Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Hải chiến trên Biển Đông: Châu chấu đá voi

Hải chiến trên Biển Đông: Châu chấu đá voi

bauxitevnWed 11:59 AM


Arnaud Vaulerin, đặc phái viên Libération tại Việt Nam, Libérationngày 03/01/2017 
Thuỵ My dịch
clip_image002
Tàu đánh cá Việt Nam trên đảo Lý Sơn. Ảnh Ben Bohane
Tại quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền, các ngư dân Việt Nam đang ở tuyến đầu, trước các hành vi của Trung Quốc: đánh đắm tàu, giật lưới cá, đánh người thậm chí cả giết người. Hà Nội phải nhỏ giọng vì sợ bị trả thù.

Trên gương mặt sạm đen vì nắng và muối biển, nổi bật lên đôi mắt linh hoạt đầy lo lắng, chăm chú nhìn vào những ngọn sóng nhấp nhô trước mũi tàu. Vi ngồi xổm trên boong chiếc tàu gỗ sơn hai màu xanh trắng. Khoảng ba mươi tuổi, vẻ dứt khoát và bức bối, ngư dân Việt Nam này lẽ ra phải đi biển, nhưng không có mẻ lưới nào sáng nay. Hôm 1/11, bọn Trung Quốc đã cướp hết lưới cũng như lượng cá đánh bắt được, xăng dầu mang theo và đồ dùng cá nhân của toàn bộ 18 thủy thủ trên tàu. 
Anh kể lại bằng giọng nói yếu ớt (*): “Bọn chúng đã lấy hết mọi thứ, cắt đi các dây cáp điện và ăng-ten, giựt lá cờ Việt Nam và quẳng xuống biển, chỉ để lại cho chúng tôi những gì vừa đủ để trở về. Rồi tuy không được yêu cầu, Vi vẫn quỳ lên boong tàu phía trước, hai tay chắp sau gáy, đầu cúi xuống, mô tả nỗi nhục nhã của những cú đánh, những lời sỉ nhục và đe dọa tiếp theo đó.
clip_image003
Tuần duyên Trung Quốc. Ảnh internet
Lúc ấy là bảy giờ sáng, khi một chiếc tàu lớn màu trắng mang cờ Trung Quốc xuất hiện phía sau tàu 96679 – chiếc tàu nhỏ bằng gỗ dài hai mươi mét mà Vi là bạn chài. Chiếc tàu đang đánh cá ở cách đảo Phú Lâm (Woody Island, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) sáu hải lý. Bị Bắc Kinh sáp nhập năm 1956, hòn đảo nhiều cây cối này là đảo có diện tích lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa – mà Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm năm 1974, bất chấp yêu sách có cơ sở của Việt Nam và Đài Loan. 
Thuyền trưởng Bùi Ngọc Thanh nhớ lại: “Những chiếc ca-nô nhỏ chạy rất nhanh đuổi theo chúng tôi. Bảy, tám người leo lên tàu, vũ trang gậy gộc và dùi cui điện. Họ tập trung các thủy thủ trên boong tàu, rồi đánh đập anh em rất tàn nhẫn cho đến tận trưa. Hôm sau, bọn chúng quay lại và tấn công một chiếc tàu cá Việt Nam khác, các ngư dân này cũng chịu chung số phận với chúng tôi. Để không phải trở về tay không, ông Bùi Ngọc Thanh đã mượn một chiếc lưới. Rồi ông quay về Lý Sơn, hòn đảo lớn duy nhất còn do Việt Nam kiểm soát ở ngoài khơi Quảng Ngãi.
clip_image004
Ảnh vệ tinh do CSIS công bố ngày 13/12/2016 cho thấy Trung Quốc bố trí vũ khí trên Đá Xu Bi.
Hạm đội và côn đồ
Suốt ba mươi năm hành nghề đánh cá, không phải là lần đầu ông chủ tàu vạm vỡ có khuôn mặt chữ điền bị Trung Quốc bức hiếp. Các ngư dân đã tập làm quen với những gì gần như thành thông lệ. Anh Vi nói: “Thật khó đưa ra một con số cụ thể, nhưng tôi cảm thấy từ ba, bốn năm qua ngày càng có nhiều vụ tấn công hơn. Khác biệt lớn nhất hiện nay là họ có mặt khắp nơi, sử dụng vũ lực, và có thể nói với ông là không phải tất cả đều ra biển để đánh cá.
Những năm gần đây, vào lúc Bắc Kinh bắt đầu đào đắp và bê-tông hóa vô tội vạ các rạn san hô, đảo đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã tung ra các hạm đội và bọn côn đồ trên Biển Đông, nơi họ muốn kiểm soát, cùng với nguồn lợi hải sản và dầu khí. 
Trên bến cảng Lý Sơn, chúng tôi gặp ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá của huyện đảo. Trước ly cà phê đen sánh, ông nhẩm lại: “Từ năm 2014 đến nay, có ít nhất 18 tàu cá đã bị Trung Quốc đánh đắm tại Hoàng Sa. Tất cả những tàu mà ông trông thấy tại bến cảng này đều đã từng là nạn nhân: bị húc, bị cướp hay bị tấn công ít nhất một lần, dù nặng hay nhẹ. Người đàn ông nhỏ nhắn, trầm tĩnh đóng vai nhà hòa giải trong số 3.100 ngư dân ở Lý Sơn: “Không có tâm lý hận thù người Hoa ở đây.
Hòn đảo này là một loại hậu cứ hướng về Hoàng Sa. Nguyễn Quốc Chinh đã tập hợp tài liệu về “những chiến thuật và các vụ tấn công. Ông nói: “Khi chúng tôi đến vùng biển Hoàng Sa, trước hết là các phi cơ trinh sát bay vần vũ trên đầu. Hai tiếng đồng hồ sau, các tàu lớn ập đến. Những ngư dân giả hiệu ấy tấn công chúng tôi bằng các mũi tàu bọc thép, các chiến hạm trang bị hùng hậu, và lực lượng dân quân bán quân sự. Bọn họ xông vào cắt đi những tấm lưới, kẹp chúng tôi vào giữa và phá hủy mọi thứ một khi tràn được lên tàu. Cuối cùng, ngư dân trên tàu bị ba, bốn thủy thủ trang bị súng máy chĩa súng vào người, không cho ghi hình.
Những kẻ tấn công buộc ngư dân Việt phải ký vào những tờ giấy nhận tội đã “vi phạm lãnh hải Trung Quốc” – theo họ, rồi bị lấy dấu tay.
clip_image005
Ngư dân Lý Sơn. Ảnh André Menras
Chính quyền nhịn nhục
Đôi khi sự việc diễn biến xấu đi. Hôm 28/11, một ngư dân Việt bị một tràng liên thanh từ súng AK bắn chết ngay trên biển. Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nhìn nhận “có khoảng sáu ngư dân bị giết chết và hàng mấy chục người khác bị thương kể từ năm 2014, và từ khi Bắc Kinh bắt đầu đào đắp đại quy mô trên Biển Đông. Tại thủ đô Hà Nội, chính quyền tỏ ra dè dặt, lo ngại nếu mở chiếc vung cho bất mãn nổ ra sẽ không thể đóng lại được. 
Nhà sử học Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội ở Đà Nẵng, khẳng định: “Chính quyền tuy vậy có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, và thậm chí đã chuẩn bị kiện Trung Quốc ra tòa. Nhưng Hà Nội vẫn còn duy trì quan hệ mạnh mẽ về ý thức hệ, và rất sợ phản ứng dữ dội của Bắc Kinh, sợ bị trả đũa về kinh tế. Việt Nam quá bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
Sự thận trọng, nếu không nói là bỏ lửng, thích ứng với hoàn cảnh đôi khi giống như một trận hải chiến bí mật và lặng lẽ, gây phẫn nộ đến đỉnh điểm về phía ngư dân. Chỉ đọc trên báo thôi, mà ông André Menras, một nhà tranh đấu Pháp cũng mang quốc tịch Việt Nam, đã đưa ra con số “có ít nhất 2.000 nạn nhân đủ loại kể từ năm 2002. Số liệu này chỉ phản ánh một phần nhỏ các vụ tấn công của Trung Quốc.Người đàn ông tuổi lục tuần nói tiếp: “Rất nhiều ngư dân đã kiệt quệ, một số người còn bị đòi tiền chuộc. Một ngày nào đó, sẽ có một người trong số họ phải quẳng lựu đạn vào người Trung Quốc cho xem.
clip_image006
Ảnh André Menras
Huỳnh Văn Khanh không mong muốn một sự trả thù như thế. Nhưng sau những lời giải thích ôn hòa ban đầu, anh vung tay lên, để cho cơn giận bùng nổ: “Tôi thù, tôi hận! Chúng tôi bị tấn công, bị mất hết tài sản, tôi có cảm giác bị bỏ rơiNgười thuyền trưởng 35 tuổi tiếp chúng tôi sáng nay tại nhà riêng ở làng Bình Châu tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam. Anh sợ bị nhận diện và gặp rắc rối với người Trung Quốc, nhưng sự phẫn nộ và nhu cầu làm chứng nhân đã mạnh hơn nỗi sợ bị trả thù. 
Hôm 9/7, anh đang đánh bắt ở Hoàng Sa cạnh một tàu cá khác, khi các tàu lớn của Trung Quốc lao vào, gây nên một cuộc hải chiến mini và cuộc truy đuổi người Việt trong khoảng mười hai tiếng đồng hồ. Trong cuộc hỗn chiến, chiếc tàu cá bạn đụng phải đá ngầm và bị đắm. Huỳnh Văn Khanh kể lại: “Phía Trung Quốc cấm chúng tôi cứu các ngư dân tàu bạn. Chúng tôi phải đợi đến khi trời tối, những kẻ tấn công đã bỏ đi để cứu vớt các thủy thủ đang trôi dạt trên biển.
Thuyền trưởng chiếc tàu bị chìm xác nhận điều này. Nghịch lý thay, Võ Văn Lưu lại tỏ ra bình tĩnh hơn người bạn. Mỏi mệt và tin nơi số mệnh, anh kể rằng trong ba mươi năm hành nghề anh đã bị đánh đập, nhiều lần bị mất số cá đánh bắt được cũng như ngư cụ, bốn lần tàu bị đâm suýt chìm.Nhưng ông biết đấy, chúng tôi sống bằng nghề đánh cá. Chúng tôi ngày càng phải đi xa hơn để đánh được cá, chứ không có chọn lựa nào khác. Hơn nữa, chính quyền khuyến khích chúng tôi hành nghề tại Hoàng Sa nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia.
clip_image007
Những chuyến ra khơi đầy hiểm nguy. Ảnh André Menras
Cảm giác bị bỏ rơi
Thật ra chính quyền cũng cố gắng bồi thường cho các nạn nhân, nhưng chẳng thấm vào đâu. Võ Văn Lưu cho biết đã nhận được số tiền tương đương 11.300 euro và những món trợ giúp khác, nhưng quá ít để có thể mua lại được một chiếc tàu, mua ngư cụ và tiến hành chiến dịch đánh bắt kéo dài cả tháng. Chỉ một chuyến đi biển như thế đã phải cần có 9.000 euro để trả lương, mua dầu nhớt và lương thực cho thủy thủ đoàn 12 người. Hầu hết cảm tưởng bị bỏ rơi là từ đó mà ra. 
Người ngư dân phẫn nộ Huỳnh Văn Khanh nói tiếp: “Chúng tôi không có phương tiện. Khi trông thấy số lượng tàu và các trang bị của Trung Quốc, tôi nhận rõ rằng ngư dân Việt chẳng thể làm gì được.
Tại trụ sở lực lượng cảnh sát biển vùng hai ở Kỳ Hà tỉnh Quảng Ngãi, Đại tá Trần Văn Dũng khẳng định “làm tối đa để các ngư dân có được các điều kiện an ninh tốt nhất”. Ông đưa đi thăm các thiết bị cầu cảng nằm rải rác giữa những rặng thông và cồn cát, cách rạn san hô gần nhất của Hoàng Sa ba tiếng đồng hồ. Vị đại tá không giấu giếm “những thử thách gây ra từ các tàu lạ vi phạm luật pháp quốc tế, đi vào vùng biển của Việt Nam. Ông không bao giờ nói “tàu Trung Quốc, mà luôn gọi “tàu lạ. Ông coi “ngư dân là những chiến sĩ trên biển, có nhiệm vụ khẳng định chủ quyền đất nước, và chuyển tải các thông tin. Trong tiếng Việt người ta gọi là “bám biển.
Nhưng chỉ cần liếc sơ tấm bản đồ, xem qua những lực lượng hiện diện là có thể hiểu được tình hình. Cảnh sát biển phải giám sát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và phía Bắc Trường Sa, một vùng biển rộng mênh mông như thế mà chỉ có 20 chiếc tàu đảm trách. Ngô Công Quý, thuyền trưởng chiếc tàu cứu hộ mới tinh mang số hiệu 4037 nhận định: “Để làm tốt nhiệm vụ, chúng tôi phải có ít nhất 60 tàu. Ngư dân có lý khi trách móc chúng tôi thiếu phương tiện. Khi trên biển có vấn đề, chúng tôi cho hai tàu chạy đến và phải đối mặt với 35 chiếc khác.
Với hạm đội của mình, Bắc Kinh sẽ chiếm thế hoàn toàn thượng phong trong một trận hải chiến khốc liệt với Việt Nam. 
A. V. 
(*) Gặp trong một chuyến đi thực tế do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cho báo chí. 
Tựa gốc: Hải chiến trên Biển Đông 
Dịch giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.