Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Việt Nam: Nhiều nhà hoạt động môi trường bị đàn áp vì đưa tin về thảm họa Formosa

Việt Nam: Nhiều nhà hoạt động môi trường bị đàn áp vì đưa tin về thảm họa Formosa

bauxitevn12:46 PM

Front Line Defenders(*)

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
Ngày 15 tháng 5 năm 2017, nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình đã bị chính quyền tỉnh Nghệ An bắt với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Một người hoạt động môi trường khác là Bạch Hồng Quyền cũng đang phải đối mặt với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” vì những hành động tổ chức tuần hành vì môi trường. Anh Quyền hiện đang bị truy nã toàn quốc bởi lệnh truy nã của chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ban hành ngày 12 tháng 5 năm 2017.
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình

Hoàng Đức Bình là một nhà bảo vệ môi trường và là một thành viên của Phong trào Lao động Việt, một tổ chức với nhiều thành viên trong nước và nước ngoài hoạt động nhằm bảo vệ quyền của người lao động. Bạch Hồng Quyền là một người hoạt động môi trường và là thành viên của Con đường Việt Nam, một nhóm cổ súy nhân quyền và dân chủ được thành lập bởi tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và luật sư nhân quyền Lê Công Định. Bạch Hồng Quyền đã bị theo dõi kể từ khi anh tham gia tổ chức vụ diễu hành vào ngày 3 tháng 4 năm 2017 để đánh dấu một năm kỷ niệm ngày phát hiện thảm họa Formosa. Hoàng Đức Bình và Bạch Hồng Quyền là hai trong số nhiều blogger năng động đã đưa tin về thảm hoạ môi trường do nhà máy thép Formosa của Đài Loan gây ra vào tháng 4 năm 2016, ảnh hưởng của vụ việc đối với người dân địa phương, cũng như các cuộc biểu tình chống lại công ty vì lý do gây ô nhiễm.
Sáng ngày 15 tháng 5 năm 2017, Hoàng Đức Bình đi trên xe đến thành phố Vinh cùng với một nhóm các nhà hoạt động môi trường, bao gồm linh mục Công giáo Nguyễn Đình Thục, một người nổi tiếng ở Việt Nam trong bảo vệ môi trường. Xe của họ bị cảnh sát thường phục chặn lại ở trung tâm huyện Diễn Châu và sau đó cảnh sát đã cưỡng bức, lôi Hoàng Đức Bình ra khỏi xe, đưa anh lên cảnh sát và chạy khỏi hiện trường. Trong quá trình bắt giữ, cảnh sát đã dùng xe phá sóng để chặn các cuộc điện thoại di động nhằm ngăn không cho các nhân chứng ở hiện trường đưa tin về vụ bắt cóc. Sau đó, chính quyền tỉnh Nghệ An công bố lệnh bắt giữ Hoàng Đức Bình do Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh ban hành hai ngày trước đó. Theo lệnh bắt giữ, Hoàng Đức Bình phải đối mặt với cáo buộc “chống lại người thi hành công vụ” theo Điều 257 và “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và/hoặc công dân “theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự. Nếu bị kết án, anh sẽ phải đối mặt với án tù từ sáu tháng đến ba năm đối với cáo buộc thứ nhất và đến 7 năm đối với cáo buộc thứ hai.
Do trong thực tế, việc ngược đãi và tra tấn vẫn là những hành động phổ biến ở các nhà tù và trại tạm giam ở Việt Nam, nên có cơ sở cho rằng Hoàng Đức Bình có thể bị đối xử tàn bạo trong khi thời gian bị nhà cầm quyền bắt giữ. Các nhà chức trách sẽ giam giữ anh để điều tra trong chín mươi ngày.
Ngày 12 tháng 5 năm 2017, công an tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức đưa ra lệnh truy nã toàn quốc đối với nhà bảo vệ nhân quyền Bạch Hồng Quyền, buộc tội anh “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự. Với cáo buộc này, anh có thể phải đối mặt với án tù lên đến bảy năm tù. Bạch Hồng Quyền hiện đang ẩn náu sau khi các phương tiện truyền thông nhà nước phát hình ảnh ảnh và kêu gọi bắt anh.
Một số người bảo vệ nhân quyền đã bị chính quyền Việt Nam quấy nhiễu vì xả chất độc công nghiệp của Formosa vào tháng 4 năm 2016, dẫn đến một số lượng lớn cá chết, khiến cho những ngư dân tại bốn tỉnh ven biển không có việc làm. Các nhà bảo vệ nhân quyền cũng đang bị bức hại vì sự tham gia của họ trong các cuộc biểu tình liên tục chống lại nhà máy thép Formosa của Đài Loan. Vào ngày 2 tháng 5 năm 2017, nhà hoạt động môi trường Lê Mỹ Hạnh đã bị một nhóm 5 người đánh đập dã man tại thành phố Hồ Chí Minh, một tháng sau khi bị tấn công trong khi đưa tin về sự phản kháng của dân chúng vì môi trường. Ngày 10 tháng 10 năm 2016, blogger và người bảo vệ nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt và buộc tội vì sở hữu “tài liệu chống Chính phủ” liên quan đến sự cố xả thải của Formosa.
Front Line Defenders lên án việc bắt giữ và giam giữ Hoàng Đức Bình cũng như lệnh bắt giữ chống lại Bạch Hồng Quyền, mà tổ chức này tin rằng có liên quan trực tiếp đến các hoạt động ôn hòa và hợp pháp của họ trong việc bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.
Front Line Defenders kêu gọi chính quyền Việt Nam:
1. Ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Hoàng Đức Bình và Bạch Hồng Quyền vì những hành động của họ là hợp pháp và ôn hòa để bảo vệ nhân quyền;
2. Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Hoàng Đức Bình và thu hồi lệnh bắt giữ đối với Bạch Hồng Quyền;
3. Đảm bảo rằng việc đối xử với Hoàng Đức Bình trong khi anh đang bị giam giữ, tuân thủ các điều kiện được quy định trong “Quy tắc bảo vệ tất cả mọi người dưới bất kỳ giam giữ nào”, được thông qua bởi Nghị quyết 43/173 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 9 tháng 12 năm 1988;
4. Cho phép Hoàng Đức Bình tiếp cận với gia đình và luật sư của mình ngay lập tức và tự do;
5. Chấm dứt nhắm mục tiêu đàn áp đối với tất cả các nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam và đảm bảo trong mọi trường hợp họ có thể thực hiện hoạt động nhân quyền hợp pháp của họ mà không sợ trả thù và không có bất kỳ hạn chế nào, kể cả quấy rối tư pháp.
__________
(*) Lời người dịch: Front Line Defenders là một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Ireland. Tổ chức này đã có nhiều hỗ trợ cho người bảo vệ nhân quyền trên thế giới và đã nhiều lần lên tiếng phản đối những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
VNTB gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.