Thiết chế bảo vệ Hiến pháp
bauxitevnTue 8:23 AM
LS Lê Văn Luân
Điều 119 Hiến pháp 2013 hiện hành quy định, giá trị pháp lý của Hiến pháp là cao nhất, mọi văn bản luật trái với Hiến pháp đều phải bị bãi bỏ. Và cũng tại điều luật này quy định từ Quốc hội, Chính phủ, Toà án, Viện kiểm sát đến toàn thể nhân dân đều có nghĩa vụ bảo vệ Hiến pháp. Một điều luật vô cùng tối nghĩa về học thuật liên quan đến vấn đề thẩm quyền bảo hiến.
Trong quy định hiện hành, quy trình và cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xem xét tính hợp hiến của một văn bản luật lại thuộc một Cục gọi là Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp, và sau đó cục này trình lên Uỷ ban Thường vụ quốc hội xem xét để kiến nghị Quốc hội bãi bỏ nếu cho rằng bộ luật/luật đó vi phạm hiến pháp. Hơn thế, UBTVQH lại có thẩm quyền giải thích luật.
Ở những nước như Mỹ, Nhật hay Thái Lan đều có Toà án bảo hiến (hay nhiều nơi gọi là Toà Hiến pháp) để thực thi chức trách bảo vệ giá trị toàn vẹn và sự hiệu lực tối cao của nó. Bằng cách toà án này sẽ thụ lý và xem xét để ra một phán quyết tuyên bố chấp nhận hoặc bác bỏ một đạo luật/quy định căn cứ theo các quy định trong Hiến pháp. Và chức năng giải thích luật pháp thuộc về toà án (tư pháp) chứ không phải UBTVQH (lập pháp), vì chỉ có cơ quan xét xử mới hiểu sâu sắc và vận dụng nó đúng đắn đối với thực tiễn pháp lý. Chúng ta đang làm ngược lại. Và chúng ta cũng không hề có mặt Toà án hiến pháp trong nền Tư pháp. Tuy nhiên, dù có một toà án bảo hiến mà nếu nó vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản thì bản thân nó cũng không thể phát huy vai trò và giá trị của mình vì đã bị kiểm soát bởi một thực thể khác.
Với phát ngôn về luật pháp ngày hôm qua tại nghị trường từ Bà Chủ tịch Quốc hội, tôi thực sự lo lắng về một nền luật pháp văn minh và khoa học của nước nhà. Cùng với đó là một số vị đại biểu có học vị Tiến sỹ luật nhưng nhận thức pháp luật còn thua cả một cử nhân, mà lại được cho rằng đó là vị tiến sỹ "cứng nhất" trong Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (đa phần là Tiến sỹ), đứng lên phát biểu và bảo vệ đề xuất vi hiến như thế. Thế thì thực sự là đáng lo ngại về trình độ lập pháp của quốc gia.
Và đến lúc cần có một Toà án Bảo hiến độc lập với mọi thiết chế chính trị và đảng phái để đảm bảo rằng việc lập pháp của đất nước sẽ trở nên văn minh và chuẩn mực hơn.
Nguồn: FB Luân Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.