Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Thấy gì từ kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ?

Thấy gì từ kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ?

bauxitevn7:54 AM
Phan Minh Ngọc
Bài học Hungary: Vay 1 tỷ đô la từ thời cộng sản nhưng phải trả đến 20 tỷ đô la, đến nay vẫn còn nợ 10 tỷ.
Bình luận về nguy cơ tài chính nước nhà trong bối cảnh giới tài phiệt toàn cầu có nhiều cách thao túng khó lường, bạn Quang Thang Trinhviết: “Tất cả các nhà băng TW ở các nước ít nhiều đều bị giới tài phiệt thao túng, cả NHNN Việt Nam(...)Số liệu vay 1 tỷ đôla (từ thời CS) trả nợ 10 tỷ mà vẫn còn 10 tỷ đô la là số liệu thực của Hungary - quê hương thứ 2 của tôi . Tôi nghĩ VN rất khó tránh cái bẫy này. Liệu chúng ta có khả năng tiêu hóa điều này ko: Khoảng thời gian tính là 15 năm (1973-1989), nợ netto tăng từ 0,8 tỷ đôla lên 19,4 tỷ đôla, tức tính theo GDP từ 9,2 % lên 66,5 %.
Vay có 0.8 tỷ (đúng ra đòi vay 5 tỷ, tiền về có 0.8 tỷ thôi) mà phải trả tới tới 19.4 tỷ đô la? Có thể gọi là cướp hay là cái gì? Và bây giờ lỗi tại ai: Tại người vay 0.8 tỷ hay tại người ko trả được nợ?”
ĐỖ MINH TUẤN bình luận: Đào mồ những thằng đi vay, bán đấu giá xương của chúng cho bảo tàng lịch sử động vật quý hiểm trong danh sách đỏ. Tóm lại là thôi đi các vị! Bớt vì nước vì dân đi cho nhân dân và con cháu được nhờ, khi chưa có cải cách thể chế, kiểm soát quyền lực, (chứ không phải nhốt quyền lực vào lồng như cách làm thơ của TBT) thì đừng có giở trò yêu nước thương dân, hùng hổ tranh nhau PHÁT TRIỂN, để rồi lại móc túi dân bằng thuế nọ thuế kia lấy cớ là sửa chữa chính những thứ rác rưởi tàn tệ mà các vị thải ra. PHÁT TRIỂN thực ra là uống tinh trùng các thế hệ con cháu nhân dân (chứ không phải con cháu các vị)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ năm 2017, với chi tiết như nêu ở bảng dưới đây:
Theo đó, năm nay Chính phủ dự định vay 342.000 tỉ đồng, trong đó có 243.000 tỉ là vay các nguồn trong nước, còn lại 99.000 tỉ là từ nguồn ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Về kế hoạch trả nợ, năm nay Chính phủ dự định trả 260.000 tỉ đồng nợ, trong đó 243.000 tỉ đồng là trả nợ trực tiếp của Chính phủ, 17.000 tỉ đồng là nợ của các dự án cho vay lại.
Điều đầu tiên có thể nói được về những con số “khô khan” và tối giản nói trên là về độ lớn của chúng. Nếu so với quy mô GDP theo giá thực tế của Việt Nam thì số nợ Chính phủ dự định trả trong năm nay tương đương khoảng 5-6% (năm 2015, GDP sơ bộ theo giá thực tế là 4,2 triệu tỉ đồng; chưa có số liệu cho năm 2016). Điều này có nghĩa là quy mô trả nợ của Chính phủ năm nay và trong mấy năm qua (gần) tương đương với giá trị thặng dư toàn bộ nền kinh tế tạo ra trong năm. Hay nói nôm na là làm ra chỉ đủ để trả nợ, không có mấy tích lũy. Hàm ý này cũng được minh chứng thêm bằng việc Chính phủ phải vay để đảo nợ liên tục từ nhiều năm qua. Việc dùng nợ để “nuôi” nợ này là hệ quả của việc vay nợ tiếp tục tăng lên trong khi khả năng trả nợ ngày càng suy giảm.
Phần lớn số vốn Chính phủ đi vay về vẫn là để dùng cho trả nợ, phần vốn còn lại dành cho đầu tư phát triển vẫn “teo tóp”. Ảnh: MAI LƯƠNG
Thứ hai, nếu chỉ nhìn vào con số vay nợ của năm 2017 là 342.000 tỉ đồng so với con số vay nợ 452.000 tỉ đồng của năm trước, người ta có thể nói rằng tình trạng vay nợ năm nay đã có sự cải thiện đang kể khi quy mô vay nợ giảm mạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng con số 342.000 tỉ nói trên chưa/không bao gồm khoản vốn huy động bằng trái phiếu dành cho đầu tư phát triển, là khoản mục hàng năm trong kế hoạch vay nợ các năm trước đều có, đều được công bố, nhưng không hiểu vì lý do gì không được công bố cho năm nay. Giả sử khoản mục này năm nay bằng năm ngoái, tức là 60.000 tỉ đồng, là con số thấp nhất trong mấy năm gần đây, thì tổng giá trị vay nợ cần thiết sẽ vọt lên 402.000 tỉ đồng.
Kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ năm 2017 cho thấy một số tín hiệu lạc quan hơn về chuyện nợ nần của Chính phủ. Tuy nhiên, do có một số khác biệt trong nội dung thông tin công bố nên bức tranh về ngân sách nói chung, về vay nợ và khả năng trả nợ của Chính phủ nói riêng vẫn còn nhiều góc khuất cần làm sáng tỏ thêm.
Con số 402.000 tỉ đồng này vẫn là điều đáng mừng, ở cái nghĩa là quy mô vay nợ của Chính phủ sẽ giảm đáng kể trong năm nay so với năm trước (giảm 50.000 tỉ đồng). Nhưng điều làm nó kém lạc quan hơn chính là ở góc độ đại bộ phận vốn Chính phủ đi vay về vẫn là để dùng cho trả nợ, phần vốn còn lại dành cho đầu tư phát triển vẫn “teo tóp”, giữ nguyên ở mức khiêm tốn như vậy (tỷ trọng vốn vay dành cho đầu tư phát triển năm 2016 là 13,2%, dự kiến năm nay tăng một chút - lên 14,9%, nếu Chính phủ tiếp tục dành khoản tạm tính 60.000 tỉ đồng nói trên cho đầu tư phát triển). Cứ như vậy thì khả năng “bóc ngắn cắn dài” sẽ còn tiếp tục vì năng lực sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm, làm giới hạn khả năng nhanh chóng trả nợ, giảm nợ của Chính phủ.
Thứ ba, cũng là một điều đáng mừng khác, khi số vốn vay dùng để bù đắp bội chi năm nay là 172.000 tỉ đồng, giảm gần một phần ba (giảm 82.000 tỉ đồng) so với năm 2016. Điều này, thoạt nhìn, có thể dẫn đến kết luận dễ dãi rằng bội chi ngân sách đã giảm mạnh nên Chính phủ chỉ cần vay ít hơn để trang trải cho thâm hụt ngân sách.
Nhưng nếu nhìn vào khoản mục trả nợ gốc (hoặc “đảo nợ”, theo cách dùng của Chính phủ trong một số năm) thì tình hình cũng lại trở nên kém lạc quan hơn.
Cụ thể, năm nay Chính phủ dự định chi tới 144.000 tỉ đồng để đảo nợ, trong khi con số này năm trước mới là 95.000 tỉ đồng. Thực ra, bội chi ngân sách cần phải bao hàm cả khoản mục đảo nợ vì tiền dùng cho mục đích này rốt cuộc cũng là tiền lấy từ ngân sách nhà nước chứ chẳng phải là tiền ai đó hào phóng chi trả giúp cho Chính phủ. Do đó, nếu gộp hai khoản này lại thì nhu cầu vay để bù đắp bội chi ngân sách và đảo nợ năm 2017 là 316.000 tỉ đồng, chỉ giảm 33.000 tỉ đồng so với con số này của năm 2016 (349.000 tỉ đồng), tức chỉ bằng non nửa con số 82.000 tỉ đồng nêu ở đoạn trên.
Nói cách khác, nhu cầu vay để bổ sung cho ngân sách sẽ không giảm mạnh trong năm nay như điều đã cho thấy từ sự sụt giảm mạnh của khoản mục “bù đắp bội chi” trong kế hoạch vay nợ của Chính phủ.
Thứ tư, về kế hoạch trả nợ 260.000 tỉ đồng của Chính phủ trong năm nay, nếu so với con số 273.000 tỉ đồng của năm trước thì rõ ràng đây cũng là một sự cải thiện, vì nó cho thấy gánh nặng nợ nần đã giảm bớt trong năm nay. Tuy nhiên, cũng không rõ vì lý do gì mà kế hoạch trả nợ năm nay lại không có khoản mục đảo nợ như của năm trước. Điều này càng trở nên khó hiểu hơn vì rõ ràng là trong kế hoạch sử dụng vốn vay của Chính phủ năm nay có khoản mục dành cho đảo nợ (144.000 tỉ đồng) như đã phân tích ở trên.
Để thận trọng hơn, ta hãy chú ý đến sự tăng vọt của khoản mục trả nợ trực tiếp của Chính phủ, 243.000 tỉ đồng trong năm 2017 so với chỉ 154.000 tỉ đồng trong năm 2016. Không loại trừ khả năng là năm nay Chính phủ lại tính gộp khoản mục đảo nợ vào khoản mục trả nợ trực tiếp của Chính phủ. Nếu đúng vậy thì ta có thể tạm thời “thở phào” vì điều này cũng vẫn cho thấy rằng quả thật là gánh nặng nợ nần cũng như việc phải vay để đảo nợ đã được cải thiện phần nào trong năm nay.
Nhưng nếu không phải vậy thì đây không những là một thiếu sót khó hiểu, khó chấp nhận, mà còn cho thấy những dấu hiệu nguy hiểm khi nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ tăng vọt trong năm nay so với năm 2016 (tăng tới 89.000 tỉ đồng).
Cuối cùng, có một tín hiệu phấn khởi hơn sau những gì đã thấy từ những con số nêu trong phân tích ở trên. Đó là con số kế hoạch đi vay để cho vay lại (26.000 tỉ đồng trong năm nay so với 43.000 tỉ đồng trong năm 2016), cũng như con số kế hoạch trả nợ cho các dự án cho vay lại (17.000 tỉ đồng trong năm 2017 so với 24.000 tỉ đồng trong năm 2016). Những con số này cho thấy Chính phủ đã thật sự trở nên thận trọng, e dè hơn với việc vay để cho vay lại, vốn là một trong những nguồn gốc dẫn đến gánh nặng nợ công ngày càng phình to khó kiểm soát.
Tóm lại, về tổng thể, kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ năm 2017 cho thấy một số tín hiệu lạc quan hơn về chuyện nợ nần của Chính phủ. Tuy nhiên, do có một số khác biệt trong nội dung thông tin công bố, không biết là bởi do vô tình hay cố ý, nên bức tranh về ngân sách nói chung, về vay nợ và khả năng trả nợ của Chính phủ nói riêng vẫn còn nhiều góc khuất cần làm sáng tỏ thêm trước khi người ta có thể tạm thời an tâm rằng tình hình đang tiến triển theo hướng lành mạnh hơn.
P.M.N.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.