Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Đẩy mạnh kinh tế tư nhân: Doanh nhân thận trọng

Đẩy mạnh kinh tế tư nhân: Doanh nhân thận trọng


Nguồn:RFA Tiếng Việt

Ngày 17 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp lần thứ hai bằng cách ký Chỉ thị 20, nhằm mục đích tháo gỡ những rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Đây được cho là cố gắng của chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tư nhân.
Một doanh nhân tại thành phố Hồ Chí Minh là kỹ sư Nguyễn Văn Đực, Giám đốc công ty xây dựng Tân, hoan nghênh chỉ thị 20 của chính phủ, nhất là việc ký quyết định này một cách nhanh chóng, ngay sau hội nghị doanh nghiệp. Ông nói với đài RFA:
Thị trường bị lũng đoạn bởi mấy cái nhóm mạnh quá, đến nỗi bây giờ có làm gì đi nữa cũng không thay đổi được tình hình.
- Một doanh nhân
“Tôi cho đó là một quyết định rất tốt của chính phủ, kịp thời gỡ những khó khăn, những nhũng nhiễu của các thủ tục, đối với doanh nghiệp, và doanh nghiệp của chúng tôi rất là hoan nghênh tin thần kiến tạo, xây dựng đất nước của chính phủ đã mạnh dạn ra quyết định ngay trong ngày hôm nay.”
Trong buổi họp báo chiều ngày 17 tháng năm năm 2017 tại Hà Nội, sau hội nghị doanh nghiệp lần thứ hai, Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng nói về chỉ thị 20:
“Trong Chỉ thị này sẽ tập trung tháo gỡ các rào cản, nhất là các thủ tục, nất là các giấy phép con, nhất là lợi ích nhóm, để giảm những chi phí chính thức, và chi phí không chính thức để giảm giá thành để có điều kiện cạnh tranh sản phẩm.”
Theo thông tin của báo Tuổi Trẻ thì vào năm 2016, nhà nước Việt Nam đã xóa bỏ 3000 giấy phép con, nhưng ngay lập tức lại có những giấy phép khác thay vào đó.
Một năm thực hiện việc giảm thủ tục hành chánh
Chỉ thị 20 không phải là văn bản đầu tiên của chính phủ Việt Nam để giảm bớt những thủ tục rắc rối ngăn cản sự hoạt động của các doanh nghiệp. Vào năm 2016, một nghị quyết có mục đích tương tự là nghị quyết 35 cũng đã được ban hành. Vào đầu năm nay chính phủ Việt Nam ban hành thêm một nghị quyết nữa là nghị quyết 19.
Cả hai nghị quyết 35 và 19 đều có mục đích là tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó nghị quyết 35 có mục tiêu là hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020.
Thu-tuong-400.jpg
Thủ tướng bắt tay doanh nghiệp trong buổi kết thúc hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp lần thứ hai ngày 17 tháng 5 năm 2017. Courtesy baochinhphu.vn
Tại hội nghị doanh nghiệp lần này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho rằng trong 1 năm qua, nghị quyết 35 đã đem lại sự đột phá tạo hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên theo kỹ sư Nguyễn Văn Đực thì trong 1 năm qua sự cải tiến chỉ đạt được ở mức 5% cái cần phải làm:
Tôi thấy tiến độ nó rất chậm không đúng theo mong ước của người dân. Thí dụ như ngành xây dựng của chúng tôi thì suốt từ năm rồi đến năm nay thì những thủ tục không giảm bao nhiêu, vẫn là những thủ tục xin phép xây dựng, xin phép thẩm định rất là phức tạp.”
Trong bản tin của báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 5, cũng có trích ý kiến ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, ông Thân cho rằng các chi phí không chính thức mặc dù có giảm, từ 25% giá thành sản phẩm vào năm 2015, còn 18% vào năm 2016, nhưng vẫn còn cao.
Kỹ sư Nguyễn Văn Đực đánh giá về tác dụng của Chỉ thị 20 trong thời gian sắp tới:
“Tôi nghĩ Chỉ thị 20 này không phải là một phép mầu mà biến một sự trì trệ, một sự khó khăn trong một chỉ thị là xong, bởi vì kiểm tra chỉ là một trong những thủ tục hành chánh khác mà thôi. Cho nên đây là một khởi đầu quyết liệt của chính phủ, và tôi hy vọng rằng sau chỉ thị này sẽ còn vài trăm, thậm chí vài ngàn chỉ thị khác nữa, thì lúc đó mới cải cách hành chánh giảm thủ tục cho doanh nghiệp chúng tôi.”
Vấn đề kiểm tra mà ông Đực đề cập, đã được Chỉ thị 20 nói tới, theo đó, mỗi năm các doanh nghiệp sẽ chị chịu kiểm tra 1 lần thôi. Và sự kiểm tra này là tùy thuộc vào tính chất chuyên ngành của sản xuất mà sẽ có liên quan đến các cơ quan chủ quản khác nhau.
Nhóm lợi ích, doanh nghiệp tư nhân, và cổ phần hóa
Hội nghị doanh nghiệp lần thứ hai diễn ra ngay sau khi kết thúc Hội nghi trung ương lần thứ năm của đảng cộng sản Việt Nam.
Hội nghị trung ương này đã đưa ra ba nghị quyết, trong đó có nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận xét:
“Vấn đề phát triển kinh tế tư nhân thì về mặt lý thuyết đảng coi kinh tế tư nhân là thành phần bình đẳng, và khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta thấy đảng vẫn có những ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn như dành nguồn lực đất đai, việc tiếp cận các nguồn vốn. Nền kinh tế tư nhân vẫn bị lép vế. 
Bây giờ nền kinh tế Việt Nam trong mấy năm qua gặp nhiều khó khăn, chỉ có thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh thôi. Thành phần tư nhân vẫn có nhiều trở ngại thì làm sao khơi dậy sự phát triển của thành phần này, cởi trói cho nó, tạo động lực phát triển cho nó, có lẽ cũng là một mối quan tâm của đảng cộng sản.”
Hai nghị quyết còn lại được đưa tại hội nghị là nghị quyết về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam tiếp tục theo đuổi, và nghị quyết về cải tổ và phát huy hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước.
000_OB9JP-400.jpg
Giới trẻ thưởng thức cà phê trên ban công quán cà phê Cộng ở Hà Nội hôm 12/5/2017. AFP photo
Ngay sau Hội nghị trung ương đảng kết thúc, vào ngày 11 tháng năm trang web của chính phủ Việt Nam có đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Phú Trọng là sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp có cổ phần, và phải có biện pháp tránh hình thành các nhóm lợi ích.
Đánh giá việc cổ phần hóa trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đực không lạc quan, theo ông thời gian rất dài vừa qua kể từ khi có chủ trương cổ phần hóa, việc này diễn ra rất chậm chạp. Ông Nguyễn Văn Đực không đưa ra con số cụ thể, nhưng trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFA, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết là hiện nay chỉ có 8% tổng số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn. Ông Nguyễn Văn Đực nêu lên một trong những lý do khiến việc cổ phần  hóa doanh nghiệp nhà nước bị chậm:
Tôi hy vọng rằng sau chỉ thị này sẽ còn vài trăm,  vài ngàn chỉ thị khác nữa, thì lúc đó mới cải cách hành chánh giảm thủ tục cho doanh nghiệp chúng tôi.
- Kỹ sư Nguyễn Văn Đực
“Nó có nhiều chuyện, trong đó có những người lãnh đạo những công ty tập đoàn quốc doanh người ta không muốn chia sẻ ra, người ta muốn giữ vai trò, vị trí quan trọng trong đó để người ta mang lại lợi ích cá nhân và gia tộc người ta.”
Một Giám đốc doanh ngiệp tư nhân tại khu công nghiệp Bà Rịa Vũng Tàu, không muốn nêu danh tánh, cho rằng trong thực tế các doanh nghiệp tư nhân khó lòng cạnh tranh được với các nhóm lợi ích:
“Thị trường bị lũng đoạn bởi mấy cái nhóm mạnh quá, đến nỗi bây giờ có làm gì đi nữa cũng không thay đổi được tình hình. Tạm gọi đó là nhóm lợi ích, nhóm thân hữu gì đó. Mỗi ông có một nhóm thân hữu riêng. Nhóm thân hữu này cạnh tranh với nhóm thân hữu khác, bằng thủ đoạn này hay thủ đoạn khác, chứ giới doanh nghiệp tư nhân làm sao mà cạnh tranh với các nhóm đó được. Anh nào muốn sống phải dinh vô các nhóm đó, xâu chuỗi với họ, chứ không có anh doanh nghiệp tư nhân nào đơn thân độc mã mà sống một mình được.”
Vị giám đóc này tỏ ra bi quan, cho rằng những cải cách hiện thời của đảng cộng sản chỉ là hình thức để giải tỏa những áp lực nào đó. Ông không nói rõ, nhưng như phát biểu của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp với đài RFA, nền kinh tế Việt Nam không còn những động lực để phát triển như cách đây 30 năm nữa, và đảng cộng sản đang hy vọng vào sự phát triển của bộ phận kinh tế tư nhân.
Ngay trong thời gian bắt đầu diễn ra Hội nghị trung ương lần thứ năm, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó ban tuyên giáo trung ương có một bài viết phân tích rằng cố lõi của nền kinh tế lành mạnh chính là một nền kinh tế cổ phần chứ không phải là nền kinh tế nhà nước. Bài báo được đăng trên báo mạng Vietnamnet, và bị rút xuống chỉ vài giờ sau đó.
Một cựu ủy viên trung ương đảng không muốn tiết lộ danh tánh nói rằng bài báo bị rút xuống vì có nội dung không giống với diễn văn khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có đề cập đến nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và doanh nghiệp nhà nước.
Theo kỹ sư Trần Văn Đực, với 3 nghị quyết của Hội ngị trung ương đảng vừa qua, quan điểm của đảng cộng sản Việt Nam về kinh tế vẫn là một quan điểm nửa vời. Theo ông điều đúng đắn phải là nền kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.