Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Loa Phường


Loa Phường


Theo:nhabaotudo.com

HOÀNG ĐINH ĐỨC

Nhà báo
WEBSITEHÀ NỘI
Loa phường
Những năm trước, tôi sống ở một phường ngoại thành Hà Nội. Mỗi buổi sáng, thứ báo hiệu bình minh cho tôi là hai âm thanh: tiếng rao của người bán vôi và tiếng loa phường.
Bây giờ tôi đã chuyển sang sống ở chung cư. Tiếng rao của người bán vôi tôi vẫn nhớ. “Vôi bột vôi cục vôi chất lượng cao đây...” - một câu liền mạch nhiều tiết tấu, lặp đi lặp lại, lúc xa lúc gần khi cái xe bò chở vôi đi xuyên qua những con ngõ. Địa bàn phường vẫn còn nhiều đất nông nghiệp, và vôi là một loại nguyên liệu quan trọng cho cây trồng.
Còn loa phường, nặn óc mãi không nhớ được đã nghe gì từ nó. Đoán thì được, vì nội dung loa phường nào cũng giống nhau. Danh sách ứng viên hội đồng nhân dân, danh sách nhập ngũ, thông báo cắt điện hay là lịch tiêm chủng... Nhưng bảo rằng nhớ ra một câu gì chiếc loa đã nói, thì chịu. Tôi nghĩ nhiều người bây giờ bảo nhớ lại một nội dung từ cái hệ thống truyền thông ấy, cũng chịu.
Có lẽ chuyện chỉ đơn giản, là tiềm thức của tôi không thể nói dối. Tiếng rao của ông bán vôi, mặc dù chỉ có mỗi một câu lặp lại qua ngày tháng, nó vẫn hàm chứa cảm xúc, và thông điệp rõ ràng. Tôi thậm chí còn chưa bao giờ nhìn thấy ông bán vôi ấy, nhưng luôn tưởng tượng ra được một người đàn ông ngồi một cái xe máy cũ, kéo một cái xe bò lấm lem màu trắng chạy quanh làng. Thậm chí bây giờ nghĩ lại, còn tưởng tượng ra cả bình minh, ra những gốc cây chờ được bón vôi ngoài ruộng.
Còn loa phường, tưởng rằng nội dung truyền tải rất ghê gớm, toàn những nghị quyết hay hướng dẫn nghiêm trọng. Nhưng nó không cùng đẳng cấp với ông bán vôi: nó không phải là một cuộc giao tiếp. Nó không phải là loại hình “phát thanh” mà các đồng nghiệp của tôi thực hiện ở VOV. Người ta không đầu tư cho loa phường đến thế. Họ chỉ đơn giản là đọc lại văn bản bằng một chất giọng đều đều. Và văn bản thì không phải là văn nói.
Mất kiên nhẫn nhất là những lúc cái loa ấy đọc tiểu sử của các ứng viên hội đồng nhân dân. Hãy thử trình bày lại giọng đọc ấy bằng văn viết. Sinh ngày mùng chín tháng Tư năm một nghìn chín trăm năm mươi bảy, quê quán Hải Dương, tôn giáo, không, bí danh, không, trình độ học vấn, mười hai trên mười hai, ngày vào Đảng ngày mùng năm tháng tư năm một nghìn chín trăm bảy mươi tám, quá trình công tác, từ năm một nghìn chín trăm tám mươi đến năm một nghìn chín trăm chín mươi ba...
Đôi lúc, cái cách họ đọc “bí danh không tôn giáo không” làm tôi nhớ đến một câu chuyện cười. Về tổng thống một nước nọ đọc khai mạc diễn văn Olympic. Ông ta đứng lên, và đọc dõng dạc năm lần chữ O: “O, O, O, O, O”. Sân đấu im lặng. Một lát sau, thư ký mới bối rối chạy lên kéo tay áo: “Đấy là cái logo Olympic, không cần đọc, thưa ngài”.
Tiềm thức của tôi, cũng như rất nhiều người Việt Nam khác, đã được huấn luyện qua năm tháng để từ chối tiếp nhận thanh âm từ loa phường.
Tôi biết những người đã phải làm bài thi đại học trong thứ âm thanh ấy. Một sự ức chế và khổ sở vô cùng. Tất nhiên, cả những nhà có người ốm, hay thi thoảng là chính tôi sau những đêm đã thức trắng làm việc. Nó hoạt động lạnh lùng và tuần tự như một con rô bốt, từ giờ giấc đến cách thức. 
Loa phường là đại diện cho những tập quán cũ kỹ mà đôi lúc, chúng ta quá lười để “xét lại”. Bạn có thể gặp những biểu hiện ấy ở bất kỳ đâu. Ví dụ trong một bản khai lý lịch rất phổ biến. Bạn nhìn thấy những câu hỏi khiến nhiều ứng viên xin việc ngơ ngác, kiểu: “Trước Cách mạng tháng Tám làm gì? Ở đâu?” hay là “Trong kháng chiến chống Pháp làm gì? Ở đâu?”.
Hoặc tương tự, là văn phong báo cáo, văn phong của biểu ngữ tuyên truyền, văn phong khai mạc, vốn cũng đang dần trở thành những thứ hủ lậu.
Loa phường vốn hình thành trong thời kỳ chiến tranh, khi mà phương thức truyền tin một chiều không thể thay thế và người dân thiếu đói thông tin. Có thể một lúc nào đó trong lịch sử, tiếng loa phát thanh vang lên giữa bình minh là quý giá. Nhưng bây giờ, với rất nhiều phương thức tiếp cận thông tin đa chiều và hiệu quả hơn, nó trở thành một thứ cưỡng bức người nghe.
Bây giờ mới xét lại hiệu quả của loa phường, tôi vẫn nghĩ là quá muộn. Nó có thể được thay thế từ lâu bằng nhiều biện pháp tinh tế hơn.
Thậm chí “loa phường” xứng đáng trở thành một tính từ. Dành cho những hoạt động tuyên truyền không mang tính giao tiếp, nơi người truyền đạt không quan tâm đến cảm xúc của người tiếp nhận.
Có những thông điệp, mà tôi nghĩ giao cho người bán vôi, ông ta sẽ nghĩ ra cách truyền đạt tốt hơn nhiều bộ phận trong hệ thống truyền thông công cộng nước ta bây giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.