Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Thay Đổi Đến Từ Đâu?


Thay Đổi Đến Từ Đâu?


Theo:nhabaotudo.com

LÊ NGUYỄN DUY HẬU

a free-thinker
 WEBSITE SÀI GÒN
Thay đổi đến từ đâu?
Cách đây tròn 20 năm, Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố bắt đầu công cuộc "Dân chủ hóa" (Demokratizatsiya) đất nước. Bốn năm sau, không chỉ Liên Xô tan rã mà toàn bộ hệ thống Đông Âu đều "sụp đổ". Lịch sử (tùy nước) từ đó ghi ơn / ghi tội Gorbachev là thủ phạm / ân nhân chấm dứt chiến tranh Lạnh và làm tan rã khối Đông Âu.
Nhưng có hai con người lại ít được nhắc đến hơn mà theo mình đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn lịch sử gay go này.

1. "Tôi không muốn, nhưng tôi phải làm"

Lech Walesa là một thợ thuyền tại xưởng Gdańsk, Ba Lan. Từ năm 1970, Walesa đã tham gia các hoạt động "công đoàn bất hợp pháp", "đình công bất hợp pháp", và đến năm 1976, ông bị xưởng tàu sa thải. Ông cũng là "khách quen" của các nhà tù Ba Lan và thường xuyên bị cảnh sát mật nước này theo dõi, tra vấn. Năm 1980, tình hình kinh tế Ba Lan ngày càng suy yếu và nạn đình công ngày càng tăng. Nó buộc chính quyền độc tài quân sự Ba Lan phải ký một thỏa ước với thợ thuyền tại Gdańsk và cho phép họ được thành lập công đoàn tự do. 
Từ đó, Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarity) ra đời và Walesa được bầu làm chủ tịch. Nó trở thành một lực lượng chính trị chính đối đầu với đảng cộng sản cầm quyền ở Ba Lan. Hàng triệu công nhân Ba Lan gia nhập Công Đoàn Đoàn Kết và những ý tưởng về dân chủ, nhân quyền ngày càng len lỏi vào trong tầng lớp nhân dân Ba Lan. Chính quyền Ba Lan sau đó đã cấm mọi hoạt động của Công Đoàn Đoàn Kết và Walesa tuy đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1982 nhưng không thể đích thân đến dự. Việc bị cấm đoán khiến phong trào Đoàn Kết khó khăn nhưng với tiền đề của một xã hội dân sự Ba Lan được hình thành trong 3 năm ngắn ngủi đã khiến chính quyền độc tài buộc phải thương lượng. Và trong cao trào của cuộc khủng hoảng Đông Âu, Ba Lan là quốc gia đầu tiên buông bỏ chế độ độc tài và tổ chức tổng tuyển cử tự do đầu tiên. Walesa đắc cử Tổng thống năm 1990. Người dân Ba Lan đã có đủ sự tự tin để lấy lại quyền tự quyết của mình.

2. "Quyền lực của không quyền lực"

Láng giềng với Ba Lan là Tiệp Khắc thì có một lịch sử rắc rối hơn. Những mầm mống của phong trào nhân dân đã âm ỷ từ năm 1968 khi xe tank Liên Xô vào Prague để dập tan một cuộc cải tổ đầy tham vọng của tổng bí thư Dubček. Ngay sau đó, các trí thức và nhân sĩ TIệp Khắc, con cháu của những Kafka, Dvorak... đã cùng ký tên vào một bản Hiến chương 77 kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài ở Tiệp Khắc. Một trong những biểu tượng của phong trào này là Vaclav Havel.
Havel là một nhà viết kịch. Ông yêu nghệ thuật và cũng yêu tự do. Ông bất tuân quyền lực độc tài nhưng tin rằng câu trả lời phải đến từ chính nhân dân chứ không phải bất kỳ thay đổi nào từ giới lãnh đạo cấp cao. Hiến chương 77 trước nhất là một lời kêu gọi người dân Tiệp Khắc tìm cách đối thoại với chính quyền độc tài dựa trên tinh thần nhân quyền, dân chủ. Trong suốt 10 năm, người dân Tiệp Khắc âm ỷ bàn luận và cổ vũ cho một phong trào nhân dân nhằm chấm dứt chế độ độc tài ở nước này. Vaclav Havel thì bị cầm tù lẫn bị quản thúc tại gia nhưng các bài viết của ông vẫn được truyền bá ra ngoài một cách phi chính thức. Trong tác phẩm nổi tiếng, "Quyền lực của không Quyền lực", Havel chỉ ra rằng chính nhân dân im lặng là đồng lõa của hệ thống toàn trị và người dân luôn có quyền lực trong tay để chấm dứt hệ thống toàn trị, đó là việc sống cùng với sự thật. Khi người dân sống cùng với sự thật, hệ thống toàn trị mất chỗ dựa và tan rã. Và sự thật sẽ được phơi bày khi người dân có thể đối thoại với nhau, và đó là nền tảng của sự ra đời của một Diễn đàn Công dân (Civic Forum) - một không gian phi chính thức của người dân. Chính kết quả của những trao đổi tại Diễn đàn Công dân đã biến lời tiên tri của Havel thành sự thật vào năm 1989 khi người Tiệp Khắc quyết định về phe sự thật và rung những chùm chìa khóa của mình quảng trường Wenceslas, thủ đô Prague, báo hiệu với chính quyền độc tài và quân đội Liên Xô chiếm đóng rằng thời khắc họ trao trả quyền lực cho nhân dân đã đến. Tháng 12 năm 1989, Havel trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Tiệp Khắc sau Thế chiến thứ 2.
Hai con người có hai xuất thân rất bình dị - một là thợ thuyền, một là kịch giả. Cả hai không có quyền lực trong tay nhưng họ biết cách tìm kiếm quyền lực từ chính nhân dân, chính xã hội dân sự. Hai phong trào của Ba Lan và Tiệp Khắc diễn ra khá êm thấm và cuộc chuyển giao quyền lực hoàn toàn trong yên bình. Giờ đây, Ba Lan, CH Czech và Slovakia (tiền thân là Tiệp Khắc) trở thành hình mẫu của những quốc gia dân chủ hậu-cộng sản. 
Quay trở lại với Liên Xô. Kết quả của cuộc cải tổ do Gorbachev khởi xướng là một cuộc đảo chính quân sự đẫm máu vào năm 1991 do các tướng lĩnh cộng sản lãnh đạo. Cuộc đảo chính thất bại và Boris Yeltsin trở thành tổng thống Nga. Gorbachev tuyên bố Liên Xô tan rã. Nga và các nước cộng hòa ngỡ rằng sẽ được hưởng nền dân chủ nhưng xã hội dân sự nước này chưa bao giờ đủ mạnh, đủ lớn để vận hành tốt nền dân chủ. Để rồi chỉ 9 năm sau thôi, một nhà lãnh đạo của xu hướng độc tài khác lên ngôi và trị vị cùng với những đồng minh của ông trong suốt 16 năm tiếp theo.
Nhiều người tin rằng thay đổi đến từ giới lãnh đạo và chỉ có thể tạo ra thay đổi nếu bạn đứng trên đỉnh cao quyền lực, như những gì Gorbachev đã làm. Nhưng bản thân mình tin rằng thay đổi đến từ nhân dân và lãnh đạo thực chất chỉ là những người phản ánh lại một xu thế chính trị nào đó do nhân dân lựa chọn. Những nhà lãnh đạo tuyên bố sự thay đổi nhưng không có nghĩa là chỉ mình họ tạo ra sự thay đổi. Để thay đổi, không chỉ cần một lãnh đạo biết lắng nghe dân, mà còn phải có nhân dân biết thay đổi và lên tiếng.
Chú thích ảnh: Havel (trái) và Walesa (phải) chụp năm 1990

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.