Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Kinh tế Việt Nam chưa là ưu tiên cho Trump?

Kinh tế Việt Nam chưa là ưu tiên cho Trump?


BBC


Các cuộc họp liên quan diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa diễn ra ở Hà NộiBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionCác cuộc họp liên quan diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa diễn ra ở Hà Nội

Trong ngày đầu của chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một chuyên gia kinh tế nói với BBC rằng "về mặt kinh tế, Việt Nam chẳng mang lại lợi ích gì đáng kể cho Mỹ và có lẽ nằm ngoài những quan tâm trước mắt của nội các Trump."
Trang Thông tin Chính phủ hôm 30/5 tường thuật, sau khi đến New York, Thủ tướng tiếp một số doanh nhân, trí thức gốc Việt tại Hoa Kỳ.
"Bất cứ doanh nghiệp nào làm tốt, đúng pháp luật thì Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh," trang này dẫn lời ông Phúc nói sau khi nghe Phó chủ tịch Sàn chứng khoán Nasdaq Robert H. McCooey Jr thông báo về việc ký kết bản ghi nhớ với một doanh nghiệp Việt Nam.
Theo những ảnh mà truyền thông Việt Nam đăng tải, dường như không có giới chức Hoa Kỳ nào hiện diện đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi máy bay của ông đáp xuống phi trường John F. Kennedy sáng 29/5.
Báo Việt Nam ghi nhận những người ra đón ông Phúc là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh và Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga.
Hôm 30/5, Tiến sĩ Giang Lê, chủ nhân blog kinhtetaichinh bình luận với BBC: "Thương mại chắc chắn là quan tâm lớn nhất của Việt Nam ở thời điểm này. Tuy nhiên phái đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chắc thừa hiểu Việt Nam không có một khoản nhượng bộ nào khả dĩ để đổi lấy một thỏa thuận có lợi từ phía Mỹ."
"Tôi cũng không tin Việt Nam có đủ uy tín để có thể đứng ra làm trung gian mời chào Mỹ quay lại bàn đàm phán TPP như có người bình luận."
"Thảo luận về thương mại Việt - Mỹ nếu có sẽ chỉ mang tính chất xã giao, một vài thỏa thuận nào đó chỉ có tính hình thức."
"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ông Phúc đạt được một thỏa thuận đáng kể, ví dụ thuyết phục được Mỹ chấp nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam."
Trả lời câu hỏi của BBC: "Ông có nghĩ rằng một hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Mỹ sẽ là 'đũa thần' với kinh tế Việt Nam?," ông Giang đáp: "Tôi cũng không mấy lạc quan về triển vọng có một hiệp định thương mại tự do như vậy dưới thời Donald Trump."
"Chính quyền Mỹ hiện tại đã rút khỏi TPP và đang cân nhắc đàm phán lại NAFTA và thậm chí cả các quy tắc của WTO."
"Về mặt kinh tế, Việt Nam chẳng mang lại lợi ích gì đáng kể cho Mỹ và có lẽ nằm ngoài những quan tâm trước mắt của nội các Trump."
"Được biết Bộ trưởng Ngoại thương mới của Mỹ, ông Robert Lighthizer là người có quan điểm bảo hộ mậu dịch mạnh mẽ nhất trong số những bộ trưởng gần đây."
"Do vậy, khó có thể thấy Việt Nam có cửa nào ký được FTA với Mỹ trong vài ba năm tới."


phúcBản quyền hình ảnhTHONG TIN CHINH PHU
Image captionThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp một số doanh nhân, trí thức gốc Việt tại Hoa Kỳ hôm 29/5

'Đũa thần'

"Tất nhiên với một nền kinh tế nhỏ và dựa vào xuất khẩu nhiều như Việt Nam, việc tiếp cận thị trường Mỹ thông qua một hiệp định thương mại tự do sẽ là một lợi thế lớn."
"Điều đó rất có thể là "đũa thần" cho đầu tư, tăng trưởng, giá bất động sản, chứng khoán…"
"Nhưng chưa chắc nó sẽ đem lại cho Việt Nam một xã hội bớt bất công, một môi trường sống trong sạch, và một nền hành chính lành mạnh."
"Để có được sự phát triển bền vững, bên cạnh các thuận lợi kinh tế từ bên ngoài như một hiệp định thương mại tự do với Mỹ, Việt Nam cần phải có những cải tổ sâu rộng bên trong về thể chế và cơ cấu kinh tế chính trị."
Chuyên gia cũng cho biết thêm: "Theo tôi, thách thức lớn nhất với kinh tế Việt Nam ở thời điểm này là tư duy kế hoạch hóá nền kinh tế còn rơi rớt lại từ thời kinh tế tập trung trước những năm 1990, một ví dụ điển hình là mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm."
"Ngay cả nếu chấp nhận rằng nền kinh tế thị trường hiện tại ở Việt Nam không hoàn toàn "thị trường" mà lại có "định hướng Xã hội Chủ nghĩa." "Việc áp đặt các kế hoạch kinh tế như vậy sẽ làm quá trình phân bổ nguồn lực vật chất lẫn con người bị méo mó, làm triệt tiêu phần nào tính hiệu quả của thị trường."
"Đúng là Trung Quốc cũng có chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm nhưng xem ra tư duy kinh tế của lãnh đạo nước họ ít tính kế hoạch hóa hơn Việt Nam."
"Tuy vẫn có những chính sách công nghiệp như đầu tư vào tàu cao tốc, pin mặt trời, Trung Quốc đã từ bỏ những nguyên tắc kế hoạch hóa theo kiểu tư duy ngành mũi nhọn, quả đấm thép như Việt Nam."
"Trong khi lãi suất, tỷ giá bị kiểm soát rất chặt và vấn đề nợ xấu cũng không hề nhỏ, thị trường tài chính Trung Quốc ít bị định hướng hơn so với thị trường Việt Nam."
"Nếu kinh tế Việt Nam trở nên "thị trường" hơn, chỉ cần tương đương với Trung Quốc, triển vọng của Việt Nam sẽ tốt lên nhiều."
"Trở lại các thách thức trước mắt của chính phủ cho mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm nay. Tôi không biết gần đây có chuyên gia nào ước lượng tốc độ tăng trưởng tiềm năng cho Việt Nam không, nhưng một tính toán của tôi cách đây vài năm cho thấy tốc độ này thấp hơn con số mục tiêu nói trên và có xu hướng giảm dần trong hơn một thập kỷ qua."
"Một khi đặt mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn lớn hơn mức tiềm năng, ngoại trừ có vài may mắn đột xuất như giá dầu bất ngờ tăng hay TPP được khôi phục lại, chính phủ sẽ phải thực thi các chính sách tài khóa và tiền tệ có tính chất kích thích tăng trưởng."
"Về mặt tài khóa, ngân sách Việt Nam trong vài năm lại đây bị sức ép thâm hụt lớn, nợ công tăng nhanh."
Từ đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Văn Phúc đã phải đốc thúc việc thu ngân sách và tình hình giá dầu thế giới phập phù sẽ tiếp tục là rủi ro lớn cho nguồn thu của Việt Nam."
"Do vậy, khả năng tăng mạnh chi tiêu hoặc đầu tư công từ ngân sách để kích thích tăng trưởng sẽ rất khó."
"Có chăng là chính phủ chỉ còn có thể trông đợi từ nguồn ODA mà tốc độ giải ngân sẽ khó có đột biến, nhất là trong bối cảnh gia tăng chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng."
"Về mặt tiền tệ, giới doanh nghiệp trông đợi lãi suất giảm từ mấy năm nay nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có sự thận trọng đúng đắn khi đặt mục tiêu kìm giữ lạm phát lên trên mục tiêu tăng trưởng."
"Ngay cả nếu chính phủ ép Ngân hàng Nhà nước phải giảm lãi suất để kích thích kinh tế không có gì bảo đảm việc nới lỏng tiền tệ sẽ có tác dụng ngay vào nền kinh tế thực mà chỉ thổi bùng lại bong bóng chứng khoán và bất động sản."
"Thực ra Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng một công cụ tiền tệ mà tôi cho rằng sẽ rất hiệu quả là phá giá VND."
"Tuy nhiên có thể họ rất lưỡng lự sử dụng công cụ này vì sợ sức ép lên nợ nước ngoài."
"Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài."
"Chính phủ Việt Nam hiện tại có lý do để tin rằng trong ngắn hạn, kinh tế thế giới có triển vọng tốt."
"Mỹ, Nhật, châu u đang trên đà phục hồi dù còn một số khó khăn. Kinh tế Trung Quốc cho đến thời điểm này tương đối ổn định, không còn mấy chuyên gia lo nền kinh tế này sẽ "hạ cánh cứng" nữa."
"Nhưng cũng chính vì độ mở quá lớn nên kinh tế Việt Nam dễ bị rủi ro do tác động của các sự kiện bên ngoài: bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, tính khí bất thường khó đoán của Tổng thống Trump, hay chỉ đơn giản một sự cố như vụ nổ pin điện thoại Note 7 của Samsung năm ngoái."
"Tất nhiên trong ngắn hạn, chính phủ Việt Nam không thể làm gì để đối phó với những rủi ro bên ngoài như vậy."
"Về dài hạn cải tổ và tái cơ cấu nền kinh tế, mà cách hiệu quả nhất là để thị trường phát huy sức mạnh tối đa, sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững," ông Giang Lê nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.