Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Ông Phúc đi Mỹ là 'cơ hội kết thân với ông Trump'

Ông Phúc đi Mỹ là 'cơ hội kết thân với ông Trump'

bauxitevnWed 9:39 AM

clip_image002
Ảnh: CHINHPHU.VN - Đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay John F. Kennedy, New York sáng 29/5 (giờ địa phương)
Chuyến đi Washington của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 30-31/5/2017 giúp làm tăng vị thế ngoại giao của Việt Nam và là cơ hội tốt để nhà lãnh đạo Việt Nam nâng cao vai trò cá nhân, theo một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Hoa Kỳ.
"Ông Phúc là lãnh đạo đầu tiên của các nước ở Đông Nam Á được mời sang [Washington D.C. ]. Điều đó làm tăng uy tín ngoại giao và vai trò của Việt Nam", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói với BBC hôm 27/5.
Điểm đáng chú ‎ý ở đây, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, là ông Phúc chỉ là một trong nhiều lãnh đạo thế giới nói chuyện qua điện thoại với ông Trump, nhưng lại là một trong số ít những người được ông Trump mời gặp.
Thêm vào đó, tùy viên báo chí của ông Trump ra thông cáo nói rằng vị Tổng thống "rất vui lòng tiếp đón một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở Á châu", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, khiến cho tầm quan trọng của chuyến đi càng được nhấn mạnh.
Trong cuộc trao đổi với BBC ít hôm trước ngày ông Phúc đi Mỹ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng việc cá nhân ông Trump không mặn mà với Đông Á không có nghĩa là chính quyền Mỹ lơ là khu vực này, và dẫu cho phía Việt Nam có thể không đạt được nhiều kết quả trong mảng kinh tế, thương mại như mong muốn, nhưng ít nhất cũng sẽ đạt được những "thắng lợi ngoại giao" nhất định.
'Cơ hội xây dựng quan hệ cá nhân'
Không chỉ ở vị thế đại diện quốc gia, chuyến đi còn trao cho ông Thủ tướng Việt Nam một cơ hội tốt để nâng cao vị thế cá nhân, theo nhà nghiên cứu đồng thời là Giáo sư về bang giao quốc tế tại Đại học George Mason.
clip_image004
Ảnh: GETTY IMAGES - Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc theo kế hoạch sẽ gặp ông Trump vào ngày 31/5/2017
"Ông [Phúc] có cơ hội tiếp xúc riêng với ông Trump, thân mật với ông Trump, [qua đó] có thể tạo một ấn tượng nào đó đối với ông Trump, để thăm dò xem chính sách của ông ấy đối với Trung Quốc, đối với Việt Nam", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Mỹ có chính quyền mới, ông [Phúc] muốn sang để tìm hiểu. Đây là cơ hội tốt để ông ấy thiết lập đường dây cá nhân, mối liên hệ cá nhân, thăm dò tìm hiểu để tìm cách gây ảnh hưởng đến chính sách của ông Trump, nếu có thể được".
Khác với các nhà lãnh đạo khác, ông Trump là người "thích ngoại giao cá nhân", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Vấn đề là làm sao để ông Phúc tạo ra được ấn tượng với ông Trump, để ông ấy thích mình. Nếu ông ấy thích mình thì sẽ có lợi cho đất nước".
"Làm được vậy thì đó chính là thắng lợi của ông Phúc".
Vai trò của Việt Nam trong chính sách an ninh vùng
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm những thế lực có thể giúp tạo đối trọng với Trung Quốc, như Nhật Bản, Ấn Độ và ở khối ASEAN, nhưng rõ ràng, cho đến lúc này thì "đối trọng quan trọng nhất là Mỹ", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Cơ cấu an ninh vùng đang hình thành trước sự lớn mạnh của Trung Quốc. Nếu Mỹ rút ra thì Trung Quốc sẽ độc quyền, bá quyền mà không ai cưỡng lại được. Cho nên các nước nhỏ muốn Mỹ hiện diện để tạo đối trọng an ninh, tạo sức cân bằng nhất định để các nước nhỏ còn có thể 'thở' được".
Từ phía nước chủ nhà, tuy ông Trump "lơ là Đông Nam Á", nhưng các chiến lược gia và bộ máy cố vấn của ông tổng thống "đều hiểu tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong cơ cấu an ninh vùng", và chính sách chung của Mỹ luôn muốn có "thế cấu trúc an ninh đa cực" trong khu vực.
"Sẽ còn có cả Nhật, Ấn Độ, và có những quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam," Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói, trong đó "Việt Nam có vai trò quan trọng đối với các nhà chiến lược Mỹ".
Trong lúc chính quyền Mỹ ở cấp cao chưa đưa ra được một chính sách ngoại giao có hệ thống đối với Á châu để thay thế cho chính sách xoay trục trước đây, thì một trong những điều ông Phúc có thể làm được khi gặp gỡ trực tiếp với ông Trump là "cần chứng tỏ là mình hiểu biết, nước mình có một vai trò quan trọng trong nền an ninh Á châu-Thái Bình Dương", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng bình luận.
clip_image005
Ảnh: AFP/GETTY IMAGES - Cảnh sát biển Việt Nam vừa tiếp nhận từ Hoa Kỳ tàu tuần duyên CSB 8020
Mặt khác, bất chấp khoảng trống ở phần thượng tầng, hệ thống hành chính cấp dưới vẫn "có sự liên tục về chính sách" bởi "như ông Trump nói ông trao rất nhiều quyền cho các tướng lĩnh để họ tự làm", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Cho nên chúng ta thấy vẫn xảy ra việc [Mỹ] vừa trao tàu tuần duyên [cho Việt Nam], bởi đó chỉ là sự tiếp nối của chính sách cũ, là điều mà những người trong bộ máy hành chính có thể làm được, họ tiếp tục thực hiện, miễn là đảm bảo quyền lợi của nước Mỹ", Giáo sư Hùng nêu ví dụ.
Thách thức lớn cho VN trong chủ đề kinh tế, thương mại
Một trong những thách thức chính của chuyến đi là việc đàm phán song phương với Hoa Kỳ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
"Ông [Trump] chỉ thích điều đình song phương thôi, nếu Việt Nam muốn hưởng những quyền lợi mà đáng lẽ Việt Nam được hưởng nếu có TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), thì đây cũng là dịp Việt Nam phải điều đình song phương với ông ấy, thành ra đây cũng vừa là một cơ hội, mà cũng vừa là thử thách đối với Việt Nam", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Ông [Phúc] sang vào thời điểm không được thuận lợi như trường hợp của những ông Thủ tướng khác".
"Ông sang vào lúc Tổng thống Trump rất lơ là với vấn đề Đông Nam Á và Á châu, không coi [khu vực] đấy là quan trọng".
"Điểm thứ hai là ông ấy đã quay lưng lại với TPP, là một xương sống, cột trụ của chính sách xoay trục của Mỹ ở Á châu".
"Điểm thứ ba là ông ấy đang phải đối phó với rất nhiều vấn đề nội bộ, liệu ông ấy có thể làm được cái gì quan trọng, lớn hay không?"
"Đó là những thách thức lớn, nhất là khi Việt Nam đặt trọng tâm chuyến đi là vấn đề thương mại".
clip_image007
Ảnh: REUTERS - Tổng thống Donald Trump đã nhận lời tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11 tới tại Đà Nẵng
"Thắng lợi ngoại giao"
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, là cả ông Nguyễn Xuân Phúc lẫn ông Donald Trump đều muốn có thắng lợi ngoại giao.
"Sẽ có sự dàn xếp trao đổi nào đó, để ông nào cũng có thể tuyên bố thắng lợi với những người ủng hộ mình".
"Có nhiều chuyện có thể xảy ra, như có thể là tuyên bố đạt được một số hợp đồng mua hàng nào đó, hoặc hai bên có thể đạt được một số đồng ý về nguyên tắc nhằm đưa tầm quan trọng của quan hệ hai nước lên một bậc cao hơn".
"Có thể là hai bên sẽ đặt ra một số nguyên tắc điều đình, tạo cơ chế để tiếp tục liên hệ với nhau. Có thể giống như cơ chế khi ông Tập Cận Bình gặp ông Trump để giải quyết những vấn đề khó khăn giữa hai nước..."
Tuy nhiên, kết quả cụ thể có đạt được gì hay không, hay đạt được tới mức nào, sẽ "phụ thuộc rất nhiều vào sự điều đình, chuẩn bị" của ban tham mưu của hai nhà lãnh đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.