Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Tổng thống Chín Nút

Tổng thống Chín Nút

bauxitevnSun 12:37 PM

Ngô Nhân Dụng
Nói cho cùng, sức mạnh của nước Mỹ không phải vì họ có những ông Tổng thống tài giỏi tuyệt vời. Sức mạnh đó nằm trong tay người dân. Tất cả chỉ nhờ họ sống trong một xã hội tự do, tôn trọng luật pháp, và trước pháp luật ai cũng có cơ hội bằng nhau. Dân Mỹ chỉ cần tự lo mưu sinh, lo thăng tiến cho chính bản thân và gia đình họ, làm những công dân lương thiện. Họ còn dồn năng lực vào những mục tiêu cá nhân đó, họ sẽ làm cho nước Mỹ giàu mạnh. Một thanh niên Mỹ không phí thời giờ “phấn đấu vào đảng” với hy vọng hưởng các đặc quyền suốt đời. Chính quyền không dùng hàng triệu người làm công việc đi dò thám, bắt bớ, vì sợ dân gặp nhau chỉ trích nhà nước. Hàng triệu người không đi làm mật vụ, công an. Họ đi học, đi làm và mưu lợi, giúp cho kinh tế thịnh vượng, chứ không chỉ lo đi hăm dọa, đòi người khác hối lộ mình!” 
Tác giả Ngô Nhân Dụng có cách ví von rất hay về việc người dân Mỹ không ngưỡng vọng gì một ông Tổng thống tài năng tầm tầm như Donalt Trump. Nhưng ông hơi nhầm khi nghĩ rằng các lãnh tụ bên xứ sở độc tài hễ người nào lên ngôi là được dân tung hô và tin tưởng. Bây giờ không thế nữa đâu ông ạ. Ngẫm ra, ở nước Việt Nam cộng sản từ nhiều thập niên nay rồi, mỗi ông lĩnh tụ lên đều nhận được một danh xưng do dân gian đúc kết, rất đúng với thực chất tài năng tư cách của các ông ấy; nào ông Tổng Mạnh là “ông cây gì con gì”, nào ông Tổng Trọng là “ông lú”..., và những danh xưng này nghiễm nhiên được lan truyền công khai trên mọi cửa miệng cũng như trên các mạng xã hội, xem ra cũng chẳng khác với nước Huê Kỳ bao nhiêu; chỉ có nếu muốn truất các ông ấy đi thì không có luật, mạng lưới an ninh lại quá khủng khiếp, nên cũng đành chịu đựng cho hết khóa mà thôi. 
Có một điều mà ông Ngô Nhân Dụng không nói đến trong bài viết của mình nên chúng tôi phải mượn một bài khác của ông Jennifer Keishin Armstrong đặt vào phần phụ lục. Đó là ông D. Trump là tay cực kỳ láu cá trong việc lợi dụng ảnh hưởng của truyền hình. Từ những vai rất hề trong các bộ phim tập ăn khách được lựa chọn đúng “điểm nhấn” mà ra mắt công chúng, mặc dù chẳng phải là diễn viên tài giỏi gì, bỗng chốc Trump cấy được vào trong não trạng giới bình dân vốn xem nhiều loại phim vô thưởng vô phạt này để giết thì giờ trước khi đi ngủ, cái ấn tượng về một “lão Trump đầy năng lực”, dần dần trở thành “Trump có uy”, rồi cuối cùng thì... lên ngai Tổng thống. Âu đấy cũng là một kinh nghiệm mà các ngài CS phải học đấy. Vì từ nay trở đi các ngài ấy sẽ tranh chấp trong các phe phái nội bộ quyết liệt không kém gì cuộc tranh chấp giữa Hilarry Clinyon và D. Trump đâu. Nhưng tranh chấp không phải bằng tài – còn lấy đâu ra tài – mà bằng mánh lới. Mánh lới tốt nhất trước công chúng là “diễn” (tuy không cần công chúng nhưng cũng phải nhập vai để khỏi lộ, bị dội ngược cũng có thể ngã chỏng gọng, biết dâu đấy). Tất nhiên “diễn” phải được phe phái tung hô, và bên trong hậu trường thì khả năng đấu đá phải được xếp vào hạng A1. 
Bauxite Việt Nam

Những người ủng hộ ông Donald Trump sẽ vui mừng. Ông đã trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, có thể gọi là Tổng thống Chín Nút! Nếu số 9 là số hên cho ông Trump, thì nước Mỹ sẽ được hên lây! Thời Tổng thống Ronald Reagan (ông từng ngủ gật trong lúc đang họp với các Bộ trưởng), có nhà bình luận Mỹ đã bàn rằng thực ra chính các vị Tổng thống cũng chẳng làm được chuyện gì ghê gớm, cho nên tốt nhất là dân Mỹ nên bầu cho những người có số đang may mắn. Ông hay bà ta gặp vận hên thì cả nước cũng hên! 
Dân Mỹ có thể đem ông Tổng thống, và cả ngôi vị Tổng thống, ra đùa cợt mà không sợ bị còng tay, cũng không lo bị người chung quanh chê trách hoặc đả kích. Sống tự do hơn 200 năm, đã nhìn thấy 44 người thay phiên nhau ngồi ở Tòa Bạch Ốc, có người giỏi, có người kém, nhưng đa số cũng chỉ là những người bình thường như mình, người Mỹ không có thói quen coi ông Tổng thống của nước họ là một nhân vật “vĩ đại” hay “siêu phàm,” nhất định không! Người Mỹ không tôn thờ cá nhân các “lãnh tụ” như các nước độc tài vẫn bắt dân phải thờ. Họ cũng không coi Tổng thống là ngôi vị cao quý, thiêng liêng như các ông Hitler hay Stalin được văn nô nịnh thần sùng bái (Hoan hô Stalin – đời đời cây đại thọ – rợp bóng mát hòa bình – đứng đầu sóng ngọn gió – Tố Hữu). 
Có một thứ dân Mỹ tôn trọng, đó là chế độ dân chủ của họ, ghi trong Hiến pháp. Nói “chế độ dân chủ” nghe hơi trừu tượng, còn có vẻ ghê gớm lắm. Phải nói rõ hơn là bốn chữ “chế độ dân chủ” ở đây cũng bình thường, nó chỉ là “những thủ tục” quyết định ai sẽ làm Tổng thống, qua những cuộc bỏ phiếu như thế nào. Cũng giống như luật đi đường bắt người ta phải lái xe như thế nào. Dân Mỹ tôn trọng những thủ tục quy định cách người dân tự do lựa chọn Tổng thống, cũng như họ tôn kính cái đèn đỏ (thấy nó là phải ngừng xe lại, đọc kinh Kính Mừng hay niệm Phật càng tốt!). Ông Trump có thể thua bà Hillary Clinton ba triệu phiếu của các cử tri, nhưng ông thắng cử theo đúng những thủ tục bầu Tổng thống Mỹ qua cử tri đoàn đại diện các tiểu bang. Do đó, ngày hôm nay, mọi người gọi ông là Tổng thống Trump. Sau khi làm lễ tuyên thệ cho ông Trump xong, Chủ tịch Tối cao Pháp viện John Roberts bước tới bắt tay ông nói: Chúc mừng “Ông Tổng thống!” Tất cả đã thay đổi! Từ một công dân bình thường, giờ phút này ông Donald Trump thành Tổng thống! Ông Roberts là người đầu tiên chính thức gọi ông Trump là “Ông Tổng thống” trước khi vợ, con ông gọi. Điều này không ghi trong Hiến pháp, nhưng đó là một tục lệ được mọi người tôn trọng. 
Với lời chúc mừng đó, nước Mỹ bước vào một giai đoạn mới. Lần đầu tiên kể từ năm 1928, Đảng Cộng hòa bắt đầu nắm quyền hành pháp và chiếm đa số cả hai viện lập pháp trong cùng một năm. Và trong năm nay sẽ đề cử thêm một thẩm phán Tối cao Pháp viện để có 5 trên 9 vị Thẩm phán do Đảng Cộng hòa đề bạt! Cả một gánh nặng trách nhiệm, hơn 300 triệu dân sẽ phán xét! 
Đừng quên rằng trong một năm tranh cử vừa qua ông Trump đã nhiều lần đả kích ông Roberts, với những tiếng rất nặng nề! Vì ông Roberts do một Tổng thống Cộng hòa đưa lên mà lại hai lần bỏ phiếu duy trì đạo luật Obamacare, một đạo luật đảng này đang thề sẽ xóa bỏ! Thẩm phán Kennedy cũng tương tự! Chuyện này cho thấy truyền thống độc lập của các vị Thẩm phán nước Mỹ rất mạnh; người Mỹ họ kính trọng Hiến pháp là phải! Cho nên, khi một người đã đắc cử Tổng thống Mỹ theo đúng luật lệ, thủ tục, thì tất cả những chuyện khen, chê, yêu, ghét, không còn thay đổi gì được nữa. Bao nhiêu chính khách Đảng Cộng hòa bị ông Trump loại ra ngoài vòng chiến, cho tới bà Clinton bị thua cay đắng, và cả ông chồng bà, cũng đều tới dự lễ tuyên thệ của ông Trump và bắt tay vị Tổng thống mới. 
Năm nay là lần thứ 58 người Mỹ tổ chức một buổi lễ tuyên thệ Tổng thống, một sự kiện được ông Ronald Reagan nhận xét khi tuyên thệ năm 1981, là nó vừa “tầm thường” vừa “kỳ diệu như phép lạ”. Thượng nghị Sĩ Roy Blunt đã nhớ đến lời Tổng thống Reagan, và nhắc lại cuộc chuyển giao quyền hành giữa vị Tổng thống thứ hai và thứ ba của nước Mỹ. Ông George Washington chuyển giao cho ông John Adams không có gì đặc biệt, vì ông Adams đắc cử khi đang làm Phó tổng thống. Nhưng đến lượt ông Adams trao quyền cho ông Thomas Jefferson năm 1801, sau hai lần tranh cử gay go và đấu đá nhau cay cú không khác gì năm 2016, thì “phép lạ” chuyển giao quyền hành thật sự bắt đầu. Năm 1796, hai ông tranh chức Tổng thống lần đầu, ông Adams thắng, ông Jefferson thua trở thành Phó tổng thống. Năm 1800, đấu lần nữa, ông Jefferson chiếm đa số. Ông Roy Blunt nhận xét: “Đúng vào năm tháng đó, khi quyền lực được chuyển giao một cách hòa bình giữa hai đảng chính trị, mặc dù họ đã tranh đấu với nhau một cách dữ dội, nước Mỹ đã cho thế giới thấy ý nghĩa và sức mạnh của thể chế dân chủ!”. Đối với dân Mỹ thì nó đã trở thành bình thường. Nhưng nhiều dân tộc còn đang ước ao được sống theo lối đó! 
Một điều kỳ diệu trong xã hội dân chủ là người ta không cần ai “vĩ đại” mới được làm Tổng thống. 
Nói cho cùng, sức mạnh của nước Mỹ không phải vì họ có những ông Tổng thống tài giỏi tuyệt vời. Sức mạnh đó nằm trong tay người dân. Tất cả chỉ nhờ họ sống trong một xã hội tự do, tôn trọng luật pháp, và trước pháp luật ai cũng có cơ hội bằng nhau. Dân Mỹ chỉ cần tự lo mưu sinh, lo thăng tiến cho chính bản thân và gia đình họ, làm những công dân lương thiện. Họ còn dồn năng lực vào những mục tiêu cá nhân đó, họ sẽ làm cho nước Mỹ giàu mạnh. Một thanh niên Mỹ không phí thời giờ “phấn đấu vào đảng” với hy vọng hưởng các đặc quyền suốt đời. Chính quyền không dùng hàng triệu người làm công việc đi dò thám, bắt bớ, vì sợ dân gặp nhau chỉ trích nhà nước. Hàng triệu người không đi làm mật vụ, công an. Họ đi học, đi làm và mưu lợi, giúp cho kinh tế thịnh vượng, chứ không chỉ lo đi hăm dọa, đòi người khác hối lộ mình! 
Vì thế một ông Tổng thống nếu tài giỏi thì dân được nhờ chút đỉnh, mà nếu có kém cỏi thì cũng không gây tai hại bao nhiêu. Ai cũng có thể làm Tổng thống! Một chủ nông trại trồng đậu phộng như ông Jimmy Carter, một tài tử chiếu bóng hạng nhì như ông Ronald Reagan, con của một người da đen từ Kenya sang Mỹ học rồi lại trở về nước như ông Barack Obama, mấy người đó đã trở thành Tổng thống Mỹ. Gần cả đời, ông Donald Trump cũng chẳng thuộc Đảng Cộng hòa, trước đây một năm không mấy người nghĩ ông sẽ thay mặt đảng ra tranh cử, càng ít người nghĩ rằng tham vọng làm Tổng thống của ông là chuyện đứng đắn! 
Nghe bài diễn văn nhậm chức của ông Trump thì những nhà lý thuyết chính trị và Giáo sư triết học sẽ thất vọng. Ông không nêu lên một tư tưởng nào sâu xa, cũng không lớn tiếng thề thay đổi lịch sử! Ông chỉ lặp lại đúng những lời hứa và khẩu hiệu đã hô lớn trong thời gian tranh cử. Mà cũng chẳng nói thêm cho biết ông sẽ làm cách nào để thực hiện các lời hứa đó. 
Ông Trump tiếp tục đả kích bọn người “dân thủ đô” hưởng thụ mọi thành quả mà không cho dân hưởng. Từ hôm nay, ông cũng sống ở đó. Ông tiếp tục than phiền nước Mỹ chỉ giúp công nghiệp các nước khác lên cao mà ở nước Mỹ thì đi xuống. Không những thế, nước Mỹ đã giúp cho quân đội các nước khác mạnh hơn trong khi quân đội mình giảm sút. Nước Mỹ đã bảo vệ biên giới các nước khác trong khi để ngỏ biên giới của mình! Đã viện trợ hàng ngàn tỉ đô la trong khi hạ tầng cơ sở của mình suy sụp. Bao nhiêu xí nghiệp đem đi nước khác làm hàng triệu người Mỹ mất việc. 
Tóm lại, thông điệp chính của tân Tổng thống Donald Trump là nước Mỹ sẽ quay vào bên trong. Sẽ tăng ngân sách quốc phòng. Sẽ đầu tư vào đường sá. Sẽ bảo vệ hàng nội hóa, giữ công việc làm trong nội địa. Trong cả bài diễn văn ông chỉ nói đến chính sách đối ngoại một lần, ngắn gọn: Củng cố các liên minh cũ và xây dựng liên minh mới. Điều cụ thể duy nhất ông nêu ra là đoàn kết thế giới văn minh chống Hồi giáo Cực Đoan, với lời hứa, “sẽ tiêu diệt chúng hoàn toàn trên mặt trái đất”. 
Những người đã bỏ phiếu cho ông Trump nghe bấy nhiêu cũng thỏa mãn rồi. Đối với một nhà kinh doanh, món hàng nào bán được thì tiếp tục trưng bày, tại sao phải đổi món chỉ để chứng tỏ mình có ý kiến mới? Còn những người Mỹ không bỏ phiếu cho ông Donald Trump (số này đông hơn) thì chắc họ hoài nghi. Nước Mỹ trở thành hùng mạnh trong thế kỷ vừa qua là nhờ đã cổ động tự do mậu dịch khắp thế giới. Lời hứa “Bảo hộ sẽ đem lại thịnh vượng” nếu áp dụng vào thương mại thì trái ngược với tư tưởng dòng chính của Đảng Cộng hòa. Mục tiêu trừ hết các nhóm cực đoan trong Hồi giáo bao giờ mới xong, khi hàng tỷ người theo Hồi giáo vẫn sống nghèo nàn dưới những chế độ bất công và độc tài? Việc tiêu trừ “Hồi giáo cực đoan” thì nước Nga đã đề nghị cộng tác với Mỹ từ ba năm nay, nhưng đổi lại Nga muốn được bành trướng qua mấy nước ở Đông Âu. Nước Mỹ có sẵn sàng trả cái giá đó không? 
Nhưng dù hoài nghi, đa số dân Mỹ cũng mong ông Trump sẽ gặp may mắn và thành công. Ông Tổng thống Chín Nút may mắn thì nước Mỹ cũng may mắn. 
Người ta có thể theo gương Tổng thống George H.W. Bush. Năm 1993, ông để lại một lá thư viết cho tân Tổng thống Bill Clinton trên bàn làm việc: “Bill thân mến,… Ông sẽ là Tổng thống của nước ta khi ông đọc lá thư này. Tôi chúc ông và gia đình ông mọi việc tốt lành. Sự thành công của ông bây giờ cũng là sự thành công của đất nước chúng ta. Tôi sẽ hết sức hỗ trợ ông. George”. 
N.N.D.
Phụ lục

Trump: Từ 'sao' truyền hình giải trí thành Tổng thống

Jennifer Keishin Armstrong /BBC Culture 
clip_image002
Donald Trump trong WWE Raw
Khi Thị trưởng thành phố New York Randall Winston xuất hiện trong loạt phim truyền hình sitcom Spin City tìm lời khuyên về việc viết hồi ký, Donald Trump đã có mặt ở đó. 
Trong lần xuất hiện chớp nhoáng trong một tập phim năm 1998, Trump vênh vang bước vào văn phòng Thị trưởng, ngồi vào ghế của Thị trưởng mà không hỏi trước, và nói rằng việc viết quyển sách "Nghệ thuật đàm phán" và "Nghệ thuật đáp trả" là rất chóng vánh với ông: "Ngày đầu tiên, chín chương". 
Trong một vai diễn khác, trong "The Nanny" (Người giúp việc), Trump là người không chỉ mang theo một, mà những hai chiếc điện thoại di động – hồi 1996. 
Trong phim "The Fresh Prince of Bel-Air" (1994), chỉ riêng sự xuất hiện của ông đã khiến cho thành viên của một gia đình bảo thủ, Carlton, ngất xỉu. 
Những dấu ấn khác trong sự nghiệp làm truyền hình của Tổng thống Hoa kỳ tương lai bao gồm: vào vai người định tiếm quyền ông chủ công ty Worldwide Wrestling Entertainment Vince McMahon trong một trận đấu vật được phát đi trên truyền hình, kết thúc bằng cảnh ông bị hạ đo ván xuống thảm đấu; hỏi nhân vật do Denis Leary trong phim The Job là ông đang "táng" ai, và làm quen với một đại gia lớn tuổi đang tán tỉnh Samantha trong bộ phim "Sex and the City". 
Đó là tất cả những gì xảy ra trước khi Trump bắt đầu sản xuất và đóng vai chính trong chương trình truyền hình thực tế The Apprentice (Người học việc) từ năm 2004, nơi ông xuất hiện với vai trò một doanh nhân thành đạt. 
Trước khi chạy đua vào ghế Tổng thống, Trump đã biết rõ sức mạnh của truyền hình: xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với hình ảnh một tài phiệt thành công rực rỡ, tự kiến tạo kiêu hãnh của bản thân – và xây dựng hình tượng này lặp đi lặp lại – khiến ông ngày càng phù hợp với nhiều người Mỹ hơn bất cứ bản tin báo chí tường thuật nào về sự thành bại của ông. 
clip_image003
NBC Universal
Nhiều lần phá sản và danh tiếng bị hoen ố giữa nhiều người biết hoặc làm việc với ông trong đời hoàn toàn không có ý nghĩa gì ở đây. Một trong những mô tả tiêu cực hiếm hoi trên TV là chương trình châm biếm bắt chước Sesame Street 20015, trong đó Donald Grump, một nhân vật khoác lác, nói rằng "Tôi là đồ rác rưởi nhất!". 
Trump cũng bước chân vào điện ảnh, đã xuất hiện trong các bộ phim Home Alone 2 (Ở nhà một mình, phần 2), The Little Rascals (Bọn trẻ ranh) và một nhân vật hung bạo trong phim Back to the Future (Trở về tương lai) với tên Biff được lấy ý tưởng từ Trump. 
Nhưng truyền hình đã tạo ra "The Donald". 
Trước thời mạng xã hội, truyền hình là cách tốt nhất để thực sự tiếp cận đa số khán giả. Và hình ảnh được xây dựng cẩn thận cho thấy Trump thực sự quan tâm và giỏi định hình ý kiến của công chúng về ông ta hơn bất cứ thứ gì khác. 
John F Kennedy có thể từng là Tổng thống đầu tiên xuất hiện trên truyền hình, nhưng Donald Trump là Tổng thống đầu tiên làm ngôi sao truyền hình thực tế. 
Và có lẽ ông sẽ tiếp tục sử dụng kỹ năng đặc biệt này để tối ưu hóa hiệu ứng là nhà lãnh đạo của thế giới tự do. 
clip_image004

Nghệ thuật kể chuyện

Vai diễn đầu tiên của Trump trên truyền hình là trong một tập hồi 1985 của loạt chương trình Gia đình Jeffersons với tựa đề "Bạn sẽ chẳng bao giờ giàu có" (You'll never get rich), khi các diễn viên trong tập phim đến thăm Atlantic City, nơi Trump có một sòng bạc. 
Nhưng một trong những vai khách mời sớm nhất của Trump xuất hiện trong nguyên mẫu chính ông là trong phim truyền hình The Fresh Prince of Bel-Air, có nội dung ông và Marla Maples, người khi đó đang là vợ ông, được giới thiệu một cách dõng dạc với Will Smith và các thành viên trong gia đình giàu có của ông ở Los Angeles. Người em họ của Will tên Hilary thốt lên trong phim: "Ngoài đời trông ông giàu có hơn hẳn". 
Hình ảnh sau này của Trump về chính ông được xây dựng tương tự theo cách rất kỹ lưỡng. 
Ít nhất một trong những người chạy chương trình truyền hình từng làm việc với ông, nhà sản xuất series "The Nanny" là Peter Marc Jacobson từng tiết lộ với tờ New York Timescách Trump kiểm soát hình ảnh của ông chính xác và kỹ lưỡng ra sao: sau khi đọc một kịch bản từ tập phim của Trump, một trong những từ chỉ ông ta là "triệu phú". 
"Vì ông ấy là tỷ phú," đoạn ghi chú kịch bản viết, "ông ấy muốn đoạn thoại được thay đổi theo nội dung đó." Jacobson đã đổi thành cụm từ không có chủ ý khẳng định là "đại gia". 
Mức độ kiểm soát kỹ lưỡng vai diễn có vẻ không đáng kể gì lắm vào thời điểm chương trình lên sóng, bởi nói chẳng có gì hơn là kiểu xây dựng thương hiệu của một doanh nhân. 
clip_image005
Donald Trump trong The Apprentice
Nhưng nó đạt được hai điều đáng kinh ngạc: đầu tiên, họ thuyết phục được khán giả Hoa Kỳ rằng dứt khoát Trump là một doanh nhân thành đạt với tố chất ngôi sao. 
Thứ hai, đây là phần diễn thử của Trump cho chương trình truyền hình thực tế The Apprentice (Người học việc) sau này, trong đó ông xuất hiện trong vai trò một ông chủ cực kỳ thành công với hàng tá ứng viên trẻ trung, hấp dẫn cầu xin sự công nhận của ông. 
Trump nói với tờ Washington Post rằng ông đã phớt lờ lời khuyên của người quản lý khi ông nhận lời tham gia The Apprentice năm 2004. 
Chương trình này lên sóng vào thời điểm truyền hình thực tế đang ở đỉnh cao, và đã cực kỳ thành công trong một vài mùa đầu tiên, với 20 triệu khán giả đón xem trong năm đầu tiên. 
Tờ The Post nói Trump nhận ra tiềm năng của chương trình này là tiếp cận nhóm khán giả trẻ hơn và ông tìm cách để tên mình xuất hiện trong quá trình sản xuất càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn như, trong rất nhiều cảnh quay chiếc máy bay riêng của ông, từ "TRUMP" được dán đầy bên hông máy bay. 
Ông Trump cũng từng đàm phán để sở hữu 50% cổ phần của chương trình, và mùa đầu tiên của ông thay đổi kế hoạch chọn người dẫn chương trình của công ty truyền hình NBC. 
Trước đó, những tỷ phú như Richard Branson và Martha Steward đã được dự kiến cho các mùa kế tiếp, nhưng sau The Apprentice trở thành chương trình của riêng Trump (một chương trình ăn theo sau đó của Steward đã thất bại nhanh chóng). 

clip_image006

Bệ phóng trở thành tổng thống 

Câu nói nổi tiếng của Trump – "Bạn đã bị sa thải!" – biến ông trở thành người nói thật nổi tiếng của truyền hình thực tế. 
Ông chính là phiên bản Simon Cowell theo một kiểu rất Mỹ, một thông điệp cho thấy sự phê phán đã khiến giới kinh doanh Hoa Kỳ, và vì thế cả nước Mỹ mạnh mẽ hơn và sự làm việc chăm chỉ xứng đáng được tưởng thưởng. 
The Apprentice đã biến Trump từ một nhân vật xuất hiện nhiều trên báo lá cải của thành phố New York trở thành một ngôi sao phim truyền hình ở trung tâm miền Trung Tây – nơi sau đó trở thành khu vực tranh cử chủ chốt của ông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. 
The Apprentice kể từ khi được nhiều người theo dõi đến nay đã mờ nhạt dần, thậm chí ngay cả khi phiên bản mới được thay bằng toàn các ngôi sao mới trong các mùa gần đây. 
Trong thực tế, Trump, dù vẫn còn là nhà sản xuất của chương trình, đã nói móc Arnold Schwarzenegger khi thay thế vai trò dẫn chương trình của ông trong mùa này là không thể thực hiện tốt vai trò của "cỗ máy câu khách, DJT". Lượng người xem sụt giảm, tuy nó đã từng rất nổi tiếng trong những mùa đầu tiên. 
Vào thời gian công bố chạy đua vào vị trí Tổng thống tháng 6/2015, Trump đã chôn vùi những đối thủ trong Đảng Cộng hòa, chủ yếu là nhờ vào các chương trình truyền hình. 
clip_image007
Các bản tin tường thuật sự thất bại của doanh nghiệp của ông hay các cáo buộc lừa đảo từ Đại học Trump cũng không thể sánh kịp với những gì khán giả đã xem qua truyền hình: một thiên tài kinh doanh, một "đại gia". 
Khả năng của Trump trong việc khuấy động một chương trình truyền hình nhàm chán với những hành vi hay bình luận bất ngờ, giờ đây đã được đưa vào chiến dịch tranh cử hết sức dễ dàng, tăng lượng người xem cho các kênh truyền hình cáp tường thuật về ông. 
Sau sự hỗn loạn của cuộc tranh cử của Trump, nhà sản xuất trước đó của chương trình Apprentice, Bill Pruitt bày tỏ sự hối tiếc vì đã đánh bóng tên tuổi doanh nhân này trước công chúng. 
Ông giải thích trong một email gửi cho tờ tạp chí Vanity Fair rằng trong chương trình, "một vài nhà sản xuất thông minh đã lồng ghép một câu chuyện ngụy tạo về một tỷ phú với một đế chế mà trong thực tế là đang đổ nát vào thời điểm ông nhận công việc đó, về lương bổng, quyền sở hữu làm chương trình truyền hình thực tế. Apprentice là một cú lừa công chúng để đổi lấy lượt xem. Chúng tôi đã "mua vui" và câu chuyện về Donald Trump và tầm vóc của ông ta đã được công chúng nhìn nhận một cách kỳ quặc là "sự thật". 
Giờ thì, các thông tin về doanh nghiệp của ông Trump sẽ chẳng có ảnh hưởng là bao với một thực tế còn lớn hơn: đó là người diễn vai "đại gia" trên truyền hình giờ đã là Tổng thống mới của Hoa Kỳ. 
J.K.A. 
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vert-cul-38704388

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.