Người Việt đang nghèo ‘đa chiều’
Xét theo cả tiêu chí thu nhập và phi thu nhập, tỷ lệ người nghèo trong xã hội gia tăng do bị thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản. Tình trạng này có khả năng trở nên trầm trọng hơn khi nhóm đối tượng người nghèo tiếp tục bị nghèo hóa do những chi phí về y tế, kém được tiếp cận thông tin hay nhận cơ hội giáo dục.
Tỷ lệ nghèo tăng khi áp dụng theo chuẩn mới
Chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 dựa trên mức thu nhập, còn chuẩn nghèo mới trong giai đoạn 2016-2020 thì ngoài tiêu chí về thu nhập, bổ sung các mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin (nghèo đa chiều).
Theo danh sách do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2016 – 2020, cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thôn đặc biệt khó khăn và xã vùng dân tộc thiểu số với số lượng lên tới 20.176 thôn và 5.266 xã. So với giai đoạn 2011-2015, số thôn, xã bổ sung tăng cao hơn nhiều so với số đã được đưa ra ngoài danh sách.
Cụ thể, danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 gồm 20.176 thôn đặc biệt khó khăn, 1.935 xã khu vực III, 2.018 xã khu vực II và 1.313 xã khu vực I thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Các tỉnh có nhiều thôn đặc biệt khó khăn như: Sơn La 1.708 thôn, Cao Bằng 1.598 thôn, Hà Giang 1.408 thôn, Nghệ An 1.175 thôn, Điện Biên 1.146 thôn, Lạng Sơn 1.125 thôn, Lào Cai 1.007 thôn…
Danh sách thôn đặc biệt khó khăn được xác định dựa trên 1 trong 2 tiêu chí sau:
Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020.
Hoặc, tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và khu vực ĐBSCL là từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 và có 2 trong 3 yếu tố về chất lượng trục chính đường giao thông thôn hoặc liên thôn, chất lượng phòng học cho lớp mẫu giáo; chưa có nhà văn hóa – khu thể thao thôn theo quy định. Đối với các thôn có số hộ dân tộc thiểu số từ 80% trở lên, cần có 1 trong 3 yếu tố trên.
Theo số liệu từ Ủy ban dân tộc, khi áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tỷ lệ nghèo tại nhiều tỉnh đã tăng khá nhanh, như: tỉnh Điện Biên (48,14%), Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%), Lai Châu lần (40,40%)…
Đến cuối năm 2015 đã có 366 thôn đặc biệt khó khăn và 32 xã khu vực III thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, theo danh sách 2016-2020 được phê duyệt, số lượng thôn đặc biệt khó khăn đã tăng thêm 1.785 thôn, và 49 xã cả ba khu vực.
Trước đó, theo công bố của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, khi theo chuẩn nghèo đa chiều, trong giai đoạn 2016-2020, cả nước có hơn 2,338 triệu hộ nghèo (chiếm 9,88% tổng hộ dân cư toàn quốc) và hơn 1,235 triệu hộ cận nghèo (chiếm 5,22%).
Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 14,2%. Trong các năm tiếp theo, tỷ lệ này đều giảm: năm 2011 giảm còn 11,76%; năm 2012: 9,6%; năm 2013: 7,8%; năm 2014: 5,97%. Năm 2015, ước tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%.Khi theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo tăng từ dưới 5% năm 2015 lên gần 10% năm 2016.
Xét theo khu vực, miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với 34,52%, tiếp đến là miền núi Đông Bắc (20,74%) và Tây Nguyên (17,14%). Tỷ lệ hộ nghèo của Đồng bằng sông Hồng ở mức 4,76%. Đông Nam Bộ có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước với 1,23%.
Xét theo tỉnh, Thanh Hóa có số hộ nghèo nhiều nhất với 128.893 hộ, tiếp theo là Nghệ An 95.205 hộ, Sơn La 92.754 hộ. Bình Dương là địa phương duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo mới.
3 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước là Điện Biên 48,14%, Hà Giang 43,65%, Cao Bằng 42,53%.
Bị nghèo hóa do chi phí y tế, hạn chế tiếp cận giáo dục, thông tin
Oxfam – một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại 94 quốc gia trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng – nhận định mặc dù thu nhập trung bình của Việt Nam tăng nhưng bất bình đẳng thu nhập thì đang tăng trên mọi thước đo trong hai thập kỷ qua. Chênh lệch về thu nhập và cơ hội khiến lợi ích tập trung vào nhóm giàu, trong khi hàng triệu người dân tộc thiểu số, nông dân quy mô nhỏ, người nhập cư, lao động phi chính thức và phụ nữ theo xu hướng bị nghèo hóa.
Theo báo cáo “Thu hẹp khoảng cách, cùng giảm bất bình đẳng ở Việt Nam” (2017) của Oxfam, ở Việt Nam, tỷ lệ chi phí “thảm họa” (tức chi phí y tế chiếm bằng hoặc trên 40% khả năng chi trả) và nghèo hóa do chi phí y tế khá cao (dù đang giảm) trong giai đoạn 1992 – 2012, đặc biệt ở các nhóm dân thiệt thòi như người nghèo, người có khả năng tiếp cận giáo dục thấp và người dân nông thôn. Năm 2012, có tới 583,724 hộ gia đình bị rớt xuống nghèo hay lún sâu vào cảnh nghèo do chi tiêu y tế.
Về giáo dục, trẻ em các hộ nghèo nhất có ít hoặc không có cải thiện nào về kết quả học tập trong 20 năm qua. Tỷ lệ nhập học trung học phổ thông trong nhóm người Kinh và người Hoa là 65% trong khi tỷ lệ này trong nhóm dân tộc thiểu số chỉ là 13,7%.
Về khả năng tiếp cận thông tin, một khảo sát lớn cho thấy 41% người Việt Nam không biết về Hiến pháp; 89,4% có nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật, và hầu hết người dân có nhận thức hạn chế về chính sách thuế. Hạn chế trong khả năng tiếp cận thông tin dẫn tới thiếu hiểu biết về quyền và tham gia vào pháp luật của người dân.
Tổ chức Oxfam tin rằng để giảm nghèo, thì phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng đang hiện hữu nhiều chiều, bao gồm bất bình đẳng về kinh tế (chênh lệch thu nhập) và bất bình đẳng cơ hội và tiếng nói (qua giáo dục, y tế, thông tin, sự tham gia và ảnh hưởng).
Báo cáo “Nghèo đa chiều trẻ em Việt Nam vùng dân tộc thiểu số – Thực trạng, biến động và những thách thức” (2015) thực hiện bởi Ủy Ban Dân tộc (UBDT), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển IRC (IRC Consulting) chỉ ra tương quan giữa nghèo thu nhập và nghèo đa chiều qua số liệu so sánh giữa năm 2007 và 2012.
Cụ thể, trong 5 năm trên, tỷ lệ trẻ em nghèo thu nhập giảm từ 60,5% xuống 49,5%, tương đương khoảng 2 điểm %/năm, tuy nhiên tỷ lệ nghèo giáo dục chỉ giảm khoảng 1,5 điểm %/năm.
Về nhà ở, vẫn có đến 36% trẻ em trong vùng khảo sát chưa có nhà kiên cố và điện, dù tỷ lệ trẻ em nghèo về cư trú đã giảm đến 24 điểm % từ 2007 đến 2012.
81% trẻ em tại khu vực khảo sát không tiếp cận được với nước sạch sinh hoạt và nhà xí hợp vệ sinh. Trong 5 năm, tỷ lệ nghèo về nước sạch và vệ sinh ở trẻ em chỉ giảm khoảng hơn 2 điểm %/năm.
Đặc biệt, chỉ số về chăm sóc y tế lại tăng lên đáng ngại. Từ năm 2007 đến 2012, tỷ lệ trẻ em nghèo vềchăm sóc y tế tại vùng dân tộc thiểu số tăng từ 40,5% đến 54% (thêm 13 điểm %).
Ngoài ra, tỷ lệ trẻ em nghèo về hòa nhập xã hội tăng từ 53% đến gần 62% trong giai đoạn trên, chủ yếu do tỷ lệ trẻ dân tộc thiểu số dùng thành thạo tiếng Kinh giảm.
“Phần lớn trẻ em đã là nghèo thu nhập thì cũng sẽ nghèo đa chiều (số trẻ nghèo thu nhập mà không nghèo đa chiều chỉ chiếm khoảng hơn 3%). Tuy nhiên, có đến gần 25% số trẻ tại “túi nghèo” không nghèo thu nhập nhưng lại nghèo đa chiều và tỷ lệ này gần như không thay đổi trong suốt 5 năm qua.” – báo cáo cho hay.
Hiện tại, nghèo về thu nhập không còn là yếu tố duy nhất để xác định thực trạng đời sống của dân cư. Nghèo trong các yếu tố phi thu nhập gây tác động lâu dài đối với khả năng cải thiện đời sống bao gồm của cả người trưởng thành và trẻ em.
Các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, thuế, chi tiêu công, dịch vụ công, quyền lao động và thúc đẩy sự tham gia của người dân là cơ sở để Việt Nam có thể giảm tỷ lệ nghèo trong xã hội, thông qua việc nâng cao năng lực cải thiện đời sống của người dân.
Lê Trai
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.