Thư gởi ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo trung ương
bauxitevn8:14 AM
Nguyễn Bùi An
Thưa Ông,
Ngày 18 tháng 5, trong một hội nghị trực tuyến trong Đảng, báo Pháp Luật đã dẫn lại lời phát biểu của ông "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”. Nếu đây là một sáng kiến cho thêm một phong trào như phong trào “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” trước đây thì xem như tôi hiểu lầm ý ông và lá thư này vô nghĩa. Bởi vì tôi nghĩ ông phát biểu những lời mà tôi thượng dẫn nó bao hàm một ý nghĩa rộng lớn hơn: khởi đầu cho công cuộc mới để đi tìm sinh lộ cho dân tộc.
Ông có nhận ra rằng “Đối thoại” là một khái niệm ám ảnh dân tộc Việt Nam trong suốt thế kỷ 20 và đè nặng hơn bao giờ hết trong thế kỷ 21 này? Năm 1945 và năm 1975, “Đối thoại” đã không được vận hành trong tiến trình sinh tồn của đất nước, để rồi nó trở thành khái niệm bẽ bàng và hoài nghi trong con mắt nhiều người khi ông và Đảng khởi xướng.
Tôi cũng nói rõ quan điểm của tôi với ông rằng: tôi luôn đứng trong xã hội mà nhận thức xã hội. Tôi luôn xem những nguy cơ và bế tắc của đất nước là của hơn 87 triệu đồng bào và hơn 3 triệu đồng chí của ông. Không phải hơn 87 triệu đồng bào cần giải phóng mà còn hơn 3 triệu đồng chí của ông cũng rất cần giải phóng. Để Việt Nam thực sự tự lực, tự cường, tự tôn và tự tồn. Để Việt Nam đồng hành với tiến bộ của nhân loại và có trách nhiệm trong phần lớn cộng đồng thế giới đã và đang sống theo những giá trị phổ quát.
Đảng và chính quyền hiện hành là một thực thể chính trị rất mạnh bởi quyền lực chính trị được tập trung trong tay của Đảng. Và tôi cũng thừa nhận chính quyền do Đảng lãnh đạo cũng chính danh trên chính trường quốc tế. Nhưng nếu ông và Đảng của ông không xem hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn người Việt Nam đang lên tiếng và dấn thân cho sự thay đổi lớn lao của đất nước, và hàng triệu ước vọng đổi thay chưa dám nói ra cũng là một thực thể chính trị, thì “Đối thoại” làm sao thưa ông?
Nếu ông và Đảng của ông không chút hoài nghi và luôn cho sự đúng đắn và tính hợp lý tuyệt đối về sự tồn tại của Đảng như là một tiên đề không cần chứng minh, thì “Đối thoại” làm sao thưa ông?
Nếu ông và Đảng của ông không chấp nhận chung sống như là một thành tố trong một thực thể chính trị toàn vẹn - Một thực thể chính trị theo các giá trị phổ quát của nhân loại, thì “Đối thoại” làm sao thưa ông?
Và nếu “Đối thoại” không được xem như là một trong các Phương thức trong quá trình sinh tồn của dân tộc, và nó không trở thành một tập tính căn bản cho thế hệ mai sau, thì bây giờ xin cơ chế “Đối thoại” để làm gì thưa ông?
Xin ông đừng hiểu nhầm những lời của tôi là mỉa mai, hoài nghi hay thách thức. Tôi tin lòng yêu nước của ông, cũng như tôi tin vào lòng yêu nước của một số tiền bối của ông trong đó có tướng quân Trần Độ và cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Và khi lòng yêu nước bị tổn thương thì tiền bạc, danh vọng và tính mạng trở thành vô nghĩa, phải không ông? Ông có thấy ở đâu trong thế kỷ 21 này mà những người con của một quốc gia lại hiểu lòng yêu nước bằng hai hay nhiều cách khác nhau? Đó là bi kịch, thưa ông.
Chúc ông nhiều sức khỏe.
Sài Gòn ngày 22 tháng 5 năm 2017
N.B.A.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.