phải cảnh giác.
Nếu ông được hỏi ý kiến về việc liệu có nên cho Formosa chạy thử nghiệm vào lúc này không thì Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm cho biết câu trả lời của ông sẽ là không.
T.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.