Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Nhìn về phía trước (Mênh mông thế sự 51)

Nhìn về phía trước (Mênh mông thế sự 51)

bauxitevn7:40 AM


Tương Lai
Lòng tự dặn lòng hãy biết nhìn và dám nhìn về phía trước khi quỹ thời gian của mình không còn nhiều. Ấy thế mà trên dòng sông cuộc sống tôi đang phải ngụp lặn đây, thì làn nước buốt giá hay ấm áp vừa chạm vào tâm hồn mình trong buổi nhiễu nhương này nào có phân biệt được ranh giới giữa đâu là cái đã kết thúc và đâu là cái đang bắt đầu? Đây cũng chẳng là chuyện mới mẻ gì. Vì sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chẳng qua chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố mà cha đẻ của thuyết tương đối A. Einstein đã lưu ý từ lâu rồi. 
Chuyển từ năm cũ sang năm mới chỉ là một ước lệ. Thì chẳng phải những ngày cuối năm 2016 đã dồn dập bao nhiêu biến động dữ dội, cứ ngỡ như trên dòng sông cuộc sống, chúng ta đang ở vào nơi nước dồn vào miệng vực trước khi ào xuống thác, chuyển dòng! Mà thật ra thì nước đã ào xuống rồi! Chúng ta đang bị cuốn theo dòng thác, không liệu cách ứng phó thì chết chìm trong dòng thác ấy chứ chả đùa! 
Chỉ mới hơn một tháng, kể từ cảm nhận “Sau cơn địa chấn là sự trầm tư”, tên của bài “Mênh mông thế sự 52”, thì giờ đây “trầm tư” e là không còn đủ nữa rồi. Trầm tư là để có dịp kiểm nhận đúng sai, nông cạn hời hợt, hay chín chắn cẩn trọng trong nhận thức về thời cuộc, trong cảm nhận cuộc sống để còn liệu mà nghĩ, mà sống. Dồn dập những sự kiện đang đảo lộn những cách nhìn, cách nghĩ, làm nhòe đi những nếp hằn trong đường mòn tư duy quen thuộc. Địa chấn gây đổ vỡ trên bề mặt của địa cầu, làm xáo động tâm hồn cư dân đang sống trên đó. Trước hết là tạo ra một lực khởi động cho tư duy của những đầu óc còn ngái ngủ hoặc quá hằn sâu những vết mòn dễ dãi cho những não trạng lười biếng. 
Thực tế thì thế giới đã sang trang. Hay dở, tốt xấu còn cần phải kiểm nghiệm, nhưng chắc chắn là nó không còn và không thể như cũ được nữa. Một cái mới đã hình thành. Êm dịu hay dữ dằn là tùy theo cách tiếp nhận của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Mà điều này thì không dễ chịu tí nào, vì đó là “sự nổi loạn chống lại một trật tự cũ đã suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa”, điều mà Hégel, một đỉnh cao của triết học nhân loại đã chỉ ra hơn hai trăm năm trước đây khi bàn về phép biện chứng! Nổi loạn để thay đổi, lịch sử đã sang trang mới
Nổi loạn bởi Trump, mà trước đó đã rung chuyển bởi Brexit, và hình như trước đó nữa khá lâu là Le Pen mà hơn 80% cử tri Pháp hoảng hồn đã phải dồn phiếu cho Jacques Chirac lên ghế Tổng thống Pháp chỉ để ngăn Le Pen. Mà đâu đã xong, ngay sau chiến thắng của Trump, người sáng lập FN (Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp cực hữu) tuyên bố thẳng thừng: “Hôm nay là Mỹ, ngày mai là Pháp”. 
Có lẽ chỉ cần mượn một câu của Washington Post bình về chiến thắng ngoạn mục của Trump: “Chỉ có thể giải thích bằng khao khát mãnh liệt muốn thổi tung cả một hệ thống” thay cho những giải thích dài dòng. Thực ra thì điều này người ta đã có thể đọc thấy trong cuốn “Nước Mỹ nhìn từ bên trong” của Trump phát hành tháng 11.2015 ở Mỹ: “Nếu nó không hỏng thì đừng sửa nó, song nếu nó đã hỏng thì hãy ngừng nói để còn sửa chữa. Tôi biết cách sửa nó!”. Đơn giản vậy thôi, nhưng sao mà lúc này đây, tôi và chắc chắn không chỉ mình tôi, đang cháy ruột cháy gan mong được nghe một câu đại loại như vậy trên đất nước mình: Hãyngừng nói để còn sửa chữa!
Nhưng mà người ta đâu có chịu ngừng nói. Vì, nếu không nói thì họ còn biết làm gì cho qua ngày đoạn tháng trên cái ghế quyền lực vừa giành được với bao mưu ma chước quỷ trong cuộc thanh toán đối thủ. Không nói thì chả nhẽ cái mồm chỉ dành để nhai? Mà nhai gì cơ chứ. 
Nhai “cái bánh vẽ” ư? 
Như Chế Lan Viên, nhà thơ lớn của một thời đã quằn quại viết nên những câu thơ rớm máu. Biết là bánh vẽ nhưng vẫn cứ phải nhai 
“Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
(Chế Lan Viên, “Bánh vẽ”) 
Và rồi hôm nay đây “thứ thiệt” để nhai là gì vậy? 
Là cá, là tôm, là mực... gắn với thương hiệu Formosa, và nghị quyết
Ăn cá đi anh, nếu có chết tuần sau mới chết...
...Ăn nghị quyết đi anh, nếu có chết nhiệm kỳ sau mới chết”!
(Nguyễn Duy, “Thơ nhậu”
Vậy thì “nhai” hay “nói”? Chọn đi. 
Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại...hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai họa nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không”. Cho nên, “nói ” không thể ngừng được. 
Mà vì sao phải ngừng cơ chứ? 
Máu trào lên đầu ngọn bút, nhà văn Nguyễn Khải đau đớn thốt lên: “một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả, thì số phận những cá nhân sẽ ra sao”? (Nguyễn Khải, “Đi tìm cái tôi đã mất”). 
Cái “hỏng” này làm sao sửa chữa đây? Lục tìm trên các trang báo chính thống, trong các diễn văn, trong các nghị quyết chưa tìm ra được hình hài của một ý tưởng lớn khả dĩ có thể thiết kế một quyết sách quốc gia, ngoại trừ chú mục vào chuyện cái biển xe màu xanh sau cái đít xe vốn chỉ được là màu trắng để huy động cả một bộ máy bạo lực, cả “hệ thống chính trị”, thậm chí cả móc nối với Interpol quốc tế để “cứu nguy dân tộc”! 
Để gì? Chắc chắn không phải là để “thổi tung cả một hệ thống” như báo chí quốc tế bình luận. Mà để duy trì bằng được một hệ thống đã rệu rã.
Liệu có phải vì thế, trong những ngày đầy ắp những sự kiện lớn tiêu biểu cho tinh thần quyết tử để tổ quốc quyết sinh, cho khí phách quật cường của truyền thống dân tộc đánh thắng mọi kẻ thù cho dù chúng hung hãn đến đâu, thì cái âm hưởng chủ đạo của những lời phủ dụ, rao giảng, răn đe lại là tinh thần cảnh giác, chống “diễn biến và tự chuyển biến”, là kêu gọi những người cầm súng phải trung thành với Đảng cầm quyền, không để “bị động bất ngờ”! Bất ngờ như sự kiện súng nổ ở Yên Bái ư? Hay bất ngờ chuyện “chúng nó” ung dung xách cặp lên máy bay đi chữa bệnh hay đi nghỉ mát khi đã thuộc diện phải “xử lý”! 
Xem ra hình như ai đó cần mũi súng hướng về chỗ khác cần kíp hơn là chĩa về phía kẻ thù cướp nước đang trắng trợn diễu võ giương oai trên Biển Đông, mà sát sườn hơn, chúng đang xây đắp căn cứ trên những đảo thuộc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc ta mà chúng vừa ăn cướp được. Trong lúc làm những điều đó thì chúng vẫn đang nói những lời đường mật bịp bợm một cách thật bài bản, lên bổng xuống trầm, rồi người Việt Nam đồng cấp của chúng vui vẻ phụ họa theo, ngoan ngoãn, thành khẩn. 
Hay là những vấn đề quốc gia đại sự chỉ có thể mật bàn cho nên các cái đầu lớn quyết “thiên cơ bất khả tiết lộđạo pháp bất truyền lục nhĩ ” chăng? 
Nhưng trong thời buổi Internet nối mạng toàn cầu, một chuyện vặt ở nơi thôn cùng ngõ vắng hay một góc nhỏ nơi hẻm phố tối tăm cũng có thể có những con mắt săm soi và nếu thấy hứng chí thì phóng ngay lên mạng cho cả bàn dân thiên hạ đều hay thì những đại sự chốn thâm cung bí sử cũng khó mà không “bốc hơi” chút đỉnh. Khốn nỗi, một số “thông tin vỉa hè” có khi lại làm chỗ dựa tin cậy cho một số nhà báo chính thống để “mông má” hoặc “đánh bóng mạ kền” bài viết của mình mà chinh phục độc giả. Không chỉ thế! Tin đồn cứ khơi khơi như vậy, nhưng đến khi có công bố chính thức thì kiểm lại thấy đúng đến 80-90%, đương nhiên, cũng nhiều khi tóe loe ra là tin vịt. Thì cứ nhớ lại cái trang mạng nọ hiện diện rất chi là “cập nhật” thời các Hội nghi Trung ương dẫn đến Đại hội 12 cũng luận ra được những chuyện “thiên cơ bất khả lậu” đấy chứ. 
Một khi mà mọi chuyện cứ tù mù ở chốn thâm cung bí sử thì tin vỉa hè, tin trên mạng đóng vai trò định hướng dư luận chứ không phải những bài viết tràng giang đại hải trên các trang báo chính thống, nhất là chính thống loại một mà dân mạng gọi là “siêu chính thống”. Những chuyên gia săn tin chỉ việc đảo ngược lập luận của những luận điểm “bom tấn”, “bom tạ” trên các trang đó là thấy ra ngay ở cấp cao nhất người ta đang e ngại chuyện gì và dân tình thì đang nghĩ gì. Đấy là chưa nói cứ chịu khó thống kê tần suất những lời vàng ngọc nhai đi nhai lại trên các diễn văn, các lời huấn thị, các câu rao giảng thường phô trên báo, trên đài cũng lờ mờ hiểu ra được người phải gánh vác trọng trách lèo lái con thuyền đất nước đang nghĩ gì, toan tính những gì. Toàn những lời chỉn chu, đúng ngữ pháp, đúng văn phong theo một khuôn thức đã đúc sẵn chẳng khác mấy với mươi, hai mươi năm, thậm chí ba, bốn mươi năm trước đây (ngoại trừ những lời buột miệng không do viết sẵn để đọc mà những tay cắc cớ xếp vào danh mục “phát ngôn ấn tượng”). 
clip_image002
Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?(23.11.2016) 
clip_image004
Bộ trưởng nhai cá Formosa để trấn an lòng dân (30.4.2016) 
Cũng chính vì thế mà dân tình mong nghe được những lời nói trực diện bỗ bã phá bỏ mọi công thức có dáng dấp rất “bụi” kiểu Trump, như cách trả lời phản ứng của Trung Quốc về cuộc điện đàm giữa ông ta và bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan, qua đó nổi rõ một quyết sách, bật lên một lực đẩy có ý nghĩa xoay chuyển tình thế, “đảo ngược thành quả 40 năm của Trung Quốc trong 10 phút” theo cách nói của tờ Daily Beast
Mà đâu là chuyện ngẫu nhiên, tùy hứng. Theo Le Figaro, “Tất cả các cuộc nói chuyện đều đã được lên kế hoạch từ trước. Cuộc điện đàm là hoàn toàn có chủ ý”. Chủ ý đó đã quá rõ. Đài Loan là tử huyệt của Trung Quốc, bấm vào đó sẽ tạo nên phản ứng dây chuyền. Mà rồi cứ xem những quyết định của Trump sau đó như bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại... thì thấy rõ đường đi nước bước của quyết tâm “làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại” của vị tổng thống đắc cử Donald Trump. 
Hoặc gần đây, trong những phát biểu của Trump về Nga, về Châu Âu, về NATO, người nhận ra được có hơi hướng của Henry Kissinger. Cũng có dư luận giới trí thức Mỹ phê phán gay gắt cả Trump và Kissinger và cho rằng với Trump nước Mỹ và thế giới đang bước vào một thời kỳ có nhiều bất định và chưa biết được nó kéo dài bao lâu.  
Ấy thế nhưng vừa rồi chính Trump lại chia sẻ trên Twitter nhận định của ông về nhân vật từng giữ ghế ngoại trưởng Mỹ và cũng là người có ảnh hưởng đến gần như tất cả tổng thống Hoa Kỳ kể từ sau thời Nixon rằng “Một cây cổ thụ đã mục ruỗng. Không nên tưới bón làm gì. Chỉ tốn thời gian”. Một lời nhắn gửi vắn trên Twitter chưa đến 20 từ, nhưng xem ra mang ý nghĩa biểu tượng cho một quyết sách mới làm thay đổi cục diện thế giới từng bị phủ bóng một quá khứ trì trệ cần cởi bỏ. Sẽ còn quá nhiều việc phải làm, nhưng dù sao thì trước hết là cần phải dám và biết từ bỏ cái cũ trì trệ và hư hỏng và dám dấn thân trên một con đường mới. 
Gì thì chưa thể nói hết vào lúc này. Nhưng có một điều chắc chắn là kiểu “đu dây” để tránh một giải pháp “được ăn cả ngã về không” đã phá sản! Thái độ “nửa nạc nửa mỡ” có thể còn tìm thấy chỗ dung thân bởi chính sách “duy hòa” của Obama nhưng sẽ không thể với Trump vì sự quyết liệt không có chỗ cho tiểu xảo lập lờ đánh lận con đen trong đường lối đối nội chi phối chính sách đối ngoại vừa giữ bằng được cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa quái gở gắn vào thị trường vừa đòi hưởng quy chế của một nền kinh tế thị trường đầy đủ! 
Nhắc đến những ví dụ này không nhằm gợi lên một thái độ sùng ngoại, thân Mỹ, bài Trung. Mà chỉ để nói lên khát vọng tìm một lối đi nhằm đưa đất nước thoát khỏi sự trì trệ đã kéo quá dài bởi một thể chế toàn trị phản dân chủ quá cũ nát, quá hư hỏng. Có người đã cả quyết rằng chỉ có thể phá bỏ và làm lại. Đương nhiên, cái mới không đến tự trên trời, nó ra đời trong lòng cái cũ. Nhưng có cái mới nào ra đời lại không khởi đầu từ phá bỏ cái cũ? 
Vấn đề chỉ là phá cái cũ như thế nào, bằng giải pháp nào để xuơng máu của người dân không một lần nữa lại phải đổ ra để lót đường cho lịch sử đi tới. Không thể sao chép những cách làm của thế giới, vì mỗi quốc gia, dân tộc đều có những thuộc tính đặc thù. Nhưng rõ ràng là không thiếu những ví dụ sống động. Vấn đề chỉ là “những người tốt cần liên hiệp lại”. Nhưng ai là người tốt đây? 
Những “đảng viên nhưng mà tốt” ư? Trong câu nói hàm súc chứa đựng một sự phê phán mang tầm đúc kết lịch sử về một sự thật đau đớn và nhục nhã ấy mà những người đảng viên cộng sản có lương tri phải ngậm đắng nuốt cay tự nhận lấy. Những cựu chiến binh từng góp một phần xuơng máu của mình cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước qua ba cuộc kháng chiến nay vẫn ấp ủ trong tim mình ngọn lửa yêu nước, quật cường bất khuất ư? Những trí thức yêu nước thương nòi luôn là người hiểu rất rõ là bộ phận tinh hoa của đất nước thì trong từng giai đoạn lịch sử họ phải đứng ở vị trí nào, phải làm gì cho Tổ quốc cho dù có bị bạc đãi, bị thành kiến, bị đối xử tệ hại vẫn không xóa đi được phẩm cách trí thức của họ ư? 
Và thế hệ trẻ. Một lớp trẻ sản phẩm của thời đại văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức này đang thực sự là một lực lượng hùng hậu, tích tụ trong đó một nguồn năng lượng mà khi được khởi động đúng cách sẽ làm nên chuyện dời non, lấp biển. Khi thế hệ trẻ này hành động, họ có dủ lực làm đầu tàu kéo theo một đông đảo những người lao động ở đô thị, trong khu công nghiệp, ở nông thôn trong những mô hình trang trại với cách làm ăn mới. 
Xin trở lại một chút về chuyện “đảng viên nhưng mà tốt” để làm rõ từ bình diện lý luận. Có một sự thật là “làm gì còn những người cộng sản nguyên nghĩa”, đối tượng để lên án, để phê phán của những người căm thù cộng sản và đối nghịch lại là những người nhân danh cho hệ thống quyền lực đang nắm chặt bộ máy chuyên chính và cả “hệ thống chính trị” thì khẳng định dứt khoát “còn đảng còn mình” và buông một câu thật dại dột “Bỏ điều 4 trong Hiến pháp là tự sát”! 
Trong cuốn sách “Cảm nhận và Suy tư” viết cách nay hai năm, tôi đã có đôi dòng viết về “Giai cấp mới”: “Hạt nhân và cơ sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lực của đảng cũng như của bộ máy nhà nước. Cái đảng từng có lúc là một tổ chức sinh động đầy sáng kiến, thì nay đối với những người cầm đầu của giai cấp mới, đảng đã biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ của mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới và đẩy những người còn tin vào lý tưởng ra” (Milovan Dijlas, “Giai cấp mới”). 
Trong thực tế, khái niệm “cộng sản” chỉ còn là cái áo khoác ngoài rách nát cho một nhóm quyền lực từ thấp đến cao mượn ngôn từ “cộng sản” để tiện bề lừa bịp những người nhẹ dạ hoặc không có điều kiện tiếp nhận thông tin ngoài những chiếc loa tuyên truyền từ phường cho đến trung ương được ngày đêm mở hết công suất. Dân có thể kể ra vanh vách giá cả của một chức danh, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất. Mọi cái ghế quyền lực đều có thể mua bằng tiền. Mà mua bằng tiền chưa được thì mua bằng tiền nhiều hơn. 
Cho nên, nếu còn có những đảng viên nào đónhững người còn tin vào lý tưởng” của buổi họ đứng vào hàng ngũ chiến đấu cứu nước dưới ngọn cờ dân tộc mà Đảng đã giương cao, xem đó là lý do quyết định nhất, quan trọng nhất cho tuổi trẻ dấn thân của họ thì cho đến hiện nay họ đã “bị đẩy ra ngoài” khi mà họ “đã đi trọn con đường mà một đảng viên cộng sản có thế đi” (Milovan Dijilas). 
Khi nêu lên một khẩu hiệu mà thoạt nghe đúng là nhuốm màu ảo tưởng “những người tốt hãy liên hiệp lại”, tôi xếp lên trước những “đảng viên nhưng mà tốt” là để diễn đạt trọn vẹn cái logic về việc chọn giải pháp nào khả thi nhất cho sự phá bỏ cái cũ và xây dựng cái mới. Ngoài những người “bị đẩy ra ngoài”, tôi tin rằng không thiếu những người đang náu mình ngay trong hệ thống quyền lực để chờ ngày hành động. Những tấm gương của Trần Xuân Bách, Trần Độ đã dạy cho họ bài học. Để nhìn về phía trước, những người trí thức thường được xem là bộ phận tinh hoa của đất nước lại càng cần chọn cho mình một hướng đi trong cái thế giới đang biến động dữ dội này. 
Với người bi quan thì họ phàn nàn về cơn gió, người lạc quan thì chờ đợi nó đổi chiều, nhưng có lẽ chủ động và có triển vọng hơn cả là biết cách điều chỉnh cánh buồm sao cho hứng được đúng lúc cơn gió thổi mạnh nhất. Dù sao thì xác định phuơng hướng là điều mang ý nghĩa quyết định. Vì không có phương hướng thì cũng không có cuộc sống. Cuộc sống của mỗi cá nhân, cuộc sống của cả dân tộc. Năm 2017 đang mở ra với những thử thách cam go và những đợi chờ sáng sủa. 
Bao giờ cho cả gió lên?
Ngày 1.1.2017
T. L.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.