Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Đối thoại hay “đối thọi”?

Đối thoại hay “đối thọi”?

bauxitevn7:17 AM

Điền Phương Thảo
“Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”
Phát biểu trên của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng quả là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh và tiến bộ.
Thế nhưng, điều kiện tiên quyết để một cuộc đối thoại, tranh luận có thể “tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” đó là sự BÌNH ĐẲNG, CÔNG BẰNG, DÂN CHỦ giữa hai chủ thể tham gia cuộc đối thoại, tranh luận đó. Câu chuyện ngụ ngôn Chó Sói và Cừu Non của La Fontaine đã nêu lên một kinh nghiệm xương máu rằng “lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”.

“Một hôm có chú cừu non tìm đến con suối trong rừng uống nước. Lập tức, một con sói đói xuất hiện. Nó quát con cừu: “Tao đã cấm không cho ai uống nước suối này mấy tháng. Sao mày lại dám làm đục nước suối của tao?…”
Cừu non vội đáp: “Dạ thưa ông, xin ông bớt giận nhìn cho kỹ. Đây là con suối mấy đời nhà cừu tôi vẫn ra uống nước. Lũ cá chỗ suối này vốn là chỗ quen biết và có thể làm chứng cho tôi. Vả lại, tôi đang uống nước phía dưới ông mấy chục bước, sao lại có thể làm đục nước chỗ ông được ạ?”
Sói cứng họng trước một sự thật hiển nhiên bèn quát: “Nếu hôm nay mày không làm đục nước suối thì năm ngoái mày có tội nói xấu tao!’
Cừu nói: “Thưa ông, năm ngoái mẹ tôi còn chưa sinh tôi ra, sao tôi lại có thể nói xấu ông được?” Sói: “Vậy à? Nếu không là mày thì chính anh trai mày năm ngoái đã nói xấu tao!” Cừu: “Dạ thưa, ông lại nhầm rồi! Tôi là con một, đâu có anh em!”.
Sói tiếp: “Vậy thì bố mày đã nói xấu tao”. Nói chưa dứt câu, Sói vồ lấy Cừu non và bắt nó phải chịu một cái chết bất công”.
Cừu non biết rằng nó không có anh, nhưng nó không thể đoán chắc được việc bố nó có nói xấu Sói hay không nên đành im lặng. Con Sói đã nói lời cuối cùng, không phải lời nói của nó là sự thật nhưng bởi nó là kẻ mạnh.
Như vậy, trong một đất nước, muốn những cuộc đối thoại, đấu tranh được diễn ra trong sự công bằng, dân chủ thì ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp phải hoàn toàn động lập, có sự kiểm soát lẫn nhau, tức là phải có chìa khóa của nền dân chủ đó chính là tam quyền phân lập.
Tại Việt Nam, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp là đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, thành phần trong Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân các cấp cũng chỉ là những người được Đảng Cộng sản Việt Nam phân nhiệm, tức là phân chia nhiệm vụ, không phải phân lập. Do vậy, họ cũng thi thực thi mọi đường lối chính sách do Đảng đề ra, nói theo định hướng, nghĩa là không hề có sự độc lập trong quyền hạn. Mà không có sự độc lập về quyền hành thì làm sao có sự độc lập trong tư duy, chính kiến?
Thiếu tướng công an Trương Giang Long cay đắng thừa nhận rằng: “Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính Việt Nam. Không bao giờ cả…Bất hạnh của chúng ta là sống gần cái ông anh mà mức độ lòng tốt nó thấp, gien tốt nó thấp, còn gien xấu thì nó vượt trội” . Ông cũng khẳng định rằng “Trung Quốc đã cài cắm hàng trăm lãnh đạo nằm trong chính quyền Việt Nam”. Đó là lý do vì sao Việt Nam biến thành một bãi xả thải khổng lồ của các tập đoàn kinh tế của Trung Quốc. Nạn xả thải của Formosa khiến vùng biển miền Trung ô nhiễm như vết thương còn đang ung mủ, thì hình hài đất nước hình chữ S này tiếp tục bị lở loét bởi nước thải độc hại, hôi hám của nhà máy giấy Lee & Men tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đứng trước dã tâm tiêu diệt giống nói Việt Nam bằng “cuộc chiến tranh không tiếng súng” của Trung Quốc, rất nhiều người đã lên tiếng phản đối Formosa và các dự án hủy diệt môi sinh nước Việt của Trung Quốc. Họ chỉ lên tiếng nói, sự “cọ xát” của họ là trình bày chính kiến, tuyệt đối không có sự “cọ xát” bằng bạo lực. Thế nhưng lần lượt họ đều bị bỏ tù, bị sát hại sau khi bị quy chụp là “phản động”, là “thế lực thù địch”, là “tuyên truyền nói xấu chế độ”…
Những cuộc biểu tình trong ôn hòa của người dân Hà Tĩnh, Nghệ An há chẳng phải là một hình thức muốn đối thoại hay sao? Thế nhưng họ đã bị nhà cầm quyền ngăn cản, đàn áp, đánh đập không thương tiếc. Đến nỗi họ đã chia sẻ với anh Hoàng Bình, một nhà hoạt động cho nhân quyền rằng: “Có lẽ lần sau khi tham gia tuần hành, chúng tôi sẽ tự trói hai tay của mình lại và đi thành hàng. Chúng tôi muốn chứng tỏ cho nhà cầm quyền thấy rằng chúng tôi chỉ MUỐN ĐỐI THOẠI. Hãy đối thoại và đừng đàn áp chúng thôi”.
Vâng! Bất cứ ai còn lương tri nhân loại đều không thể cầm được xúc động khi nghe những lời bộc bạch chân tình như thế. Dù vậy, đó vẫn là một ước mơ rất xa vời bao lâu mà chính quyền đương thời còn cho rằng “Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta”.
Con Cừu trong ngụ ngôn La Fontaine đã bị buộc tội hồ đồ, bất công và vô lý, không có chứng cớ và không có cơ sở và đã bị Cáo xé thịt chỉ vì nó đã đối thoại với kẻ không cần “hình thành chân lý” từ những cuộc đối thoại. Dù vậy, chân lý vẫn là sức mạnh vĩnh hằng và điều giúp phân biệt giữa kẻ sống và tồn tại đó là người đó biết lên tiếng cho Sự Thật. Vì Chúa Giêsu cũng dạy rằng: “Sự Thật sẽ giải phóng các con” (Gioan 8, 32).
Đ.P.T.
__________

Link tham khảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.