Thế nào là trật tự tự do toàn cầu (global liberal order)?
bauxitevnTue 8:18 AM
Đoàn Hưng Quốc
Brexit, Donald Trump cùng các phong trào đại chúng (populism) tại Âu Châu được xem như phản ứng của quần chúng Tây Phương chống lại quan điểm trật tự tự do toàn cầu. Nhưng cụm từ “trật tự tự do toàn cầu” dịch từ “global liberal order” có thể là một khái niệm mơ hồ vì chỉ mới phổ biến từ sau Chiến tranh Lạnh, nên người viết xin được giải thích đơn giản cho bạn đọc dễ theo dõi tin tức hàng ngày.
Tự do (liberal) và giải phóng (liberation) mang cùng ý nghĩa cởi trói con người để mỗi cá nhân được quyền tự do phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và mưu tìm hạnh phúc mà không bị giam hãm trong những ràng buộc. Trong từng quốc gia là chống độc tài, phong kiến, bất công, toàn trị; ngoài xã hội nhắm phá vỡ các nề nếp và quan điểm hủ lậu cùng sự áp bức của tôn giáo; trên toàn cầu phát huy dân chủ và hợp tác quốc tế vì bài học từ Thế chiến II cho thấy đây là những biện pháp hữu hiệu nhất ngăn ngừa chủ nghĩa dân tộc cực đoan; về mậu dịch phá vỡ các rào cản thương mại để mọi quốc gia và nhân loại cùng nhau phát triển.
Trong bốn tiêu chuẩn nói trên thì chống độc tài bất công được chấp nhận rộng rãi nhất – đến mức ngay cả những chế độ nghiệt ngã cũng phải tuyên truyền rằng họ là giai cấp đại diện cho dân, vì dân.
Tiêu chuẩn kế tiếp nhằm phá vỡ các ràng buộc và tập quán bị xem là lỗi thời, nhưng lại va chạm đến nền tảng tôn giáo và đạo đức trong xã hội. Rất ít người ngày hôm nay còn bênh vực cho kỳ thị nam nữ hay màu da. Nhưng đòi hỏi nhà nước phải bảo vệ quyền phá thai, hôn nhân đồng tính... là đi ngược với truyền thống của nhiều dân tộc. Lối sống và quan điểm tự do phóng khoáng được chấp nhận rộng rãi trong thành phần thượng lưu trí thức (elite) vốn nắm vai trò áp đảo trong truyền thông và giáo dục, nên dần dà quần chúng phản ứng chống lại thông tin dòng chính (mainstream media) như một công cụ áp đặt kiểm duyệt tư tưởng (political correctness) lên xã hội nhằm bóp nghẹt mọi quan điểm đối nghịch biết phân biệt giữa cái tốt và xấu. Cho nên mức độ rạn nứt trong hai cánh tự do (liberals) và bảo thủ (conservatives) ở Tây Phương vô cùng sâu sắc và khó tìm ra đồng thuận.
Ra đến quốc tế dân Mỹ tin vào nền dân chủ nhưng tra vấn chính quyền Hoa Kỳ dùng quyền hạn gì áp đặt quan điểm dân chủ và tự do ra nước khác – nhất là khi chính sách lật đổ các nhà độc tài ở Iraq, Ai-Cập, Lybia và Syria mang lại tấn thảm kịch nhân loại và tình trạng bất ổn triền miên ở Trung Đông? Tại sao Mỹ phải vất vả làm sen đầm quốc tế để được tiếng (siêu cường quốc tế) mà không có miếng (mức sống của 1/3 dân chúng thụt lùi) trong khi các đồng minh Âu-Nhật-Úc-Hàn và những khu vực đang phát triển như Đông Nam Á đều trông chờ vào cánh dù che chở an ninh của Mỹ để hưởng lợi phần mình? Ở Âu Châu nhiều nước như Anh, Hy Lạp, Hung, Ba Lan tự hỏi tại sao phải đánh đổi chủ quyền quốc gia về tiền tệ, biên giới và người nhập cư để thi hành các quyết định của giới thư lại (bureaucracy) Brussel và chính sách kinh tế của Berlin? Các nước đang mở mang như Phi Luật Tân, Thái Lan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ chống lại thái độ trưởng thượng (paternalistic) của Tây Phương dạy dỗ giáo điều dân chủ và bình đẳng mà không cần quan tâm đến tình trạng an ninh bấp bênh trong từng quốc gia. Cho nên nhiều người phản đối và gọi đây là mô hình quốc tế tự do toàn trị (global liberal hegemony).
Cuối cùng trên lãnh vực mậu dịch, thành phần công nhân Âu-Mỹ chống đối trào lưu toàn cầu hóa khi công ăn việc làm theo đó chạy sang Đông Á. Tự do mậu dịch chỉ mang lợi cho giới tư bản quốc tế, giai cấp quyền thế và dân cư thành thị mà thiệt thòi cho nông thôn và giai cấp thợ thuyền. Trong vòng 30 năm nay nước hưởng lợi nhiều nhất là Trung Quốc, khu vực phát triển nhanh nhất là Đông Á chớ không phải Tây Phương.
Hoa Kỳ và Âu Châu đã hợp tác xây dựng trật tự tự do toàn cầu 70 năm nay từ sau Thế chiến II nhờ vào đồng thuận trong nước, nền tảng này giúp mang lại an ninh và cải thiện mức sống cho mọi tầng lớp trong xã hội Tây Phương. Nhưng thống kê cho thấy ngày nay có khoảng 30% dân chúng bị thiệt thòi và 30% hưởng lợi từ toàn cầu hóa, khoảng cách này và tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày thêm sâu rộng. Số cử tri ngang ngửa khiến Quốc hội hay Nghị viện Tây Phương trở nên tê liệt trong các tranh cãi trách móc thay vì tìm ra những giải pháp chung.
Cho nên dù Brexit, Donald Trump hay Marine Le Pen có thành công hay thất bại thì vết rạn nứt ở Âu-Mỹ không còn có thể bị khuất lấp cho đến khi tìm ra một sự đồng thuận mới trong xã hội.
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.